Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 20/5/2013 14:1'(GMT+7)

Hải Phòng: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống địa phương

Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng- Ảnh TL

Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng- Ảnh TL

An Lão là một vùng quê có bề dầy lịch sử văn hóa lâu đời, có truyền thống đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm; các thế hệ cư dân nơi đây đã để lại những di sản văn hoá quý báu; đó là một kho tàng văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc và đa dạng như: hệ thống đền, đình, chùa, các di tích lịch sử, các lễ hội truyền thống, những làn điệu dân ca và nhiều danh nhân văn hóa, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như trạng nguyên Trần Tất Văn, tiến sỹ Bùi Mộng Hoa, tiến sỹ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn, gia đình tam Tiến sỹ... Nhân dân An Lão cần cù, giản dị, năng động, sáng tạo; luôn nhạy bén, chọn lọc và tiếp thu cái mới. Đây chính là những tiền đề quan trọng để huyện xây dựng và phát triển một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (NQTW5) (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội trên địa bàn huyện quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện bằng các giải pháp đồng bộ, sâu rộng, gắn nhiệm vụ phát triển văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết luôn được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, đúng theo yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, các văn bản liên quan đến lĩnh vực văn hóa cũng được quán triệt, triển khai, học tập đầy đủ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng và được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: qua đài phát thanh huyện và các xã, thị trấn; qua hệ thống panô, khẩu hiệu, tranh ảnh, sân khấu…. Do vậy, công tác này đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò và tầm quan trọng  trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của mỗi địa phương và các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của huyện ngày càng phát triển rộng khắp và có sự lan tỏa, được nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, trở thành một việc làm thường xuyên, liên tục; mang lại hiệu quả thiết thực đến đời sống kinh tế, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, huyện An Lão có nhiều nét văn hóa độc đáo và vẫn đang được duy trì ở một số làng, xã như hát chèo, hát chầu văn, tế lễ, đua thuyền, đây là nét văn hóa đẹp của người con An Lão đã được duy trì và phát triển trong suốt nhiều năm qua.

Chính quyền và nhân dân huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa và nâng cấp nhiều di tích lịch sử văn hóa, Đền, Đình, Chùa là điểm  tham quan thu hút khách du lịch.  Lễ hội Núi Voi ngày càng đổi mới, thu hút đông đảo du khách thập phương; các lễ hội cổ truyền tại các xã, thị trấn được khôi phục, bảo tồn và phát triển đã trở thành một nét đẹp truyền thống của mỗi địa phương. Huyện An Lão có 34 di tích được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 36 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Đồng thời, là đơn vị làm điểm đi đầu về cấp giấy chứng nhận quyền sử đất các cơ sở Tôn giáo, An Lão là một trong những địa phương có nhiều Tôn giáo, trong những năm qua hoạt động các tôn giáo đúng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm tốt chính sách văn hóa đối với tôn giáo tạo mối đoàn kết tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng “làng văn hóa”, “dòng họ văn hóa”, “gia đình văn hóa” và  "văn hoá công sở"...  Đến nay, huyện đó có 81/84 làng văn hóa, tổ dân phố được công nhận là làng, tổ dân phố văn hóa có thành tích xuất sắc được thành phố tặng Bằng khen; có 35.000 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 93%. Cùng với xây dựng làng văn hóa, dòng họ văn hóa là xây dựng hương ước, tộc ước để thực hiện, qua đó củng cố khối đại đoàn kết, tôn vinh các giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh phê phán các thói hư tật xấu.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển khá tốt về qui mô, số lượng và chất lượng dạy và học ngày được nâng lên; đã hoàn thành phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục bậc Trung học và nghề. Cơ sở vật chất trường học ngày càng được tăng cường theo hướng khang trang, hiện đại. Số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng, đã có một số học sinh đỗ thủ khoa, á khoa tại các trường Đại học danh tiếng. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quản lý Nhà nước... được chú trọng, nhiều công trình, đề tài, sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế-xã hội huyện. Đặc biệt là phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện được quan tâm, với 17 chi hội và 50 dòng họ khuyến học đã có những hoạt động có hiệu quả, huy động các nguồn lực tạo động lực khuyến khích … Đồng thời, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao về nhận thức chính trị, tư tưởng, rèn luyện và gìn giữ đạo đức, lối sống, khơi dậy truyền thống yêu nước, hiểu biết về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với đất nước, xã hội, cộng đồng, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, huyện An Lão đã cũng có nhiều mô hình, sáng kiến hình thành một số nghi thức, tập quán mới tiến bộ, góp phần cải tạo phong tục tập quán lạc hậu. Trước khi tổ chức lễ cưới, các cặp đôi đến UBND xã, thị trấn đăng ký kết hôn một cách trang trọng, đúng thủ tục; việc tổ chức trao giấy đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, thị trấn được chính quyền quan tâm bảo đảm kịp thời; hầu hết các đám cưới được tổ chức theo hình thức tiết kiệm, văn minh so với trước; giảm bớt được nhiều thủ tục rườm rà, gây tốn kém, lãng phí. Đến nay, 100% các làng, tổ dân phố trong toàn huyện đã có Ban tang lễ được tổ chức khá chặt chẽ gồm thành phần đại diện cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh…, hoạt động có hiệu quả. Việc tổ chức lễ tang đảm bảo chu đáo, trang trọng, đúng các quy định, giảm các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan…cụ thể như mô hình làng văn hóa Trực Trang (xã Bát Trang); việc xây dựng quỹ hiếu được triển khai thực hiện tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân (xã Trường Thành) …

Hệ thống các thiết chế văn hoá, cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hoá được quan tâm đầu tư đã có bước phát triển khá tốt. Các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thông tin tuyên truyền có bước tiến mới cả về nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin, hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Đời sống văn hoá cơ sở được cải thiện rõ rệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở” và các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá mới phát triển ngày càng sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực; đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân có bước phát triển, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm (năm 1998 tỷ lệ hộ nghèo của huyện 23%, đến nay còn 5,2%), nhiều hộ khá, giàu. Cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại, 96% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh; các thiết chế văn hoá đều có bước phát triển khá rõ nét... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của người dân An Lão.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là: tình hình thế giới, khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế nhất là lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa,  đã ảnh hưởng không nhỏ đến thuần phong, mỹ tục, nét đẹp của văn hoá truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, đời sống văn hoá và mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân chưa đồng đều, còn ở mức thấp; cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá còn khó khăn… Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân, sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện đã đạt được một số kết quả quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện.

Có thể nói, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) ra đời gắn liền với lợi ích tinh thần và đáp ứng ý nguyện của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 15 năm qua là chặng đường huyện An Lão đã phấn đấu thực hiện và giành được nhiều thành công trong thực hiện Nghị quyết.  Những thành tựu về văn hoá là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện. Cơ cấu kinh tế thay đổi tích cực và tăng trưởng ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Đây chính là những nhân tố quan trọng đưa An Lão tiếp tục có những  phát triển mới, cùng với các địa phương trong toàn thành phố thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa thành phố HP trở thành thành phố công nghiệp trong tương lai.

Để việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trong thời gian tới tiếp tục đi vào chiều sâu, thực sự thiết thực, hiệu quả theo đúng tinh thần của nghị quyết, trước hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị -xã hội trên địa bàn huyện cần nắm vững, quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững, từ đó đề ra mục tiêu, phương hướng, biện pháp cụ thể, sát hợp với thực tiễn từng địa phương, đơn vị. Đồng thời, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền cần bám sát vào chương trình, kế hoạch đã đề ra; làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo tiếp theo trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân tiêu biểu, nêu gương người tốt, việc tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phát động sâu rộng các phong trào văn hóa của quần chúng, nhân dân; không ngừng mở rộng dân chủ, thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trên cơ sở đó, cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền nội dung của NQTW5 khóa 8 tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá, nếp sống, lối sống văn hoá, văn minh, hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trên lĩnh vực văn hóa; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng; chú trọng giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống, giáo dục ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phải gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả hơn để nâng cao hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội của huyện. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động của đoàn thể cần đi vào chiều sâu và thực chất hơn, nhất là chú trọng chất lượng trong việc bình xét gia đình, dòng họ văn hóa, tổ dân phố, làng văn hóa và cơ quan văn hóa hàng năm, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, dòng họ, làng, xã và từng cơ quan, đơn vị. Cần thực hiện tốt hơn chức năng quản lí nhà nước về hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hóa; Có quy định chặt chẽ hơn về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đồng thời, phải gắn phát triển sự nghiệp văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…./

Bùi Thị Cùng
Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Dư luận xã hội – Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hải Phòng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất