1. Vùng đất Huế vốn là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa, văn minh, nổi bật là văn minh Nho giáo từ phương Bắc xuống, văn minh Phật giáo từ phương Nam lên, kết hợp với các yếu tố bản địa Đông Nam Á... Từ năm 1636, Huế đã được lựa chọn để xây dựng làm thủ phủ-kinh đô của Đàng Trong, và từ đó dần dần trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị mới ở phía Nam Đại Việt. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, Huế đã trở thành kinh đô nổi tiếng phồn hoa đô hội của Đàng Trong với một hệ thống công trình kiến trúc phong phú. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XIX, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, xây dựng Huế trở thành kinh đô của nước Việt Nam độc lập, việc quy hoạch và xây dựng kinh đô Huế mới trở nên hoàn chỉnh.
Có thể nói, kinh đô Huế thời Nguyễn là sự tích hợp và phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam, với một quy hoạch hoàn chỉnh và hệ thống công trình kiến trúc đồ sộ, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu, chùa quán, phủ đệ, vườn uyển... được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với sông Hương, núi Ngự, đồi Vọng Cảnh, phá Tam Giang...
Trải qua thời gian và các biến động lịch sử, hàng trăm công trình kiến trúc trong hệ thống kiến trúc cung đình đã bị tàn phá, trong đó có một số lượng rất lớn văn thơ trang trí gắn liền với các công trình ấy. Đó là một tổn thất to lớn của văn hóa Huế nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy vậy, số lượng văn thơ chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế còn lại cũng khá phong phú, và có thể xem là một di sản tư liệu có quy mô lớn, rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Theo kết quả điều tra, hiện cố đô Huế vẫn còn 2.997 ô thơ văn trên kiến trúc gỗ, 142 ô thơ văn trên pháp lam và 88 ô thơ văn trên chất liệu bê tông, gạch đá.
Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện nhiều chủ đề nội dung khác nhau, nhưng tựu trung ở các chủ đề chính: ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị, đất nước độc lập, bờ cõi thống nhất; ca ngợi cảnh đẹp vùng đất đế đô, vẻ đẹp của hoa cỏ, cây cối, các mùa trong năm; khuyến khích nông nghiệp, chia xẻ nổi niềm với người dân... Riêng mảng văn thơ trên các quốc tự thì còn có chủ đề ca ngợi Phật Pháp, ca ngợi tam giáo đồng nguyên và chủ trương của triều đình với đạo Phật...
Xin dẫn một số ví dụ:
Chủ đề ca ngợi triều đại, khẳng định đất nước độc lập, tự cường có nhiều áng thơ rất hay, mà tiêu biểu nhất là bài thơ khắc tại gian chính trung của điện Thái Hòa, bài thơ được xem là tuyên ngôn của triều Nguyễn:
Văn hiến thiên niên quốc / Xa thư vạn lý đồ / Hồng Bàng khai tịch hậu / Nam phục nhất Đường Ngu (Tạm dịch: Nước ngàn năm văn hiến / Thống nhất muôn dặm xa / Từ Hồng Bàng mở cõi / Trời nam một sơn hà).
Ca ngợi kinh đô văn vật, là nơi tụ hội của nhân tài khắp 4 phương có cặp câu đối rất hay ở mặt bắc cổng đình Thương Bạc :
Vũ trụ thái hòa thiên ngọc bạch y thường thử hội/Kinh sư thủ thiện địa thanh danh văn vật sở đô (Tạm dịch: Trời vũ trụ thái hòa là lúc áo khăn đua chen như hội / Kinh sư nơi đất lành là chốn văn vật của 4 phương).
Chủ đề ca ngợi nông nghiệp, khuyến nông có những bài thơ giàu cảm xúc. Lăng vua Minh Mạng có bài thơ :
Duyên đồ cục mục hoàng vân bố/Mãn dã ngu tâm ngọc lạp doanh / Tải lộ dân nhân giai hỷ sắc / Hoạch điền dũng phụ dật ca thanh (Bên đường ngút mắt mây vàng bủa, Đồng ắp niềm vui gạo ngọc căng, Mặt người chuyển lúa tươi như hội, Mùa được nhà nông tiếng hát tràn).
Ca ngợi vẻ đẹp các loài hoa, của tứ thời, tứ quý cũng là một chủ đề khá phổ biến trong thơ kiến kiến trúc cung đình. Ở các bức tranh ghép bằng sành sứ trên lăng Khải Định, các câu thơ được ghép trực tiếp vào các bức tranh tạo thành kiểu “trong họa có thi, trong thi có họa”. Chẳng hạn, bức tranh hoa mai (chủ đề mùa xuân) có câu thơ: Sổ điểm mai hoa thiên địa tâm (Mấy bông hoa mai nở ra như trái tim của đất trời); bức tranh về sen (chủ đề mùa hạ) thì có câu thơ: Thái diệp phong đầu ngọc tỉnh liên (Chiếc lá lớn bên giếng ở đầu núi là lá sen vậy); bức tranh về hoa cúc (chủ đề mùa thu) có câu: Thiên hạ vô song phẩm, nhân gian đệ nhất hương; bức tranh cây trúc thì có câu: Vị xuất địa thời tiên hữu tiết, đáo lăng vân xứ dã vô tâm (Chưa lên khỏi mặt đất đã có khí tiết, vươn đến tận mây xanh lòng vẫn rỗng không).
Ca ngợi chủ đề Phật giáo, trên đình Hương Nguyện, chùa Thiên Mụ, ngoài 2 bài thơ đề vịnh cảnh chùa Thiên Mụ và quán Linh Hựu, có một số bài thơ tiêu biểu như:
Tường trưng quý địa hiệp thiên nhân/Đan hoạch kim đài hoán nhất tân / Chân dĩ chí minh thôi thiện huệ / Danh nhân tình lập quảng năng nhân (Nơi đây tỏ rõ là chốn đất thiêng hòa hợp giữa trời và người, Chùa được dựng lên tô điểm thêm mới vẻ rực rỡ. Thực là dùng trí dũng sáng suốt để khơi nguồn trí tuệ, Danh nghĩa thì vì tình với chúng sinh mà ban phát lòng nhân).
Ngoài mảng thơ chiếm số lượng chủ yếu, trên kiến trúc cung đình Huế còn có những bài văn rất độc đáo do vua nhà Nguyễn ngự chế. Tiêu biểu như, tại điện Biểu Đức, lăng vua Thiệu Trị có bài ký về vườn Cơ Hạ và và bài thơ ngự chế về điện Khâm Văn rất hay với toàn bộ văn tự được khảm xà cừ trên những tấm gỗ lớn, gắn vào công trình,v.v..
Như vậy, thơ văn trên kiến trúc cung đình không chỉ có cách thức thể hiện đa dạng mà nội dung cũng rất phong phú. Đây thực sự là một di sản văn hóa vô giá mà người xưa đã gửi gắm lại cho thế hệ mai sau.
2. Văn thơ chữ Hán kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc (dưới dạng dương bản) duy nhất hiện còn ở quần thể Di tích Cố đô Huế, Việt Nam. Trong lịch sử xây dựng và tu sửa các công trình chưa hề có tư liệu nào đề cấp đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới hệ thống thơ văn này. Sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản thế giới, khoa học trùng tu di tích tại cố đô Huế ngày càng tiến bộ, sự quan tâm của cả nước và quốc tế đến công cuộc bảo tồn di tích ngày càng sâu sắc. Các ô hộc thơ văn chữ Hán hiện còn vẫn là hiện trạng gốc, hoàn toàn chưa có sự thay đổi, điều chỉnh hay làm mới. Đến nay, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu to lớn, văn thơ chữ Hán trên di tích luôn được nhìn nhận là những tác phẩm nghệ thuật vô giá, hàm chứa những giá trị lịch sử quý báu, nên càng lúc càng được đặc biệt chú ý bảo tồn. Trong những năm gần đây, nhiều di tích được trùng tu lớn, các văn tự này ở một số nơi đã được bảo tồn, tôn vinh bằng nhiều giải pháp khoa học tiên tiến để bảo đảm các văn tự đó được giữ gìn như vốn có trong quá khứ, vừa đảm bảo tính lịch sử vừa thể hiện sự trân trọng với mảng văn hóa độc đáo này.
Về ý nghĩa quốc tế, có thể nói di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế có giá trị rất độc đáo và không thể thay thế. Đây là dạng văn tự chữ Hán- một thứ ngôn ngữ được sử dụng chung trong các nước đồng văn (các nước trong khối văn hóa Nho giáo) suốt hàng nghìn năm qua nên có tính quốc tế, tính phổ biến rất cao. Đó là thứ ngôn ngữ không chỉ dành cho người Việt Nam mà các sứ thần của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… khi đến kinh đô Huế đều có thể dễ dàng đọc và lĩnh hội được ý nghĩa. Điểm đặc biệt này chỉ thấy xuất hiện tại kinh đô Huế dưới thời Nguyễn. Hơn nữa, cách sử dụng thơ văn như một hình thức trang trí cho công trình kiến trúc cũng là phong cách hiếm gặp và gần như đã đi vào điển chế của triều Nguyễn, tạo nên một dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật kiến trúc trang trí của Việt Nam
Từ góc nhìn nghệ thuật, đây là những tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao trong trang trí một công trình kiến trúc, vừa có hiệu ứng lớn đối với cảm thức mỹ học của người thưởng thức: vừa đẹp, trang trọng, vừa quý phái, trí tuệ. Văn tự được thể hiện là một bức tranh, là một bức thư pháp, vừa là một tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc bản thể hiện sự tài hoa và tâm hồn của các nghệ nhân xưa. Để thể hiện được điều này, những nhà kiến trúc xưa phải am hiểu về thư pháp, họa pháp, và các loại công nghệ truyền thống để tạo nên hình thức trang trí độc đáo này. Bên cạnh đó, những người nghệ nhân muốn thể hiện được ý đồ của thi nhân, thư pháp gia, họa gia, thì bản thân họ ngoài tay nghề chạm khảm, đắp nổi đạt đến đỉnh cao, còn phải am hiểu chữ nghĩa, am tường nghệ thuật của thư pháp, họa pháp...
Từ góc nhìn nội dung, đây là những cứ liệu lịch sử chân xác nhất phản ánh tư tưởng một thời đại; phản ánh một số chính sách của triều đình; phản ánh về thế giới quan và nhân sinh quan của tầng lớp vua quan, hoàng thân quốc thích... và cũng phản ánh tài năng của các thi nhân xưa qua bút pháp tài tình của họ, thể hiện tư tưởng muôn "quán được nhân sự" thì phải thông thiên văn, tường địa lý, hòa mình trong thiên kỳ tú...
Có thể nhận thấy, di sản tư liệu độc đáo nêu trên là không thể thay thế, không thể làm mới được. Đây là một trong những hệ thống tư liệu chân xác hàm chứa một nội dung giá trị được lưu giữ thông qua những tác phẩm nghệ thuật vô giá: những bức tranh, những bức thư pháp được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên gỗ quý hay tráng men pháp lam, đắp nổi bằng sành sứ lung linh màu sắc… để trang hoàng, tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình.
Hiện nay, toàn bộ hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ. Những nội dung tư liệu này đã và đang được Trung tâm tổ chức dịch thuật và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu có thể tra cứu bằng các bộ mục lục truyền thống và mạng thông tin phục vụ độc giả tra cứu.
Trung tâm cũng đã công bố nội dung thơ văn này trên nhiều phương tiện thông tin như: báo chí, truyền hình, trang thông tin điện tử... gây được sự chú ý của công chúng và các nhà nghiên cứu. Trong những năm tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hội thảo về khối tư liệu này nhằm rộng đường nghiên cứu và tạo điều kiện thưởng lãm cho mọi tầng lớp nhân dân.
Hệ thống thơ văn chữ Hán đang được Trung tâm bảo quản rất tốt cùng với sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng di sản tư liệu này. Tuy mỗi ô thơ là một cổ vật, nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại trong bảo tồn như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Nhiều cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan trọng, bảo quản các bức tranh và thơ văn trên pháp lam, tôn tạo, giữ gìn những bức tranh thơ ghép bằng sành sứ…
Mục tiêu chiến lược thời gian tới của Trung tâm là đề nghị với UNESCO đưa hệ thống thơ văn trên kiến trúc gỗ cung đình Huế vào Danh mục Di sản Ký ức của nhân loại. Nếu hệ thống này được công nhận là Di sản Ký ức hẳn sẽ dễ dàng tiếp thu những công nghệ bảo quản hiện đại nhằm lưu trữ một kho tàng vô giá của nhân loại./.
TS PHAN THANH HẢI (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)