Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 25/11/2008 19:20'(GMT+7)

Hoàng thành Thăng Long - trung tâm hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc

Đầu phượng - hiện vật được phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đầu phượng - hiện vật được phát hiện tại di tích Hoàng thành Thăng Long.


Nhiều giá trị được khẳng định

Sau 5 năm nghiên cứu, bảo tồn (2004-2008), các nhà nghiên cứu của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tìm thấy những giá trị to lớn của Hoàng thành Thăng Long. Việc giám định niên đại của hàng ngàn di vật thu được và những nghiên cứu tiếp theo đã đưa đến khẳng định: Khu di tích khảo cổ học tại số 18 Hoàng Diệu có những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu.

Với 56 hố khai quật lớn tại khu vực này, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một khối lượng vô cùng lớn di vật ở các loại hình, chất liệu có nguồn gốc và niên đại khác nhau. Hơn 4.000 hiện vật mẫu được lập hồ sơ khoa học và nghiên cứu giám định niên đại trên 5.000 hiện vật...

Trong số đó, phát hiện được coi có tính đột phá chính là những bộ sưu tập đồ gốm sứ cao cấp thời Lý - Trần trang trí các đề tài mang tính vương quyền như rồng, phượng, sư tử hoặc những đồ gốm sứ thời Lê sơ ghi chữ Quan... Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng và so sánh với những tư liệu đồ sứ dùng trong kinh đô Bắc Kinh, Trung Quốc hay kinh đô Sila, Hàn Quốc thì những di vật tìm được là đồ vật quý dùng trong Hoàng cung Thăng Long xưa và đặc biệt đó là những đồ dùng dành riêng cho nhà vua - được gọi là đồ ngự dụng.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam, từ khi bắt đầu tiến hành khai quật tới thời điểm này đã được 5 năm, tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để các nhà khảo cổ học và sử học Việt Nam thu thập đầy đủ bằng chứng để khẳng định rõ về một vấn đề quan trọng rằng Khu di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu không chỉ nằm trong khu trung tâm của Hoàng thành mà còn nằm trong khu trung tâm của Cấm thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Đồng thời, khu di tích còn nằm ngay trong khu vực của An Nam đô hộ phủ thời thuộc Đường thế kỷ 7-9.

Đồng thuận với quan điểm này, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chỉ rõ: Các kiến trúc ở đây là cung điện lầu gác quy mô lớn và được xây dựng bằng những vật liệu cao cấp nhất với bàn tay lao động của những người thợ lành nghề của đất kinh kỳ và tuyển mộ từ khắp mọi miền đất nước. Các di tích kiến trúc đã chồng xếp, đan xen lên nhau qua các thời kỳ, từ vương triều Lý qua Trần đến Lê sơ, Lê Trung hưng. Dựa vào thông điệp từ các loại hình di vật khai quật được ở đây, các nhà khảo cổ đã tiếp tục làm rõ một số vấn đề quan trọng rằng niên đại của các loại hình di vật đó, hoàn toàn tương ứng với lịch sử xây dựng và phát triển của Kinh đô Thăng Long qua các thời kỳ.

Theo nghiên cứu của TS Kazuto Unoue, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa Nara-Nhật Bản, các nhà khoa học đã tìm thấy thước đo chuẩn dùng trong xây dựng Hoàng thành xưa, nhiều vết tích trong xây dựng kiến trúc thời Lý cũng được phát hiện ở khu Nam và khu Bắc di tích. Việc xác định rõ hơn niên đại các di tích và những phát hiện trong thời gian gần đây, về kiến trúc, thông qua hệ thống nền móng, giếng nước, tường còn sót lại, đã giúp giới khoa học tiến thêm một bước trong việc nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long.

Nâng tầm thương hiệu

Về giá trị và tính nổi bật toàn cầu của di tích, GS. Phan Huy Lê nhận định: “Theo kết quả nghiên cứu và nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, khu di tích Hoàng thành với bề dày lịch sử khoảng 13 thế kỷ là nơi diễn ra sự giao thoa của những giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và kỹ thuật xây dựng. Những di tích, di vật phát lộ trong vùng Cấm thành đều chứng tỏ tính liên tục và sự hội tụ, kết tinh của một trung tâm văn hóa quốc gia có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài.

Điều quan trọng nữa là khu di tích này không phải đã đi vào quá khứ mà còn hiện diện với thủ đô Hà Nội hiện đại, biểu hiện một quá trình lịch sử, văn hóa với những truyền thống, giá trị văn hóa đang hiện hữu với cuộc sống hiện nay. Từ những nhận định này thì khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã đáp ứng được những tiêu chí Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Trên cơ sở này, chúng ta có thể hy vọng, Việt Nam sẽ có thêm một Di sản văn hóa thế giới nữa vào đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài, việc nhận diện này nhằm nâng tầm “thương hiệu” của Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Khu di tích này hội tụ tất cả 5 tiêu chí để xác định một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, trong khi yêu cầu đặt ra là, các đối tượng chỉ cần đảm bảo có 1 trong 5 tiêu chí. Đây là trường hợp hi hữu, nếu không nói là duy nhất.

Song, theo GS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, đây là một quần thể di tích phức hợp bao gồm cả di tích khảo cổ học trong lòng đất và một số di tích trên mặt đất, đặc biệt di tích khảo cổ học vì thế rất nhiều bí mật vẫn đang chờ các nhà nghiên cứu khám phá.


Hôm nay, hội thảo sẽ tiếp tục với các nội dung “Nghiên cứu so sánh giữa Hoàng thành Thăng Long với hệ thống kinh đô trong khu vực” và “Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. 

Theo VX SGGP Online

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất