Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 14/9/2016 16:9'(GMT+7)

Khi làng hòa vào phố

Quá trình đô thị hóa tại các làng ven Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng (Nguồn: ITN)

Quá trình đô thị hóa tại các làng ven Hà Nội đang diễn ra nhanh chóng (Nguồn: ITN)

Quy hoạch bỏ quên

Công trình nghiên cứu về Hà Nội mở rộng đầu tiên của nhiều tác giả, Hà Nội vùng đô thị lớn trong tương lai vừa được công bố, tập trung vào sự sáp nhập của làng vào không gian đô thị. Hà Nội hình thành từ năm 1010 với tư cách đô thị hành chính, nhưng do nằm cạnh sông nên tiếp tục duy trì với làng nghề xung quanh. Cùng với hoạt động của các chợ và quá trình người nhập cư từ các làng chuyển đến, đời sống xã hội của khu 36 phố phường được cấu trúc dần thành các làng nghề đặc trưng cho đến khi hình thành nên những “làng đô thị”. Kể từ thế kỷ XVII, thời hoàng kim của khu phố cổ, các con phố quy tụ người dân từ cùng một làng và làm cùng một nghề. Những ngôi nhà nằm sát nhau tạo thành đơn vị đầu tiên trong đô thị có mật độ dân số cao. Tuy nhiên, theo TS. Emmanuel Cerise, đồng Giám đốc IMV - Dự án Hợp tác Phát triển đô thị Hà Nội - Ile-de-France, những nét đặc trưng của nông thôn vẫn được giữ. “Mỗi con phố như một làng, hai đầu có cổng ra vào, và có nhiều công trình tín ngưỡng đặc trưng kiểu nông thôn (đền, chùa và đỉnh - thờ Tổ nghề hoặc thờ thành hoàng làng quê gốc của họ). Yếu tố làng trong nội đô tiếp tục phát triển thời thuộc địa, dù các nhà quy hoạch Pháp mong muốn phát triển đô thị nhiều hơn. Kể cả sau này, yếu tố làng vẫn không bị xóa bỏ trong không gian đô thị. Sau khi Hà Nội mở rộng, thành phố lại được làng xóm bao bọc xung quanh...”.

Quan tâm tới sự phát triển địa lý, bà Sylvie Fanchette, Viện Nghiên cứu phát triển (IDR) cho rằng: Hà Nội với khu vực nông thôn xung quanh là một trong những đặc điểm rất hay của thành phố châu Á. Tuy nhiên, những người sống xung quanh khu vực đô thị lớn, sau khi đô thị hóa, là đối tượng mà nhà quản lý không hiểu được, do không có những nghiên cứu ở các quy mô khác nhau.

Rõ ràng, yếu tố làng hiện diện không thể tách rời sự phát triển của Hà Nội, nhưng chính sách cho các làng còn hạn chế. Sau khi sáp nhập Hà Nội, các làng cũng đô thị hóa nhanh chóng, dù bị nhà quy hoạch phớt lờ, bỏ quên. Có nhà nghiên cứu cho rằng, thành phố chưa có kinh nghiệm ứng xử với làng xóm ở góc độ quy hoạch.

Làng hóa đô thị

Bà Sylvie Fanchette cho rằng, các nhà quy hoạch chưa ý thức được hết tiềm năng phát triển của khu vực nông thôn xung quanh thành phố. Quy hoạch phát triển chung của Hà Nội cần lưu ý hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đô thị hóa tự thân của khu vực làng xã, từ đó giúp đô thị mới phát triển bền vững. Quá trình mở rộng đô thị hóa không thể bỏ qua tính đặc thù của vùng ven đô. Đặc biệt, yếu tố văn hóa làng cần được cân nhắc duy trì, bởi đó còn là nơi lưu giữ bản sắc truyền thống, lịch sử của Hà Nội.

Quan tâm tới biến đổi làng xã và con người, đặc biệt là xung quanh khu vực sông Hồng, TS. Nguyễn Văn Sửu, Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho biết: Đặt chủ thể trong tiến trình lịch sử, biến đổi về không gian và trong mối quan hệ đất đai, sinh kế, sẽ thấy rằng, những con người ven đô chịu tác động của đô thị hóa, và quá trình này diễn ra liên tục hàng ngày, ở cấp độ vĩ mô và vi mô.

Đặc điểm của đô thị hóa ở Hà Nội là không có nhiều khu công nghiệp, chủ yếu xây nhà, không tạo ra công ăn việc làm, nếu có cũng chỉ lao động trẻ dưới 40 tuổi có cơ hội. Và khi thành phố lấy đất nông nghiệp, phần lớn chỉ đền bù bằng tiền. “Người dân ở các làng này, nếu xét về mức sống thì khá hơn trước nhiều. Bởi các huyện của Hà Tây cũ sau khi sáp nhập trở thành khu vực ven đô, giá đất tăng nên họ có nguồn tài sản lớn. Đó là cái họ được thụ hưởng. Nhưng họ cũng phải đối mặt với tình trạng diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần, thậm chí đất còn nhưng không thể canh tác, bởi quá trình xây dựng ven đô đã phá hủy hệ thống thủy lợi... Không còn ruộng, một số người bán rong trong thành phố, còn phần đông nhận tiền, xây nhà và không biết làm gì...” - TS. Nguyễn Văn Sửu phân tích.

Không chỉ nông nghiệp, các làng nghề truyền thống cũng bị ảnh hưởng. Trong quá trình mở rộng và đô thị hóa tự thân tại các làng xung quanh thành phố, vành đai xanh cũng thu hẹp dần. Theo ông Đào Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hệ thống nông nghiệp (CASRAD): “Các nước đô thị hiện đại đều có nông nghiệp đô thị, ở Việt Nam chưa đề cập vấn đề. Ngay trong quy hoạch của Hà Nội, quy hoạch đô thị riêng, sau đó mới quy hoạch nông nghiệp, và nhiều khi hai quy hoạch này mâu thuẫn nhau. Dù phát triển nông nghiệp với những làng đặc sản nổi tiếng của Hà Nội sẽ bền vững và mang lại nhiều giá trị trong tương lai, nhưng chưa được thành phố chú ý. Đất nông nghiệp nhiều nhưng ở các khu đô thị mới vẫn xây nhà san sát, không để ý đến tầm quan trọng của không gian xanh. Điều đó thể hiện quy hoạch ở khu vực ven đô đang có vấn đề”. 

Thảo Nguyên (daibieunhandan.vn)







Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất