Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 24/7/2016 9:45'(GMT+7)

Nghĩ về cái “tâm” của nhà văn

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Thi hào Nguyễn Du dạy rằng: Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Truyện Kiều) là rất đúng đắn, sâu sắc. Chữ “tâm” là gốc của con người, đồng nghĩa với chữ “đức” và chữ “thiện”-nó là nhân tố chính yếu nhất, tạo nên giá trị tốt đẹp của mỗi con người. Nói cách khác, chữ “tâm” là cốt lõi của nhân phẩm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức đề cao chữ “đức”, chữ “tâm”. Người dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Bác Hồ nói về “thiện” và “ác”: “Thiện, nghĩa là tốt đẹp, vẻ vang. Trong xã hội không có gì là tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân... Nếu hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thế là thiện. Nếu chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không lo đến lợi ích của nước nhà, của dân tộc, thế là "ác" (Hồ Chí Minh-Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội-2000, tập 8, tr.276-277).

Lời nói của các bậc tiền bối khẳng định: Con người chân chính trước hết phải có “tâm”. Bởi vậy, trong quan niệm “Văn học là nhân học” và “Văn là người”, thì với tư cách là chủ thể của sự sáng tạo văn học, nhà văn phải có “tâm” với nhân dân, với cuộc đời.

Chữ “tâm” không chỉ là lòng nhân ái, yêu thương con người và cuộc đời, mà bao gồm cả “ái, ố, hỉ, nộ” một cách đúng đắn, rõ ràng, nồng nhiệt; là lòng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và dám nói lên sự thật, bảo vệ chân lý. Nhà văn đúng nghĩa là nhà văn bao giờ cũng quan tâm trước hết đến đời sống, tâm tư của nhân dân lao động, phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, bất công xã hội.

Điểm lại các nhà văn, nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới xưa nay, ta đều thấy chữ “tâm” là điểm khởi phát và là nguồn động lực mạnh mẽ để họ sáng tạo các tác phẩm nổi tiếng. Nguyễn Du yêu thương nàng Kiều lương thiện, hiếu thảo; ca ngợi khát vọng yêu đương và khát vọng tự do của con người (qua Từ Hải); nhưng ông hết sức căm ghét lũ sai nha tay chân của bọn quan lại bất lương: Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh/ Rụng rời khung cửi, tan tành gói may/ Đồ tế nhuyễn, của riêng tây/ Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham; căm giận, khinh thị tên Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến với tính cách lật lọng và tội tày đình “sát phu, hiếp phụ”. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương lên án chế độ đa thê và bảo vệ quyền lợi người phụ nữ: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/ Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng. Nguyễn Đình Chiểu hết lòng ca ngợi, xót thương các nghĩa sĩ Cần Giuộc anh dũng hy sinh vì nước, vì dân, đồng thời cũng “ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm” đối với bọn vua chúa, quan lại suy đồi, chỉ biết ăn chơi phè phỡn, đục khoét dân, làm hại dân: Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm/ Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang/ Ghét đời U, Lệ đa đoan/ Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần (lời ông Quán-tác phẩm “Lục Vân Tiên”).

Nhìn ra văn học thế giới, cái “tâm” của nhà văn được thể hiện rực rỡ qua chủ nghĩa nhân văn của văn học Anh thời Phục hưng, mà U.Sếch-xpia là tác gia tiêu biểu nhất. Rồi V.Huy-gô, Ô.Ban-dắc(Pháp), Hê-minh-uê, J.Lơn-đơn (Mỹ); L.Tôn-xtôi, M.Goóc-ki, C.Xi-mô-nốp, M.Xô-lô-khốp (Nga)... là những nhà văn điển hình của nhân loại thấm đẫm chữ "tâm"! Các nhà văn lớn của những nền văn học vĩ đại của nhân loại đều đề cao sức mạnh chân chính của con người, bảo vệ người thiện, đồng cảm sâu xa với những “số phận của con người” và lên án mạnh mẽ cái xấu, cái ác, kẻ xấu, kẻ ác. Đại văn hào Nga L.Tôn-xtôi đã nói: “Nhà văn khi chấm ngòi bút vào lọ mực, phải để cả máu của mình ở trong đó!”.

“Ái, ố, hỉ, nộ” của nhà văn đều phải “cháy” hết mình-trên cơ sở phấn đấu không mệt mỏi cho cái chân-thiện-mỹ, vì quyền lợi chính đáng và hạnh phúc của dân tộc, của nhân dân. Có thể khẳng định: Không có cái “tâm” đỏ thắm với con người, với nhân dân, với cuộc đời, thì không thể sáng tạo ra những tác phẩm văn học hay, say đắm lòng người.

Mặt khác, chỉ biết “yêu” mà không biết “ghét”, không dám căm giận, lên án cái xấu, cái ác; hoặc “yêu” và “ghét” không rõ ràng, chỉ hời hợt, lờ đờ nước hến, thì khó mà viết ra được tác phẩm có giá trị. Thế nên mới có nhà văn, nhà thơ chỉ loay hoay với những đề tài, những câu chuyện “tầm phào” vô thưởng vô phạt, thậm chí để để lăng-xê kiếm lợi, kiếm chức, kiếm danh, hoặc để lừa dối bạn đọc. Các tác phẩm thuộc dạng này có thể xuất bản ồ ạt nhưng chắc chắn không có chỗ đứng và nhất định bị xã hội lãng quên./.

Đào Ngọc Đệ

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất