Thứ Hai, 16/9/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 1/3/2015 14:53'(GMT+7)

Chữ "cần" chữ "kiệm" đầu Xuân

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Theo những thông tin mới nhất, tình trạng lao động trở lại làm việc sau dịp nghỉ Tết đã có tiến bộ hơn so với năm ngoái. Nói là tiến bộ hơn thôi chứ số người nghỉ Tết dây dưa vẫn còn đông lắm. Có dự báo rằng hôm nay chủ nhật, dòng người còn tiếp tục dồn về các khu công nghiệp. Ấy là chưa kể còn số không ít khác nán lại “ăn rằm”, dự lễ hội ở quê, cưới hỏi…

Với cán bộ, công nhân viên chức, tình hình không như vậy nhưng kể từ ngày làm việc trở lại mồng 6 tháng Giêng cũng vẫn còn hiện tượng tụ họp chúc tụng, kéo nhau đi thăm hỏi, chúc Tết nhà nọ, nhà kia hay tranh thủ đi đền, chùa cầu cúng lễ bái suốt mấy ngày. Vậy là cộng lại guồng máy xã hội bị sao nhãng, đứt đoạn mất ít nhất gần nửa tháng do Tết. Vậy là so với các cụ xưa kia, con cháu bây giờ ăn Tết dông dài hơn hẳn. Thời công nghiệp, thời thương mại “thời gian là tiền bạc” mà lê thê Tết nhất rồi hội hè đình đám. Chẳng phải chỉ người nước ngoài hay những nhà quản lý sốt ruột, ai trong chúng ta cũng thấy ái ngại, lo và cả sợ cho cái nhịp điệu rề rà, ì ạch hơn cả thuở nông nhàn xa xưa.

Không chỉ lê thê, Tết và lễ hội còn là dịp tiêu xài tốn kém. Theo “phong trào”, người ta quà cáp, biếu xén, sắm sanh, chi dùng cỗ bàn ngày càng nhiều hơn, đi lễ, đi hội cũng nhiều hơn. Đến chuyện mừng tuổi-lì xì cũng được “nâng cấp”. Đã đành cuộc sống được cải thiện song có chút của ăn của để dồn hết vào Tết nhất, lễ hội thì chẳng phải là nết quý căn cơ của ông bà mà càng không hợp với thời công nghiệp, thời làm ăn sôi động.

Chữ “cần” và chữ “kiệm” là hai chữ, hai đức tính đầu tiên của người Việt Nam phải có. Không cần cù chăm chỉ, chịu khó chẳng làm nên việc gì. Không tiết kiệm thì kiếm được bao nhiêu cũng không thể đủ cho chi dùng chứ đừng nói đến mưu tính công việc. Bác Hồ vẫn thường răn nhủ cán bộ và nhân dân ta luôn luôn chú trọng gìn giữ, tôi luyện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Soi vào những đức tính ấy thì chúng ta qua dịp Tết và lễ hội đầu Xuân đã lạc bước đi khá xa. Tết, Xuân là mở đầu cho một năm làm ăn, sinh sống, nề nếp công việc chung, riêng phải gây dựng để tạo chỗ dựa, tạo đà cho bốn mùa hanh thông xuôi chèo mát mái. Khi nề nếp ấy bị bỏ bê, sao nhãng thì không dễ định hình cho cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Ở các trường học, nhất là tiểu học, các thầy cô giáo đều phàn nàn rằng sau mười ngày nghỉ, phải mất cả tuần mới đưa học sinh trở lại nề nếp học hành. Ở nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp nhiều việc phải tính toán, gác nán lại sau Tết, rồi sau rằm…

Rõ ràng văn hóa Tết, văn hóa lễ hội của chúng ta đã và đang bị biến diễn thái quá về nhiều mặt trong đó nhìn từ góc độ cần và kiệm-làm ăn và tiêu dùng đã thấy rõ sự sa đà, vừa lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, vừa làm nảy sinh những thói xấu nhậu nhẹt, chơi bời, bê trễ công ăn việc làm, lơi lỏng kỷ cương xã hội.

Chứng kiến không khí “ra quân đầu Xuân”, “Tết trồng cây” ở nhiều công trường, xí nghiệp, cơ quan, địa phương hay những cuộc dọn vệ sinh tập thể đường phố, xóm ngõ mà thấy thèm, thấy vui. Thấy những người già, thanh niên, trẻ nhỏ góp tiền cho người khó khăn có Tết, thấy chiến sĩ dành dụm chút tiền phụ cấp gửi về gia đình mà hiểu giá trị đồng tiền đáng quý thế nào. Nhưng một số ít “ra quân” ấy có đủ làm gương, gây hiệu ứng kích hoạt cho số đông? Mong sao những ngày này, các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, đảng viên sớm trở lại với nhịp điệu công việc bình thường. Mong sao “người Nhà nước” giữ kỷ cương nề nếp không bị lễ hội cuốn đi để làm gương cho dân chúng. Mong sao từ mùa Tết lễ năm tới, cơ quan, đơn vị, tổ chức nào cũng phát huy được việc chăm lo Tết cho anh em và xã hội như năm nay và chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch công tác ngay sau Tết.

Đất nước đang bước vào một năm bộn bề công việc, việc nào, với ai cũng trọng chữ “cần”, chữ “kiệm” lên hàng đầu, ngay đầu Xuân mới./.

Nguyễn Mạnh (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất