Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 19/10/2010 16:28'(GMT+7)

"Càng khó khăn càng phải chấp hành nghiêm mệnh lệnh"

Những ngày tháng khởi nghiệp khó khăn

Thượng tá Hà Hải Triều, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự quận Cầu Giấy sinh ra và lớn lên tại xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, một vùng quê lúa. Cậu học sinh Trường Tống Trân từng đoạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh Hải Hưng (cũ) năm 1974 khi anh mới 15 tuổi. Nổi tiếng là học giỏi văn nhưng anh lại thi đỗ vào trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân). Cuộc đời anh sau đó đã gắn với binh nghiệp, đến nay đã được hơn 31 năm. 

Anh lấy vợ năm 1987. Vợ anh, chị Phạm Thị Hiền khi ấy ở tận Ðiện Biên, còn anh công tác tại huyện đội Ðông Anh. Việc anh cưới vợ cũng khá ly kỳ. Quê chị ở Ðiện Biên, nơi mà ngày ấy đối với bất kỳ ai cũng là rất xa xôi. Khi anh về phép ở Phù Cừ lên chơi với bạn là Phạm Ðức Mạnh đóng quân ở Bần thì gặp người con gái Ðiện Biên đang học Trung cấp ở đấy. Chàng lính chiến trở về làm sĩ quan huyện đội có vẻ ngoài bẽn lẽn thư sinh e dè là thế mà lại "cưa đổ" cô gái xứ hoa ban. Anh chị yêu nhau bốn năm thì cưới, đến nay đã có một trai, một gái hiện đều là những đảng viên trẻ. Cuộc đời anh chị những ngày ấy thì cơ cực lắm... Những đợt nghỉ phép, chàng sĩ quan huyện đội đi dựng cột điện thuê gom góp tiền nuôi con và gửi được 500 đồng  tiết kiệm. Năm 1990, vợ anh sinh con thứ hai, lúc ấy gia đình vô cùng khó khăn, anh rút hết số tiền tiết kiệm đã gửi nhưng khi ấy đồng tiền mất giá nên cũng chỉ mua được vài cân gạo. Vợ chồng chỉ biết động viên nhau trong công cuộc mưu sinh.

Thời khắc quyết định bài toán khó

Anh là người năng nổ, chu đáo trong công tác nhưng cũng rất suy tư, chiêm nghiệm, luôn đặt mình vào hoàn cảnh của anh em để tìm ra phương pháp giải quyết thấu lý đạt tình, không riêng trong công tác mà cả trong đời sống. Khi được hỏi từ ngày đảm đương cương vị chỉ huy trưởng điều gì khiến anh cảm thấy là khó khăn nhất, day dứt và đấu tranh để đi đến quyết định cuối cùng, có phải là thời điểm sắp xếp lại cán bộ trong đội hình tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội không. Anh xác định đúng là thời điểm này. Ðây là một thử thách lớn của người cán bộ sĩ quan trước cấp chỉ huy, của người đảng viên trước Ðảng. Thời kỳ ấy là thời kỳ thử thách rất lớn đối với anh. Khi ấy cũng là thời điểm Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đang đi vào chiều sâu. Thượng tá Hà Hải Triều thoáng trầm ngâm rồi ngước cặp mắt sáng nhìn thẳng vào tôi nói dứt khoát: Việc tổ chức lại là đúng. Rất đúng. Sau độ lùi thời gian mới thấy quyết định của cấp trên là hoàn toàn chính xác và khoa học chứ lúc ấy nhiều người còn phân vân lắm. Nhiều luồng dư luận khác nhau. Kể cả những dư luận trái chiều. Tôi cũng mất ngủ nhiều đêm trước sự thay đổi lớn lao ấy. Nhưng bằng sự trải nghiệm của mình, trải nghiệm từ toàn bộ cuộc đời tôi, từ những hy sinh của đồng đội, những cơ cực thời bao cấp đất nước khó khăn mà thấy được rằng muốn phát triển vững chắc thì việc kiện toàn đội ngũ, tinh gọn biên chế để có một sức mạnh thống nhất là hoàn toàn đúng hướng.

Nhận thức thì như vậy nhưng phải làm việc sao đây để vừa đạt được hiệu quả công tác cao nhưng cũng giải quyết trên tinh thần tình người thì là một bài toán cực khó. Toàn Quân khu khi ấy thừa hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ. Rồi họ sẽ đi đâu? Tâm tư ra sao? Ai cũng là con người, cũng muốn một môi trường công tác ổn định và phát triển. Tôi hỏi anh: Chắc lúc ấy nhiều sức ép lắm. Anh xác nhận và bỗng nở một nụ cười. Nụ cười ấm áp của anh đã nói lên tất cả. Bài toán đã được giải thấu tình đạt lý không riêng ở quận Cầu Giấy mà là trong toàn Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, anh là một người lính đã chấp hành rất tốt mệnh lệnh của cấp trên.

Chống bão lụt ở Thủ đô

Một trong những việc làm rất tốt của Ban Chỉ huy Quân sự quận Cầu Giấy là tham gia phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Trong đợt mưa lụt lịch sử cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm 2008, những người lính quận Cầu Giấy đã không bị động; sau khi kết thúc ngày mưa thứ nhất, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ và 12 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã có mặt ở sáu trên tám phường bị ngập nặng giúp đỡ nhân dân những nơi ngập sơ tán đồ đạc, từ giúp dân đi lại, sinh hoạt. Khi kết thúc những ngày mưa đã nhanh chóng tổ chức giúp nhân dân gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc phòng, chống dịch bệnh tại 300 tổ dân phố và 30 trường học. Tại những khu phố bị ngập nặng đơn vị đã tổ chức bơm nước suốt ngày đêm. Kết thúc đợt mưa lụt, trên địa bàn quận Cầu Giấy không xảy ra dịch bệnh, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân nhanh chóng đi vào ổn định.

Trong đợt rét đậm cuối năm 2007 đầu năm 2008 gây thiệt hại nặng đối với các tỉnh đồng bào miền núi, Thường vụ Quận ủy, UBND quận giao nhiệm vụ cho Thượng tá Hà Hải Triều xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 20 tấn hàng hóa và hơn hai tỷ đồng lên ủng hộ đồng bào huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trước yêu cầu, nhiệm vụ đó, anh đã cùng với Ðảng ủy xác định quyết tâm, huy động xe của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, trực tiếp tổ chức, chỉ huy đoàn gồm 10 xe tải vận chuyển toàn bộ hàng hóa và tiền ủng hộ đến tận nơi, được chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang hết sức trân trọng và cảm động.

Trăn trở của sĩ quan quận đội

Dường như anh không muốn nhắc đến nhiều về thành tích cá nhân, mặc dù anh là đại biểu vừa đi dự Ðại hội Thi đua quyết thắng toàn quân. Tôi thấy anh vẫn còn trăn trở. Trăn trở về không ít mặt công tác của Ban Chỉ huy Quân sự quận sẽ phải thực hiện mà không phải không có những khó khăn, thậm chí là rất khó khăn. Ðó là mảng công tác giao quân, tuyển quân phải đạt chỉ tiêu không những số lượng mà cả chất lượng đang đặt ra những khó khăn mới đối với một quận nội thành. Ở một quận nội thành, các thanh niên đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hầu hết đều thi đỗ và đang học ở các Học viện, Trường đại học, Cao đẳng, Trường nghề... Họ sẽ là những trí thức và nhân lực lao động mới với nhiều sự lựa chọn nên việc tuyển quân đang đặt ra những thách thức và thực tế là rất cần một sự điều chỉnh phù hợp. Từ thực tế đó dễ phát sinh tiêu cực và bản thân anh đã từng trả lại những phong bì hàng chục triệu đồng về việc xin miễn hoãn người nhập ngũ (việc này đã phải lập biên bản). Rồi việc quản lý cán bộ ở quận nội thành sao cho vừa đạt hiệu quả công tác vừa không cứng nhắc, giáo điều cũng phải được đặt ra. Rồi việc huấn luyện, rèn luyện kỷ luật trong tình hình mới, trên địa bàn ngày càng đông đúc, sôi động cũng là một bài toán cần có lời giải thấu đáo.

Khi được hỏi sao anh cứ ôm đồm nhiều việc, suốt đêm ngày cặm cụi ở cơ quan như thế liệu rằng bà xã có phàn nàn không. Chẳng nhẽ con cái lớn và ổn định rồi, đã theo nhau từ tận Ðiện Biên về, đã nếm đủ mọi cơ cực mà đến tận bây giờ, khi trở thành vợ của một sĩ quan cấp cao trong quân đội vẫn cứ vò võ như thời chiến tranh thì kỳ quặc quá. Anh cười phá lên, bây giờ là nụ cười vô tư và giòn giã. Anh đập tay xuống đùi nói: Có chứ. Kêu nhiều là đằng khác, nhưng tớ lấy tinh thần đảng viên ra giải thích nên mọi sự tốt lành ngay. Cùng là đảng viên cả nên chấp hành tự giác lắm. Tôi nheo mắt nhìn anh, chợt thấy vị thuyền trưởng này hóa ra rất uyển chuyển nếu không muốn nói là thành thạo trong ứng xử các tình huống khó xử, thậm chí nhạy cảm. Thế hệ các anh, thế hệ đã trải qua nhiều khó khăn nhưng luôn biết cách nhận thiệt thòi và hy sinh để vượt qua những khó khăn ấy một cách trầm tĩnh. Chia tay anh, tôi thấy rộn lên một niềm vui và niềm tin vào những người lính hôm nay./.

(Theo: Phùng Văn Khai/QĐND)

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất