Có lẽ, chúng ta sẽ giật mình khi biết rằng có đến 70 phim Việt Nam được sản xuất và ra mắt trong năm 2016 này. 70 phim, một con số ấn tượng. 70 phim, con số ngàn tỷ đồng. 70 phim, con số cho thấy nhiều người nghĩ rằng điện ảnh là một thị trường ngon ăn bất chấp đang có những tranh cãi, kiện tụng giữa các đơn vị phát hành phim, các cụm rạp xoay quanh câu chuyện đặc quyền của CGV.
Nhưng chúng ta hãy thử đặt ra một câu hỏi rằng trong số 70 phim ấy, số lượng phim chất lượng, đột phá sẽ chiếm tỷ lệ thế nào?
Và tiếp theo là một câu hỏi khác. Trong 70 phim đó, liệu bao nhiêu
phim sẽ trở thành điểm nhấn phòng chiếu, tức là nôm na "có lãi". Nếu
kiểm đếm lại đầu phim có lãi chiếu rạp của khoảng chục năm vừa rồi,
chúng ta đều cảm thấy lo lắng cho những nhà đầu tư thực sự.
Bỏ cả chục tỷ để làm một bộ phim, hi vọng bán chạy ai cũng đều có cả.
Nhưng quyết định lại nằm ở thị trường và mỗi năm, bình quân chỉ có
khoảng 3-5 phim là có lãi thực sự, trong đó có khoảng 1-2 phim là hiện
tượng phòng vé, tức nó lãi kỷ lục, hút khách kinh khủng, hút khách đến
mức nó bóp chết các phim còn lại trong một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Vậy thì hi vọng 10% trong số khoảng 70 phim ra rạp năm 2016 này có lãi
đã là một hi vọng hào phóng rồi.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta quay lại nhìn xem những bộ phim điển hình
sẽ ra rạp thực tế đang ở hoàn cảnh nào? Không khó để kết luận sớm: Theo
một lối mòn, đúng kiểu nhìn thấy công thức ngon ăn của các năm trước,
năm nay các nhà sản xuất tiếp tục chọn một vùng tiện lợi của công thức
ấy, và tin rằng nó vẫn còn hiệu nghiệm.
Hai ví dụ đơn giản đủ để chúng ta có thể rút ra kết luận đó chính là
hai bộ phim "Fan Cuồng" và "Cô gái đến từ hôm qua". "Fan Cuồng" vẫn là
công thức hài kiểu Thái Hoà, vẫn là ê kip mà Thái Hoà đã từng thành công
với "Để Mai tính" phần 1 & 2; "Tèo em"…
Trong khi đó, "Cô gái đến từ hôm qua" nuôi hi vọng việc "Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh" thành công đột phá ở năm 2015 sẽ làm điểm tựa cho
thành công của họ chỉ vì tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Đúng, không thể phủ
nhận rằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn có sách bán chạy nhất hiện nay
nhưng điều đó không có nghĩa là phim nào chuyển thể từ truyện của Nguyễn
Nhật Ánh cũng chắc chắn thành công.
Người đọc sách và người xem phim có thể là một, nhưng cũng có thể là
hai cộng đồng khác nhau. Và một bộ phim cuốn hút không chỉ đòi hỏi một
cốt truyện hấp dẫn mà còn đòi hỏi vô vàn thứ khác nữa như hình ảnh, âm
thanh, âm nhạc, diễn xuất…
Cả hai ví dụ trên khiến chúng ta càng tin chắc hơn vào sự cùn mòn
trong làng điện ảnh Việt Nam hôm nay. Sáng tạo không thể dễ dãi bằng
cách lặp lại các công thức thành công, kể cả là của chính mình chứ đừng
nói đến của người khác. Và chính sự cùn mòn trong sáng tạo đó đã khiến
phim "Em là bà nội của anh" thành công.
Đơn giản, nó là một bộ phim làm lại "remake" từ phiên bản Hàn Quốc,
được Việt hoá, và nó mang hơi hướng lạ hơn hẳn so với nhan nhản các phim
Việt suốt nhiều năm qua. Khán giả yêu thích cái lạ lẫm ấy, và mở lòng
với cái lạ lẫm ấy.
Đó cũng là lý do thắng lợi của "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Song, cái lạ không thể là cái xuất hiện nhiều lần. Bởi thế, như trường
hợp của "Cô gái đến từ hôm qua", với sự kết hợp của một cái "lạ cũ" là
Nguyễn Nhật Ánh và cái tên đạo diễn mới ăn khách Phan Gia Nhật Linh (đạo
diễn phim "Em là bà nội của anh"), liệu thành công có mỉm cười?
Rồi đến cuối năm nay, trong số 70 phim ra rạp, có phim sẽ thành công
về doanh số, sẽ được ca ngợi, chắc chắn thế. Song, để nói làng điện ảnh
đang sống trong hơi thở sáng tạo thì không thể. Bởi vì tất cả đều cùng
đi trên một lối mòn, lối mòn đáng sợ khiến sự ồ ạt của các phim Việt cho
chúng ta cảm giác, điện ảnh đang quay lại với thời kỳ mỳ ăn liền của
thập kỷ 90 thế kỷ trước./.
Văn Đoàn
(Nguồn: Văn nghệ Công an)