(TCTG)-Khi hỏi vì sao Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ ( Hoà Bình ) được tỉnh khen thưởng là đơn vị dẫn đầu trong cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”- Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Tiệp khiêm tốn nói: Các anh cứ trực tiếp xuống thăm cơ sở là có lời giải đáp.
Theo lời giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, chúng tôi có dịp về thăm xã Lạc Long. Nữ Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ánh Ngọc cho biết, toàn xã có hơn 820 ha đất sản xuất lâm nghiệp và nông nghiệp, có 436 hộ dân với gần 1700 nhân khẩu. Điều kiện sản xuất hầu như phụ thuộc vào thiên nhiên nên trong quá trình phát triển kinh tế địa phương gặp không ít khó khăn. Vì vậy trong khi triển khai Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng ủy xác định phải tập trung phát triển kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết quả trong ba năm (2008 - 2010), Lạc Long có bước phát triển mạnh, năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt hơn 14%/năm; thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/năm. Lạc Long đã xóa được đói, số hộ nghèo giảm chỉ còn 5,9%.
Song điều đáng ghi nhận là từ Cuộc vận động lớn, Lạc Long đã huy động được nguồn lực trong dân để xây dựng và hoàn thành năm công trình lớn bao gồm tuyến đường liên thôn dài gần 3,5 km; hệ thống kênh, mương nội đồng và nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, từ nguồn vốn Nhà nước và huyện hỗ trợ, còn xã lo phần giải phóng mặt bằng (GPMB). Kinh phí cho GPMB tuy không nhiều, chỉ vài trăm triệu đồng nhưng cũng là “mối lo” lớn đối với Lạc Long, một xã còn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn. Qua nhiều lần bàn thảo, Đảng ủy xã quyết định đưa việc này vào Chương trình thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Đảng bộ xã. Với tinh thần “Làm theo Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể và thiết thực”, cấp ủy, chính quyền xã động viên nhân dân trong xã tự nguyện hiến đất vì lợi ích chung của cộng đồng. Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ánh Ngọc, trực tiếp xuống hai chi bộ của hai thôn 1, 2 là nơi có nhiều hộ dân liên quan đến GPMB để truyền đạt các chuyên đề của Cuộc vận động lớn. Trong mỗi bài giảng, Bí thư Nguyễn Ánh Ngọc đều lồng ghép những câu chuyện cảm động về Bác Hồ, có liên hệ đến trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Học tập tấm lòng “vị dân” của Bác Hồ, nhiều gia đình đảng viên ở hai chi bộ này đã tự nguyện hiến đất. Tiêu biểu là hai vợ chồng đảng viên cao tuổi Phạm Cao Tuần, ba lần hiến 1200m2 đất; gia đình ông Hà Minh Tăng (trưởng thôn 1), bà Bùi Thị Oanh, ông Nguyễn Văn Thanh cùng nhiều hộ dân ở hai thôn 1, 2 tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đều tự nguyện hiến từ 200m2 đất trở lên. Từ kết quả mang tính đột phá ở hai thôn, cấp ủy chính quyền xã Lạc Long đã triển khai thành công phong trào tự nguyện hiến đất ở ba thôn còn lại. Kết quả có 102 hộ dân hiến hơn 6000m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng năm công trình theo đúng kế hoạch. Hiện có bốn công trình được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung ở địa phương.
Đến thăm xã Khoan Dụ, chúng tôi được Linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Phương dẫn đi thăm toà nhà lớn được xây dựng mới từ năm 2001, rộng gần 700m2, đủ chỗ cho hàng ngàn con chiên đến hành lễ. Linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Phương cho biết, giáo xứ Khoan Dụ - thuộc giáo phận Phát Diệm có 14 họ đạo với gần 5.600 giáo dân ở bảy xã và thị trấn của huyện Lạc Thủy. Song tập trung đông nhất vẫn là ở xã Khoan Dụ, chiếm gần nửa giáo dân toàn xứ. Giáo dân xứ Khoan Dụ có truyền thống lao động cần cù lại được chính quyền thường xuyên quan tâm giúp đỡ nên cuộc sống vật chất cũng như đời sống đức tin ngày một sống động hơn. Với bổn phận là Cha chính xứ, linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Phương luôn mong cho giáo dân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Từ suy nghĩ đó, ông thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương để cùng chăm lo giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo”. Hàng ngày linh mục thường sắp xếp thời gian hành lễ, sinh hoạt tôn giáo phù hợp, không ảnh hưởng đến sản xuất, học tập của con chiên. Ông còn phối hợp với các trường học trên địa bàn, tổ chức ngày lễ “ Giới trẻ” dành cho thanh thiếu niên vào sáng chủ nhật hàng tuần nhằm cung cấp cho các em kỹ năng sống, những kiến thức cần thiết góp phần hình thành nhân cách con người. Khi được hỏi về sự ảnh hưởng của Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đối với đồng bào công giáo. Linh mục Vinh sơn Nguyễn Văn Phương bộc bạch: Điều tôi khâm phục nhất ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần yêu nước, thương dân của Người. Tấm lòng của Bác Hồ đối với con người nói chung, đồng bào công giáo nói riêng vô cùng bao la vĩ đại, phù hợp với đạo lý “Bác ái” của Chúa. Tư tưởng, tình cảm và đạo đức của Người luôn chứa đựng chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Sinh thời, hằng năm vào ngày lễ Giáng sinh, Bác Hồ đều có thư thăm hỏi, chúc mừng đồng bào công giáo, khuyên nhủ đồng bào phải “Kính Chúa, yêu nước”, đồng hành cùng dân tộc để xây dựng cuộc sống nơi trần thế ấm no, hạnh phúc. Vì vậy khi xã triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tôi thường xuyên nhắc nhở giáo dân phải làm tốt trách nhiệm của người công dân. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc giữ gìn trật tự an ninh trên địa bàn, chăm lo cho con trẻ ăn học đầy đủ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, không sa vào các tệ nạn xã hội, đoàn kết với các tôn giáo bạn để cùng nhau xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Như vậy chính là học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ.
Bí thư Huyện ủy Trần Văn Tiệp cho biết, Lạc Thủy là huyện miền núi thuộc diện vùng sâu vùng xa của tỉnh, còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Vì vậy khi Trung ương phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, Thường trực Huyện ủy xác định đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện “tự nhìn nhận, đánh giá lại mình và xác định quyết tâm xây dựng huyện nhà phát triển vững mạnh toàn diện, cùng vững bước đi lên trên con đường đổi mới của Đảng”. Trước hết, huyện Lạc Thủy đã làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người thấy được tầm quan trọng của Cuộc vận động lớn này. Qua khảo sát sau mỗi đợt học tập cho thấy mọi người đều hiểu sâu sắc những giá trị nhân văn trong tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên khi bước vào nội dung “Làm theo”, các cấp ủy chính quyền gặp lại lúng túng. Bởi ai cũng nghĩ rằng “Bác Hồ của chúng ta vĩ đại quá, làm sao mà làm theo được? ”. Nhưng rồi nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên thì mọi người mới thấm thía một điều: Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng chính những việc làm cụ thể, có lợi cho tập thể và lợi ích chính đáng của người dân. Nhờ đó ở Lạc Thủy đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo như phong trào tự nguyện hiến đất ở Lạc Long; phong trào “nuôi lợn đất tiết kiệm” để giúp phụ nữ nghèo do Hội phụ nữ xã Khoan Dụ khởi xướng được nhân ra toàn huyện. Với hình thức này, chỉ trong một thời gian ngắn phát động các chi hội phụ nữ cơ sở ở Lạc Thủy đã tiết kiệm gần 300 triệu đồng ủng hộ gia đình các hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với các cơ quan chuyên môn, các đơn vị hành chính của huyện thể hiện sự “Làm theo lời Bác Hồ” bằng việc nâng cao ý thức phục vụ nhân dân. Điển hình là tập thể thầy thuốc ở bệnh viên đa khoa huyện Lạc Thủy đã nêu cao y đức, phục nhân dân theo đúng lời Bác dạy “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Giám đốc bệnh viện bác sỹ Phạm Minh Hiển bộc bạch: Từ nhiều năm nay, câu khẩu hiệu “Tất cả phấn đấu vì sự hài lòng của người bệnh” đã trở thành việc làm tự giác của mỗi cán bộ, nhân viên của bệnh viện”. Bệnh viện còn lập danh sách cán bộ, nhân viên đăng ký tự nguyện hiến máu để cấp cứu người bệnh khi cần thiết. Ông Nhữ Văn Giang ở thị trấn Chi Nê, hay vợ chồng anh Trần Văn Kiên ở xã Hưng Thi được cứu sống kịp thời là nhờ có sự cho máu của hai bác sỹ Trương Hoàng Sơn, Trần Thu Hương. Tính ra trong hai năm (2009 - 2010), cán bộ nhân viên bệnh viện Lạc Thủy đã tự nguyện hiến gần 20 lít máu, cấp cứu kịp thời cho hàng trăm người bệnh. Từ năm 2006 đến nay, Bệnh viện đa khoa huyện Lạc Thủy liên tục được UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc.
Những ngày ở Lạc Thủy đã giúp chúng tôi ghi nhận sức lan tỏa từ Cuộc vận động lớn cùng sự đồng thuận cao trong xã hội đã tạo thêm động lực mới để Lạc Thủy phát triển toàn diện. Đến năm 2010, tốc độ tăng trưởng của huyện ước đạt hơn 14%/năm; thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống dưới 12%. Nhờ phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, trong nhiều năm qua, ở Lạc Thủy không có đảng viên vi phạm khuyết điểm và tổ chức cơ sở đảng yếu kém; Đảng bộ huyện Lạc Thủy liên tục liên tục giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu được Tỉnh ủy Hòa Bình khen thưởng./.
BT(Theo TTX)