Phim truyền hình dài tập hiện nay chỉ ngắn 45 phút mỗi tập nhưng luôn bị cắt làm 2, 3 khúc để nhồi quảng cáo. Nguyên nhân tình trạng đó nằm ở phương thức xã hội hóa việc sản xuất phim theo kiểu "mỡ nó rán nó", dùng spot quảng cáo để trả tiền sản xuất phim.
Quảng cáo đóng vai trò ông chủ
Trước đây dăm bảy năm, chỉ cần cắt ngang bộ phim một lần để chen một vài spot quảng cáo, nhà đài đã bị báo chí la ó là phạm luật, luật quảng cáo cấm phá vỡ sự toàn vẹn của tác phẩm điện ảnh khi phát sóng. Đến bây giờ thì quảng cáo chen ngang trong một bộ phim đã trở thành chuyện bình thường, thậm chí các tác giả phim không những không xót xa mà còn tự hào vì phim mình như vậy là... ăn khách! Quảng cáo mà xé nát tác phẩm làm dăm mười mảnh thì tác giả càng yên tâm, vì như thế là các chủ đầu tư không bị lỗ, họ có thể đầu tư cho mình làm tiếp phim sau. Quảng cáo bây giờ đóng vai trò ông chủ, vai trò mạnh thường quân nuôi điện ảnh, đâu phải kẻ ăn theo điện ảnh như xưa!
Những ý kiến này không phải là không có căn cứ. Từ khi xã hội hóa truyền hình, nhà đài chỉ việc ngồi một chỗ duyệt các phim do các hãng bỏ tiền ra làm để quyết định cho phát sóng vào giờ nào. Nhà đầu tư được quyền lấy tiền từ ba spot quảng cáo, trị giá 180 triệu đồng cho mỗi tập phim. Nếu nhà đầu tư bỏ ra 120 triệu đồng cho mỗi tập phim thì anh ta thu về 60 triệu gọi là tiền lãi. Nếu trong quá trình phát sóng, bộ phim lôi kéo thêm được nhiều hơn 3 spot quảng cáo, thì nhà đài thu là chính. Sau khi khai thác một năm, bộ phim tuột hẳn khỏi nhà đầu tư, vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của nhà đài. Nhà đầu tư giống như con tò vò nuôi nhện, đến khi nhện lớn nhện bỏ nhà đầu tư về với nhà đài.
Như vậy ở thời xã hội hóa, nhà đài như con chuột sa vào ba chĩnh gạo. Chĩnh gạo thứ nhất là vốn làm phim của các nhà đầu tư, chĩnh gạo thứ hai là tiền quảng cáo do nhà đầu tư gọi tới, chĩnh gạo thứ ba là bộ phim không bỏ tiền ra làm nhưng lại được sở hữu vĩnh viễn. Nếu như trong cơ chế bao cấp, nhà đài còn lúng túng loay hoay chi sao cho đúng pháp lệnh tài chính, cho hợp túi tiền, thì trong cơ chế xã hội hóa, nhà đài có thể yên tâm với ngón võ tay không bắt phim, tay không vồ quảng cáo.
Nguy cơ ế sóng, thiếu phim
Các nhà đầu tư vừa yêu điện ảnh, vừa muốn làm ăn, nhưng bỏ tiền ra làm phim giống như đi câu, không thể liều lĩnh được. Trước hết phải tìm được đề tài ăn khách mà lại an toàn để đặt các nghệ sĩ làm phim, sau nữa phải tằn tiện chi tiêu, rồi vắt chân lên cổ chạy quảng cáo cho nhà đài để mong thu hồi vốn. Nhà đài không bỏ tiền túi để mua phim, mà mua bằng tiền người làm phim mang đến. Nghĩa là mỡ nó rán nó. Có thể lấy tiền từ ngân sách để mua phim, mua chương trình của nước ngoài, nhưng chỉ có thể mua phim của các nhà sản xuất phim trong nước bằng các spot quảng cáo mà thôi. Nhà đầu tư không phải lúc nào cũng chủ động về nguồn vốn, nên tiền chuyển đến cho những người làm phim nhiều khi chậm 2-3 tháng so với tiến độ thỏa thuận. Nghệ sĩ làm phim truyền hình bị nợ tiền dài dài cho đến khi phim phát sóng, thậm chi sau khi phim phát sóng vẫn chưa được. Tiền chậm nên nhiều khi guồng sản xuất bị ách tắc, lịch phát sóng đã ấn định, khi có chút tiền là nghệ sĩ vắt chân lên cổ làm cuốn chiếu để kịp hoàn thành phim. Chất lượng vì thế không đều. Công luận vẫn phàn nàn phim giờ vàng chưa phải vàng là như thế.
Bỏ tiền ra đầu tư làm phim, bỏ công ra đi lôi quảng cáo để thu hồi vốn mà chẳng lời lãi được bao nhiêu, nên các nhà đầu tư dần dần thoái chí. Nguy cơ thủng sóng là có thật. Nhạy cảm trước tình cảnh của các nhà đầu tư, có nhà đài đã đề xuất nâng số spot trả cho mỗi tập phim lên khoảng 3,7 spot quảng cáo, tương đương với 220 triệu đồng. Thế nhưng chủ trương nâng giá để giữ chân các nhà đầu tư cũng chưa có được sự thống nhất trong nội bộ nhà đài. Vì vậy, sự nghiệp xã hội hóa truyền hình theo lối mỡ nó rán nó vẫn tiếp tục có nhiều bất cập về cả kinh tế và nghệ thuật.
Nên chăng, để tôn trọng nghệ sĩ và khán giả, nhà đài nên thanh toán bằng tiền cho các nhà sản xuất phim khi họ đưa phim tới. Không nên biến bộ phim truyền hình vốn đã “gầy còm” phải gánh thêm chức phận của một cái chợ ở đó người ta đua nhau khuân spot quảng cáo đến để kiếm lời./.
(Theo: Kim Long/Sức khoẻ & Đời sống)