Thực
sự chưa có khảo cứu nào chỉ rõ sáng tạo phát xuất từ đâu. Điều chắc
chắn là có một cái nhìn sáng tạo, phát hiện cái mới mẻ của sự vật. Vấn
đề quan tâm nhất của các nhà giáo dục dân tộc và nhân bản là làm thế nào
để phát hiện sớm khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng, tạo điều kiện thuận
lợi phát triển khả năng ấy.
Khả năng không phải sáng tạo
Guilford
(1950) đã phân biệt giữa tính cách độc đáo và tính cách sáng tạo dựa
vào những cuộc khảo sát, phân tích của ông. Theo đó, độc đáo là một
trong những nét chính của sáng tạo. Sáng tạo không những độc đáo, mà còn
linh động, lưu loát, và có đặc tính khích động hay thay đổi. Và một
sáng tác gọi là sáng tạo nếu nó là mới mẻ hay tân kỳ đối với cá nhân
sáng tạo, nếu nó là sáng tạo phẩm của riêng người đó, nếu nó phong phú
đối với người đó hơn là được quy định bởi người khác. Nó không cần hữu
ích hay độc đáo. Sự thừa nhận có tính cách xã hội và sự gắn liền với văn
hóa của nó có thể là số không, nhưng nếu nó là kinh nghiệm cá nhân độc
đáo, nó là sáng tạo. Để được gọi là sáng tạo, một công trình phải đem
lại cái gì mới mẻ và hữu ích cho cá nhân cũng như cho văn hóa.
Krishnamurti, một tư tưởng gia người Mỹ
có tiếng ở thập niên 70, 80 thế kỷ trước, khi đề cập về tự tri đã nói:
Chỉ có sáng tạo trong vấn đề tự tri. Hầu hết chúng ta không phải sáng
tạo, chúng ta là những cái máy lặp lại, những cái máy hát ghi, chơi đi
chơi lại vài bài hát... Và, không nên nhầm lẫn giữa khả năng và sáng
tạo, khả năng không phải là sáng tạo. Sáng tạo là một trạng thái trong
đó vắng mặt bản ngã của con người, trí não không còn là quy điểm của
kinh nghiệm, tham vọng, của những rong ruổi, ham muốn. Sáng tạo không
phải là trạng thái liên tục, nó ở từng lúc hiện tại, nó ở trong lúc mà
cái “tôi” và cái “của tôi” vắng mặt, suy tư không tập trung vào bất cứ
kinh nghiệm, tham vọng, kết quả, mục đích, động lực đặc biệt nào. Sáng
tạo có gốc rễ trong sáng kiến mà nó hiện hữu khi có sự không bằng lòng
sâu xa.
Khi nói về “nàng thơ”, Hàn
Mặc Tử bảo: “Nàng thơ đến bất chợt như tiếng thét của một đứa trẻ thốt
ra khi thình lình bị một con roi quất mạnh vào mông”. Bấy giờ ý thức
chưa kịp can thiệp, cảm nhận về “nàng thơ” của Hàn Mặc Tử cũng tương tự
như Archimèdes cảm nhận được sức đẩy của nước khi tắm, và như Newton cảm
nhận có sức hút của Trái Đất khi thấy táo rơi. Nó như là sự xuất hiện
của trực giác (intuition), ở ngoài suy lý.
Thật
khó mà có một định nghĩa về sáng tạo, bởi định nghĩa là dừng lại trong
khi sáng tạo thì trôi chảy như thực tại đang trôi chảy.
Điều kiện cần và đủ
Tm
hiểu trong điều kiện có thể, tại sao có sáng tạo? Sáng tạo bung ra như
thế nào? Có sự liên hệ nào giữa sáng tạo và suy tư? Giữa sáng tạo và
thông minh? Giữa sáng tạo và con tim?... Qua các công trình khảo sát
thực nghiệm của các nhà giáo dục, sáng tạo có thể được xem như là khả
năng bên trong con người, có thể cung cấp cho con người nhiều tư tưởng
độc đáo và ý nghĩa. Ở mức độ quan sát, đối chiếu, phân tích ta cũng có
thể phát biểu ở mức độ giới hạn, như: Trường hợp Hàn Mặc Tử, sáng tạo
thi ca, trước hết Hàn Mặc Tử là một nhà thơ, có hiểu biết khá sâu về thi
ca mới có các vần thơ sáng tạo thi ca (độc đáo). Trường hợp Archimèdes
và Newton, sáng tạo khoa học, trước hết họ là nhà khoa học mới có điều
kiện khởi sinh sáng tạo khoa học. Nói cách khác, người sáng tạo trước
hết cần có kiến thức chuyên môn cơ bản thì mới đón nhận các trực giác về
sự vật và ghi nhận nội dung trực giác. Đây là điều kiện “cần”.
Ta
cũng có thể phát biểu về điều kiện “đủ”, sáng tạo có mặt đòi hỏi ít
nhất hai điều kiện của thực tại: Mọi hiện hữu đều không có một tự ngã
(self) cố định, bất biến. Nếu nó cố định thì sẽ không có sự phát hiện
tân kỳ nào. Tự thân sáng tạo cũng không có tự ngã cố định. Nếu cố định
thì không thể phát triển sáng tạo, tiếp nối sáng tạo.
Thực
sự chưa có khảo cứu nào chỉ rõ sáng tạo phát xuất từ đâu. Điều chắc
chắn là có một cái nhìn sáng tạo, phát hiện cái mới mẻ của sự vật. Nội
dung của cái thấy sáng tạo là do tâm thấy, trí tuệ thấy, như Khổng Tử
bảo: “Đại học chi đạo tại minh minh đức” (đạo đại học là làm sáng cái
đức sáng của Tâm). Ấn giáo thì nói: “Hỡi các đại hiền triết, hãy tìm về
bên trong, và thực hiện tại chính tâm mình cơ sở vũ trụ mà Ngài kiến
thiết”. Ở Phật giáo thì gọi đó là nguồn tâm giải thoát và nguồn tuệ giải
thoát.
Về khoa học, tất cả hiểu biết
của ta là do vận dụng chất xám chỉ ở vỏ não, trong khi não bộ còn cả
một khối chất xám chưa dùng đến. Phải chăng sáng tạo phát xuất từ khối
chất xám này?
Giáo dục cá nhân sáng tạo
Vấn
đề quan tâm nhất của các nhà giáo dục dân tộc và nhân bản là làm thế
nào để phát hiện sớm khả năng sáng tạo và nuôi dưỡng, tạo điều kiện
thuận lợi phát triển khả năng ấy, thường do sự quan sát của giáo viên,
gia đình và kết quả các trắc nghiệm về sáng tạo.
Theo
Carl Rogers, nhà giáo dục nổi tiếng của Mỹ thập niên 70, 80 (thế kỷ
trước), có hai điều kiện thích ứng cho hoạt động sáng tạo là “an toàn
tâm lý” và “tự do tâm lý”. Điều này đòi hỏi có môi trường giáo dục riêng
cho các cá nhân sáng tạo, hay có dấu hiệu rõ ràng về sáng tạo. Hẳn là
cần học hỏi, cập nhật kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến ở
phương Tây.
Theo daibieunhandan.vn