Ðến nay, khi khái niệm "hội nhập" đã trở nên phổ biến trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa - nghệ thuật, thì khi xác định mối quan hệ quốc tế, Chương 1 Ðiều 6, mục 3 Ðiều lệ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) vẫn chỉ thấy ghi: "Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam là thành viên của Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế - FIAP", tức là quan hệ với FIAP được coi là "kênh giao lưu quốc tế" chủ yếu, nếu không nói là duy nhất của ảnh nghệ thuật Việt Nam trong quan hệ với đồng nghiệp và công chúng trên thế giới.
VAPA chính thức thành lập tháng 12-1965, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở giai đoạn quyết liệt. Sau năm 1975, trong bối cảnh cấm vận, nên tương tự một số lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật khác, nhiếp ảnh Việt Nam gần như chưa có nhiều quan hệ với các tổ chức quốc tế. Một thời gian dài, ảnh nghệ thuật Việt Nam bị chững lại, giao lưu quốc tế hầu như bó hẹp trong các nước XHCN Ðông Âu. Ðến năm 1990, từ nhu cầu mở rộng quan hệ, từ gợi ý của bạn bè quốc tế có thiện chí với Việt Nam và muốn ảnh nghệ thuật Việt Nam giao lưu với quốc tế như một "kênh" giới thiệu đất nước Việt Nam đang phát triển trong hòa bình,... VAPA quyết định gia nhập FIAP năm 1991. Với việc VAPA gia nhập FIAP, không gian sáng tạo và khả năng mang tác phẩm đến với công chúng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã được mở rộng. Nhưng dường như vì FIAP đã mang đến cho nghệ sĩ nhiếp ảnh nhiều thành tích và "choáng ngợp" với sân chơi này, nên khi hướng đến thế giới, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chỉ thấy có FIAP. Ðến hiện tại, các giải thưởng của FIAP vẫn là niềm vinh dự, là tiêu chí làm nên tên tuổi nghệ sĩ. Với sự khẳng định trong Ðiều lệ của VAPA, có thể coi FIAP là tổ chức quốc tế có ảnh hưởng gần như tuyệt đối với ảnh nghệ thuật Việt Nam. Thậm chí VAPA còn mô phỏng FIAP khi phong tước hiệu với các cấp bậc như: A.VAPA, E.VAPA,... (như muốn tương đồng với các tước hiệu A.FIAP, E.FIAP của FIAP?). Và trong bảng thành tích hằng năm của VAPA, số huy chương nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam trong các kỳ thi do FIAP bảo trợ luôn là thành tích nổi bật, nếu không nói đó là nguồn duy nhất mang vinh quang về cho VAPA. Nhưng về thực chất, FIAP chỉ là một "sân chơi" ảnh quốc tế có tính nghiệp dư, như slogan của tổ chức này khẳng định: La Photographie Amateur à Travers le Monde - Amateur Photography Throughout the World - Nhiếp ảnh nghiệp dư xuyên thế giới.
FIAP được thành lập năm 1946 từ ý tưởng của ông Van De Wijer - giáo sư y khoa người Bỉ, say mê nhiếp ảnh nghệ thuật và bóng đá, cùng với một thương nhân yêu nhiếp ảnh người Thụy Sĩ là Ernest Boesiger. Tuy chính thức mang tên FIAP từ tháng 1-1947, nhưng tới tháng 4-2006, FIAP mới có trụ sở chính ở Pa-ri (CH Pháp). Những người sáng lập FIAP cũng đã xác định đây chỉ là sân chơi của những người yêu thích nghệ thuật ánh sáng trên thế giới.
Cho dù đề cao thành tích của ảnh nghệ thuật Việt Nam tại các "đấu trường" quốc tế do FIAP bảo trợ, thì với thời đại của internet toàn cầu, chắc hẳn không phải ai cũng ngộ nhận về giá trị của FIAP trong nghệ thuật nhiếp ảnh thế giới đương đại, để cho rằng ảnh nghệ thuật Việt Nam đã đạt tới tầm "đỉnh", hay đã hội nhập với nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới. Bởi qua internet, có thể thấy còn có nhiều tổ chức ảnh nghệ thuật danh tiếng ở các quốc gia lớn, thuộc các tập đoàn truyền thông đa quốc gia có tuổi đời hàng trăm năm, thuộc các bảo tàng nghệ thuật lừng danh trên thế giới. Tương tự như thế, hai tổ chức PSA (Hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ), Hội hình ảnh không biên giới (Image Sans Frontière - Pháp) cũng chỉ là những "sân chơi" tài tử.
Tính từ năm 1975 về trước, phải nói rằng ảnh nghệ thuật Việt Nam đã hoàn thành vai trò một cách xuất sắc. Các bức ảnh thời sự nóng bỏng, như mang theo cả khói bom thuốc súng và lòng quả cảm của quân dân Việt Nam từ hậu phương tới chiến trường, đã góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, thêm một tiếng nói tố cáo tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà nước Mỹ tiến hành, từ đó góp phần khơi dậy sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhưng từ năm 1991, khi VAPA gia nhập FIAP, thì VAPA đã hoàn thành sứ mạng mở rộng giao lưu quốc tế hay chưa? Trong các chương trình giao lưu quốc tế, các bộ ảnh Việt Nam mang tới triển lãm đã gây được tiếng vang đáng kể, hay chỉ là phụ trợ cho các hoạt động khác như ca múa nhạc, phim điện ảnh, thời trang, ẩm thực... Nhìn lại các bức ảnh đoạt giải cao của FIAP được nhiều tờ báo ca ngợi, thử hỏi có bao nhiêu ảnh phản ánh chân thực, sống động công cuộc đổi mới của đất nước? Hay chiếm tỷ lệ cao trong đó là các ảnh ghi lại nét nhăn nheo đau khổ của các cụ già, rồi những cánh đồng bậc thang ngoằn ngoèo, cảnh sinh hoạt đồng muối, cảnh vùng cao đẹp mà vừa cũ vừa nhàm chán. Chưa nói, việc sử dụng một cách quá đà phần mềm vi tính để chỉnh sửa, "tô son trát phấn" cho bức ảnh, đã tạo ra vẻ đẹp giả tạo, không chân thực.
Cũng phải đặt ra một câu hỏi rằng, từ khi gia nhập FIAP, VAPA đã tổ chức được bao nhiêu triển lãm ảnh Việt Nam ở nước ngoài? Ngay các cuộc thi ảnh quốc tế do VAPA tổ chức hai năm/lần với sự bảo trợ của FIAP, thì sau đó có bao nhiêu tác giả ảnh nước ngoài chụp - triển lãm để giới thiệu đất nước - con người Việt Nam ở quốc gia họ? Qua 30 kỳ Biennal FIAP, ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng đã có một số giải thưởng cao, nhưng các bộ ảnh đó chỉ lưu lại ở FIAP như hàng trăm bộ ảnh của các quốc gia khác, và cũng chỉ nằm trong khuôn khổ của FIAP mà không tới những bảo tàng nghệ thuật lớn của thế giới ở các quốc gia có nền nghệ thuật nhiếp ảnh nổi tiếng như Pháp, Mỹ, Anh, Ý... Trong phạm vi hẹp hơn, với những quốc gia ở châu Á, hay Ðông - Nam Á, ảnh nghệ thuật Việt Nam cũng chưa có vị trí trong bảo tàng nghệ thuật của họ. Ðáng buồn hơn khi ngay như trong trang chủ và các bài viết giới thiệu hoạt động của FIAP trên website fiap.net cũng không thấy minh họa ảnh nghệ thuật Việt Nam! Năm 2010, Việt Nam đăng cai tổ chức Biennal FIAP lần thứ 30 tại Hà Nội. Cứ ngỡ lần này trên sân nhà, lại vào năm Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, VAPA sẽ thực hiện nhiệm vụ giao lưu quốc tế hiệu quả nhất, là dịp hiện thực hóa ước mơ qua các bức ảnh để góp phần giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bè bạn thế giới. Nhưng Biennal 30 như bị chìm khuất trong vô số hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác của Ðại lễ. Sau Biennal 30, gần như không có bài báo hay truyền thông nước ngoài nào đề cập, giới thiệu hình ảnh Việt Nam thông qua FIAP, ngoài một triển lãm ảnh của các thành viên FIAP ở Việt Nam. Ðến Biennal 31 tổ chức ở Singapore năm 2012, suốt thời gian hoạt động, không một triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam nào được tổ chức. Ðến một buổi hội thảo, tọa đàm, giới thiệu về ảnh nghệ thuật Việt Nam đương đại cũng không, cho dù bộ ảnh Việt Nam đoạt giải cao của FIAP!
Không thể phủ nhận trong những năm qua, FIAP đã tạo ra cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam một "sân chơi" thú vị, phong phú, một "kênh" giao lưu quốc tế giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam với nghệ sĩ nhiếp ảnh thế giới, và đã góp phần tạo nên một số tên tuổi nổi bật bởi số lượng giải thưởng đoạt được của FIAP trong suốt thời gian qua. Nhưng từ thực tế của vấn đề, thiết nghĩ đã đến lúc VAPA cần phải xem lại định hướng hoạt động nghệ thuật của mình, cần mở rộng biên độ giao lưu và có các "chuẩn" đánh giá ảnh nghệ thuật bằng nhiều "kênh" ảnh nghệ thuật quốc tế khác có uy tín với trình độ chuyên nghiệp thật sự của bộ môn nghệ thuật này. Vì chỉ có như thế mới có cơ hội để ảnh nghệ thuật vươn xa, không chỉ đạt tới những thành công về tư tưởng - nghệ thuật, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và sự phát triển của Việt Nam./.
Kỳ Hoàng/Báo Nhân Dân