Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 9/5/2016 15:38'(GMT+7)

Giải trí và nhu cầu giải trí - bài toán cần lời giải ở Thanh Hóa hiện nay

Lễ hội của Thanh Hóa thường gắn với tín ngưỡng, tâm linh

Lễ hội của Thanh Hóa thường gắn với tín ngưỡng, tâm linh

1. Hoạt động giải trí nằm trong hệ thống các loại hoạt động của con người, thuộc đời sống tinh thần của mỗi cá nhân như thưởng thức nghệ thuật, chơi các trò chơi, sinh hoạt tôn giáo… Đó là hoạt động thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mỗi người. Giải trí là dạng hoạt động mang tính tự nguyện nhằm mục đích giải tỏa sự căng thẳng tinh thần để đạt tới sự thư giãn, thanh thản trong tâm hồn và cao hơn, đó là sự rung cảm về thẩm mỹ.  

Thời gian dành cho hoạt động giải trí thường gắn liền với thời gian rỗi, là những khoảng thời gian mà cá nhân không bị bức bách bởi những nhu cầu sinh tồn, không bị chi phối bởi những nghĩa vụ cá nhân hoặc sự đòi hỏi bởi nhu cầu vật chất. Con người hoàn toàn tự do, thoát khỏi những băn khoăn, lo lắng thường nhật. Khi đó, với sự thanh thản về trí óc, sự bay bổng về tâm hồn, họ tìm đến những hoạt động giải trí.

Giải trí cũng là nhu cầu của con người vì nó đáp ứng những đòi hỏi bức thiết từ phía cá nhân. Nhu cầu giải trí là động cơ của hoạt động giải trí. Khi xuất hiện nhu cầu giải trí, con người bị thôi thúc hành động để thỏa mãn nhu cầu đó. Nhu cầu giải trí là một trong những nhu cầu  không gắn liền với sự tồn tại sinh học mà là sự đòi hỏi ngày càng cao, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, tự hoàn thiện và tự khẳng định mình của con người. Nhu cầu giải trí cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành các nhu cầu tinh thần.

Giải trí là một bộ phận nằm trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và cả cộng đồng theo hướng có lợi là chính và cũng không tránh khỏi có những giải trí mang tính bất lợi. Giải trí có lợi là hướng tới những chuẩm mực được cả cộng đồng thừa nhận, mang giá trị thẩm mỹ cao, và ngược lại giải trí mang tính bất lợi chỉ được duy trì ở một nhóm người, một bộ phận trong cộng đồng dân cư và sớm muộn  không còn tồn tại, tuy nhiên có những trường hợp cá biệt nó vẫn còn dai dẳng. Giải trí với chuẩn mực mà nó vươn tới là nhằm đạt được tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ

2. Giải trí theo hướng tích cực trở thành một trong những động lực để phát triển kinh tế -xã hội. Ở Thanh Hoá hiện nay, nhu cầu giải trí đã và đang là bài toán khó đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và cả cộng đồng cùng có trách nhiệm và nghĩa vụ phải duy trì, làm giàu them những giá trị mới, đồng thời phải loại trừ, đưa ra khỏi cuộc sống những gì có hại, thiếu lành mạnh, cản trở sự phát triển.

Nhìn lại nhiều năm qua, thông qua các hoạt động giải trí, những giá trị di sản văn hoá tinh thần của cha ông ta đã được lớp lớp các thế hệ người xứ Thanh hôm qua và hôm nay kế thừa tiếp thu, phát huy và làm giàu trong cuộc sống. Tiêu biểu, thông qua các trò chơi của con trẻ như: chơi ô ăn quan, trò chơi rồng rắn, mèo đuổi chuột, chồng nụ chồng hoa, chi chi chành chành, nhảy dây, hát đồng dai, thả diều...; nam thanh nữ tú hát đối đáp, hát ghẹo, chơi đu, chọi gà, bơi chải, diễn tấu nhạc cụ: thổi sáo, đánh trống chiêng, khua luống, mùa khèn, nhảy sạp, múa ô.... các cụ cao niên hát chèo, tuồng, ca trù, hát xường, khặp, múa đèn, chơi cờ người, phóng sinh chim, cá, cho chữ... Đặc biệt là vào dịp "xuân thu nhị kỳ" lễ hội mở ra náo nức mời gọi mọi người, mọi nhà từ làng gần cho tới bản xa dắc díu nhau vào hội. Hội hè, đình đám... chính là dịp con người được giao cảm, thăng hoa trong cuộc sống, thông qua hội lễ hội sự tài khéo, khả năng của mỗi người được thể hiện để phục vụ cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận, đồng thời qua đó mỗi người cũng tiếp nhận được nhiều điều hứng thú, bổ ích mà người khác và cả cộng đồng mang lại. Trước và trong thời kỳ đổi mới và cuộc sống hôm nay, nhiều giá trị mới đã mang đến cho đời sống thêm phần vui tươi, lành mạnh như: lễ hội tổ chức các sự kiện lịch sử và cách mạng, du lịch về nguồn, các cuộc thi tìm hiểu tri thức, sự hiểu biết của giới trẻ, của phụ nữ, nông dân, công nhân lao động, học sinh, sinh viên, làng vui chơi, làng ca hát... đã mang đến nhiều sân chơi bổ ích, có ý nghĩa về nhiều mặt cho mọi tầng lớp nhân dân và cả cộng đồng, góp phần hoàn thiện nhân cách, đem đến cho mọi giai tầng trong xã hội cuộc sống vui tươi, bổ ích..

Thiết chế văn hoá, thể dục thể thao từ tỉnh tới cơ sở đã được tăng cường với các Trung tâm văn hoá, thể dục thể thao của các huyện thị thành, cơ quan, trường học, doanh nghiệp; nhà văn hoá làng xã, Câu lạc bộ sở thích (khiêu vũ, sinh vật cảnh, câu cá...), thư viện, nhà hát, bảo tàng, điểm bưu điện văn hoá xã; các di tích lịch sử và cách mạng, danh lam thắng cảnh, các công trình văn hoá, tượng đài, quảng trường... từng bước được tu bổ, xây dựng và đưa vào hoạt động đã và đang đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi lành mạnh của công chúng và giới trẻ. 

Tuy nhiên hoạt động giải trí của một bộ phận dân cư trong xu hướng hội nhập và kinh tế thị trường cũng đã tác động và gây nên những hệ luỵ xấu, đáng lên án và báo động như: đánh bạc trá hình bằng hình thức vui chơi có thưởng, nạn lô đề từ phố xuống làng, nạn cá độ bóng đá, giải trí không lành mạnh và độc hại trên internet của một bộ phận lớp trẻ, ca nhạc,vũ, caraoke trá hình đi liền với nạn nghiện huýt ma tuý, tìm cảm giác mạnh, nạn mại dâm, đua xe, đánh võng trái phép, trò chơi bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, văn hoá phẩm phản động, lối sống buông thả, xa hoa, truỵ lạc... những hình thức vui chơi giải trí ấy đã dẫn tới một bộ phận cư dân, trong đó có những người trẻ tuổi thiếu rèn luyện suy thoái về đạo đức, lệch chuẩn, gây ảnh hưởng xấu và bị dư luận lên án.

3. Để giải trí thực sự bổ ích, lành mạnh, hướng con người tới những giá trị về Chân - Thiện - Mỹ, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội và cả cộng đồng ở tỉnh Thanh Hoá cần quán triệt sâu sắc và tích cự thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hóa trong thanh niên, sinh viên, học sinh, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hóa Việt Nam. 

Cần đẩy mạnh các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mở ra các sân chơi bổ ích, lành mạnh cho mọi người và mọi đối tượng trong xã hội. Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục văn hóa, thẩm mỹ, nếp sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, câu lạc bộ thẩm mỹ, ỷê hình, bóng đá, thể dục thể thao trong nhân dân. Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật để phục vụ công chúng. Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể dục thể thao. Chống sự xâm nhập văn hóa độc hại, đồi truỵ, phản động. Xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao.  

Tiếp tục tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng;  thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội...; triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình Việt Nam góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và phát triển thể chất cho thế hệ trẻ.

Bảo tồn, phát huy giá trị 1.535 di tích lịch sử, văn hoá, di tích cách mạng và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và các di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mang đậm sắc thái văn hoá xứ Thanh theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại.

Giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam nói chung và Thanh Hoá nói riêng với thế giới. Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa và quản lý văn hoá, hoạt động vui chơi giải trí của các nước trong khu vực và thế giới. Ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động từ bên ngoài vào thông qua các ấn phẩm văn hoá, các trò chơi và chương trình vui chơi giải trí độc hại trên hêh thống mạng và internet; nâng cao nhận thức và sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ đối với các hoạt động vui chơi giải trí thiếu lành mạnh.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có hoạt động vui chơi giải trí cũng chính là góp phần tạo ra môi trường chính trị- xã hội ổn định, an toàn và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo. Quá trình xây dựng môi trường văn hóa phải chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cần phải được tổ chức một cách bài bản, có chủ trương, chiến lược và từ trong  mỗi gia đình, từng thôn, bản, khu phố, trong các tổ chức đoàn thể... nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú giúp cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ và phong phú, tạo ra sức đề kháng khỏe mạnh chống lại những ảnh hưởng xấu trong hoạt động giải trí và mặt trái của cơ chế thị trường./.

TS. Hoàng Minh Tường
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hóa  

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất