Việt Nam luôn chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật nước ngoài để làm mới, phong phú thêm bức tranh văn hóa trong nước. Chúng ta tiếp thu khá đa dạng ở các khâu một cách tích cực, từ cơ chế quản lý, quảng bá, phát hành cho đến nội dung hay hình thức nghệ thuật…
Nhưng ở đây chỉ nhấn sâu vào những điểm cơ bản, cần thiết, qua đó khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn, đồng thời lên tiếng cảnh báo trước âm mưu của những thế lực xấu hòng mưu đồ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa một cách tinh vi, thâm độc. Những kết quả đạt được trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới nhằm bác bỏ ý kiến cực đoan của hai luồng quan điểm ở hải ngoại, một chiều cho rằng Việt Nam mở cửa ồ ạt “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài làm mất bản sắc; chiều kia ngược lại, nói Việt Nam “đóng cửa” dẫn tới sự “bế tắc” văn hóa…
Xin đề cập trước ở lĩnh vực âm nhạc. Các thể loại như: Jazz, Disco, Pop, Rock, Rap, Blues… đã trở nên quen thuộc rồi phổ biến trong giới trẻ. Hiện nay, các tác phẩm cổ điển của Mozart, Bethoven, Chopin, Tchaikovsky, Bach… được người Việt tiếp nhận thường xuyên ở các nhà hát, chứng tỏ trình độ thưởng thức nhạc kinh điển của bộ phận công chúng đã nâng cao rất nhiều. Năm 2014, chúng ta đăng cai và tổ chức thành công Festival Âm nhạc mới Á-Âu, hội tụ gần 200 nhạc sĩ, nghệ sĩ đến từ 33 quốc gia có nền âm nhạc phát triển như: Nga, Anh, Áo, Pháp, Đức, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Trung Quốc... chứng tỏ nền âm nhạc Việt Nam cởi mở tiếp nhận các nền âm nhạc, các trường phái khác nhau trên thế giới. Với định hướng chung là xây dựng một nền âm nhạc dân tộc và hiện đại, các nhạc sĩ thường dựa trên âm hưởng dân gian-dân tộc để tiếp thu nhạc quốc tế ở giai điệu, hòa thanh, tiết tấu… (rõ nhất là ở thể loại Pop) để tạo ra tác phẩm mới mang đặc trưng ngôn ngữ dân tộc, lại thêm sắc màu quốc tế.
Điện ảnh rất nhanh nhạy trong việc tiếp xúc, học tập, tiếp thu thành tựu của những nền điện ảnh tiên tiến như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…để đổi mới theo hướng chú ý đi sâu khai thác số phận cá nhân nhưng có tầm khái quát về một vấn đề xã hội. Năm 1992, Liên hoan phim Quốc tế Fukuoka đã chọn 9 bộ phim của điện ảnh nước ta để tổ chức chương trình riêng. Mẫu số chung của văn hóa điện ảnh thế giới là khơi dậy tinh thần nhân bản, nhân văn, tình người, tính người. Điều ấy được các nhà làm phim Việt nhấn sâu trong khu vực đề tài chiến tranh và hậu chiến tranh, được bạn bè quốc tế công nhận, như "Phía sau cuộc chiến", "Chuyện tình bên dòng sông"…
Tiếp thu thế giới ở các phương thức như cảnh quay, kết cấu, nhân vật…, nhất là ngôn ngữ thể hiện, phim truyện truyền hình của ta những năm gần đây không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng đáng khích lệ. Ví như tháng 3-2015, phim “Đập cánh giữa không trung” được vinh danh trong Liên hoan phim Fribourg, Thụy Sĩ; tháng 5-2015, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được đề nghị mua bản quyền quốc tế để phát hành trên toàn thế giới… Gần nhất, tiêu biểu cho sự tiếp thu cái hay của phim nước ngoài (kịch bản Hàn Quốc) kết hợp với nét đặc sắc về nhân vật, tính cách, cảnh vật văn hóa trong nước là phim “Em là bà nội của anh”. Chất lượng, hiệu ứng của phim còn cần có sự khẳng định của các nhà chuyên môn, của khán giả, những tín hiệu bước đầu cho thấy một hướng đi phối hợp cái hay của nước ngoài cùng thế mạnh nội sinh sẽ tạo ra những phim có chất lượng, dễ tạo dấu ấn cho khán giả.
Mỹ thuật cổ điển của ta đi theo lối tạo hình ước lệ, tượng trưng, cách điệu để gọi “hồn” sự vật. Học tập sự phân chia không gian lớp lang, tỷ lệ kích thước chính xác về hình học của phương Tây… Mỹ thuật Việt ngày càng có khả năng diễn đạt ý tưởng sáng tạo khoa học và nhiều vẻ hơn. Sau đổi mới, chúng ta tiếp thu nhiều thể loại mới như: Video art, trình diễn, sắp đặt, body art, body painting... Mỹ thuật tiếp cận, học tập ngôn ngữ của nhiều trường phái, trào lưu, tạo ra sự phong phú về phương pháp thể hiện như: Hiện thực, trừu tượng, biểu hiện, tối giản... rồi có sự đa dạng về chất liệu như: Đồng, đá, kim loại, tổng hợp, gốm… Xu hướng sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật tạo hình hiện đại trên thế giới hôm nay là ra ngoài thiên nhiên, đến gần với công chúng, cập nhật với cuộc sống hơn, hạn chế đến mức thấp nhất không gian thể hiện… do vậy mà nghệ thuật sắp đặt và trình diễn đang rất phát triển. Xu hướng này cũng đang thể hiện tích cực, hiệu quả ở nước ta.
Ở lĩnh vực sân khấu thì nhiều loại hình mới đã và đang được thể nghiệm, như kịch hình thể, kịch đồng hiện, kịch giả tưởng, kịch kinh dị, kịch hiện thực tâm lý xã hội… Thể loại tiếp thu mạnh mẽ hơn cả là kịch xiếc đang cùng hướng đi với thế giới theo phương châm đa chiều, đa cực, dân gian và hiện đại, hậu hiện đại… Các thể loại mới được mở ra: Xiếc hình tượng, xiếc hài, ảo thuật… được trình diễn tổng hợp ngôn ngữ văn hóa với biểu tượng ký hiệu, kỹ thuật điện tử… Nhiều đoàn xiếc biểu diễn những tiết mục mới như "Cậu bé rừng xanh", "Cuộc phiêu lưu trên hoang đảo", "Làng tôi", tạo hình dây lụa…, được bạn bè thế giới hâm mộ. Điều này cho thấy, phải bằng sở trường dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa nước ngoài đang được phổ biến, ưa chuộng thì mới được nhìn nhận. Như ở thể loại múa, ngoài múa dân gian, múa cổ điển châu Âu, chúng ta tiếp thu, học tập múa tính cách như: Múa Karante I-ta-li-a, múa quạt Tây Ban Nha, múa Kalinka Nga… để thể hiện các vở múa kinh điển được quốc tế hoan nghênh. Như múa rối (trong Liên hoan Múa rối quốc tế cuối năm 2015) đã tạo được ấn tượng tốt đẹp nhờ ngoài các “câu chuyện” đậm chất dân tộc như Thạch Sanh, Tấm Cám… chúng ta còn đưa vào diễn cả màn đấu bò tót (Tây Ban Nha) hay trích đoạn “Hồ thiên nga” (Nga)… Sự kết hợp chất dân dã Việt (sân khấu ao làng) với những nét văn hóa đặc sắc của nước bạn làm phong phú hình tượng biểu diễn đã tác động tức thời tới cảm nhận người xem quốc tế, tạo ra hiệu ứng ngạc nhiên, khâm phục, là một thành công.
Tiếp thu tinh hoa lý luận văn chương thế giới diễn ra đã lâu, thời gian gần đây đi vào chiều sâu tạo ra những thành quả rõ nét, tích cực. Trước năm 1986, lý luận hướng về các giá trị cổ điển (Nghệ thuật thi ca của Aristote, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, mĩ học cổ điển Đức, triết học chủ nghĩa Mác…) đã tạo ra một hệ thống tri thức vững vàng về lý luận văn nghệ. Những năm gần đây, hầu như các tên tuổi lớn đều được giới thiệu như: V.I.Propp, M.Bakhtin, R.Jakovson, M.Lotman, M.Foucault, R.Barthes, J.Derrida, G.Genette, S.Freud, C.G.Jung, M.Heidegger... Nhìn tổng thể, cả 8 khuynh hướng, trường phái lý thuyết: Hình thức Nga, phê bình mác-xit, phê bình mới, chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chủ nghĩa hậu hiện đại, phê bình phân tâm học, phê bình hiện tượng luận, đã có mặt ở nước ta và ảnh hưởng một cách cụ thể trong một số nghiên cứu, rõ nhất là ở các luận án tiến sĩ. Các hướng nghiên cứu ưu trội trên thế giới như: Thi pháp học, tự sự học, phân tâm học và văn học nghệ thuật, mỹ học tiếp nhận, so sánh văn học, ký hiệu học và lý thuyết diễn ngôn, phê bình sinh thái…đang được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.
Tự thân đời sống giao lưu, tiếp biến văn hóa này đã cho thấy bài học của mọi bài học là quán triệt sâu sắc đường lối lãnh đạo của Đảng: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI). Đây là định hướng chung vừa hòa cùng với xu hướng của triết học văn hóa thế giới trong việc làm giàu và giữ gìn bản sắc, vừa phù hợp với quỹ đạo đổi mới uyển chuyển, tinh tế của văn hóa./.
PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú
(Nguồn: Báo QĐND)