Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 1/10/2016 13:14'(GMT+7)

Phá lối mòn quảng bá ẩm thực Việt

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Bếp ăn của thế giới”, bao giờ?

Mới đây, Ban vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã chính thức ra mắt. Ban vận động đã đề xuất Bộ VH, TT - DL cho phép thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam nhằm kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân là nhà nghiên cứu, chuyên gia đã và đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ẩm thực trở thành hội viên. Sứ mệnh của Hiệp hội là chung tay xây dựng văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu quốc gia. Đồng thời, tạo tiền đề để phát triển ngành du lịch Việt Nam theo hướng trở thành “Bếp ăn của thế giới”, trong đó trọng tâm là bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của ẩm thực Việt.

Khẩu hiệu “Bếp ăn của thế giới” là gợi ý của Phillip Kotler, cha đẻ ngành marketing hiện đại dành cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng ta mới bắt tay hiện thực hóa ý tưởng của Phillip Kotler thì người Thái Lan đã và đang thực hiện điều này một cách bài bản cũng với khẩu hiệu “Thailand: Kitchen of the World” (Thái Lan: Bếp ăn của thế giới). Đây cũng không phải lần đầu tiên Thái Lan đưa ra chiến dịch quảng bá du lịch với trọng tâm là ẩm thực. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan mới đây đã xúc tiến chiến dịch “Pracharatch” kéo dài 3 tháng với danh sách khoảng 11 chiến lược “quick-win” (những việc cần làm ngay) để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó tập trung quảng bá du lịch Thái Lan qua ẩm thực.

Cái thiếu của ngành du lịch Việt Nam là dù đã nhìn ra thế mạnh nhưng chưa quyết tâm xây dựng một chiến lược quảng bá xứng tầm. Nếu như Thái Lan đưa ra danh sách “12 món ăn du khách không thể bỏ lỡ” thì Việt Nam chỉ quanh quẩn với… phở và nem rán, trong khi chúng ta có một thực đơn đa dạng, hấp dẫn từ nem cuốn, bánh cuốn, bún chả, bánh xèo, cơm tấm, bún bò Huế…

Những chương trình xúc tiến, quảng bá ẩm thực diễn ra hàng năm nhưng thực chất chúng ta chưa có nổi một nhãn hiệu, hay một biểu tượng nào đủ ấn tượng để giới thiệu tinh hoa ẩm thực đến với thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng, lý do khiến hoạt động này chưa hiệu quả là các sự kiện quảng bá ẩm thực thường chỉ được tổ chức lồng ghép trong trao đổi văn hóa, hoặc doanh nghiệp chủ động mang ẩm thực Việt Nam tới các hội chợ quốc tế, chứ chưa thực sự có chiến dịch quảng bá dài hơi và sâu rộng.

Theo chân người nổi tiếng

Câu chuyện đằng sau các điểm đến, những món ăn được các nguyên thủ, hay người nổi tiếng thưởng thức đều có thể trở thành “kho báu” nếu chúng ta biết cách khai thác và quảng bá. Như quán bún chả ở phố Lê Văn Hưu, Hà Nội - nơi Tổng thống Mỹ Obama tới thưởng thức; quán cà phê bánh ngọt kiểu Pháp ở Cửa Nam - nơi minh tinh Catherine Deneuve tới uống cà phê; cửa hàng bánh trung thu ở Pháo đài Láng góp sản phẩm trên bàn trà của Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây… Đáng tiếc, chúng ta chưa tận dụng cơ hội này để quảng bá cho đông đảo du khách.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours cho rằng, những người làm du lịch đang thiếu chủ động trong quảng bá cho du khách những ẩm thực mà người nổi tiếng thưởng thức tại Việt Nam. Chưa biết cách tận dụng câu chuyện đằng sau các điểm đến của nguyên thủ, hay người nổi tiếng kèm theo. Chẳng hạn, ông Obama ăn bún chả thì nên kể về ẩm thực Việt, hay kể thêm về việc món ăn này đã được chuyên gia ẩm thực nổi tiếng giới thiệu trên kênh truyền thông lớn như thế nào…

Không phải ngẫu nhiên mà trong các buổi quảng bá ẩm thực quốc tế, câu hỏi quen thuộc dành cho các đầu bếp thường là “Bạn hãy cho biết lịch sử câu chuyện, giai thoại liên quan đến các món ăn mà bạn giới thiệu?”. Thông qua một món ăn, thực khách hiểu thêm phong tục, tập quán của người Việt Nam. Đó không đơn giản chỉ là món ăn, mà còn là sản phẩm văn hóa, là công cụ giao tiếp. Truyền thông hiện đại đang mở ra cơ hội mới cho du lịch Việt Nam, nhưng để nắm được cơ hội cần sự đầu tư bài bản, đồng nhất để phá lối mòn trong quảng bá ẩm thực lâu nay.

Theo Người đại biểu nhân dân













Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất