Thứ Hai, 23/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Sáu, 23/8/2013 14:56'(GMT+7)

Không khen thưởng đối với tập thể, cá nhân chậm đề tài, đề án

(Ảnh minh hoạ: Minh Thế)

(Ảnh minh hoạ: Minh Thế)

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ra Quyết định số 1687-QĐ/BTGTW về việc Ban hành Quy chế Thi đua - Khen thưởng ngành Tuyên giáo.

Quy chế bao gồm 8 chương, cụ thể: Chương I nêu lên những quy định chung, trong đó có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thi đua - khen thưởng, các hình thức khen thưởng, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thi đua; Chương II -  Thi đua và danh hiệu thi đua, nêu rõ về các hình thức, nội dung tổ chức phong trào thi đua, danh hiệu và tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng; Chương III quy định về Thẩm quyền quyết định, trao tặng, thủ tục hồ sơ và quy trình xét khen thưởng; Chương IV nêu rõ thành phần Hội đồng và nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; những quy định về nguyên tắc trong quản lý, sử dụng quỹ và hồ sơ thi đua - khen thưởng được nêu rõ trong Chương V; Chương VI quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của tập thể, cá nhân được khen thưởng: Chương VII, VIII của Quy chế chỉ rõ về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác thi đua - khen thưởng.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Quy chế này quy định về công tác thi đua - khen thưởng của cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, ngành Tuyên giáo và thực thiện nhiệm vụ thi đua - khen thưởng khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền.

Đối tượng áp dụng gồm các tập thể, cá nhân cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương hoặc theo chuyên đề phối hợp công tác với các cấp, các ngành, địa phương; các cơ quan, địa phương, đơn vị thuộc lĩnh vực ngành Tuyên giáo thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua - khen thưởng thường xuyên theo hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cùng cấp và quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng.

Quy chế nêu rõ các hình thức khen thưởng: Khen thưởng thưởng xuyên đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong một năm công tác; Khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân đạt được thành tích đặc biệt xuất sắc, có tác dụng nêu gương điển hình kịp thời để mọi người học tập noi theo; Khen thưởng theo chuyên đề đối với tập thể, cá nhân khi kết thúc một chương trình hoặc theo chuyên đề công tác lớn mà tập thể, cá nhân tham gia đã lập được thành tích xuất sắc; Khen thưởng theo quá trình cống hiến đối với cá nhân có thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng.

Quy định về việc phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong Quy chế nêu rõ: Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương phát động và chỉ đạo phong trào thi đua. Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm tham mưu giúp lãnh đạo Ban xây dựng nội dung thi đua và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra phong trào thi đua; thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành Tuyên giáo chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng nội dung đăng ký giao ước thi đua và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thi đua ở đơn vị mình; các tổ chức đảng, đoàn thể trong cơ quan, đơn vị thuộc ngành Tuyên giáo ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cùng cấp để tham gia xây dựng nội dung thi đua.

Bên cạnh những nội dung về các tiêu chuẩn và danh hiệu thi đua đối với tập thể, cá nhân, Quy chế cũng nêu rõ về việc xét tặng danh hiệu thi đua, trong đó có những nội dụng như: Không khen thưởng hoặc hạ mức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân chậm đề tài, đề án hoặc nợ đọng về tài chính (theo từng trường hợp cụ thể).

Xem xét tặng danh hiệu "lao động tiên tiến" đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, có thời gian nghỉ việc dưới 40 ngày; phụ nữ nghỉ thai sản theo chế độ; các trường hợp được cử đi đao tạo, bồi dưỡng từ 2 tháng đến dưới 1 năm hoàn thành nhiệm vụ học tập, nếu từ 1 năm trở lên thì phải có kết quả học tập đạt từ loại khá trở lên.

Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với cán bộ, công chức, viên chức có quyết định nghỉ hưu từ 2 tháng trở lên, mới tuyển dụng 10 tháng, không hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ việc từ 40 ngày trở lên; bị xử lý kỷ luật hành chính từ khiển trách trở lên; đang trong quá trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo...

Đối với cán bộ thuyên chuyển công tác về đơn vị mới, nếu có thời gian công tác ở đơn vị cũ từ 6 tháng trở lên thì khi bình bầu ở đơn vị mới phải có ý kiến nhận xét của đơn vị cũ.

Cùng với nhiệm vụ, Quy chế nêu rõ quyền lợi của tập thể, cá nhân được khen thưởng như sau: Được sử dụng biểu tượng của các hình thức khen thưởng trên các văn bản, tài liệu chính thức của cơ quan, đơn vị mình; được xét nâng lương trước thời hạn; ưu tiên cử đi nghiên cứu, học tập, công tác, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn ở trong và ngoài nước; các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng là một căn cứ quan trọng để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ hàng năm và theo thời hạn.../.

TG

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất