Th Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”- Gọi tắt là NQ, chú trọng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”- Gọi tắt là CVĐ gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước đến với mọi người dân, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành các văn bản của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh nhằm cụ thể hóa những nội dung thực hiện. Theo đó, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung các tiêu chí xây dựng khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá, mô hình các câu lạc bộ gia đình văn hoá đang được duy trì và phát triển ở cơ sở, khu dân cư. Đội ngũ làm công tác Mặt trận ở cơ sở và khu dân cư là lực lượng nòng cốt triển khai CVĐ đã gắn nội dung xây dựng đời sống văn hóa với chương trình xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước theo lời dặn "công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Một trong số các nhóm giải pháp lớn của NQ để xây dựng và phát triển văn hóa là “Mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đó, thực hiện CVĐ chính là tăng cường đoàn kết để xây dựng đời sống văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, xây dựng môi trường văn hóa sạch-đẹp-an toàn, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở,v.v.. làm cho phong trào lan tỏa, thấm sâu vào từng gia đình và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, hướng tới một xã hội thực sự văn minh. Với ý nghĩa đó, nội dung của CVĐ đã được gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thu thút sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, làm cho CVĐ trở thành phong trào quần chúng, có sức lan tỏa cả bề rộng và chiều sâu.
Nhiều phong trào lớn được các tổ chức đoàn thể, gia đình, xã hội hưởng ứng sâu rộng như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động” trong công nhân viên chức; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; “Nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn”; “Nông dân xây dựng gia đình nông dân văn hoá, tham gia xây dựng thôn, buôn, bon văn hoá, xã, phường văn hoá” trong nông dân; "Thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Sáng tạo trẻ”, “4 mới” trong thanh niên nông thôn (kỹ thuật mới, thị trường mới, mô hình mới, ngành nghề mới); “Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập”; “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo” “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” “Thanh niên vì cuộc sống bình yên vì chủ quyền Tổ quốc”, “Thanh niên sống đẹp”; “Chiến dịch thanh niên, học sinh, sinh viên tình nguyện mùa hè” trong Hội Liên hiệp thanh niên; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Bình đẳng giới", "Chăm sóc sức khỏe sinh sản", "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giới", "Nuôi con khoẻ, dạy con ngoan" trong phụ nữ; “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Uỷ ban đoàn kết công giáo với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, sống tốt đời, đẹp đạo” của Hội người cao tuổi và Hội Cựu chiến binh với phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... đã thể hiện sự đồng thuận giữa “Ý Đảng lòng Dân”, được nhân dân ủng hộ và tích cực cổ vũ thực hiện. CVĐ đã khơi dậy và phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân để phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn Đắk Nông.
Không chỉ phát động và đẩy mạnh, sáng tạo và làm phong phú các phong trào thi đua, các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh Đắk Nông còn đẩy mạnh tuyên truyền cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết và giúp nhau trong xóa đói giảm nghèo tiến tới "giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Theo đó, đã có 87 ngàn hộ được vay vốn để sản xuất với tổng số tiền 203,8 tỷ đồng. Hơn 18 ngàn lượt hộ nghèo được hướng dẫn kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 8742 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 2778 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cấp đất ở và 2120 hộ gia đình dân tộc thiểu số được cấp đất sản xuất (theo chương trình 132,134 của Chính phủ) và 152 ngàn lượt hộ nghèo được khám chữa bệnh miễn phí… Cùng đó là sự giúp nhau hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động trong nhân dân đã góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương, với tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3 đến 4%/năm… Trong đó, gia đình ông Điểu Krang, bon Điêng Đu, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức đã hiến 120 m2 đất để xây dựng nhà văn hoá cộng đồng; gia đình ông Nguyễn Đình Báu xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức góp phần xây dựng bảo vệ đường biên giới; gia đình chị Mai Thị Thuỷ, bon Ol, xã Drô, huyện Krông Nô giúp đỡ 50 chị em người dân tộc thiểu số vay 200 triệu đồng đầu tư sản xuất không lấy lãi... là những tấm gương đã được biểu dương, khen ngợi và tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng.
Đó còn là tuyên truyền và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng chung sức thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng. Theo đó, hàng năm, mỗi dịp lễ, tết, nhân kỷ niệm các ngày (27/7), (30/4), (2/9), (22/12)… phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" với tinh thần "Tương thân tương ái", “Lá lành đùm lá rách”, "Xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương" và nhất là đẩy mạnh, gắn liền với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động phong phú giúp đỡ các gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, người có công bằng nhiều việc làm thiết thực như: xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn sản xuất, giúp nhau về cây, con giống và các hoạt động nhân đạo, từ thiện,v.v.. Cùng đó, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ đồng đội” đến các tầng lớp nhân dân, đến các đơn vị, nhà hảo tâm… Số tiền hàng tỷ đồng thu từ các quỹ được dùng để sửa chữa và xây mới nhiều căn nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, trao học bổng, đỡ đầu cho con em các thương binh, liệt sỹ… Ngoài ra, các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đến cuối đời và các cơ quan, đơn vị cũng tạo điều kiện và ưu tiên nhận con em các gia đình có công vào các đơn vị làm việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và chương trình 09 của Tỉnh ủy, Uỷ ban Mặt trận các cấp đã chủ động cụ thể hoá thành các kế hoạch, chương trình hành động để kịp thời phổ biến, tuyền truyền đến các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh giúp cho mọi người dân có nhận thức đúng đắn hơn về vai trò và vị trí của văn hoá trong đời sống xã hội. Chú trọng chăm lo xây dựng gia đình văn hóa mới - coi gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ tỉnh xuống đến cơ sở đã tổ chức, tuyên truyền cho nhân dân nhận thức đúng các tiêu chí về gia đình văn hoá, vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hoá để gia đình trở thành môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi cá nhân khi chào đời và quá trình phát triển, liên tục được tiếp nhận những tình cảm tốt đẹp từ các thành viên trong gia đình. Cùng đó, phát huy vai trò của những điển hình, những tấm gương người tốt, việc tốt, những già làng, trưởng bản có uy tín nêu gương và truyền thụ cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, kết hợp những giá trị văn hóa hiện đại tạo nên giá trị xã hội và nhân cách văn hóa của mỗi con người. Đồng thời, các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh hàng năm đã tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, theo đó tổ chức đăng kí xây dựng gia đình văn hoá, phù hợp với hương ước, quy ước cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao,v.v.. Qua công tác tuyên truyền, vận động, việc xây dựng gia đình văn hóa mới - một nội dung quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa của cơ sở đã đạt được kết quả đã quan trọng góp phần làm ổn định tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.
Đến nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông đã có 35/71 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy; 81.322/102.614 gia đình văn hóa; 137 nhà văn hóa; 319 hội trường thôn; nhiều khu dân cư không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; 442/760 thôn, bon tổ dân phố văn hóa, đạt tỉ lệ 55,38%, với những điển hình tiêu biểu như: thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil; tổ dân phố 06, thị trấn Đăk Mil, huyện Đăk Mil; thôn Tân Lập xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa; Bon Jalú A, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức; Bon Sêrê A, xã Đăk Som, huyện Đăk Glong. Toàn tỉnh cũng có 693/842 cơ quan đơn vị văn hóa, đạt 82,3%; 14 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc xóa nhà dột nát tạm bợ cho người nghèo, đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng Ghi công và 5/71 xã đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 7,04%.
Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy rằng, dù vẫn còn tồn tại những bất cập như: Sự phân hóa giàu nghèo tiếp tục gia tăng, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy và mắc HIV/AIDS vẫn tăng; việc đăng kí, bình bầu các danh hiệu gia đình văn hoá ở khu dân cư còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao và công tác tuyền truyền trong nhân dân chưa được qua tâm đúng mức, nhiều nơi chưa chú trọng bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến… nhưng có thể nói các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông đã quán triệt, triển khai, cổ vũ và động viên các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh chung sức và sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) gắn với các phong trào thi đua yêu nước và đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở tỉnh Đắk Nông được đẩy mạnh phát triển cả bề rộng và chiều sâu, thiết thực từ những công việc thường ngày đã quy tụ thúc đẩy và phát huy các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư, đồng thời lôi cuốn được đông đảo các cấp, các ngành, các lực lượng trong xã hội tham gia, thể hiện tính toàn dân, toàn diện của CVĐ. Kết quả trong xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần khơi dậy, vun bồi và phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, làm bật dậy các tiềm năng và sức mạnh nội lực từ mỗi gia đình, từng địa bàn khu dân cư trong tỉnh, đem lại kết quả rõ nét trong đời sống tinh thần của mỗi người dân, thiết thực góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Ngô Thanh Danh