Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 13/7/2013 10:29'(GMT+7)

Thị trường sách điện tử không mấy lạc quan

Nhu cầu đọc sách điện tử ngày càng lớn

Nhu cầu đọc sách điện tử ngày càng lớn

Tràn lan ebook lậu

Chỉ cần gõ từ khóa “sách”, “ebook” hoặc tên của một đầu sách nào đó trên mục tìm kiếm của hai kho phần mềm dành cho thiết bị di động lớn nhất hiện nay là appstore (dành cho các thiết bị như Iphone, Ipad) và Google Play (cho các thiết bị dùng hệ điều hành Android) là người dùng có thể tải về máy của mình những kho ebook đa dạng về nội dung và phong phú về số lượng. Một điều quan trọng là các loại ebook này đều có thu phí bằng nhiều hình thức khác nhau, có loại bắt người dùng đọc quảng cáo, có loại trực tiếp thu tiền qua thẻ cào hay tin nhắn điện thoại. Thế nhưng, ngang nhiên thu phí, kinh doanh nhưng các loại ebook này hầu hết đều lậu, không bản quyền.


Thực ra, ebook lậu là một thực tế đã được đề cập từ khi loại hình xuất bản này xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng phát của nó lại nằm ngoài dự kiến của nhiều người. Nếu ban đầu, ebook phần lớn là miễn phí, cung cấp theo dạng chia sẻ cá nhân trên mạng thì đến nay, ebook lậu đã phát triển thành một loại hình kinh doanh và để thu lợi, người làm ebook lậu đã sử dụng mọi loại sách có thể. Hầu như các ấn bản đang ăn khách đều nhanh chóng được số hóa như trường hợp tác phẩm Ngồi khóc trên cây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa ra mắt đã có bản ebook lậu trên thị trường. Ebook lậu không chỉ gây thất thu cho người làm sách, thiệt hại cho tác giả mà còn gây hại cho cả bạn đọc do quá trình số hóa thủ công tạo ra khá nhiều lỗi, hình ảnh kém chất lượng.

Nhưng điều đáng lo ngại là so với sách lậu truyền thống vốn chỉ tập trung vào các ấn phẩm ăn khách trên thị trường mà ít làm các loại sách đen, khiêu dâm, phản động, ebook lậu lại lợi dụng triệt để các loại sách này do đánh vào tâm lý tò mò của người đọc.

        Bản quyền thiếu đa dạng

Ebook lậu hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh và phát triển của ebook chính thống. Và một trong những nguyên nhân của việc phát triển ebook lậu có một phần không nhỏ đến từ tính đơn điệu của ebook hợp pháp.

Lý giải vấn đề này, ông Đồng Phước Vinh, Giám đốc Công ty Ybook (NXB Trẻ) cho biết: “Giá trung bình một cuốn ebook của NXB Trẻ chỉ dưới 9.000 đồng, với mức giá này, sách lậu khó mà cạnh tranh được về giá. Thế nhưng bù lại, ebook lậu lại có tính đa dạng về số lượng hơn hẳn ebook chính thức. Như Ybook hiện nay, tổng số ebook cũng chỉ xấp xỉ gần 3.000 đầu sách”.

Đó cũng là con số đầu ebook trung bình của các đơn vị kinh doanh ebook hiện nay, có nơi thậm chí chỉ có vài trăm đầu sách. Một số đơn vị lập lờ đánh lận bằng cách tính luôn số tài liệu điện tử khác như văn bản, luận án, giáo án, giáo trình vào kho ebook của mình để cho con số có vẻ to tát. Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa quảng cáo, thực tế khi bạn đọc tìm sách sẽ dễ dàng thấy được sự đơn điệu của kho sách ebook chính thức.

Trong khi đó, ebook lậu lại tính bằng con số gần cả trăm ngàn tựa! Thậm chí, khi đi mua các thiết bị điện tử có tính năng đọc ebook, nhiều nơi còn khuyến mãi tặng người mua đĩa CD chép đầy ebook với số lượng lên đến hàng chục ngàn đầu sách. Người đọc ebook đôi khi không có sự chọn lựa, ebook chính thức có thể tốt hơn, rẻ hơn nhưng lại không có tựa sách mà họ cần.

        Luật chưa nghiêm, kinh doanh manh mún

Luật Xuất bản mới được áp dụng từ ngày 1-7-2013 dành hẳn một chương để quản lý xuất bản điện tử. Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh ebook trong nước được quản lý tốt thì ngược lại, việc ngăn chặn ebook lậu lại chưa thực sự hiệu quả.

Như các bản ebook lậu, dù có đặt máy chủ tại đâu chăng nữa thì một khi có yếu tố kinh doanh đều phải thông qua các cổng thanh toán điện tử trong nước. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một biện pháp thực tế nào được áp dụng để ngăn chặn hành vi kinh doanh ebook lậu.

Còn việc phát triển số lượng ebook trong nước cũng đang đứng trước một trở ngại lớn do sự manh mún của các đơn vị kinh doanh ebook trong nước. Hiện nay, cả nước có trên 10 đơn vị kinh doanh ebook nhưng hầu như chưa có đơn vị nào thực sự tạo được dấu ấn trên thị trường và mạnh ai nấy tự số hóa các đầu sách của mình, trong khi chi phí số hóa đúng chuẩn lại khá cao (trung bình chi phí bản quyền, kỹ thuật… vào khoảng 1 triệu đồng/tựa sách). Để số hóa số sách hiện có ở các đơn vị, chi phí sẽ lên đến hàng chục tỷ đồng, một con số mà không đơn vị kinh doanh ebook nào hiện nay kham nổi. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị kinh doanh ebook đều đưa ra những phần mềm riêng để đọc sách do đơn vị mình cung cấp. Điều này vô tình làm khó bạn đọc khi để đọc ebook, phải vất vả cài đặt các phần mềm tương ứng.

Vì thế, thị trường ebook chính thống trong nước sau những hồ hởi ban đầu nay đang rơi vào giai đoạn trầm lắng. Nhiều đơn vị kinh doanh ebook đang thu hẹp hoạt động với mong muốn cố gắng tồn tại hơn là phát triển. Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như hiện nay, có lẽ nhiều đơn vị kinh doanh ebook sẽ phải đóng cửa. Một tương lai không mấy lạc quan cho thị trường ebook trong nước dù trên thế giới, ebook đang là trào lưu văn hóa đọc rất thành công.

Ban đầu, ebook được mong chờ sẽ là hình thức phát hành giá rẻ do giảm được chi phí chiết khấu phát hành vốn khá cao hiện nay. Tuy nhiên, ebook lại phải gánh khoản chi phí cho thanh toán điện tử do ở Việt Nam các cổng thanh toán điện tử mới chỉ dành cho các thanh toán tương đối lớn, ít nhất cũng vài trăm ngàn đồng trở lên, chưa có cổng thanh toán nào dành cho các thanh toán nhỏ vài chục ngàn hay thậm chí vài ngàn đồng (mức thanh toán thông dụng của ebook). Kết quả là một ebook bán giá 5.000 đồng lại phải tốn 1.000 - 2.000 đồng chi phí cho cổng thanh toán, chưa tính đến hình thức thanh toán qua tin nhắn có mức phí lên đến 40% - 50%, điều này lại tạo thành áp lực đè lên giá sách.


TƯỜNG VY/SGGP


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất