Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 20/7/2022 11:14'(GMT+7)

Để thi đua, khen thưởng là động lực phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp lần thứ 3. (Ảnh: chinhphu.vn)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương chủ trì phiên họp lần thứ 3. (Ảnh: chinhphu.vn)

Cách đây 74 năm, ngay thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc vào ngày 11/6/1948. Từ đó đến nay, các phong trào thi đua ngày càng được phát huy mạnh mẽ, có tầm ảnh hưởng lớn ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực hoạt động. Qua các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân nói chung, Phong trào Thi đua Quyết thắng trong quân đội nói riêng, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, với nhiều tấm gương người tốt - việc tốt.

Những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ quân đội không quản ngại gian khó, hy sinh để cứu dân, giúp dân trong thiên tai, bão lũ. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, rất nhiều tấm gương y, bác sĩ, bộ đội, công an, cán bộ công chức, tình nguyện viên... đã bất chấp hiểm nguy trên tuyến đầu phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh ở những nơi nóng bỏng nhất. Rồi còn nhiều tấm gương sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, trong giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc khiến chúng ta ngưỡng mộ, trân quý, tạo sức lan tỏa rất lớn trong xã hội. 

Công tác TĐKT có tầm quan trọng đặc biệt, góp phần tạo ra động lực thúc đẩy hoạt động của các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân. Tuy nhiên, lâu nay chúng ta vẫn nhắc nhiều về bệnh thành tích, hay vấn đề “chạy” để được khen thưởng. Đây được xem là điều trăn trở lớn trong công tác TĐKT. Bởi nếu cứ chạy theo thành tích, báo cáo tô hồng ưu điểm, lấp liếm khuyết điểm, hay bình xét thiên vị, ưu ái với chỗ này, thành kiến, o ép với chỗ khác thì TĐKT không thể trở thành động lực phát triển. Ngược lại, nó sẽ làm giảm nguồn cảm hứng, cùng sự nhiệt tình phấn đấu, cống hiến của những tập thể, cá nhân thực sự thi đua bằng công sức, trí tuệ và nhiệt huyết của mình.

Không những vậy, còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Một số cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu, cùng hội đồng TĐKT chưa khách quan trong chỉ đạo và đánh giá đúng thành tích của các tập thể, cá nhân khi bình xét, đề xuất khen thưởng. Điều này đã ít nhiều gây ức chế, giảm cảm hứng trong công tác TĐKT. Đó là chưa kể đến những suy nghĩ hẹp hòi, cục bộ, thiếu xây dựng... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của TĐKT.

Thi đua là một chủ trương chiến lược của Đảng, một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành, của mỗi cơ quan, đơn vị. Vì thế mà khi phát biểu trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cần hết sức công tâm, khách quan, trong sáng...” trong công tác TĐKT. Công tâm, khách quan, trong sáng ở đây là sự chính xác, minh bạch, dân chủ và công khai trong phát hiện, đánh giá, bình xét TĐKT đúng người, đúng việc và chống chủ nghĩa cá nhân. Có như vậy, TĐKT mới là niềm cảm hứng sáng tạo, làm việc đạt hiệu quả cao nhất của mọi cấp, ngành, mọi cá nhân và trở thành động lực phát triển cho xã hội, cho đất nước./.

Lê Phi Hùng (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất