Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 24/3/2009 13:2'(GMT+7)

Điện ảnh Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề

Cục trưởng cục điện ảnh Lại văn Sinh

Cục trưởng cục điện ảnh Lại văn Sinh

Qua hơn nửa thế kỉ ra đời và phát triển, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng ngàn bộ phim các thể loại truyện, thời sự, tài liệu, khoa học, hoạt hình đã phản ánh chân thực quá trình đi lên của đất nước qua các thời kì khác nhau, trong đó nhiều tác phẩm xuất sắc đã giành những giải thưởng cao quý tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Hàng chục năm vận hành trong cơ chế bao cấp, khi chuyển sang cơ chế thị trường, điện ảnh gặp nhiều khó khăn trong tất cả các hoạt động của mình. Tuy nhiên với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sau một thời gian lúng túng, Điện ảnh Việt Nam đã từng bước chuyển mình và đạt được những thành tựu đáng kể. Các nhà làm phim vẫn tiếp tục bám sát cuộc sống để phản ánh vào tác phẩm của mình những đổi thay của đất nước.Hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam được khắc họa với cách nhìn mới. Nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu giành giải thưởng cao tại các Liên hoan phim khu vực và quốc tế.Hầu hết những bộ phim này được đánh giá là có tính nhân văn sâu sắc và mang đậm bản sắc Việt Nam.

Đặc biệt việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động điện ảnh đã có tác dụng khá tích cực. Ngoài các hãng phim Nhà nước còn có các hãng phim tư nhân tham gia sản xuất phim truyện nhựa. Điều này tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và góp phần nâng cao chất lượng phim, làm phong phú, đa dạng đề tài cũng như cách thể hiện đối với các tác phẩm điện ảnh. Bên cạnh những phim tốt của các hãng phim Nhà nước như Đời cát, Những người thợ xẻ, vào Nam ra Bắc, Lưới trời, Thung lũng hoang vắng, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Người đàn bà mộng du, Giải phóng Sài Gòn, Sống trong sợ hãi, Chuyện của Pao, Chớp mắt cùng số phận, Trái tim bé bỏng, Rừng đen…(phim truyện), Trở lại Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm “khùng”, Chốn quê, Nơi chiến tranh đã đi qua, Vì cuộc sống bình yên, Thang đá ngược ngàn, Những nẻo đường công lý, Còn lại với thời gian, Kèn đồng, Bài ca trên đỉnh Tà Lùng…(phim tài liệu) mảng phim của các hãng tư nhân cũng tạo được hiện tượng khán giả như các phim Những cô gái chân dài, Áo lụa Hà Đông, Trai nhảy, Nụ hôn thần chết, Dòng máu anh hùng…

Việc hợp tác liên doanh với các đối tác nước ngoài cũng được mở rộng, tạo ra những tác phẩm chất lượng như phim Thời xa vắng, Mùa len trâu, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kong, Hà Nội - Hà Nội…Gần đây các nghệ sĩ điện ảnh là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài về nước tham gia làm phim ngày càng nhiêu.

Có thể nói, nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 đã giúp cho ngành điện ảnh ổn định trở lại sau một thời gian phải đối mặt với thị trường. Chương trình mục tiêu với phương châm đầu tư chiều sâu đã tạo điều kiện cho điện ảnh duy trì và phát triển được sự nghiệp của mình. Trang thiết bị kĩ thuật từng bước được cải thiện, nâng cấp, đến nay chúng ta đã có được cơ sở kĩ thuật khá hiện đại, không thua kém các nước trong khu vực. Tình hình sản xuất phim đạt mức bình quân 10 – 15 phim truyện, 18 phim tài liệu, khoa học và 10 phim hoạt hình mỗi năm. Trong đó nhiều bộ phim có chất lượng tốt được giải thưởng cao cả ở trong và ngoài nước. Đặc biệt năm 2000, liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, điện ảnh Việt Nam đã gặt hái thành công lớn với giải nhất cho phim truyện, giải nhất lần thứ 4 liên tiếp cho phim tài liệu, hai giải cá nhân cho diễn viên nữ chính và diễn viên nữ phụ. Tuy vậy, chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn xứng đáng với những thành tựu to lớn mà công cuộc đổi mới mang lại.

Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã cung cấp cho các địa phương trong cả nước các thiết bị mới để phục vụ nhân dân. Tính đến nay đã có trên 40 địa phương được trang bị máy chiếu rạp âm thanh lập thể, 100% đội chiếu bóng lưu động được cấp máy chiếu phim nhựa và video, nhiều tỉnh được trang bị máy lồng tiếng dân tộc. Việc đầu tư này rất hiệu quả phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, mang đến cho đồng bào miền núi, hải đảo, vùng nông thôn xa xôi những tình cảm tốt đẹp về chính sách của Đảng, Nhà nước ta.

Tuy nhiên, trong khi đất nước ta đang ở vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện theo cơ chế thị trường, Chính Phủ đang đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thì mọi hoạt động của ngành Điện ảnh vẫn gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến phát hành phổ biến phim.

1. Khu vực sản xuất phim

Hiện nay trong cả nước có 5 Hãng phim thuộc Nhà nước là Hãng phim truyện VN, Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện 1, Hãng phim tài liệu và khoa học TW, Hãng phim hoạt hình; Một số hãng phim thuộc các bộ, hay tổ chức nghề nghiệp như Điện ảnh Quân đội nhân dân, Điện ảnh Công an nhân dân, Hãng phim Hội Nhà văn, Hãng phim Hội Điện ảnh, Hãng phim Thanh niên… và khoảng trên dưới 30 hãng phim tư nhân tập trung chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thực tế cho thấy, sự vận hành của các hãng phim Nhà nước theo cơ chế bao cấp ngày càng trở nên khó khăn và không còn phù hợp trong xu thế phát triển và hội nhập của đất nước. Các hãng phim Nhà nước hầu hết còn mang một gánh nặng biên chế cồng kềnh. Việc đảm bảo lương hàng tháng cho cán bộ CNV rất khó khăn. Và tới đây, khi thực hiện nghiêm túc việc đấu thầu sản xuất phim, nếu không có dự án được tuyển chọn đưa vào sản xuất, thì hãng cũng sẽ không được cấp kinh phí. Điều ấy có nghĩa là ngay cả việc trả một phần lương cũng sẽ không thực hiện được.

Nhiều nghệ sĩ có tài không còn gắn bó với hãng mà tìm nguồn làm phim và các công việc khác bên ngoài. Số người không có việc chiếm tỉ lệ không nhỏ. Tất cả những yếu tố đó làm cho không khí sáng tác giảm sút, ảnh hưởng xấu đến chất lượng phim.

Hiện nay xu hướng cố phần hóa là tất yếu, nhưng cần phải có lộ trình cho phù hợp với từng hãng phim. Nhà nước vẫn cần phải đặt hàng hoặc tài trợ để sản xuất những bộ phim có giá trị nghệ thuật đích thực, nhằm tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên và giới thiệu với thế giới những hình ảnh tiêu biểu về đất nước và con người Việt Nam. Vì thực tế cho thấy những năm qua, việc các hãng phim tư nhân tham gia sản xuất phim đã tạo ra sự phong phú, đa dạng các tác phẩm điện ảnh, nhưng chủ yếu các phim tư nhân nhằm mục đích kinh doanh là chính, nên chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của một bộ phận khán giả. Chúng ta cần có những tác phẩm đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh cho nhân dân nhưng cũng cần phải có cả những tác phẩm có nội dung khẳng định các giá trị tốt đẹp của dân tộc. Những bộ phim có giá trị nghệ thuật cũng là những sản phẩm văn hóa góp phần tích cực trong việc giới thiệu với thế giới những nét đẹp của văn hóa và con người Việt Nam.

Việc tinh giảm biên chế trong các hãng phim Nhà nước là cần thiết phải làm. Nhưng đây lại là vấn đề rất khó vì đội ngũ này gắn bó lâu năm và có nhiều đóng góp với ngành, cần phải có chính sách, chế độ đảm bảo cho họ (như Nghị định 41, 132…). Việc giảm biên chế cần đảm bảo giữ được những người có tài, có tâm huyết, không làm tan rã đội ngũ cũng như không khí say mê sáng tạo nghệ thuật.

2. Khu vực phát hành và phổ biến phim:

Ngoài Công ty xuất nhập khẩu và phát hành phim TW (Fafim Việt Nam) hiện nay còn có các cơ sở tư nhân tham gia xuất nhập khẩu phim và hệ thống phát hành phim ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước với những tên gọi khác nhau. Những năm gần đây, hoạt động của Fafim Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Do không có đủ số rạp chiếu bóng cần thiết, Fafim không thể cạnh tranh với các cơ sở nhập phim tư nhân liên doanh với nước ngoài, vì vậy từ lâu nay Fafim chỉ nhập phim video với số lượng hạn chế mà không thể nhập đươc phim nhựa.

Ngoài trung tâm chiếu bóng Quốc gia, hầu hết các rạp chiếu thuộc khu vực quốc doanh đều cũ kĩ lạc hậu và không đủ tiêu chuẩn kĩ thuật.

Khi bước sang cơ chế thị trường, các cơ sở phát hành phổ biến phim từ TW đến địa phương đã chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp. Điều này là phù hợp vì nó bình đẳng với khu vực sản xuất phim cũng là sản xuất kinh doanh. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Thực tế cho thấy nếu chỉ trông vào việc chiếu phim, mà lại chỉ chiếu trong một rạp thì doanh nghiệp khó có thể tự nuôi sống được mình. Kinh nghiệm các nước cho thấy, phải tổ chức thành các cụm rạp với nhiều phòng chiếu cùng với nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác nhau thì mới có hiệu quả.

Trước tình hình đó, ở hầu hết các địa phương, chính quyền đã cho các công ty phát hành phim và chiếu bóng chuyển về thành đơn vị sự nghiệp hoặc sát nhập với trung tâm văn hóa thông tin cơ sở.

Việc đưa các đơn vị phát hành, phổ biến phim về hình thức sự nghiệp trong tình hình thực tế ở nước ta hiện nay là sự bảo trợ cần thiết để duy trì hoạt động phổ biến phim ở địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thưởng thức tác phẩm điện ảnh của đông đảo nhân dân ở các vùng nông thôn, miền núi, xa xôi hẻo lánh như các Nghị quyết của Đảng và Chính sách của Nhà nước ta quy định. Nhưng xét về lâu dài, với xu hướng phát triển tất yếu thì đó chỉ là biện pháp tình thế.

Hiện nay, thông qua chương trình mục tiêu, hầu hết các địa phương đều được trang bị máy móc hiện đại. Tuy nhiên nguồn phim, đặc biệt là phim nhựa Việt Nam chưa đủ để cung cấp cho các địa phương phục vụ đồng bào. Những đợt phim kỉ niệm ngày lễ lớn cũng không đủ nguồn phim cho cả nước. Điều này làm giảm hiệu quả của công tác phổ biến phim, đặc biệt là đối với phim Việt Nam. Trong khi đó nhu cầu xem phim truyện Việt Nam của đông đảo bà con rất cao. Hầu hết các bộ phim Việt Nam khi chiếu ở vùng miền núi, hải đảo xa xôi đều được đón nhận nồng nhiệt.

Gần đây, các tổ chức và cá nhân nước ngoài đầu tư vào khu vực phát hành phim ngày càng nhiều. các cụm rạp với thiết bị hiện đại, tiện nghi đầy đủ đã và đang được xây dựng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và một vài địa phương khác như Megastar, Diamond…Sự xuất hiện của những cơ sở này cùng với xu hướng nhập khẩu và phát hành phim chuyên nghiệp đã làm cho hệ thống các rạp chiếu phim cũ thuộc các Trung tâm điện ảnh và phát hành phim ở các địa phương đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì không có khách.

Thực tế trên có ưu điểm là tạo ra được một hệ thống cụm rạp hiện đại đáp ứng nhu cầu của khán giả, kéo khán giả đến rạp, cung cấp cho khán giả những tác phẩm điện ảnh mới nhất của thế giới. Tuy nhiên, các cơ sở nhập phim tư nhân chủ yếu coi trọng yếu tố lợi nhuận nên thường lựa chọn những phim thương mại, ăn khách mà ít chú ý đến nội dung tư tưởng của tác phẩm và điều này phải được coi như là một nguy cơ khi mà những con cá mập trong lĩnh vực phát hành phim của Mỹ đang mong muốn đầu tư vào việc xây dựng rạp chiếu phim kỹ thuật cao trong các đô thị lớn ở nước ta. Đây cũng chính là con đường mà họ xâm chiếm thị trường phim của nhiều nước khác trên thế giới. Khi đã nắm được hệ thống rạp, họ giành quyền chủ động trong việc nhập phim từ Mỹ (phim Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số phim nhập khẩu hàng năm). Tình trạng này sẽ gây khó khăn lớn cho việc phổ biến phim Việt Nam cũng như phim của các nước khác. Trong Luật điện ảnh có quy định tỉ lệ phim nhập để hạn chế phim ngoại, nhưng khi gia nhập WTO thì quy định hạn ngạch phải hủy bỏ. Nghị định 96/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật điện ảnh đã quy định tỷ lệ phim Việt Nam và phim nhập ngoại chiếu ở rạp và trên sóng truyền hình, nhưng cũng rất khó khăn trong việc thực hiện bởi lẽ số lượng phim hàng năm chúng ta sản xuất rất ít trong khi nhu cầu của người xem ngày càng tăng lên.

Thêm vào đó là sự bùng phát của truyền hình, đặc biệt là các kênh truyền hình của nước ngoài mà Đài truyền hình Việt Nam phát trên hệ thống truyền hình cáp VCTV như HBO, Starmovie, Starworld, Cinemax, Hallmark không hạn chế việc chiếu phim có yếu tố bạo lực, tình dục, kinh dị, quá mức bình thường. Thực tế đó cũng góp phần làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về điện ảnh. Nhiều lần, khi Cục điện ảnh không cho phép phổ biến những phim có yếu tố bạo lực hay sex ở mức vi phạm luật điện ảnh, các đơn vị nhập phim thắc mắc là so với những phim đã phát trên hệ thống truyền hình thì phim của họ chưa thấm gì. Hoặc có những phim Cục điện ảnh cấm phát hành nhưng ngay sau đó được quảng cáo trên những kênh nói trên. Ở Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc, hay nhiều nước Tây Âu, Bắc Âu khác cũng vậy, các phim truyện, nhất là những phim có yếu tố sex và bạo lực đến mức ảnh hưởng, không có lợi đều xuất hiện trên sóng truyền hình rất hạn chế và có chọn lọc chứ không tràn lan, dễ dãi như ở nước ta hiện nay. Đó là chưa kể tới các đài truyền hình địa phương, khai thác phim từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều bộ phim nếu không có yếu tố tình dục hay bạo lực quá mức thì nội dung nghệ thuật lại yếu kém, nhạt nhéo, thậm chí nhố nhăng chỉ nhằm câu khách rẻ tiền, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ lành mạnh của người xem.

Việc duy trì một số rạp chiếu thuộc loại hình thức sự nghiệp có thu ở các địa phương chỉ là để phục vụ cho các đợt sinh hoạt chính trị như tổ chức các tuần phim kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước mà hầu như không có hiệu quả về mặt kinh tế.

3.Công tác đào tạo

Trước đây, trong đội ngũ làm phim, nhiều người được đào tạo bài bản tại Liên Xô cũ và các nước xã hội chủ nghĩa, ở cả ba khâu quan trọng của điện ảnh là nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế. Họ đã có rất nhiều đóng góp trong việc tạo ra những thành tựu to lớn cho nền điện ảnh nước nhà. Từ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nguồn nhân lực này không còn. Trong khi đó, chất lượng đào tạo trong nước chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.Chính điều này làm cho điện ảnh Việt Nam gần đây bị hẫng hụt ở nhiều khâu quan trọng, không tạo được sự tiếp nối liên tục giữa các thế hệ.

Những bất cập trong khâu đào tạo càng trở nên đáng lo ngại khi sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh thế giới đang tăng nhanh do tác động to lớn của công nghệ mới.

Cũng cần phải nói thêm rằng hiện nay cả hai trường đại học sân khấu điện ảnh ở Hà Nội và thành phố HCM chưa có đội ngũ giáo viên chuyên sâu, hầu hết là các nghệ sỹ kiêm nhiệm, chưa có hệ thống giáo trình chuẩn, chưa có hình thức đào tạo tài năng phù hợp với điện ảnh vốn là một ngành đặc thù. Bởi vậy thực chất là đào tạo ra những công chức hoạt động nghệ thuật. Sinh viên quay phim sau 5 năm học không quay được phim nhựa, diễn viên diễn xuất như trên sân khấu, biên kịch đạo diễn thì mong lập nghiệp ở truyền hình vì con đường đó ngắn hơn để đến với cả danh và lợi.

4.Công tác lý luận phê bình

Từ nhiều năm nay, công tác lý luận phê bình điện ảnh không được chú trọng. Đây là một trong những khâu rất quan trọng nhằm định hướng khán giả và góp phần kích thích sáng tạo, tuy nhiên đội ngũ các nhà lý luận, phê bình phim quá mỏng, công tác phê bình chỉ dừng ở mức giới thiệu tác phẩm, chưa có những phân tích sâu sắc một cách khoa học và chuyên nghiệp. Thực tế hiện nay chủ yếu là các nhà báo viết về điện ảnh, trong số họ rất nhiều người trẻ mới vào nghề báo, thậm chí còn đang tập sự, đang là sinh viên thực tập hoặc cộng tác viên cho các báo, hiểu biết về điện ảnh không đến nơi đến chốn. Nhiều trường hợp không xem phim, chỉ nghe nói hoặc đọc trên báo nói về bộ phim nào đó, nhưng cũng tham gia viết bài. Đó là những ý kiến rất chủ quan và hoàn toàn theo cảm nhận cá nhân, nhưng lại nhân danh báo chí để định hướng khán giả và dư luận. Vì vậy cũng gây nhiễu loạn thông tin, khiến việc đưa tác phẩm điện ảnh đến với khán giả càng khó khăn hơn.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, điện ảnh không còn giữ được vị thế độc tôn về khán giả như trước năm 1990. Không những thế, hiện nay quá trình hội nhập của đất nước đang diễn ra rất nhanh, mạnh và toàn diện mà điện ảnh là một trong những lĩnh vực có nhu cầu và điều kiện để mở rộng sự giao lưu trên tất cả các hoạt động của mình. Vì thế, cần phải có những giải pháp lâu dài và cấp bách để tháo gỡ những khó khăn bế tắc, tạo điều kiện cho nền điện ảnh dân tộc phát triển bền vững nhằm phục vụ tốt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và tự tin, chủ động tham gia các sinh hoạt điện ảnh quốc tế.

Muốn làm được điều đó cần phải có những giải pháp lâu dài mang tầm chiến lược và các biện pháp cấp bách để tháo gỡ những khó khăn và bất cập. Ngoài yếu tố quan trọng là sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ các nhà hoạt động điện ảnh, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi hiện nay. Chúng tôi xin nêu ra đây một số vấn đề như những kiến nghị để góp phần duy trì và từng bước phát triển các hoạt động điện ảnh.

1.Về giải pháp chiến lược

1.1. Nhà nước cần có chính sách giúp cho các cơ sở điện ảnh thuộc Nhà nước vượt qua những khó khăn trước mắt và phát triển được sự nghiệp của mình, vì đây là những nơi tập hợp đội ngũ nghệ sỹ được đào tạo cơ bản, có tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm. Động viên đội ngũ làm phim, khuyến khích lòng say mê sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ, tạo ra không khí thi đua làm phim hay, vì sự phát triển của nền điện ảnh dân tộc. Kinh nghiệm cho thấy, trong hơn 50 năm xây dựng ngành, lúc nào nền điện ảnh có những cuộc tập hợp lớn, có hào khí thì lúc đó có thành tựu. Ví dụ như thời kì đầu của phim truyện (1959- 1964) thời kỳ điện ảnh cả nước tham gia chống Mỹ cứu nước và thời kỳ sau Nghị định 48/CP tháng 7/1945, chúng ta đều có những tác phẩm điện ảnh được dư luận trong và ngoài nước ngoài đánh giá cao.

1.2. Nhà nước phải có chiến lược về đào tạo và sử dụng nguồn lực con người, bởi đây là nhân tố quyết định mọi sự thành bại trong các hoạt động điện ảnh. Gần hai thập kỉ qua ngành điện ảnh không còn nguồn cán bộ được đào tạo từ nước ngoài, trong khi đào tạo ở trong nước thì bất cập như đã trình bày ở phần thực trạng, điều đó khiến cho đội ngũ làm phim bị hẫng hụt, mất tính kế thừa liên tục. Điện ảnh là ngành nghệ thuật gắn liền với công nghệ cao, vì vậy trong thời đại công nghệ phát triển với tốc độ một năm bằng hàng thập kỷ như hiện nay thì nếu không được đào tạo bài bản ở cả khâu nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế, chúng ta sẽ không theo kịp sự phát triển của thế giới.

1.3 Phải xây dựng được những trường quay điện ảnh hiện đại bao gồm cả trường quay nội, trường quay ngoại đủ điều kiện để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của nhà làm phim. Bên cạnh đó, phải tiếp tục trang bị đồng bộ máy móc công nghệ để phim Việt Nam đạt chuẩn quốc tế về hình ảnh và âm thanh.

Qua thực tế khảo sát cho thấy nền điện ảnh Hàn Quốc trước năm 1990 cơ bản giống với tình hình điện ảnh Việt Nam hiện nay, nhưng Nhà nước Hàn Quốc đã quyết định tập trung đầu tư vào hai khâu quan trọng là đào tạo và kỹ thuật. Theo đó hàng trăm nhà làm phim trẻ được gửi đi đào tạo ở Mỹ và các nước có nền điện ảnh phát triển. Và chính đội ngũ này đã làm nên diện mạo của điện ảnh Hàn Quốc ngày nay. Cũng đúng vào lúc nền điện ảnh Hàn Quốc gặp khó khăn nhất thì kế hoạch đầu tư xây dựng trường quay với công nghệ hiện đại được triển khai. Nhà nước không chỉ xây dựng trường quay quy mô lớn, mà còn đầu tư trang thiết bị hiện đại cho ngành điện ảnh. Với những quyết định mang tầm chiến lược ấy, điện ảnh Hàn Quốc không những thoát khỏi bế tắc mà còn phát triển thành một nền điện ảnh mạnh ở Châu Á và thế giới. Hiện nay trường quay và toàn bộ trang thiết bị vẫn thuộc sự quản lý của một cơ sở thuộc Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc.

1.4. Khuyến khích việc thành lập các Hiệp hội sản xuất phim, phát hành, phổ biến phim để hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một biện pháp tăng cường xã hội hóa các hoạt động điện ảnh, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, tránh kiểu làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy chạy, vừa gây rối loạn hoạt động sản xuất kinh doanh vừa khó quản lý. Trên thế giới, hầu hết các nước có nền điện ảnh tiên tiến đều có các Hiệp hội như vậy.

Những giải pháp chiến lược trên đây cần được hoạch định theo một lộ trình cụ thể và khả thi. Đó là những tác nhân quyết định để xây dựng nền điện ảnh dân tộc ổn định và phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hội nhập.

2 - Một số giải pháp cấp bách

2.1. Tăng ngân sách Nhà nước để đảm bảo mỗi năm có thể đặt hàng tài trợ sản xuất 8- 10 phim truyện, 15 phim tài liệu – khoa học và 10 phim hoạt hình có nội dung đáp ứng với tiêu chí định hướng cả tư tưởng và nghệ thuật nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống tốt đẹp, có tác dụng tích cực đối với đời sống tinh thần của xã hội. Chúng ta không thể không xây dựng những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực, bởi đó là diện mạo của nền điện ảnh dân tộc, là hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam để giới thiệu với thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi mà quá trình mở cửa hội nhập có rất nhiều yếu tố tiêu cực tràn vào, chúng ta càng cần có những tác phẩm đề cao cái đẹp, cái tích cực để giáo dục thế hệ trẻ. Cũng giống như các ngành nghệ thuật khác, điện ảnh cần phải có những tác phẩm mang tính kinh điển, hàn lâm bên cạnh những tác phẩm phục vụ cho nhu cầu giải trí lành mạnh và thương mại.

2.2. Điều chỉnh hợp lý giá thành sản xuất phim đối với những phim sử dụng ngân sách Nhà nước (Phim tài trợ). Hiện nay, kinh phí sản xuất phim của ta vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt năm 1999. Từ đó đến nay nhiều loại vật giá đã tăng gần gấp đôi, tiền lương cơ bản tăng hơn gấp 3 lần. Kinh phí sản xuất phim bị việc “đội giá” làm giảm thiểu khá nhiều, vì thế cung cách làm phim hiện nay đang bị phá vỡ các quy trình cơ bản bằng cách làm tắt, làm ẩu… Đây là một trong những báo động đỏ của điện ảnh Việt Nam. Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ đưa ra 3 tiêu chuẩn để khẳng định một nền điện ảnh chuyên nghiệp. Đó là có Biên đạo giỏi, lành nghề; có kinh phí sản xuất và quảng bá hợp lý; và có một công chúng khán giả nồng nhiệt.

2.3. Cần tạo điều kiện cho điện ảnh có một kênh riêng trên sóng truyền hình như ở Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga v.v... Kênh này được chủ động xây dựng chương trình, kêu gọi quảng cáo, tài trợ để đầu tư trở lại cho việc sản xuất phim.

2.4. Nhà nước đầu tư xây dựng một số rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại ở các khu đô thị lớn để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị và góp phần quảng bá phim Việt Nam.

2.5. Khẩn trương cổ phần hóa các đơn vị điện ảnh Nhà nước, đặc biệt là các cơ sở sản xuất và phát hành phim. Động thái này không những phù hợp với quy luật mà còn làm cho tính chủ động, tính tự quyết của các cơ sở điện ảnh được phát huy ở mức độ cao nhất. Bởi cổ phần hóa sẽ giúp cho việc lựa chọn mô hình, lựa chọn con người xứng tầm với công việc. Cổ phần hóa là con đường đào thải tự nhiên đối với sự dựa dẫm, lười nhác và bất tài.

Tuy nhiên trước mắt, khi thực hiện cổ phần hóa các hãng phim truyện nhà nước, nên áp dụng theo hình thức Nhà nước nắm vai trò chủ đạo để có thể tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật có nội dung tư tưởng tốt theo đúng định hướng trong khi các hãng phim tư nhân chủ yếu làm ra các phim thị trường lấy mục tiêu ăn khách làm đầu.

Riêng sản phẩm của Hãng TL&KHTƯ khó có thể kinh doanh được. Bởi vậy trước mắt nên áp dụng cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ để sản xuất những sản phẩm văn hóa phục vụ yêu cầu chính trị.

2.6. Hiện nay, giá nhập khẩu phim nước ngoài thấp hơn rất nhiều so với giá sản xuất phim trong nước. Trong khi đó việc đánh thuế đối với các cơ sở nhập khẩu phim chưa thảo đáng (việc thực hiện chế độ tính thuế đối với các cơ sở chưa thống nhất). Điều này khiến cho việc phát hàng phim Việt Nam càng khó khăn hơn. Vì vậy cần thực hiên chính sách thuế hợp lý đối với các phim nhập khẩu. Đây không chỉ là việc điều chỉnh lại một sự bất hợp lý mà còn có ý nghĩa bảo vệ phim Việt Nam trong khi biện pháp hạn chế số lượng phim nhập khẩu được quy định trong Luật Điện ảnh chưa kịp áp dụng thì đã phải hủy bỏ theo cam kết với WTO.

Điện ảnh là một trong những ngành nghệ thuật đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước. Trong thời kì đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh ngày càng cao hơn, cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy điện ảnh cần phải có những điều kiện để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên với những đặc thù của nó, điện ảnh cần có sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước thì mới phát triển được để có thể vừa đáp ứng được với nhu cầu giải trí lành mạnh của người xem, vừa giới thiệu được những giá trị văn hóa của đất nước, con người Việt Nam với đông đảo khán giả trong nước và thế giới, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của nhân dân.

NSƯT Lại Văn Sinh
Cục trưởng cục điện ảnh 
(Bản tin  LLPBVHNT số 5)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất