Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 24/11/2008 22:18'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long

Nhận diện sâu sắc hơn về các giá trị Hoàng thành Thăng Long

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long bao gồm Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội, với diện tích hơn 18 nghìn mét vuông. Các cuộc khai quật tại 18 Hoàng Diệu trong 5 năm qua đã phát lộ một quần thể di tích gồm nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, chứng minh sự hiện hữu lịch sử lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, trải từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ thứ 7-9), qua thời Đinh- Tiền Lê (thế kỷ 10) đến thời kỳ Thăng Long- Hà Nội, đến các vương triều Lý- Trần- Lê- Nguyễn (từ năm 1010 đến đầu thế kỷ 20).

Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hoá của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn, là nơi hội tụ và và kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc. Các di tích kiến trúc có mối quan hệ và sự liên kết lẫn nhau, tạo thành một tổng thể liên hoàn rất phức tạp, nhưng rất phong phí và hấp dẫn, phản ánh rõ mối quan hệ về qui hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long.

Giá trị này đã được khẳng định trong hồ sơ mà UBND thành phố Hà Nội đã gửi tới UNESCO đề nghị tổ chức này công nhận Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là di sản Văn hoá thế giới. Những di vật ở di chỉ Khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội tại 18 Hoàng Diệu còn cho thấy Thăng Long- Hà Nội vừa là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá trong thời gian dài hơn nghìn năm, vừa là nơi tiếp xúc, tiếp thu những tư tưởng văn hoá của các vùng, các quốc gia có nền văn minh lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á , chứng tỏ mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hoá của Thăng Long với các nước trong khu vực và thế giới trong lịch sử.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long còn cho thấy mối liên hệ trực tiếp của di sản đối với cuộc sống hiện nay, trong đời sống văn hoá, tư tưởng và nghệ thuật. Đây cũng là nét rất đặc trưng của Khu di tích.

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm nghiên cứu về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu về các lĩnh vực: di tích, di vật, các vấn đề môi trường và không gian qui hoạch. Qua 5 năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử đã khẳng định thêm và làm sâu sắc hơn các giá trị của Hoàng thành Thăng Long. Nhiều kết quả nghiên cứu mới được công bố như: phát hiện kiến trúc Bát giác thời Lý được các chuyên gia Việt- Nhật phán đoàn là công trình kiến trúc kiểu điện Thiên Khánh (nơi Vua nghe chính sự) ghi trong chính sử. Các chuyên gia Nhật Bản nhiều kinh nghiệm nghiên cứu kinh thành cũng đã tìm ra được một loại thước được sử dụng thống nhất trong xây dựng Hoàng thành thời Lý, cho thấy mặt bằng kinh đô thời Lý có qui hoạch rất rõ ràng, qui củ trước khi tiến hành xây dựng... Tiến sĩ Bùi Minh Trí đã nhận ra được loại gốm cao cấp nhất trong thế kỷ 15 của Việt Nam được sản xuất chính tại Thăng Long, với một kỹ thuật rất cao, mỹ thuật hoàn hảo. Đây cũng chính là gốm sứ cao cấp xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á và một số nước khu cực châu Á.

Nhiệm vụ quan trọng và lâu dài là bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Cùng với việc nhận diện vị trí, vai trò của Kinh đô Thăng Long trong lịch sử Châu Á qua nghiên cứu so sánh với các kinh thành trong khu vực Đông Nam Á, các đại biểu tham gia hội thảo đã trao đổi về hướng nghiên cứu qui hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị lâu dài của khu di tích.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội không chỉ tiêu biểu cho các giá trị văn hoá của dân tộc VN, mà còn kết tinh các giá trị văn hoá của khu vực. Chính vì thế, việc qui hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị lâu dài của khu di tích là vấn đề được nhiều nhà khảo cổ, các học giả trong nước và quốc tế quan tâm. PGS-TS Tống Trung Tín- Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết: "Chúng tôi đã có sự xác định rõ ràng về niên đại của các di tích, đồng thời tiến tới phân loại, xác định niên đại cho hệ thống di vật được khai quật ở 18 Hoàng Diệu. Mục tiêu của chúng tôi là sẽ nhận thức đến tận cùng giá trị di tích, di vật, đi sâu nghiên cứu từng thể loại, nguồn gốc, đưa vào hệ thống lập biểu thống kê, lập hồ sơ khoa học. Những công đoạn như chụp ảnh, rập hoa văn, lập biểu mẫu thống kê và phiếu đăng ký các loại hình di vật... để xây dựng hồ sơ khoa học, phục vụ cho việc nghiên cứu, lưu trữ hồ sơ mẫu vật và phát huy giá trị lâu dài". Ngoài ra, các nhà khoa học còn tiến hành nghiên cứu sâu quá trình hình thành địa chất môi trường, quan tâm tới việc bảo quản di tích, di vật ngoài trời. Kỹ thuật 3D cũng bước đầu được sử dụng, tiến tới tái hiện những công trình kiến trúc gốc, dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh.

Đề cập các phương án bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Tiến sĩ Đặng Văn Bài- Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) nêu ý kiến: "Muốn phát huy giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cần xây dựng qui hoạch tổng thể để bảo tồn. Định hướng lớn nhất ở đây là mình phải bảo vệ nhưng làm sao cho Khu di tích hoà nhập với Nhà Quốc hội trong tương lai, với Thành cổ Hà Nội và cả quần thể ấy phải ăn nhập với trung tâm chính trị- văn hoá Ba Đình để nó thành một tổng thể hài hoà. Một số nhà khoa học kiến nghị là tương lai sẽ xây Khu di tích 18 Hoàng Diệu thành Công viên lịch sử. Nếu ý tưởng đó được thực hiện thì cũng rất hay".

Là người có nhiều năm gắn bó với các nhà khảo cổ học VN trong việc nghiên cứu Khu di tích Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội, TS Kazuto Inoue (ở Viện Nghiên cứu Di sản Văn hoá Nara- Nhật Bản) cho rằng cần có một giải pháp tổng thể trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của khu di tích này. "Đây là một vấn đề quan trọng vì với một khu di tích lớn như thế này, việc bảo tồn phải làm sao không được làm phá vỡ tổng thể của nó. Ngoài ra cần phải cân nhắc mục đích mình bảo tồn là gì. Bản thân di tích khi phát hiện ra thì nó sẽ bị mai một. Thường là để giữ nguyên hiện trạng di tích thì người ta lấp cát lại. Vì phạm vi Hoàng thành Thăng long rất rộng nên một bộ phận có thể để lộ thiên để cho mọi người đến thăm quan, tìm hiểu như một hình thức bảo tàng ngoài trời. Đây là cách làm ha, nhưng khó về kỹ thuật. Người ta cũng có thể đổ cát lấp lên di tích, nhưng trên bề mặt của nó người ta khôi phục một số loại hình kiến trúc bằng cách xây mới nhưng theo mẫu cũ, để cho người xem có thể hình dung được quần thể kiến trúc như thế nào. Người ta cũng có thể có cách là đưa các dấu hiệu trên mặt đất cho thấy các di tích dưới lòng đất bằng biển hiệu. Cũng có thể là để lộ dưới chân người đi những bộ phận của hố khai quật, làm bằng kính hoặc các vật liệu trong suốt để người ta nhìn xuống các hố khai quật... Như vậy là có rất nhiều biện pháp khác nhau, với qui mô của Hoàng thành Thăng Long, thì có lẽ cần kết hợp nhiều phương pháp, chứ không theo một cách nào đó nhất định". TS Kazuto Inoue gợi mở.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cùng với việc nghiên cứu, vấn đề khó khăn và lâu dài là bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long: "Vấn đề đặt ra là qui hoạch về bảo tồn toàn bộ Khu di tích trong tổng thể của Trung tâm chính trị Ba Đình và Trung tâm chính trị Hà Nội. Chúng ta bảo tồn khó nhất là bảo tồn di tích khảo cổ học. Đó là những di tích lấy trong lòng đất ra. Sau 5 năm, chúng ta thấy tình trạng xuống cấp của di tích rất rõ. Hiện nay chúng ta đang nghiên cứu và tham khảo các cách bảo tồn của các nước và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Có một mục tiêu mà chúng ta không bao giờ được quên là năm 2010- đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, chúng ta phải làm được điều gì đó có ý nghĩa. Không thể một Khu di tích như thế này chỉ đóng cửa để nghiên cứu, mà phải bảo đảm cho người dân được vào xem, được hưởng thụ di sản của ông cha để lại, rồi khách quốc tế cũng được tới tham quan. Việc phát huy giá trị của di tích cần có một kế hoạch rõ ràng".

Việc bảo vệ tốt các di tích, di vật dưới lòng đất, phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt việc trưng bày một phần hiện vật tiêu biểu, sẽ giúp cho công chúng trong và ngoài nước hình dung đầy đủ hơn về diện mạo của Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội. Đây là những việc làm có ý nghĩa đúng dịp nhân dân Thủ đô và cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm Thủ đô tròn 1.000 năm tuổi./.

Trường Thành

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất