Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 21/3/2009 20:18'(GMT+7)

Luẩn quẩn chuyện bản quyền

Và dĩ nhiên kèm theo đó là những thiệt hại về vật chất mà lẽ ra chủ thể sáng tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật đó phải được hưởng. Sự việc được nêu lên khiến ai ai cũng bất bình.

Chuyện đúng - sai mọi người cùng biết rõ mười mươi. Rõ như ra đường gặp biển “Cấm đi ngược chiều”, “Cấm vứt rác ở đây”, “Cấm...” ... Nhưng biết là một chuyện, thực hiện hay không lại là chuyện khác. Giống như việc biển cấm thì cứ treo còn người ta cứ nghênh ngang đi ngược chiều, cứ vứt rác không đúng chỗ, miễn sao thấy vắng bóng công an và đội quy tắc đi tuần. Và họ lại thầm hí hửng: Xem ai làm gì được nào. Rủi có bị phạt thì bỏ chạy, không chạy được thì xin, không xin được thì cãi cùn...

Còn nhớ cách đây chừng vài năm, tác giả X trong một lần đi chơi ở hiệu sách chợt phát hiện thấy nhiều truyện của mình bị nhà xuất bản Y đăng trong các tuyển tập một cách vô tội vạ. Điều đáng nói là những tác phẩm “phôto, tái bản” này, lỗi chính tả nhiều như vãi trấu, tên tác giả lúc đúng lúc sai. Thậm chí một số truyện bị thiếu hẳn đoạn kết hoặc bị lộn trang. Điều này làm vị tác giả X nọ hết sức bực mình. Những lá thư ký tên tác giả X liên tục gửi tới nhà xuất bản Y với yêu cầu gay gắt: phải xin phép tác giả trước khi đăng tải tác phẩm; đề nghị gửi sách và nhuận bút đối với những tác phẩm mà nhà xuất bản đã sử dụng, đính chính những sai sót trong khâu in ấn. Thư đi thì có, thư về thì không. Cũng coi như một cách trả lời của nhà xuất bản Y: rằng tôi chưa nghe thấy gì cả, chưa biết gì cả hoặc cũng có thể là chẳng nghe thấy, chẳng cần biết điều gì cả. Chuyện được tác giả X kể cho một số bạn bè văn chương, mong tìm được sự chia sẻ. Hóa ra cũng nhiều người là nạn nhân của trò ăn cắp bản quyền vô lối ấy. Nhưng chẳng ai muốn lên tiếng vì biết trước kết cục của nó. Thôi thì cũng đành coi như không biết gì cả. Dần dần người ta hình thành phản xạ trước những chuyện tương tự của bản thân và đồng nghiệp. Thôi thì cứ lo mà sáng tác chứ theo mấy cái chuyện này chỉ tổ chuốc lấy những sự bực mình mà lại mất hết niềm say mê, hào hứng cũng như thời gian và công sức cho sáng tác nghệ thuật. Hậu quả từng được chứng thực một cách đau xót: nhạc sĩ Lê Vinh - anh chàng Đônkihôtê muộn mằn của thế kỷ 20-21 đã quá ư mệt mỏi theo kiện để bảo vệ đứa con tinh thần của mình - bài hát Hà Nội và tôi - cốt sao không để cho người ta làm nó bị méo mó đi. Ròng rã hơn năm trời, rốt cuộc tiền bồi thường mà vị nhạc sĩ này nhận được chẳng đáng là bao, dẫu anh vẫn tự nhận: “Tôi chỉ muốn nổ phát súng đầu tiên để từ nay việc sử dụng sản phẩm trí tuệ của người nghệ sĩ sẽ quy củ hơn và người sử dụng biết trân trọng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ hơn”. Ấy vậy mà vị nhạc sĩ này vẫn bị mang tiếng (từ chính giới của anh) rằng: mới viết được đôi ba bài đã lên mặt, rằng muốn nổi tiếng hay sao đây... Thôi thì thiệt thòi đủ đường. Và từ đấy đến nay, công chúng chưa được đón nhận tác phẩm mới nào của anh. Phải chăng anh không viết nữa vì mệt mỏi? Và đã cạn cảm hứng? Hay bởi đã suy giảm lòng tin - điều này mới thật đáng sợ.

Và cái gọi là “phát súng đầu tiên” – sau khi đã được gióng lên thì hiệu ứng của nó vẫn khá là yếu ớt. Năm 2008 – ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đòi thu phí bản quyền các bài hát của anh trai là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuyên bố cũng hung hồn, đanh thép, nhưng mọi chuyện sau đó lại “vẫn như cũ”!

Người ta có thể từng một lần nghe thấy tên của Trung tâm bảo vệ bản quyền mà nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng nhiều nhạc sĩ khác dồn khá nhiều tâm huyết và lòng quyết tâm vào thực hiện trong thời gian qua. Giới hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đã có thể khấp khởi mừng. Nhưng điều mà ít người nghĩ tới đó là thói quen im lặng, bàng quan khi thấy những chuyện bất bình – không chỉ trong lĩnh vực bản quyền - đã ăn khá sâu vào lối sống của nhiều người. Không mấy ai coi đó là chuyện của mình, liên quan đến mình, mình phải có trách nhiệm. Trong khi đó, chỉ cần mỗi người có niềm tin rằng nếu họ có thái độ phản ứng quyết liệt trước những điều sai trái, cũng như có thái độ chấp hành nghiêm túc luật pháp - như một cách để tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân mình - thì mọi chuyện đâu đến nỗi...

Chuyện bản quyền hóa ra không quá phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần tự mỗi người thoát được ra vòng luẩn quẩn của chính mình./.

(Theo: QĐND)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất