Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 30/4/2016 13:16'(GMT+7)

Trang trí - Đôi điều cần chú trọng

Quang cảnh sân khâu Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh chỉ có tính tham khảo

Quang cảnh sân khâu Đại hội Đảng lần thứ XII. Ảnh chỉ có tính tham khảo

Nghệ thuật trang trí các tác phẩm mỹ thuật trong cơ quan, công sở, phòng tiếp khách, phòng làm việc, phòng nhà ở là một nhu cầu tinh thần rất có ý nghĩa đối với đời sống của con người. Xã hội càng phát triển, điều đó cũng có nghĩa là tư duy kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa phát triển, trong đó có trình độ thẩm mỹ nghệ thuật của con người cũng được nâng lên không ngừng do hội nhập và giao lưu quốc tế mang lại. Vì vậy, việc đưa những tác phẩm mỹ thuật như hội họa, đồ họa, điêu khắc v.v… vào trang trí ở những nơi làm việc, nơi ở cũng là một nhu cầu khách quan của cuộc sống hôm nay. Ở những thời kỳ cổ đại, việc trang trí ở gia đình, nơi thờ cúng, đền chùa, cung điện cũng đã đi vào tiềm thức của người dân. Bởi những tác phẩm nghệ thuật ấy, sẽ đem lại cho người ta một giá trị tinh thần vừa tôn vinh vừa làm cho con người có một cảm xúc vui tươi, linh thiêng và trang nghiêm đến kỳ lạ. Ngày nay công chúng đã dùng những tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh điêu khắc v.v… vào trang trí trong các công sở, nhà ở, phòng đối ngoại tiếp khách và những nơi tín ngưỡng tôn giáo tâm linh ngày một nhiều hơn. Thế nhưng việc trang trí như thế nào cho phù hợp có sức thuyết phục lòng người lại là chuyện cần phải bàn.

Trong thực tế, nhiều ý kiến khác nhau về quan niệm thẩm mỹ trong việc trang trí phòng ở, phòng làm việc công sở. Có người cho rằng sử dụng trang trí tranh ảnh gì cũng được, miễn là đẹp, bài trí cảnh vật thế nào tùy thuộc vào sở thích của người làm chủ căn phòng dù là của công hay tư. Từ những suy nghĩ khác nhau ấy mà nhiều cơ quan công quyền, doanh nghiệp, tại nơi tiếp khách, đối ngoại trang trí trong phòng làm việc của nhiều cán bộ lãnh đạo có treo những bức tranh, ảnh cỡ lớn về phong cảnh của nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, v.v… Cố nhiên đã là tác phẩm nghệ thuật của bất cứ một nước nào trên thế giới đều là sản phẩm lao động nghệ thuật của nhân loại sáng tạo ra, song mỗi người có quyền sử dụng những tác phẩm nào là phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Mỗi nước có sắc thái riêng, có niềm tự hào riêng cho việc tôn vinh truyền thống văn hóa đất nước con người mà mảnh đất sinh ra họ sinh sống và phát triển. Ngược lại với một số nơi ở Việt Nam như đã nói trên, hầu như các nước đó không dùng tranh, ảnh có nội dung của nước khác để trang trí ở phòng làm việc đối ngoại tại nước mình. Ở nước ta không những nhiều nơi trang trí tranh nước ngoài mà còn có phong trào chép tranh nhất là chép tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới để bán và trang trí. Việc sao chép tranh thực chất là làm tranh giả và đã thế còn làm méo mó giá trị văn hóa nội dung tư tưởng và nghệ thuật tác phẩm nguyên bản của tác giả, gây phản cảm giá trị hội họa, xúc phạm đến quyền tác giả. Nhiều người lấy tranh của họa sĩ đã thành danh, chép lại “tranh giả” bán hoặc lấy nó kinh doanh trang trí cho khách hàng thật là đáng phê phán. Ấy thế, một số người trong đó có cả ông “sếp” rất thích loại tranh này trang trí trong phòng làm việc và đối ngoại của mình ở công sở như một loại nghệ thuật gốc nguyên bản. Để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật loại tranh ấy, ngày nay người ta đã chụp lại tranh bản gốc có độ nét cao và in xuất bản theo nhiều kích thước khác nhau để phục vụ trong việc trang trí.

Để nâng cao tính giáo dục thẩm mỹ trong quá trình tiếp xúc và cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật được trang trí trong phòng làm việc và đối ngoại, con người rất cần sự chú ý đến nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

Mỗi nước có quan niệm về sự tự hào và tôn vinh văn hóa dân tộc riêng của mình. Ở Trung Quốc có Thiên An Môn, Vạn Lý Trường Thành, Di Hòa Viên, nước Nga có Cung điện Cramli, phong cảnh Bạch Dương, Cung điện Mùa Đông v.v… Campuchia có đền Corangco v.v… những di sản ấy dù là phong cảnh thiên nhiên hay những kiến trúc do con người tạo ra đều là niềm tự hào riêng có của nước đó và nó đã trở thành những hình ảnh để tôn vinh và trở thành tranh, ảnh để trang trí ở công sở, công cộng, phòng làm việc v.v… của dân tộc họ. Ở nước ta có nhiều phong cảnh đẹp như vịnh Hạ Long, cố đô Huế, Sông Hương, Núi Ngự, đền Hùng, văn miếu Quốc Tử Giám, biển đảo v.v…, những phong cảnh thiên nhiên, kiến trúc cổ xưa bên dòng sông, dưới chân núi đều là những hình ảnh đẹp thơ mộng đáng tự hào để chúng ta trang trí chiêm ngưỡng. Việc trang trí những tác phẩm nghệ thuật có nội dung dân tộc là để tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, đó cũng chính là bản sắc dân tộc Việt, đang có sức hấp dẫn du khách nhất là trong thời kỳ hội nhập văn hóa quốc tế.

Ngày nay khi mà văn hóa tâm linh đang được nhiều người quan tâm đến, trong đó có văn hóa phong thủy cũng là vấn đề thu hút sức hấp dẫn đến quan niệm bài trí sắp đặt, nghệ thuật tạo hình trong phòng làm việc, nhà ở đang được xã hội chú ý một cách có bài bản, thận trọng. Nhiều người bài trí tranh ảnh, đồ vật trong nhà trong phòng làm việc nơi ở, họ rất chú trọng đến màu sắc. Thông thường người có mệnh thủy thì trang trí tranh ảnh có màu xanh, ngược lại người có mệnh hỏa thổ thì tìm màu thích hợp với mệnh cùng chủ của nó v.v… Vì thế cách sử dụng tranh, ảnh to, nhỏ, xanh, đỏ, tím, vàng là tùy thuộc sở thích, cảm thụ của người đó.

Có thể khái quát lại là, khi người ta trang trí một tác phẩm nghệ thuật hội họa, đồ họa, điêu khắc trong phòng làm việc, nơi tiếp khách đối ngoại, v.v… là phải tính đến giá trị nhân văn của nội dung và phải đẹp về nghệ thuật. Trước hết tác phẩm ấy phải có giá trị nghệ thuật đích thực, không sao chép bản gốc của tác phẩm, sau đó phải tính đến tư tưởng của nội dung như hội họa, ảnh v.v… là những hình ảnh đất nước con người Việt Nam, niềm tự hào văn hóa truyền thống lịch sử và thiên nhiên đất Việt và không giống nơi nào trên thế giới nhất là trang trí ở phòng đối ngoại.

Nước ta có hàng ngàn nghệ sĩ tạo hình như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh chẳng lẽ chúng ta không có nhiều tác phẩm đẹp, quý để trưng bày trang trí ở công sở, phòng làm việc, phòng ở theo một cách thức tiên tiến phù hợp với tình cảm thẩm mỹ truyền thống của người Việt Nam hay sao. Ngay trong việc trang trí sân khấu cho hội nghị, mít tinh, các kỳ đại hội nào đó của các cấp, nhiều cơ sở, địa phương kể cả ở Trung ương cũng trang trí mỗi nơi mỗi khác. Có một vấn đề rất hệ trọng cần nói ra đây thế nào là bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc đã trở thành linh thiêng của nhân dân ta?

Từ lâu đời nay, ông cha ta lập bàn thờ ở miếu mạo, đình, chùa, bàn thờ gia tiên thì hình tượng, đồ vật nào là đặt chính giữa? Có phải là bài vị, ngai, tượng phật, mặt nguyệt bát hương, hoành phi, câu đối,… không? Nói đúng hơn là tất cả những gì mà quan trọng nhất, linh thiêng nhất thì người ta đặt cao ở chính giữa nơi thờ cúng. Vậy mà ngày nay nhiều cơ quan, địa phương trang trí ở sân khấu hội nghị, kỳ đài các cuộc mít tinh hội thảo, sinh hoạt văn hóa lại đưa cờ tổ quốc, cờ Đảng, tượng Bác Hồ về một góc, có nơi đưa vào phía góc trái tới 1/5 chiều rộng của sân khấu hội trường. Đây là một việc làm không thể chấp nhận được, gây phản cảm đến sự linh thiêng của mỗi người dân đối với Tổ quốc. Cờ Tổ quốc, cờ Đảng, hình tượng Bác Hồ là một biểu tượng cao đẹp của dân tộc và của Đảng ta cần được tôn vinh vì thế khi trang trí là phải đặt chính giữa. Việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn trang trí hình tượng nói trên không đặt chính giữa mà lệch trái là không hợp lý. Lệch trái là bao nhiêu, vì sao phải lệch trái, cơ sở khoa học như thế nào phải lệch trái là không rõ vì thế Nhà nước cũng phải có quy định cụ thể cách trang trí cho từng loại hội nghị. Các hội nghị chuyên đề có nhất thiết cần phải trang trí có cờ Tổ quốc, cờ Đảng và hình tượng Bác không? Nếu do phần trang trí ở sân khấu có tiêu đề nội dung nhiều chữ thì nên cân đối hai bên cho phù hợp. Ví dụ: cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ đặt chính giữa, bên trái là ghi địa điểm, thời gian, bên phải ghi tiêu đề hội nghị. Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, … người ta trang trí có cờ, quốc huy đều đặt chính giữa sân khấu, theo một truyền thống cổ truyền.

Trang trí trên sân khấu, hội nghị, đại hội, mít tinh, hội thảo khoa học,… là một nghệ thuật tạo hình vừa mang tính trang trí đồ họa, hội họa và điêu khắc, sắp đặt,… vì thế đòi hỏi người thiết kế trang trí cho một nội dung hội nghị nào đó là phải chú trọng đến truyền thống tâm linh, tôn vinh văn hóa dân tộc kết hợp với nghệ thuật tiên tiến. Có như vậy thì mới thấu suốt bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam mà ngàn năm nay ông cha đã tạo dựng cho thế hệ hôm nay và mai sau phát huy tác dụng. Mấy năm nay báo chí nói nhiều về việc vẽ sai Quốc huy theo bản gốc, song đến nay cũng không ai đứng ra chỉ đạo cụ thể để làm cho đúng. Nhiều mẫu Quốc huy vẽ không đúng quy định vẫn còn nguyên ở nhiều công sở, không hề có sửa đổi gì. Đáng tiếc trên màn hình tivi có nơi đưa hình ảnh Quốc huy sai với mẫu đã được Nhà nước công bố. Gần đây, nhiều thiệp chúc Tết, trang trí hội nghị, cờ Tổ quốc và cờ Đảng đặt sai quy định của Trung ương là cờ Tổ quốc đặt trước rồi đến cờ Đảng, với cách lập luận, có Tổ quốc rồi mới có Đảng, như vậy cờ Đảng đặt phía trái (nhìn từ dưới sân khấu lên), cờ Tổ quốc phía phải nhưng cờ Đảng không chặn lên trên cờ Tổ quốc, đây là vấn đề rất cần sự hướng dẫn, quan tâm từ cơ quan chức năng để đảm bảo tính nghiêm trang của việc nghi thức trang trí.

Hiện nay rất nhiều ý kiến về việc vẽ đúng mẫu quốc huy và quy định trang trí cho hội nghị để vừa hợp lý, vừa trang nghiêm, phù hợp với sự tôn vinh của nhân dân, đúng với quy định của Nhà nước, một việc làm rất cần thiết đối với đời sống tinh thần của xã hội.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất