Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 25/9/2016 22:20'(GMT+7)

Lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên với phát triển bền vững

 

1. Trong rất nhiều yếu tố hình thành nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên, lễ hội truyền thống là sinh hoạt văn hóa nổi trội nhất, điển hình nhất về tính cộng đồng cao của các dân tộc Tây Nguyên(1). Cùng với quan niệm, tín ngưỡng về chu kỳ sản xuất và vòng đời người của họ, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội, trong đó có các lễ hội truyền thống đặc sắc(2). Trong lễ hội truyền thống, tính cộng đồng cao được bộc lộ rất rõ trong sinh hoạt tâm linh, ăn uống, nghệ thuật... Mục tiêu của lễ hội là giữ lại, duy trì những truyền thống văn hóa đã hình thành nên bản sắc, biểu tượng văn hóa Tây Nguyên đồng thời phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là với phát triển du lịch.

Tính bền vững của lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên vì thế phải được nhìn nhận như là nhu cầu tâm linh, nhu cầu tinh thần không thể thiếu được của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Mặt khác, cũng cần được nhìn nhận như là sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc thu hút khách du lịch góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Tây Nguyên. Giá trị bền vững của các lễ hội truyền thống này phải được hiện diện, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Thực tế cho thấy, vấn đề nhận thức, hiểu biết về bản chất và vai trò của lễ hội truyền thống các dân tộc tại chỗ tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên. Nếu mọi vấn đề được giải quyết thấu đáo, được gắn với từng chủ thể nhận thức thì tác động của nó đến đời sống, kinh tế - xã hội sẽ rất mạnh. Có một thực tế là hầu như tất cả các báo cáo về hạn chế trong công tác văn hóa đều đề cập đến một cụm từ là “một số cấp ủy và lãnh đạo chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đối với phát triển”. Chính vì vậy việc làm cho cấp ủy, đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhận thức sâu sắc hơn chủ trương của Đảng và Nhà nước về thế mạnh của văn hóa và lễ hội truyền thống Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội là hết sức quan trọng.

Cần nhận thức đầy đủ rằng, lễ hội không chỉ góp phần phát triển du lịch mà còn có thể tạo nên sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội. Hoạt động lễ hội tạo việc làm cho một lực lượng lao động trực tiếp trong ngành kinh tế du lịch, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số thông qua kinh doanh, dịch vụ phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, lễ hội kích thích sản xuất cũng như tiêu dùng, khôi phục và phát triển một số làng nghề truyền thống. Ngoài ra còn góp phần nâng cao dân trí, mở rộng sự giao lưu của các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên với khách du lịch trong và ngoài nước; giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá Tây Nguyên.

Trong lễ hội truyền thống Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vừa là chủ thể sáng tạo, gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội, đồng thời cũng chính họ là người phục dựng, người tham gia, hưởng thụ các giá trị đó. Cho nên, việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, của người tham gia lễ hội là hết sức quan trọng.

Để nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục. Lãnh đạo các địa phương cần chỉ đạo, định hướng một cách hiệu quả các cơ quan báo chí, truyền thông... tuyên truyền về bản chất và vai trò của lễ hội truyền thống với nhu cầu của cộng đồng và phát triển du lịch bền vững. Công tác tuyên truyền, giáo dục về lễ hội truyền thống phải đạt đến mục tiêu là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thật sự tham gia vào quá trình bảo vệ, gìn giữ các các lễ hội truyền thống, cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhờ các hoạt động kinh doanh phục vụ du khách, nhờ phát huy các ngành nghề truyền thống... Thông qua điều này sẽ giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nâng cao hơn nữa ý thức về giá trị tinh thần và vật chất của lễ hội như một tài sản.

Mỗi tỉnh, mỗi dân tộc thiểu số ở khu vực này có vài chục lễ hội truyền thống, tạo nên không gian văn hóa Tây Nguyên. Theo thống kê hiện nay, tại tỉnh Đăk Nông có gần 30 lễ hội truyền thống của người Mơ nông; tỉnh Đăk Lăk có trên 70 lễ hội truyền thống của tộc người Êđê và M’Nông bản địa... Những lễ hội truyền thống này đã góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên.

Với tư cách là ký ức của một vùng văn hóa giàu bản sắc, là một trong những thành tố hình thành nên nền tảng tinh thần của xã hội, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống có tính biểu tượng tại các tỉnh Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh nhu cầu du lịch đang phát triển hiện nay, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch phù hợp, trong đó có lễ hội truyền thống để thu hút khách du lịch nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của từng vùng, miền trong nước và thế giới là nội dung thiết thực. Các nhà lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu văn hóa cần phải tính đến điều này như là quy luật tất yếu của phát triển bền vững. Chẳng hạn, tại Đăk Lăk phải chọn một vài lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Êđê làm điểm nhấn cốt lõi, tại Gia Lai phải lấy lễ hội truyền thống người Jrai và Bana, tại Kon Tum phải lấy lễ hội truyền thống người Bana, Xêđăng, tại Đăk Nông phải lấy lễ hội truyền thống người M’nông...

Lễ hội truyền thống muốn thực sự phát huy được bản sắc văn hóa Tây Nguyên, vừa phù hợp với phát triển bền vững và thực sự đáp ứng được nhu cầu tinh thần của người dân thì không thể tách khỏi không gian đã sản sinh ra nó. Chính vì vậy, việc trả lễ hội dân gian về cho dân, xem người dân là chủ thể chính của lễ hội là điều cần thiết, tái hiện đời sống xưa một cách chân xác và thành tâm, để khách du lịch và người dân địa phương cùng nhau thưởng thức. Ngay cả trong công tác phục dựng lễ hội dân gian, nếu yếu tố hiện đại can thiệp quá nhiều sẽ vô tình sân khấu hóa lễ hội, khiến lễ hội trở nên xa lạ trong tâm thức người dân, việc bảo tồn nguyên vẹn lễ hội như mục tiêu đưa ra sẽ trở nên khó thực hiện(3).

Vai trò chủ thể của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và tổ chức lễ hội truyền thống cần phải thể hiện sự tôn trọng của họ trong việc duy trì, phục dựng hay tổ chức lễ hội truyền thống.  Ngoài yếu tố chủ thể của lễ hội truyền thống, cần lưu ý đến môi trường và thời điểm diễn ra lễ hội của người dân bản địa Tây Nguyên. Có những lễ hội sẽ không thể tồn tại khi môi trường truyền thống đã mất, khi phương thức canh tác nương rẫy không còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là đừng bắt đồng bào tổ chức lễ cúng hồn lúa khi họ chỉ trồng cây cà phê, hồ tiêu... Đừng để những lễ hội truyền thống vốn được đồng bào yêu thích mất đi, trong khi lại ưu tiên đầu tư tổ chức những lễ hội có tính chất sân khấu hóa phục vụ du lịch, chiều lòng du khách. Qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng, nhiều già làng không muốn “cúng giả vờ” để quay phim chụp ảnh mà lễ hội diễn ra là để giao tiếp, chia sẻ với với thần linh, với Yang của họ. Như vậy, hiện nay ở Tây Nguyên, không phải bất cứ buôn làng nào cũng đều phải có lễ hội khi tâm thức lễ hội cộng đồng không còn nữa, đặc biệt là những buôn làng ở các thành phố.

Xây dựng, hình thành các lễ hội truyền thống có tính biểu tượng Tây Nguyên cần rạch ròi giữa đời sống thực và đời sống “giả” của lễ hội truyền thống. Đời sống thực của lễ hội do nhu cầu tự thân văn hóa, nhu cầu thực tại của đồng bào trong các buôn làng Tây Nguyên tự tổ chức, đặc biệt là ở những buôn làng xa xôi, vùng sâu vùng xa, ít bị tác động của quá trình đô thị hóa. Đời sống “giả” của lễ hội truyền thống là những lát cắt, nhưng phiên bản, “bản sao” được sân khấu hóa để phục vụ nhu cầu, nhiệm vụ kinh tế và chính trị. Dĩ nhiên là cả hai hình thức này đều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

2. Lễ hội và lễ hội truyền thống, từ trong bản chất là một tài sản văn hóa. Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã sử dụng tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng này như là một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá chiến lược phục vụ đắc lực vào phát triển ngành kinh tế du lịch. Vì vậy, khai thác các giá trị lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên trong hoạt động kinh tế du lịch ở đây cần được xem là nhiệm vụ trọng tâm đối với các tỉnh thuộc khu vực này.

Hiện nay, ngành kinh tế du lịch đứng trước hai hướng phát triển là tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và đẩy mạnh du lịch nội địa. Chính hoạt động lễ hội truyền thống là yếu tố quan trọng kích thích cho hoạt động du lịch nhằm đáp ứng hai hướng phát triển ấy. Vả lại, lợi ích kinh tế của du lịch phụ thuộc vào số lượng khách du lịch. Nó không chỉ thể hiện ở doanh thu của chính các doanh nghiệp du lịch mà còn ở doanh thu xã hội từ du lịch, dịch vụ. Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta, cùng với lượng khách trong nước đang ngày một tăng là bằng chứng thuyết phục cho sự đầu tư và phát triển đúng hướng của du lịch văn hóa, mà hạt nhân là sức hút của những lễ hội giàu sắc thái riêng, được chọn lọc và đầu tư khai thác có hiệu quả thời gian qua(4).

Lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa tổng hợp đáp ứng nhu cầu tinh thần cho mọi người, gìn giữ và cố kết cộng đồng tạo ra sự ổn định và bền chặt xã hội. Tuy nhiên, những giá trị của lễ hội không chỉ có ý nghĩa nền tảng mà còn có vai trò động lực thức đẩy sự phát triển. Chính vì vậy mà trong bối cảnh hiện nay cần phải phát huy giá trị lễ hội truyền thống ở Tây Nguyên thông qua những việc làm cụ thể sau:

Thứ nhất, cần nhận diện, phân loại giá trị lễ hội và lễ hội truyền thống để bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện tại.

Sự phân loại này nhằm xác định rõ những lễ hội truyền thống các dân tộc bản địaTây Nguyên đang thật sự là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần ở các buôn làng người dân tộc thiểu số. Đây là những lễ hội thật, chưa bị sân khấu hóa cho nên tính chân thật nguyên sơ của nó là một trong những giá trị tạo nên sự khác biệt trong văn hóa Tây Nguyên. Đối với những lễ hội này, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào cái gọi là kịch bản lễ hội ngoại trừ những biểu hiện quá lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Không những thế, Nhà nước nên cùng tham gia với cộng đồng thiểu số ở đó về tài chính, bảo vệ an ninh trật tự, môi trường. Các tour du lịch cần thông báo cho du khách các lịch lễ hội này và có thể đến khám phá một cách ngẫu nhiên về đời sống thực của họ, đồng thời cần bỏ ra một ít kinh phí để mua các vật dụng như trang phục, nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt nương rẫy như gùi, chà gạc... nhằm động viên và khích lệ lòng tự trọng tộc người và giá trị sản phẩm từ bàn tay nghệ sĩ dân gian của họ.

Các dân tộc Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội truyền thống nhưng nên chọn một vài lễ hội có sinh hoạt cồng chiêng để nuôi dưỡng và phát huy. Thời gian gần đây nhiều địa phương Tây Nguyên có hoạt động phục dựng lại lễ hội truyền thống, đây là việc làm cần thiết của khoa học nhưng không phải vì nhu cầu tinh thần thật sự của đồng bào thiểu số. Lễ hội truyền thống cũng giống như các sự vật hiện tượng khác có sinh sôi, mất đi đều xuất phát từ nhu cầu tinh thần của một cộng đồng nào đó. Chúng ta phục dựng lại lễ hội như là hình thức để lưu giữ ký ức văn hóa của một cộng đồng nhưng không đồng nghĩa nó sẽ sống lại trong lòng cộng đồng đó. Vì rằng, không gian sinh tồn của lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên ở một số nơi đã không còn nữa. Không còn rừng, không còn bến nước, không canh tác nương rẫy, không còn nhà rông, nhà dài, không còn cồng chiêng... thì lễ hội truyền thống sẽ không còn nơi nương tựa, không còn tính linh thiêng, hơi thở núi rừng, hồn sông, hồn suối...!

Thứ hai, phát huy, khai thác giá trị lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên trong chuỗi các hoạt động văn hóa du lịch.

Du lịch và ngành kinh tế du lịch trong tương lai ở Tây Nguyên không thể không xây dựng một kế hoạch dài hạn, trong đó có điểm nhấn các hoạt động văn hóa và lễ hội là vô cùng quan trọng.

Các lễ hội hiện đại hay festival và ngành công nghiệp giải trí là điều không thể thiếu trong kinh tế du lịch. Hiện nay, hầu hết các thành phố lớn đều phát triển hoạt động này, đặc biệt là ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa đang phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động đó sẽ nhanh chóng nhàm chán, lặp lại, sao chép từ nước ngoài và khách du lịch sẽ không muốn quay lại.

Trong khi đó, sự khác biệt, cái mà khách du lịch muốn khám phá chính là truyền thống, bản sắc, con người của một vùng đất, là một trong những tài nguyên nếu như các chủ thể tại đây biết khai thác một cách hợp lý trong chuỗi hoạt động kinh tế du lịch bằng nhiều hình thức. Ngoài hình thức bảo tồn tại các buôn làng với đời sống thật của nó thì ngành du lịch có thể đưa các “bản sao” của lễ hội vào các hoạt động lễ hội, festival hiện đại cũng như ngành công nghiệp giải trí để phục vụ du khách. Như vậy, du khách có thể tiếp cận cả “bản sao”, sự mô phỏng hoặc đời sống thật của các lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên tùy theo yêu cầu, sở thích và khả năng chi phí của họ.

 Trong xu hướng phát triển hiện nay, lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nói riêng và lễ hội nói chung góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế ngành du lịch. Tuy nhiên, nếu không biết khai thác một cách hợp lý, không biết tôn trọng giá trị lễ hội truyền thống các dân tộc Tây Nguyên thì không những không tăng thêm giá trị mà có thể làm mai một hoặc khô kiệt văn hóa Tây Nguyên. Cảnh báo này luôn được đặt ra đối với mỗi chủ thể văn hóa, môi trường và thời điểm cụ thể./.

_________________________________

(1) Tây Nguyên là một trong 7 vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Lễ hội truyền thống Tây Nguyên được hình thành từ tín niệm “vạn vật hữu linh” của các dân tộc thiểu số nơi đây như Gia rai, Ê đê, Ba na, Xê đăng, Mơ nông...

(2) Lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ hội đua voi, lễ hội đâm trâu (thực ra là lễ hội ăn trầu), lễ cúng sức khỏe, lễ cầu no đủ, lễ uống rượu mừng năm mới, lễ rước ghế kpan, lễ hội cồng chiêng, lễ lên nhà mới, lễ ăn cơm mới...

(3) “Bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội trong quá trình hội nhập và phát triển (Qua thực tiễn ở Quảng Nam)”, Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Ngọc Hòa làm chủ nhiệm năm 2011.

(4) Quỳnh Thục: Lễ hội - một lợi thế của du lịch. http://baotintuc.vn/van-hoa/le-hoi-mot-loi-the-cua-du-lich- 18-3-2015.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất