Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 26/3/2009 8:30'(GMT+7)

"Hội nghị Diên Hồng" văn hoá của thời kỳ hiện đại

Để hưởng ứng Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/11/2008 về việc lấy ngày 19/4 hàng năm là "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam", các địa phương trong cả nước đều tổ chức các hoạt động phong phú và sôi nổi hưởng ứng.

Ở qui mô Trung ương, "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" sẽ diễn ra , tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Hà Nội), trong hai ngày 18 và 19/4, Đáng chú ý nhất là Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" diễn ra từ 20h đến 21h30 tối 19/4. Ngày hội còn có với nhiều hoạt động phong phú như: triển lãm các sản phẩm văn hoá, du lịch; giao lưu văn hoá, nghệ thuật, trang phục truyền thống; trình diễn trò chơi dân gian, thể thao truyền thống các dân tộc; triển lãm tài liệu, hiện vật, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sách báo; chiếu phim về văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bác Hồ với các dân tộc Việt Nam; hội nghị nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân dân tộc. Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" tối 19/4 sẽ kết thúc bằng màn pháo hoa rực rỡ.

Một hội nghị Diên Hồng để củng cố các giá trị Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục - người được Ban tổ chức mời viết kịch bản cho ngày hội khẳng định: "Ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam" có ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng về văn hoá của thời kỳ mới. Chính vì vậy, chương trình lễ hội phải tạo được những điều khác lạ, hấp dẫn giới trẻ yêu và tin vào các hệ giá trị Việt Nam".

Lần đầu tiên, một lễ hội sẽ không có sân khấu mà được dàn dựng như một bức tranh về văn hoá dân tộc diễn ra trên diện tích gần 5 nghìn mét vuông, với không gian  sống động, hòanh tráng và đầy màu sắc của văn hoá các dân tộc. Công chúng có thể được ăn thắng cố "xịn" trên sân khấu, được nghe các già làng Tây Nguyên kể sử thi, được xem đồng bào miền núi xuống chợ, được xem các nghệ nhân trình diễn rối nước không có màn che.v.v…

Tổng lực về nghe và nhìn các giá trị văn hoá dân tộc

Nhạc sĩ Trọng Đài - Tổng đạo diễn của chương trình cho biết: Được giao thực hiện chương trình với ông là một thử thách, làm sao để biến không gian của núi, đồi, sông nước thành không gian trình diễn, nhằm mục đích cuối cùng là tôn vinh sự hội tụ của 54 các dân tộc. Nhạc sĩ Trọng Đài "bật mí": "Đây sẽ là "một cuộc tổng lực về nghe và nhìn các giá trị văn hoá dân tộc".

Âm nhạc trong lễ hội là chất liệu âm nhạc nguyên gốc, trình diễn cũng do các nghệ nhân, diễn viên các dân tộc thể hiện. Đây là dịp hội tụ từ đờn ca tài tử đến hát then, hát bội, hát bài chòi, hát đúm, hát ống, hát xoan, hát ghẹo, hát bài chòi.v.v…"

Chương trình cũng có một màn giao hưởng có tên "Việt Nam tổ quốc mến yêu" gồm 4 chương, thể hiện tinh thần của một Hội nghị Diên Hồng văn hoá.

Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng

Tất cả các công việc chuẩn bị cho ngày hội đang được tiến hành từ nhiều tháng nay và đang khẩn trương hoàn thiện những công việc cuối cùng.

"Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" có 33 tỉnh, thành phố tham gia, với số lượng nghệ nhân, diễn viên lên tới gần 1.500 người. Ông Hồ Anh Tuấn- Trưởng Ban Quản lý Làng văn hoá- du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết: "Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng chỗ ăn, nghỉ cho các nghệ nhân và diễn viên tại các địa điểm xung quanh làng Văn hoá từ 3 đến 5 km".

Để phục vụ nhu cầu của du khách tham dự các hoạt động trong hai ngày 18 và 19/4, Ban tổ chức đã hợp đồng với Công ty Vận tải Hà Nội mở các tuyến xe khách từ các bến Kim Mã và Mỹ Đình đến Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam với tần suất 1 giờ/ 1 chuyến.

Như vậy là từ năm nay, cùng với ngày 10/3 Âm lịch Giỗ tổ Hùng Vương, các dân tộc sinh sống trên dải đất hình chữ S có thêm một ngày 19/4 để cùng hội tụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc.

Hồng Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất