Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 24/3/2009 20:1'(GMT+7)

Nhạc Lễ trong nghi thức trình lễ Giỗ Tổ Vua Hùng

Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Lễ rước kiệu trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, ngành văn hoá, thể thao và du lịch quan tâm, tạo điều kiện, những năm gần đây, vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương, chính quyền và ngành văn hoá, thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ đã khôi phục, tổ chức lễ hội đền Hùng với quy mô lớn, trọng thể, được dư luận các tầng lớp nhân dân trong nước và bà con Việt kiều, khách quốc tế hoan nghênh. Để ngày Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng xứng đáng với tầm vóc một lễ hội lớn nhất, mẫu mực nhất của nước ta nhằm biểu dương sức mạnh cộng đồng, giáo dục đạo đức truyền thống, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cần được tổ chức có quy củ, có nghi thức, bài bản, với phương châm là trọng thể, thành kính, an toàn và tiết kiệm.

Về phần hội, vài năm gần đây đã được chính quyền, các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, đầu tư phục dựng, gắn với một số hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đương đại, mỗi năm đều có những nét mới. Nhiều Hội thảo khoa học đã tranh thủ được ý kiến, sự sáng tạo, đóng góp của các tầng lớp nhân dân nhất là đội ngũ các nhà trí thức, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá. Công tác phối hợp, tổ chức, quản lý ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Yếu tố truyền thống, dân gian và yếu tố hiện đại đan xen, tạo ra không khí hội hoành tráng, sôi động, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài nước, khách quốc tế về Giỗ tổ Hùng Vương và dự Lễ hội Đền Hùng. Sự ảnh hưởng tích cực về mặt giáo dục nhất là giáo dục đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, tình cảm cộng đồng, tình yêu đối với lao động, đối với thiên nhiên ngày càng toả rộng, thấm sâu trong mỗi người. Hiệu quả kinh tế thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch văn hoá tiếp tục được phát huy. Vai trò của văn hoá được khẳng định. Công tác tổ chức, quản lý, năng lực tổ chức, quản lý của tập thể, của cá nhân những người làm công tác văn hoá, thể thao, du lịch nâng lên rõ rệt; ý thức, trách nhiệm, tính chủ động của người dân địa phương trong ứng xử, tham gia các hoạt động trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với vai trò là chủ thể sáng tạo ngày càng thể hiện rõ.

Về phần lễ, cơ quan chức năng các cấp tuy đã có nhiều nghiên cứu, tìm tòi trong quá trình duy trì, khôi phục nhưng mới chỉ dừng lại ở các khâu: Lễ nghi (lễ rước, lễ dâng hương, lễ đọc chúc văn...), lễ phục. Tuy nhiên, nhạc lễ là một nội dung hết sức quan trọng trong toàn bộ nghi trình của lễ giỗ và hội nh­ng chưa được quan tâm nghiên cứu tỷ mỷ về bài bản, thời lượng, thời điểm, biên chế dàn nhạc, loại nhạc cụ, trang phục của nhạc công…

Nhạc lễ dùng trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương thuộc dòng nhạc truyền thống, thường được trình bày trong cung đình, miếu đường, vào dịp lễ trọng, do triều đình chủ trì, không phải là nhạc thế tục. Nhạc phục vụ cho chủ lễ trong quá trình hành lễ (thắp hương, đặt hoa, dâng lễ vật). Khi các nhạc công hoà tấu, âm thanh vang lên, đồng thời là sự báo hiệu giờ phút hành lễ bắt đầu. Mọi người nghe tiếng nhạc, cùng tĩnh tâm hướng về trung tâm hành lễ. Nơi đó, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chủ lễ tiến hành các nghi thức trong không khí trang trọng, thiêng liêng, thành kính. Cả một không gian lớn chỉ có duy nhất âm thanh nhạc lễ vang lên. Thời gian cử hành nhạc lễ không dài, khoảng 5 đến 7 phút. Tiếp đến, chủ lễ đọc chúc văn trong tiếng chiêng, trống điểm vào những chỗ nhấn, ngắt đoạn. Sau đó là các hoạt ®éng khác, nhạc lễ coi như đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình.

Nhạc phục vụ cho đám rước là một bài bản khác, tính chất âm nhạc cũng khác, nghi thức khác... Nhạc lễ tuy ngắn nhưng lại dùng vào thời điểm trang trọng nhất, đỉnh cao của sự cộng cảm thiêng liêng trong phần lễ. Do đó cần phải được nghiên cứu, tìm hiểu, khôi phục trong tất cả các khâu từ nghi thức đến bài bản, nhạc cụ, thời lượng, thời điểm... để vừa có sự kế thừa vừa có sự sáng tạo, âm lượng đáp ứng trong một không gian rộng và đông người, hài hoà với con người, cảnh đồ tế khí, lễ vật trong khu vực hành lễ. Như vây, nhạc lễ là một nội dung đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong toàn bộ nghi trình của cuộc lễ. Cùng với các nghi thức khác, nhạc lễ cần được phục dựng một cách khoa học, cẩn trọng, tâm huyết, có sự tham gia, đóng góp trí tuệ của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá, các nhà sáng tác, trí thức chuyên sâu để nhạc lễ nói riêng, lễ Giỗ tổ Hùng Vương nói chung có được một kịch bản, âm nhạc mang tính kế thừa sâu sắc, trang trọng và thiêng liêng.

Nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm, sáng tạo để đi đến chuẩn mực cho nhạc lễ, làm cho lễ Giỗ tổ Hùng Vương giữ được ý nghĩa, nghi thức truyền thống của các thế hệ đi trước là công việc rất cần thiết và hệ trọng cần có sự quan tâm của cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành văn hoá thông tin các cấp, sự giúp đỡ của nhân dân địa phương để những “báu vật tinh thần” ấy mang đậm dấu ấn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, mang hơi thở thời đại, đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hoá, tinh thần ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân./.

Nhạc sỹ  Vũ Việt Hùng
  Ban Tuyên giáo TW

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất