Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 24/8/2016 21:34'(GMT+7)

Đánh thức tự tôn dân tộc

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Sính ngoại trong tâm lý một bộ phận người Việt thể hiện sự tự ti, tự ti vào bản sắc, bản ngã của bản thân và của dân tộc mình. Cách nhìn nhận và đánh giá chỉ nhìn thấy tiêu cực, dị biệt, dễ dẫn đến tâm lý sính ngoại, thậm chí phải đạt đến chữ “ngoại” bằng mọi giá. Hiện nay không chỉ trong giới trẻ mà có rất nhiều người, đặc biệt nhóm Elite (tinh hoa) trong giới truyền thông hay showbiz, thậm chí cả các quan chức, tâm lý này nhìn thấy khá rõ. Với họ, tâm lý sính ngoại mang đến cảm giác yên tâm, thanh thản, kiêu hãnh, bởi đồ của nước ngoài thể hiện đẳng cấp, người có tiền. Họ cho rằng khi dùng sản phẩm ngoại, sống theo phong cách nước ngoài, tức là đã sống ở một tầng lớp khác trong xã hội.

Đây thực sự là căn bệnh khá phổ biến và gây hại không ít cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta tiêu dùng đồ và sản phẩm của nước ngoài từ những cái rất đơn giản như đôi đũa. Trong khi đũa tre, đũa dừa của Việt Nam chất lượng rất tốt thì chúng ta lại dùng đũa của Trung Quốc vì rẻ, dùng đũa inox của Hàn Quốc vì giống phim Hàn… Qua câu chuyện này cho thấy sính ngoại trong tiêu dùng, sính ngoại trong khoa học, công nghệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp mà còn làm thui chột sự sáng tạo của giới khoa học - công nghệ trong nước. Người Việt không còn tin tưởng, chờ đợi vào lao động sáng tạo của các nhà khoa học trong nước. Bản thân các nhà khoa học không có động lực đi đến tận cùng của sáng chế công nghệ.

Bên cạnh đó, sính ngoại ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư, xúc tiến vốn và khả năng tái đầu tư cho công nghiệp sáng tạo. Trong khi ta vẫn cứ nói rằng khoa học - công nghệ là động lực, là thành tố tham gia vào sự phát triển của đất nước, nhưng nếu không đầu tư đủ độ, tái đầu tư yếu, hoặc sản phẩm không được kích cầu sử dụng triệt để thì làm sao ngành công nghiệp sáng tạo có thể trưởng thành được? Điều đó lý giải tại sao các sản phẩm khoa học trong nước ít được công bố, các sáng chế, phát minh ít thành công, độ gắn kết với thực tiễn chưa mang tầm quốc tế.

Mặt khác, sính ngoại ở một bình diện nào đó có thể triệt tiêu sự phát triển của chính cộng đồng mình. Quay lại thời Pháp thuộc, trong thời điểm sự bang giao của chúng ta chưa lớn lắm thì tấm gương nhà buôn Bạch Thái Bưởi như một điểm sáng thể hiện ý thức tự cường, tự hào dân tộc với những câu khẩu hiệu kiểu như “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Ông cũng là người khuyến khích từ nhà kinh doanh đến người tiêu dùng Việt Nam “3 không” (không bán, không mua, không dùng) hàng nhập lậu qua biên giới và thay bằng các sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, các nhà sản xuất Việt Nam cũng vì yêu nước, vì người tiêu dùng Việt Nam, hãy sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu đất nước.

Tóm lại, để giảm bớt tiến tới xóa bỏ tâm lý sính ngoại của người Việt, bước đi đầu tiên cần làm là đánh thức lòng tự tôn dân tộc, đủ độ và đúng mức, tương thích với bàn tay, khối óc và trái tim của người Việt. Trên thực tế, điều này chúng ta chưa làm được. Đánh thức là chưa đủ, cần bồi dưỡng và phải có chương trình mục tiêu quốc gia chứ không phải bằng những khẩu hiệu. Bên cạnh đó, chúng ta cần hun đúc, nêu cao tinh thần người Việt Nam dùng hàng Việt Nam như một điểm sáng, một thói quen trong chính các gia đình người Việt, trong các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội, đặc biệt là khu vực nhà nước, khu vực chính sách, dịch vụ công.

 Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932) được xếp vào danh sách 4 người giàu nhất Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi). Các lĩnh vực kinh doanh nổi bật nhất của Bạch Thái Bưởi là hàng hải, khai thác than và in ấn. Trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài có Bạch Thái Bưởi tham dự, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi bị René Robin - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi. Ông đã đáp lại: Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin. Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?


Cẩm Vân (daibieunhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất