Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/3/2009 16:8'(GMT+7)

Những mảnh đời “phía sau ước mơ”.

Mười thành viên của dự án tại buổi khai mạc triển lãm.

Mười thành viên của dự án tại buổi khai mạc triển lãm.

Với một chiếc máy ảnh dùng một lần, những người tham gia dự án đã chụp hơn 500 bức ảnh về cuộc sống chung quanh mình, về bạn bè, gia đình, người thân, về công việc và cả những mối quan tâm nho nhỏ của mình…
 
50 bức ảnh trong số đó được chọn ra trưng bày tại triển lãm, và ngay trong buổi khai mạc, các chủ nhân đã chia sẻ với người xem những câu chuyện của mình.

Triển lãm “của những ước mơ”

Những bức ảnh trong triển lãm không hề đặc sắc, thậm chí nếu xét theo tiêu chí ảnh nghệ thuật thì hiếm có bức nào đạt, chưa kể có những bức chỉ đơn thuần là ảnh lưu niệm. Thế nhưng, có lẽ đây là triển lãm hiếm hoi mà người xem không đặt nặng tiêu chí nghệ thuật, điều họ quan tâm hơn cả là những câu chuyện được kể đằng sau bức ảnh. Bởi các tác giả ở đây đều là những người lao động ngoại tỉnh, tham gia dự án “Tiếng nói của ảnh” do Chương trình tình nguyện LHQ (UNV) thực hiện, với sự trợ giúp về kỹ thuật của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).

Họ được phát cho một chiếc máy ảnh dùng một lần để chụp về tất cả những gì chung quanh cuộc sống mà họ quan tâm, dưới sự hướng dẫn của nhiếp ảnh gia Hồ Tiết và chuyên gia làm phim Fabrice Turri. Mục tiêu của dự án là nhằm diễn tả bằng hình ảnh các thách thức mà những người lao động này đang phải đối mặt tại Hà Nội. Bên cạnh đó, dự án cũng kỳ vọng vén mở những ước mơ và hy vọng mà họ đang ấp ủ. 

Một bữa cơm với đầy đủ cả nhà là ước mơ
của phần lớn những thành viên dự án.

Ông Andrew Bruce Chủ tịch Nhóm chủ đề Thanh thiếu niên LHQ cho biết: “Triển lãm nhấn mạnh vào những khó khăn trong cuộc sống mà các bạn trẻ di cư hiện sống giữa chúng ta đang phải đối mặt, điều này đã động viên cho những nỗ lực của chúng ta để giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Dự án đã cố gắng khắc họa câu chuyện của những bạn trẻ từ nhiều tỉnh thành, với những lý do khác nhau, di cư ra Hà Nội. Họ là những người bốc vác tại các khu chợ, người bán rong trên đường phố, những người quét dọn, hay sinh viên đang theo học tại các trung tâm dạy nghề hoặc trường đại học... nhưng tất cả cùng có chung một khao khát: mong ước cho một cuộc sống tốt đẹp hơn và một tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình.”


Những câu chuyện phía sau...

Lê Thanh Sáng bên và những bức ảnh của mình.
Điều khác biệt của triển lãm ảnh này, chính là câu chuyện của những người tham gia dự án. Là sinh viên trường Dược, chiếc hộp giấy đã trở thành bàn học của Lê Thanh Sáng mấy năm nay. Sinh ra tại vùng quê nghèo Hải Hậu, Nam Định, năm Sáng trở thành sinh viên cũng là lúc cả gia đình Sáng rời quê lên Hà Nội kiếm sống, bởi ở quê cha mẹ cậu không thể xoay sở nổi với gánh nặng nuôi ba người con ăn học, cùng với bà nội già yếu.

Lên Hà Nội, bốn người ở trọ trong căn phòng chỉ có vỏn vẹn vài mét vuông, mẹ chạy chợ, bán hàng, bố chạy xe ôm, còn Sáng làm thêm công việc bưng bê trong một số quán ăn. Chiếc hộp giấy kê trên giường là nơi Sáng học bài hằng đêm.

Sáng kể “Hồi em mới cầm máy ảnh, cũng run lắm, chưa bao giờ biết đến máy ảnh là gì. Nhưng khi được hướng dẫn rồi thấy thích lắm. Những bức ảnh em chụp đều là về cuộc sống của chính em và người thân trong gia đình. Em muốn cho mọi người biết được cuộc sống của chúng em, những người phải rời xa quê hương để kiếm sống....”.

Chiếc giá vẽ và ước mơ làm hoạ sĩ của Lâm Văn Tráng.

Cùng tham gia dự án với Sáng là người anh họ Lâm Văn Tráng, vẽ rất đẹp. Tráng vào học trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, nhưng không theo đuổi được đúng ngành nghề mình thích, do không đủ điều kiện. Trong góc phòng trọ 7m2 với bốn nhân khẩu, Tráng vẫn dành riêng một góc cho chiếc giá vẽ của mình, đó là nơi cậu thể hiện mơ ước trở thành hoạ sĩ, dù chỉ vào những khoảng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi...  Tráng bảo, bằng cách chụp ảnh, cậu muốn xã hội hiểu và đồng cảm hơn với những người nghèo bươn chải xa quê như cậu, và mong sẽ được giúp đỡ nhiều hơn để sinh sống và có việc làm ổn định.
Ba mẹ con - dì cháu chị Nguyễn Thị Tươi và Nguyễn Thị Hoa.
Ở một góc triển lãm, một phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu đang tíu tít bận trả lời phỏng vấn của các nhà báo. Những vất vả khó nhọc trong cuộc mưu sinh đã khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 38 của mình, thế nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ là con gái lớn của chị năm nay đã học năm thứ 1 Đại học Sư phạm Hà Nội. Chị là Nguyễn Thị Tươi, quê ở xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, và cô con gái Lê Thị Hồng Tiến đều trở thành thành viên của dự án “Tiếng nói của Ảnh”. Hành trang của chị ngoài những bức ảnh, còn là chiếc xe đạp và đôi xảo hàng ngày chị vẫn chở hàng đi bán.

Miệng cười khi kể về nỗi vất vả đoạn trường của cuộc mưu sinh trong bốn năm trời ở Hà Nội, nhưng ánh mắt chị Tươi không giấu được sự xót xa: “Nhà tôi số đen lắm, làm ăn gì cũng không được, lợn, bò, gà nuôi đều lăn ra chết vì dịch, trồng trọt thì thiên tai cũng làm cho hỏng hết. Cứ hỏng lại vay tiền làm ăn tiếp, rồi lại hỏng, nợ cứ thế chồng lên nợ. Trắng tay, hai vợ chồng rủ nhau ra Hà Nội kiếm sống chứ không thể ở quê được”.

Lên đây làm được bốn năm, trả hết nợ, lo cho con cái ăn học, rồi tham gia vào dự án, cuộc sống của chị thay đổi hẳn. Hiện nay ngoài “Tiếng nói của Ảnh”, chị Tươi còn là thành viên của các dự án truyền thông dân số, sức khoẻ Ánh sáng, thông tin cộng đồng...

Trong số những người tham gia dự án, vợ chồng chị Tươi còn có cái may mắn lớn nhất, đó là hai đứa con học giỏi và ngoan, cùng với cô út xinh xắn năm nay chuẩn bị vào lớp 1. Chị kể đầy tự hào: “Đứa thứ hai nhà tớ học giỏi lắm, nó đi thi tỉnh, thi huyện đều được giải đấy. Con chị đang học ĐH Sư phạm đấy, nhưng cũng không bằng đâu”.

Chị Nguyễn Thị Hoa bên chiếc xe đạp cũ kỹ - cần câu cơm của cả nhà.
Ngồi cạnh chị Tươi là chị Nguyễn Thị Hoa, vóc người nhỏ thó, dáng khắc khổ, chỉ có đôi mắt là lấp lánh cười. Nhỏ bé vậy, nhưng công việc mà chị Hoa đang làm lại là phu khuân vác hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên. Níu tay bắt chuyện rất tự nhiên, chị Hoa luôn miệng đố mọi người xem giữa chị và chị Tươi có nét nào giống nhau không. Rồi chị bật mí “chúng tớ là hai chị em ruột đấy, bà ý lớn hơn mà trông còn trẻ hơn cả tớ”.

Chị kể, chị Tươi lên Hà Nội trước, rồi rủ chị lên. Ở nhà, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối vẫn không đủ cho cả nhà năm miệng ăn. Chồng đi đóng gạch vất vả, nhưng thu nhập lại rất thấp, đã thế lại thêm tính ham vui, lúc chơi bài, lúc ăn nhậu, chẳng đem về cho vợ con được mấy đồng.

Chị bảo, “ban đầu mới đi làm sợ lắm, bị chửi, bị đầu gấu bắt nạt liên tục. Bây giờ thì kệ, việc mình mình làm. Hiện tại vợ chồng chị đang cất một căn nhà dưới quê, cũng phải vay nợ, nhưng sẽ lo liệu trả dần được”. Mong muốn lớn nhất của chị là làm sao đổi được công việc, cho đỡ vất vả hơn. Tham gia dự án, chị bạo dạn hơn nhiều, trước đây chả dám hỏi han, chuyện trò với ai, bây giờ đã đủ tự tin đứng thuyết trình trước nhiều người. Cũng như chị Tươi, chị Hoa cũng là thành viên của một số dự án y tế và truyền thông cộng đồng...

Dự án “Tiếng nói của Ảnh” có thể chưa hẳn đem lại chiếc cần câu cho những người tham gia, nhưng với những gì họ có được hôm nay, biết đâu sẽ có thêm những cánh cửa khác mở ra cho họ./.

(Theo: Tuyết Loan/Nhân dân ĐT)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất