“Đảng muốn trong sạch mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ”. Câu nói trên là của Bác Hồ khi phát biểu tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc tháng 7/1955 (Hồ Chí Minh - Về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2000, tr.76).
Đối chiếu với dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ trình bày tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, tôi thấy nguyên lý này vẫn còn nguyên giá trị.
Tôi thấy trong tình hình hiện nay nhân dân mong đợi một bản báo cáo ngắn gọn hơn, xúc tích hơn nhưng thực sự dám nhìn thẳng vào sự thật và từ đó có những quyết sách để đổi mới tư duy lãnh đạo và chỉ có đổi mới tư duy lãnh đạo thì mới có thể có những bước bứt phá, đưa toàn đất nước sớm đạt đến mục tiêu cao cả: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nhân dân ta vốn rất tin yêu Đảng và công nhận tuyệt đối sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng nhân dân mong muốn Đảng phải luôn có những quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân, từng đảng viên phải gương mẫu đúng như tinh thần hồi kháng chiến: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Báo cáo Chính trị đã thẳng thắn vạch ra những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta… Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhân dân và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng; sự yếu kém làm chưa hết trách nhiệm trong quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, làm tăng thêm bức xúc trong nhân dân, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước…
Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, huân chương chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… Không ít cơ sở đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu.. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao; chưa coi trọng việc kiểm tra, giám sát thực hiện đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, thi hành Điều lệ Đảng, kiểm tra, giám sát phòng ngừa, phát huy nhân tố tích cực. Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt. Một số tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Nội dung, phương thức vận động, tập hợp quần chúng vẫn nặng tính hành chính. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trên một số nội dung chưa rõ…”.
Tôi cho rằng như vậy là Đảng đã thực sự làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ: “Ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, (Hồ Chí Minh, Sđd, tr.35). “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”, (Hồ Chí Minh, Sđd, tr.84).
Vấn đề đặt ra cho Đại hội Đảng XI là cần có những biện pháp gì để khắc phục nhanh chóng và có hiệu quả những tồn tại nói trên.
Trước hết là về ý thức tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Bác Hồ khẳng định: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi việc đều vì lợi ích của dân mà làm”, (Hồ Chí Minh, Sđd, tr.203); “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, (Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 202). Dân chủ phải được biểu hiện trong toàn bộ cuộc sống.
Tôi rất tâm đắc với các ý kiến đóng góp của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về dân chủ và về những điều chưa ngang tầm với Hiến pháp 1946. Những ý kiến tâm huyết của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và của Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương cũng rất đáng để các đại biểu tham dự Đại hội Đảng nghiên cứu và thảo luận.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kiến nghị: “Mọi quá trình đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức phải đổi mới, mọi nhận thức đều bắt đầu từ những người dám nói, dám làm và những người dám lắng nghe”.
Đồng chí Nguyễn Văn An khẳng định: “Thực tiễn lịch sử của Đảng ta đã chỉ rõ, lãnh đạo phải bằng tài đức, phải bằng lương tâm và trí tuệ hơn người, phải biết vạch đường chỉ lối, tổ chức thực hiện, chịu đựng gian khổ hy sinh, nêu gương đi trước, vận động thuyết phục …Chủ trương lãnh đạo của Đảng phải phù hợp với quy luật và thực tiễn khách quan, phù hợp với lòng dân, không bao giờ là mệnh lệnh hành chính đối với Nhà nước và xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Đình Hương đã nói rất đúng: “Muốn chọn đúng người có cả đức lẫn tài, không có cách nào khác là thực hiện dân chủ”.
Nhiều diễn đàn đã đăng các ý kiến rất xác đáng của các bậc lão thành cách mạng, của các nhà khoa học và quần chúng nhân dân về các bất cập trong sự phát triển kinh tế, xã hội, trong việc đổi mới tư duy kinh tế và hiện đại hóa các thể chế, trong việc đầu tư chưa ngang tầm yêu cầu cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Tôi nghĩ cần hệ thống hóa lại mọi ý kiến này để từng đại biểu tham dự Đại hội Đảng có điều kiện suy ngẫm, xem xét và thảo luận.
Bác Hồ đã căn dặn: “Dù phê bình đúng cả hay chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình”, (Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 220).
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
(Theo Chinhphu.vn)