Chủ Nhật, 18/9/2016 8:56'(GMT+7)
Diện mạo mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới
30 năm đất nước đổi mới, cũng là 30 năm mỹ thuật đương đại Việt Nam có nhiều biến đổi, phát triển, hòa nhập với quốc tế và các nước trong khu vực. Một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo của mỹ thuật đương đại Việt Nam đa dạng và có dấu ấn cá nhân của các tác giả.
Nhằm đánh giá những thành tựu của mỹ thuật trong 30 năm đổi mới, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới (1986 - 2016). Triển lãm trưng bày tác phẩm của hơn 50 nghệ sỹ tạo hình, có dấu ấn nghệ thuật sẽ giúp công chúng, giới mỹ thuật và xã hội có một cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước.
Tinh hoa hội tụ
Theo dự kiến, triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới sẽ diễn ra từ ngày 21/9 đến 29/9/2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức với nhiều hình thức mới mẻ, mang ý nghĩa tổng kết một giai đoạn quan trọng của nền mỹ thuật nước nhà.
Tác phẩm của họa sỹ Đặng Xuân Hòa, một trong những họa sỹ tham gia triển lãm.
|
Trong số 50 họa sỹ có tác phẩm trong triển lãm lần này, họa sỹ Trần Lưu Hậu là người cao tuổi nhất (sinh năm 1928). Thuộc thế hệ họa sỹ học khóa Tô Ngọc Vân trên chiến khu Việt Bắc, họa sỹ Trần Lưu Hậu là một điển hình về những dấu ấn đổi mới mạnh mẽ, luôn nhiệt huyết, trẻ trung và tươi mới trong sáng tác. Đến nay, ông đã gần 90 tuổi, nhưng họa sỹ già vẫn miệt mài lao động, để cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Người trẻ nhất là Thái Nhật Minh (sinh năm 1984), là người duy nhất thuộc thế hệ 8X có tác phẩm trong triển lãm và được giới trong nghề đặt nhiều kỳ vọng.
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các họa sỹ thuộc thế hệ từ 4X, 5X, 6X, 7X, là các thế hệ tham gia trực tiếp, có nhiều đóng góp trong giai đoạn đổi mới. Đó là cố họa sỹ Vũ Tân Dân (1946 - 2009), một trong những cái tên quen thuộc, trong thế hệ đầu tiên thực hành nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, ông được biết đến như một nghệ sỹ đại diện cho những xu hướng nghệ thuật mới ở Việt Nam. Đó là tranh của họa sỹ Nguyễn Quân - người kiên định đưa hội họa Việt Nam vào bản đồ hội họa quốc tế. PGS, NGND, họa sỹ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thuộc “thế hệ vàng” của giai đoạn trước năm 1986.
Các họa sỹ tham gia triển lãm “Mở cửa” - Mỹ thuật 30 năm thời kỳ đổi mới.
|
Sau 1986, sự đổi mới ngôn ngữ trong sáng tác của ông đã tạo nên những ảnh hưởng lớn và nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp, đặc biệt là các thế hệ học trò. Họa sỹ Đặng Xuân Hòa, người luôn được lựa chọn là tác giả tiêu biểu thời kỳ đổi mới, với biệt tài dụng nét và bảng màu phong phú, trang nhã, đã làm mới mỹ thuật thập niên 90, khi đưa mô tuýp dân gian truyền thống, vật dụng thường nhật cũng như mảng tranh chân dung lên một ngữ cảnh khác - hiện đại và dân tộc.
Rồi những Hà Trí Hiếu, một trong 5 thành viên nhóm "Gang of Five" của những năm đầu của thập niên 90 với những tác phẩm mang hơi thở của dòng nghệ thuật dân gian đương đại trong thời kỳ đổi mới. Một Trần Trọng Vũ với những thành công trong ngôn ngữ thể hiện, tính thời sự, tính quốc tế trong các sáng tác của mình, luôn thu hút được sự chú ý của công chúng yêu nghệ thuật. Hay Nguyễn Minh Thành, một trong những nghệ sỹ tiêu biểu của thế hệ 7X trong thời kỳ đổi mới, người đã mang vào mỹ thuật nửa cuối thập niên 90 một cuộc bàn luận sôi nổi, với những thích thú cùng những hoài nghi. Họa sỹ Ly Hoàng Ly, người tạo dấu ấn với công chúng trong nước và quốc tế với những tác phẩm luôn ẩn chứa những câu chuyện về thân phận con người, về xã hội của quá khứ, hiện tại và tương lai...
Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm
Đây là lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức một cuộc triển lãm mang ý nghĩa tổng kết một chặng đường dài với nhiều đổi mới táo bạo. Triển lãm không chỉ có cái tên “Đổi mới”, mà công tác tổ chức cũng được đổi mới từ cách nghĩ, cách làm. Theo Ban tổ chức (BTC), sở dĩ chọn thời điểm từ năm 1986, cũng bởi đây là cái mốc đánh dấu sự hình thành của một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới, góp phần tạo nên diện mạo của mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Khác với những triển lãm mỹ thuật thông thường, BTC không ngồi đợi họa sỹ gửi tác phẩm, mà ngược lại, các giám tuyển là cán bộ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) đã lên danh sách, lựa chọn các họa sỹ có dấu ấn nghệ thuật đại diện cho diện mạo nền mỹ thuật nước nhà 30 năm qua, sau đó tìm đến từng họa sỹ, nhà điêu khắc mời tham gia. Các giám tuyển gồm: Họa sỹ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm), nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình và họa sỹ Phạm Hà Hải. Mỗi giám tuyển sẽ tự chịu trách nhiệm về những đề cử của mình. Các nghệ sỹ được mời tham gia tự lựa chọn tác phẩm mình tâm đắc để tham gia.
Trong số hơn 50 họa sỹ, sẽ có những cái tên tuy đã quen thuộc với công chúng, nhưng không được mời tham gia triển lãm, bởi theo lý giải của các giám tuyển, với tiêu chí cốt lõi là chất lượng nghệ thuật và tinh thần đổi mới, cách nhìn của truyền thông, công chúng và những người giám tuyển trong nhiều trường hợp có thể lệch nhau. Chính vì vậy, dù là nghệ sỹ đình đám, được giới truyền thông ca ngợi, nhưng trong con mắt của các nhà tuyển chọn thì họ lại chưa đủ điều kiện để xuất hiện tại triển lãm này.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ VHTTDL), giám tuyển của triển lãm, “Mở cửa” không đơn thuần là một triển lãm, mà hơn thế, đó còn là sự kiện vinh danh các họa sỹ có dấu ấn trong 30 năm qua của mỹ thuật Việt Nam. Qua đó, giúp công chúng, giới mỹ thuật và xã hội có cái nhìn khái quát về đời sống mỹ thuật trong ba thập kỷ qua, đồng thời là lăng kính soi chiếu giúp người xem có cái nhìn toàn diện về tâm thế sáng tác, những hứng khởi khi thay đổi và bộc lộ bản thân của từng nghệ sỹ trong giai đoạn đổi mới.
“Mở cửa” là một điểm lặng để tất cả cùng nhìn lại, để tìm hiểu vì sao ngay trong giai đoạn đổi mới, lại có những lúc mỹ thuật Việt Nam buồn tẻ, trầm lắng; hơn thế, là để tìm ra hướng đi, giải pháp khơi thông dòng chảy của nền mỹ thuật nước nhà trong thời kỳ hội nhập, nhằm phát huy các thành tựu và khắc phục những điều chưa làm được của nền mỹ thuật nước nhà.
Nhà phê bình mỹ thuật, Nguyễn Đức Bình
|
Phương Hà/Báo Tin tức