Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 4/8/2009 22:19'(GMT+7)

Để nền văn nghệ nước nhà ngày càng dân tộc hơn và chủ động vươn lên hiện đại


Thưa các đồng chí và các bạn,

Hôm nay, tôi thật sự vui mừng được gặp mặt đông đảo các nhà khoa học, các nhà hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật cả nước tại thành phố Hội An cổ kính, độc đáo - một di sản văn hóa của dân tộc ta và của thế giới - dự Hội thảo khoa học Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

Trước hết, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi xin gửi tới tất cả các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn lời chào mừng nồng nhiệt, những tình cảm trân trọng, quý mến nhất. Chúc Hội thảo quan trọng, dự báo nhiều giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn này của các đồng chí thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Sau hơn một năm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đại đa số văn nghệ sĩ, những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật trong cả nước đã nghiêm túc nghiên cứu, quán triệt, thể hiện sự nhất trí, đồng tình cao với những nội dung quan trọng trong Nghị quyết và bước đầu có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết. Các đồng chí đã đồng cảm sâu sắc với những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước về văn học, nghệ thuật, khi Nghị quyết tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Đối với đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật, Bộ Chính trị khẳng định: đó là những chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc. Và những tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc, vì vậy, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Từ đó, Nghị quyết yêu cầu lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật phải thực sự tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Để triển khai Nghị quyết, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết nhằm đẩy mạnh một bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đặc biệt trong 2 năm 2009, 2010 - những năm sẽ diễn ra Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật và những năm chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng ta.

Hội thảo khoa học hôm nay do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của giới văn học, nghệ thuật cả nước là thể hiện cụ thể sự nỗ lực bước đầu thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, trực tiếp trên lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần định hướng cho sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Ban Bí thư đồng tình với sự lựa chọn chủ đề của Hội thảo, một vấn đề rất cơ bản, đã, đang và tiếp tục tác động sâu sắc, mạnh mẽ đến toàn bộ đời sống văn học, nghệ thuật Việt nam không chỉ hiện nay, những năm sắp tới, mà còn rất lâu dài.

Như các đồng chí đã biết, văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh, văn hóa thế giới để không ngừng được bồi đắp, phát triển và hoàn thiện mình. Đặc điểm đó đã diễn ra trong quá khứ và lúc này, khi đất nước bước vào thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc điểm đó lại bộc lộ ngày càng sâu sắc, nổi bật. Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật đậm đà, giàu bản sắc dân tộc đang trong quá trình hiện đại hóa. Hay nói cách khác, để tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại, chúng ta phải xử lý trong thực tiễn mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại để nền văn nghệ đó ngày càng dân tộc hơn và chủ động vươn lên hiện đại. Không thể tách rời hai phạm trù này trong thực tiễn, vì thế sự xuyên thấm lẫn nhau giữa dân tộc và hiện đại trong quan hệ biện chứng của chúng là cơ sở vững chắc tạo ra một chỉnh thể văn nghệ Việt Nam thời kỳ mới. Để đạt được mục tiêu đó, tôi được biết, thời gian qua, giới văn nghệ sỹ cả nước đã có nhiều trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm trên tất cả các loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật. Đã có cả những thành công và không thành công, đồng thời, từ trong thực tiễn, còn nhiều vấn đề lớn cần tiếp tục tìm lời giải đáp. Ví dụ như, tham gia vào quá trình giao lưu, hợp tác và hội nhập là một đòi hỏi khách quan, không thể né tránh, đồng thời trong quá trình đó làm thế nào để văn học, nghệ thuật của chúng ta giữ được cốt cách, bản sắc của mình? Phải chăng, truyền thống và bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam vừa là những nhân tố đã định hình trong lịch sử, vừa phải được bổ sung và phát triển trong thời kỳ hiện đại? Hiện đại hóa như thế nào để tiến cùng nhịp với văn hóa thế giới mà không đánh mất mình, không bị hòa tan? Cuộc đấu tranh chống sự “xâm lăng văn hóa”, âm mưu làm biến chất nền văn hóa của chúng ta trở thành lai căng, bắt chước, vọng ngoại hoặc cho rằng, văn hóa Việt Nam đang là “ốc đảo” của thế giới sẽ diễn ra ngày càng tinh vi, gay gắt và phức tạp. Những thành công trong tìm tòi, thể nghiệm của các đồng chí sẽ trực tiếp đẩy lùi và làm thất bại các âm mưu và thủ đoạn đó. Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Trên cơ sở giữ gìn, phát triển, phát huy những giá trị của văn học, nghệ thuật dân tộc, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, đồng thời kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn áp đặt, xâm lăng văn hóa của các thế lực thù địch”. Tôi nghĩ rằng, đó là định hướng quan trọng để chúng ta nghiên cứu, giải quyết - cả về lý luận và thực tiễn - mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam. Từ suy nghĩ đó, tôi tâm đắc và tán thành các mục tiêu mà các đồng chí đặt ra cho Hội thảo, đó là tiếp cận về mặt lý luận để nghiên cứu, xử lý những vấn đề cơ bản của tính dân tộc và tính hiện đại và quan hệ biện chứng của chúng trong bối cảnh giao lưu và hội nhập, làm cơ sở để nâng cao chất lượng và định hướng phát triển của nền văn học, nghệ thuật, đồng thời là cơ sở cho hợp tác và đối thoại giữa các nền văn hóa; đánh giá việc xử lý mối quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại trong thực tiễn sáng tác văn học, nghệ thuật hiện nay, chỉ ra cái được, cái chưa được, tìm nguyên nhân và những giải pháp khắc phục; đề xuất những vấn đề cần thiết làm tư vấn cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp đối với văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Quan hệ giữa tính dân tộc và tính hiện đại là một trong những phạm trù trung tâm của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại, là vấn đề của cả nền văn hóa, liên quan đến tất cả những người đang hoạt động và sáng tạo văn học, nghệ thuật, vì vậy, triển khai đề tài của Hội thảo khoa học hôm nay nhằm phát huy trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm, tâm huyết của các nhà khoa học, của các văn nghệ sĩ để cùng nhau trao đổi, thảo luận, tranh luận, phân tích nhằm chỉ ra cho trúng những đòi hỏi mới đối với văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay và cùng nhau bàn thảo xử lý những vấn đề đang đặt ra giữa dân tộc và hiện đại cả trong lý luận và thực tiễn. Là một Hội thảo khoa học, tôi mong các đồng chí phát huy thật tốt dân chủ trong trao đổi và tranh luận để cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau tìm đến chân lý. Dân chủ thực sự, bàn bạc, tranh luận thẳng thắn và tôn trọng những ý kiến khác nhau với mong muốn chân thành, trách nhiệm tìm ra chân lý là nhu cầu khách quan của các hoạt động khoa học. Với ý nghĩa đó, tôi tin tưởng rằng, cuộc Hội thảo hôm nay sẽ đạt được những mục tiêu đã xác định, góp phần tìm tòi và bước đầu giải đáp những câu hỏi lớn: để có được một nền văn học, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vươn tới hiện đại, văn nghệ sĩ của chúng ta sẽ làm gì, Đảng và Nhà nước cần phải có những giải pháp nào, góp phần thúc đẩy khát vọng vươn lên của văn học, nghệ thuật ? Một mặt, nhân dân, Đảng, Nhà nước đang chờ đợi những sáng tạo mới của văn nghệ sĩ và mặt khác, Đảng và Nhà nước đảm bảo sẽ “tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà” như Nghị quyết 23 khẳng định.

Với suy nghĩ đó, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, một lần nữa tôi xin chúc Hội thảo khoa học của chúng ta thành công tốt đẹp, tạo được những tác động tích cực cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật thời kỳ mới, góp phần tiếp tục khơi dậy và phát huy tiềm năng, năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ giàu tâm huyết và tài năng của đất nước.

Xin chân thành cám ơn các đồng chí và các bạn./.

---------------------
Đầu đề là của Toà soạn.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất