Thứ Năm, 3/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 13/12/2010 17:25'(GMT+7)

"Tình Bác sáng đời ta"và việc nhân rộng những tấm gương bình dị mà cao quý

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng và rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, một trong những nguyên tắc rèn luyện đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tự nêu gương và học tập, làm theo các tấm gương. Từ nhận thức sâu sắc rằng: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1], nên dù bộn bề công việc, Người vẫn dành thời gian theo dõi rất kỹ những bản tin, bài viết về tấm gương những người tốt đã làm những việc tuy nhỏ, nhưng rất đẹp, rất “mình vì mọi người”.Với ý nghĩa đó, và để nhân những hạt giống đỏ, gương mẫu trong mỗi việc làm, gương mẫu trong đạo đức lối sống, để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, Người không chỉ đề nghị các báo, đài viết về gương “người tốt, việc tốt”, tổ chức việc viết sách, xuất bản những cuốn sách “Người tốt, việc tốt”, phổ biến sâu rộng, nhân rộng trong nhân dân và phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương “người tốt, việc tốt”, mà còn tự mình đọc, đánh dấu và thưởng huy hiệu cho các cá nhân được nêu gương. Đã có 2075 bài báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và đề nghị thưởng huy hiệu. Những bài báo viết về những tấm gương “Người tốt, việc tốt” này được cắt dán và đóng thành 20 quyển - Sưu tập báo cắt dán “Người tốt, việc tốt” hiện lưu tại Kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh được cắt ra từ 70 loại báo mà Người đã đọc. Người quan tâm đến những tấm gương người tốt, việc tốt, và nhấn mạnh rằng: những việc làm tốt, sự phấn đấu vươn lên của mỗi con người trong xã hội và những đóng góp của họ cho cộng đồng, dù bình dị như cuộc đời họ, nhưng vẫn ngời sáng đạo lý làm người cao cả, ích nước lợi dân, vẫn có sức lan toả, thấm sâu trong cộng đồng. Và đó cũng là một cách thiết thực thúc đẩy phong trào Thi đua yêu nước phát triển sâu rộng, sôi nổi.

Luôn trân trọng những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm gương bình dị mà cao quý, và dù đó chỉ là “từng giọt nước nhỏ”, nhưng trong quan niệm của Người, từng giọt nước đó sẽ “thấm vào lòng đất, chảy về một hướng”, “hợp lại mới thành biển cả”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[2]. Xuất hiện và ra đời trong những năm cả nước vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vừa xây dựng CNXH, những tấm gương “người tốt, việc tốt” vẫn tiếp tục đồng hành cùng đất nước ta, nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới.

Những tấm gương người tốt, việc tốt được đăng trên các báo, được nêu gương trên các phương tiện truyền thông, và hiện đang được lưu giữ tại các thư viện, các Bảo tàng, các trường học,v.v..luôn là những di sản quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, gây xúc động sâu sắc đối với mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế về những con người bình dị mà cao quý của thời đại Hồ Chí Minh anh hùng. Như vậy là, không chỉ nói về đạo đức, không chỉ là một mẫu mực về tấm gương đạo đức cách mạng, những việc làm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm, đã nêu gương nhằm nhân rộng những tấm gương của những con người bình thường nhưng có phẩm cách đạo đức cao quý, có những việc làm anh hùng trong mọi mặt đời sống xã hội, sẽ giúp mỗi chúng ta cảm nhận được sự lan tỏa của những tấm gương đó, đang ngày mỗi ngày góp phần xây dựng lối sống “mình vì mọi người”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, nhưng sự quan tâm của Người về đạo đức cách mạng đối với cán bộ đảng viên, đối với nhân dân ta, sự gương mẫu thực hiện của Người, cùng những tấm gương sống, những tập thể và cá nhân tốt của từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi, v.v..trong những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến và xây dựng CNXH vẫn tiếp tục được nhân rộng và lan toả trong thời kỳ Đổi mới và Hội nhập. Đó chính là ý tưởng, là chủ đề của chương trình giao lưu “Tình Bác sáng đời ta” do Báo Quân đội nhân dânKhu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đồng tổ chức vào tối ngày 12/12/2010, tại chính Khu Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng này.

Xuyên suốt chương trình là những nhân chứng, là những con người bình dị, mà mỗi việc làm của họ từng ngày, từng giờ góp phần làm cho điều thiện trong mỗi con người sinh sôi và những đức tính tốt được phát huy, được nhân rộng. Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: những tấm gương người tốt, việc tốt “nhiều lắm, ở đâu cũng có”, không chỉ làm đẹp thêm những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vốn đã được hình thành và bồi đắp trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà còn góp phần vào việc giáo dục đạo đức cách mạng theo chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ.

Hàm chứa ý nghĩa đạo đức lớn lao, những tấm gương người tốt, việc tốt, từng được nêu gương, tiếp tục được nêu gương trân trọng và tuyên truyền sâu rộng trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhân dân. Đó là đồng chí Nguyễn Hùng Dũng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần dịch vụ Dầu khí Việt Nam, đã cùng tập thể cán bộ, nhân viên Công ty đoàn kết, thi đua, phấn đấu làm ăn tốt, đạt doanh thu cao và góp phần sẻ chia cho những đồng bào gặp hoạn nạn. Đó là anh Nguyễn Thế Sơn (Giám đốc Công ty cổ phần Ánh sáng vàng, thành phố Hồ Chí Minh), đã từng một thời lầm lỗi, và biết vươn lên, vượt qua những mặc cảm, để trở thành một con người sống có ích cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng. Anh Sơn là người đã từng được nêu gương trong chuyên mục “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do báo Quân đội nhân dân, Lao độngNhân dân tổ chức từ năm 2009. Không chỉ lập tổ Hướng thiện, không chỉ có ý thức về trách nhiệm với bản thân, gia đình, anh còn cùng những người khác làm nhiều việc tốt. Giờ đây, đang mang trọng bệnh ung thư, nhưng ước mơ của anh vẫn là: mong được mọi người trong xã hội sẻ chia, cảm thông với những người từng lầm lỗi, và trong hành trình hướng thiện, những người như anh sẽ cố gắng vươn lên, sống có ích. Anh không nghĩ đến mình sẽ sống bao lâu nữa, mà quan trọng là sẽ làm được gì cho cuộc đời, góp phần sẻ chia với những mảng đời bất hạnh. Đó còn là Thiếu tá Hoàng Đình Thành- cán bộ Tuyên huấn, Trường Sĩ quan lục quân 2- một người không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng luôn cố gắng viết về tấm gương người tốt, việc tốt. Năm 2009, khi đọc chuyên mục “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đăng trên báo Quân đội nhân dân, Lao độngNhân dân, anh thấy mình cũng có trách nhiệm phải viết, phải tuyên truyền, và nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt bình dị xung quanh mình. Và khâm phục trước ý chí phấn đấu vươn lên của một người tàn tật, sau khi tìm hiểu, chuẩn bị tư liệu, anh Thành đã viết bài về tấm gương vượt khó của anh Vũ Anh Tuấn. Dù bị bại liệt, chân tay teo tóp từ nhỏ, và chỉ còn ngón tay trỏ là cử động được, nhưng người thanh niên 42 tuổi (song có dáng vẻ một cậu bé, chỉ nặng 15kg, riêng đầu anh đã nặng 3kg) đã cố gắng học, sử dụng máy tính để viết được 1000 bài báo trong vòng 10 năm và gửi đăng trên các báo. Đó chỉ là một con người bình thường, nhưng tinh thần, ý chí và sự quyết tâm của anh rất đáng để cho mọi người học tập, và khi viết về tấm gương này, anh Thành cũng đã học được từ anh Tuấn những điều bổ ích cho mình…

Và còn biết bao những tấm gương bình dị mà cao quý của những con người bình thường xuất hiện trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “xanh sạch đẹp”, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng gia đình văn hoá, cơ quan văn hoá, v.v. và cũng còn biết bao tấm gương những người lính, những chiến sĩ công an nhân dân quên mình cứu dân trong mưa lũ, trong trận chiến chống buôn bán và tàng trữ ma túy, tấm gương những thanh niên tình nguyện, những thiếu niên quên mình cứu bạn, những tấm gương học giỏi “nghèo vượt khó”, v.v...ngày càng nở rộ và lan tỏa trong thực tiễn, cũng rất cần được nêu gương, được nhân rộng trong cộng đồng. Bởi rằng, từ mỗi con người đó, nghị lực phi thường, ý chí vượt qua khó khăn, tấm lòng cao cả, và tình người trong họ, … luôn lấp lánh bản chất, cốt cách, tâm hồn và đạo đức người Việt Nam, cần được phát huy và bồi đắp. Làm tốt điều đó cũng chính là thiết thực Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời làm cho đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh nêu ra, gương mẫu thực hiện trở thành hiện thực sinh động. Vì rằng, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn khi ngày càng có nhiều tấm gương của những “người tốt, việc tốt” xuất hiện trong thực tiễn, và mỗi người sẽ không chỉ học tập, mà còn làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh -“tấm gương của con người mới này - một con người xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân - con người không thể thiếu được, hiện thân của mọi cái gì là xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là hình ảnh của con người của tương lai”[3].

Trần Mai Thuỷ Hương



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.1, tr. 263

[2] Hồ Chí Minh, Sđ d, t.12, tr.558

[3] Xã luận Báo Chiến Đấu, Angiê ri, 6/9/1969

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất