Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/3/2009 14:53'(GMT+7)

Bàn thêm về lễ hội

Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân miền biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, được tổ chức vào ngày 14,15,16 tháng 2 âm lịch.(Ảnh minh hoạ)

Lễ hội Nghinh Ông của ngư dân miền biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, được tổ chức vào ngày 14,15,16 tháng 2 âm lịch.(Ảnh minh hoạ)

Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua từ 2001, đến nay, thời gian đủ để chúng ta nhận ra sự cần thiết đến nhường nào. Tuy nhiên, sự chuyển biến chưa được nhiều nếu nhìn từ vấn đề tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và nâng cao trách nhiệm của công dân, bởi công cụ pháp lý này. Nhân mùa xuân, mùa của  lễ hội đang diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, tôi muốn nói đôi điều về một hoạt động văn hóa truyền thống này.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, nhất là từ khi chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, có thể nói không khí cởi mở đã nhanh chóng bao trùm  đời sống văn hóa tinh thần. Các lễ hội được phục hồi. Có nơi, chỉ một làng nhỏ, đời sống vật chất chưa được coi là khấm khá, ấy vậy mà một năm tổ chức vài ba  hội.

Tôi từng đi nhiều nơi do nhu cầu công tác, cũng được dự nhiều đám hội của làng xã bởi lòng say mê tìm hiểu, sưu tầm vốn văn hóa dân gian. Tôi thấy nơi nào cũng na ná, nếu không muốn nói là giống nhau như sao chép về quy mô tổ chức, về phương thức tiến hành từ lễ đến hội, từ trò diễn đến phục trang đám rước. Ở những cuộc như thế, bao giờ cũng có diễn văn, nhưng diễn văn chưa chạm tới hồn cốt của lễ hội, như lịch sử của làng hay thần phả thần tích. Tôi cũng từng gặp và hỏi một trong những người của ban tổ chức (cũng là chỗ thân quen) rằng: "Sao các ông tổ chức lắm hội thế!". Ông cười mà rằng: "Còn hơn không làm! Phải có chỗ chơi cho ông già bà cả, rồi để gái trai trong làng có nơi hò hẹn". Một người khác bảo: "Ăn thua gì! Làng nọ, làng kia họ làm còn "oách" hơn mình nhiều!"...

Còn đây là ý kiến của dân: "Tổ chức hội hè cũng có nhiều cái tốt, chỉ bực một nỗi con cháu ham quá bỏ cả làm cả học, nay tập mai rước, ngày kia lại thi!".  Có đôi vợ chồng đập lúa ở sân. Người chồng bảo tôi: "Trước kia chả thế này đâu. Ông tôi nói cả tổng mới có một hội. Làng nghèo, người đi xem cũng không nhiều lắm". Tôi hỏi: "Thế hội làng mình ý nghĩa thế nào?". Ông cười: "Mỗi cái miếu hoang thờ ông nào chả biết. Trước Tổng khởi nghĩa 1945, đấy  là nơi tụ tập của phường đen đỏ. Kháng chiến chống thực dân Pháp thì cái miếu tan do đạn cối từ bốt giặc bắn về, bây giờ ở đó bằng địa. Các ông xã bảo: "Không nhẽ mình kém làng bên?". Thế là hò dân đóng góp dựng lại, chạy chọt giấy tờ công nhận di tích mãi mà chả được, chỉ thấy khách về ăn uống lu bù, sốt ruột lắm!".

Ðây là những ý kiến mà tôi ghi được ở nhiều địa phương khác nhau. Xem ra, các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn về "hội chứng" nổ bùng lễ hội ở các làng xã. Không thể để tràn lan phát triển, vừa lãng phí, lại thêm cơ hội cho tiêu cực len vào.

Dân gian có câu: "Phép Vua thua lệ làng". Cho dù lễ hội lớn, thu hút dân cả một vùng, cả miền thì cũng phải tổ chức trên một địa điểm cụ thể gắn với di tích, đó là làng. Không hiếm những bất đồng đã xảy ra trong quy cách tổ chức, trong trình tự hành lễ giữa ban tổ chức với cơ quan văn hóa cấp trên. Cán bộ văn hóa của tỉnh, của huyện về chỉ đạo nhưng làng xã không nghe do thái độ không xuất phát từ thực chất vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, do không đủ lý lẽ và cơ sở khoa học để thuyết phục, và còn bao nhiêu cơn cớ nhạy cảm khác... Chính vì thế hội làng mỗi người bàn một phách chẳng ai chịu ai, thi nhau đặt thêm nhiều thủ tục rườm rà lắm khi lạc lõng. Ấy là chưa kể đến những lễ hội  vừa được khôi phục trong khi hàng trăm năm trước, người ta đã không còn biết có một lễ hội như thế.

Tôi có một ông bạn. Gọi là bạn nhưng ông hơn tôi đến 15 tuổi. Ông là cấp trên của tôi. Vào bộ đội ông mới được học chữ bởi trước đó, ông phải đi ở đợ. Tôi  gần gũi, có điều kiện giúp ông học thêm chữ. Sau mấy chục năm gặp lại, bây giờ ông đã là một "Tiên chỉ". Ông đỏ mặt tía tai yêu cầu bổ sung thủ tục khi hành lễ, ông bắt gắn thêm chi tiết này nọ vào trang phục để khi đi rước mới "oai và nhóng nhánh". Tôi hỏi: "Những cái đó, anh học ở đâu vậy?". Anh quát: "Chú về đây thăm anh hay về dạy anh như hồi xưa?".

Ở góc độ quản lý Nhà nước, nên có những công trình khoa học nghiên cứu cụ thể, riêng biệt cho từng lễ hội, trước mắt là những lễ hội lớn. Trong đó bao hàm những tính chất riêng biệt từ thủ tục hành lễ đến trang phục đám rước xuất phát từ thần tích, thần phả hay chính sử. Mỗi vùng đất, cư dân có trang phục riêng. Làm sao mà lễ hội nào của các vùng trên đất Việt cũng ăn mặc giống nhau đến thế được?

Những năm gần đây, nhiều địa phương đổ về phố Hàng Quạt, Hàng Gai,  Hà Nội để đặt mua quần áo tế lễ hội rước, dẫn đến tình trạng lễ hội nào cũng quần áo đỏ vàng xanh tím lòe loẹt quá mức. Rất nhiều trong số đó là những bộ áo quần phục vụ cho biểu diễn sân khấu. Ngay thứ quần áo cho biểu diễn tuồng chèo ấy, cũng phải xem lại, bởi trang phục liên quan đến lịch sử, phong tục và thói quen con người. Ðã có không ít những vở diễn nói về thời kỳ lịch sử này mà nhân vật lại cứ nghênh ngang trong áo quần của thời kỳ khác.

Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt. Nhưng không vì thế mà để phát triển tràn lan, tốn kém, lãng phí. Sự lòe loẹt cân đai mũ mão, kim sa kim tuyến nhóng nhánh quá nhiều ở nhiều nơi trong lễ hội hiện nay  thậm chí có thể góp phần làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vậy, cần quan tâm chi tiết trong khi phân loại lễ hội với các yếu tố riêng biệt và có những hướng dẫn cụ thể, thiết thực và khoa học theo đúng tinh thần của thời đại và nguyên cớ phát sinh hội lễ. Khi chúng ta coi lễ hội là một phần di sản văn hóa thì cái di sản ấy phải tinh túy, đa dạng chứ không có nghĩa là sự bát nháo, pha tạp./.

(Theo: Đặng Trường Lưu/Nhân dân)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất