1. Quyết liệt nhất có lẽ là
Pháp, nơi có một bộ phận của Viện Hàn lâm miệt mài chuyển dịch mọi thuật
ngữ từ tiếng Anh và các tiếng khác sang tiếng Pháp.
Mỗi bộ
trong chính phủ cũng có một ban riêng lo dịch các thuật ngữ của ngành.
Bộ trưởng có thể bị khiển trách khi ban hành một văn bản lai căng (có sử
dụng tiếng nước ngoài). Buồn thay, những nỗ lực ấy không thuyết phục
được dân Pháp và họ cứ xài tiếng Anh (đọc theo cả giọng Anh lẫn giọng
Pháp), và báo chí đã nhiều phen cười cợt những nỗ lực ấy.
Một
chuyên gia ngôn ngữ Đức còn thống kê và cho biết từ thập niên 1990 đến
thập niên 2010, có hơn 10.000 từ tiếng Anh đã được du nhập vào Đức (giữ
nguyên dạng hoặc bị biến thể). Tình trạng phát âm tiếng Anh theo giọng
địa phương cũng phổ biến khắp nơi, từ Âu sang Á.
Bạn thử gõ vào Google “invasion of English into other languages” (sự
xâm lấn của tiếng Anh vào các ngôn ngữ khác) là có ngay hàng chục bài
báo nói về chuyện này ở châu Âu lẫn châu Á.
Bản thân tiếng Anh
cũng rất lai tạp. Dân Anh Mỹ thoải mái du nhập tiếng nước ngoài. Xứ
thuộc địa nào của Anh cũng có vài từ được đưa vào tự điển Anh. Một xứ sở
của di dân như Mỹ lại càng du nhập mạnh đủ mọi ngôn ngữ trên thế giới
(và chuyện này vẫn còn tiếp diễn). Có thời người Anh cũng rên rỉ vì sự
xâm nhập của tiếng Mỹ vào nước Anh, nhưng bây giờ họ đã sống chung “hòa
bình” rồi.
Sức mạnh của công nghệ (nhất là công nghệ thông tin) và
văn hóa (lối sống) qua phim, nhạc, sách báo… đã giúp tiếng Anh/Mỹ xâm
nhập rất nhanh vào mọi ngôn ngữ khác. Và chuyện này đã trở thành xu thế
tất yếu, không mong gì ngăn chặn được.
2. Ngôn
ngữ, với đại chúng, chỉ là phương tiện giao tiếp, và lựa chọn của họ
chủ yếu dựa vào tiện lợi (cái gì giúp diễn tả nhanh gọn thì thông dụng),
sau đó mới tới chuyện thỏa mãn những nhu cầu khác (như để chứng tỏ đẳng
cấp, để theo kịp đám đông, để tạo khác biệt v.v…), và họ sử dụng một
ngôn ngữ lai căng pha trộn cũng theo chiều hướng đó. Họ chẳng có trách
nhiệm phải bảo vệ giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho thuần khiết hay uyển chuyển gì
cả.
Ngày xưa tiếng Pháp xâm nhập vào tiếng Việt chắc
cũng khiến thế hệ cha ông chúng ta bực bội, đau lòng, rồi hô hào đủ
thứ, nhưng đến nay chắc chẳng còn người Việt nào đau khổ khi dùng những
từ như xăng, bơm, phim, cúp cua, xà bông, bugi, ô tô, xăm lốp… Họ thậm chí còn nghĩ đó là tiếng Việt bình thường.
Xét
cho cùng, ngôn ngữ là di sản của cả dân tộc chứ chẳng của riêng giai
cấp nào, nên ai cũng được quyền sử dụng nó theo ý mình. Mọi nỗ lực buộc
người khác viết hoặc nói theo quy tắc nào đó đều thiếu cơ sở khoa học và
lý luận, và hơn nữa, còn phản dân chủ.
Thế thì ai sẽ nhận trách nhiệm đi tìm giải pháp hay đề ra quan điểm
cho tình trạng ngôn ngữ lai căng này; và tìm cách giữ gìn và đồng thời
hiện đại hóa tiếng Việt? Tôi nghĩ, gánh nặng đó sẽ đè lên, ít nhất, hai
giới sau:
(1) giới quản lý: bởi vì các văn bản do họ ban hành, từ
cấp xã phường tới trung ương, sẽ được nhiều người buộc phải đọc, nghiên
cứu, giải thích, và thậm chí thi hành.
(2) giới chữ nghĩa (tôi
muốn nói tới tất cả những ai kiếm sống bằng chữ nghĩa, hoặc sử dụng chữ
nghĩa nhiều giờ mỗi ngày một cách chủ động, như những người làm trong
ngành giáo dục, văn hóa - văn nghệ, truyền thông, khoa học kỹ thuật và
các ngành lao động trí óc khác): bởi vì những điều họ nói và viết ra có
thể ảnh hưởng, hoặc ít hoặc nhiều, tới người khác, nhất là giới trẻ.
Hai
giới này hầu như không được quyền viết và nói sai chính tả và ngữ pháp;
và bảo đảm được việc này sẽ là chuyện cực kỳ vất vả và tốn thời gian
chứ không tự nhiên mà có. Tôi tin rằng các bạn sẽ chia sẻ ý nghĩ này với
tôi nếu các bạn từng tiếp xúc kha khá với sản phẩm của hai giới này.
Nếu
chúng ta chưa có những cuộc điều tra xã hội học, dựa vào thống kê, lấy
mẫu, phân tích theo mô hình định lượng,… chúng ta sẽ khó mà kết luận một
cách thuyết phục về lý do tại sao người ta sử dụng thứ ngôn ngữ mà
nhiều người cho là lai căng hiện nay, và do đó khó có thể tìm ra giải
pháp cho vấn đề. Mọi kết luận hoặc giải pháp đề xuất, theo tôi, đều là
định tính, nghĩa là dựa trên nhận định chủ quan.
Nhiều tác giả
nước ngoài đã mổ xẻ hiện tượng này, và kết luận thường gặp ở họ là: (1)
Chẳng có ngôn ngữ nào chết đi vì nó du nhập thành quả từ các ngôn ngữ
khác cả; và (2) Trong thế giới phẳng này, chẳng có cái thứ được gọi là
ngôn ngữ thuần khiết không lai tạp. Tôi xin phép mượn ý đó để làm kết
luận cho bài viết này.
Phạm Viêm Phương/Thể thao & Văn hóa