Thứ Sáu, 29/11/2024
Chính sách
Thứ Sáu, 27/2/2009 3:45'(GMT+7)

Điểm sáng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân vùng biên giới ở Quảng Trị

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để đến được trạm xá xã Ba Tầng, chúng tôi phải đi qua quãng đường nhựa nhỏ, hẹp, lắm ổ gà, ổ voi bởi không chịu nổi sự cào xới của các xe Zin ba cầu có trọng tải lớn, đường gấp khúc, quanh co, nhiều dốc dựng đứng, cheo leo - một bên vách núi, một bên là vực sâu. Vì là mùa mưa, chúng tôi phải hết sức tranh thủ giữa các cơn mưa để vượt qua những đoạn nguy hiểm, nhanh một tí sẽ qua, chậm một tí sẽ “tiến thoái lưỡng nan” bởi nước dâng lên đột ngột ở các ngầm.

Sau một thời gian trèo đèo, lội suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được trạm xá xã Ba Tầng. Nhìn cơ sở vật chất của một đơn vị chăm sóc sức khoẻ nhân dân ( CSSKND) ở vùng sâu, ai cũng bất ngờ, trạm xá là một ngôi nhà hai tầng bề thế với đầy đủ các phòng kỹ thuật như một bệnh viện nhỏ nằm cạnh trụ sở UBND trên một quả đồi lộng gió sát biên giới Việt Lào.

Tiếp chuyện chúng tôi, có đầy đủ cán bộ của xã từ chủ tịch Ẳm Kế, Phó Bí thư thường trực - đại uý, sĩ quan biên phòng Nguyễn Đức Viện - cán bộ tăng cường, đảng viên Trạm trưởng Hồ Luông, Trạm phó Hồ Lúa, bác sĩ Hồ Hải, 2 nữ hộ sinh Hoàng Thuận và Lê Bích. Mở đầu câu chuyện, chủ tịch xã tâm sự: Xã có 541 hộ với 2992 nhân khẩu, 9 thôn và một tổ ( khu vực kinh tế mới – chưa đủ số hộ để thành lập thôn ), với 17 km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Là một xã có địa bàn hiểm trở, phức tạp, dân cư sống không tập trung, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh dễ bùng phát trên địa bàn. Trong hoàn cảnh đó, công tác CSSKND được cấp uỷ Đảng, Chính quyền, các ban, ngành đoàn thể tại đây hết sức quan tâm.

Trong câu chuyện, qua thái độ của đồng chí Chủ tịch, tôi thầm hiểu rằng tập thể cán bộ nhân viên trong trạm hết sức gắn bó với mảnh đất này và rất tận tâm tận lực, chu toàn với công việc, tham mưu tích cực, kịp thời cho Đảng uỷ, Uỷ ban có hiệu quả.

Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, công tác CSSKND được đưa vào Nghị quyết của Đảng uỷ, của Hội đồng nhân dân và có kế hoạch cụ thể của trạm được UBND xã phê duyệt. Ban chăm sóc sức khoẻ ban đầu do Chủ tịch Ẳm Kế làm trưởng ban, Trưởng trạm Y tế Hồ Luông làm Phó Trưởng ban thường trực, trưởng các ban, ngành liên quan làm uỷ viên. Hoạt động của ban khá bài bản, cụ thể, tổ chức họp đánh giá công tác 6 tháng một lần với sự tham gia của đại diện cộng đồng.

Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ được chú ý, 100% cán bộ trạm và nhân viên y tế thôn bản được bồi dưỡng kiến thức và có kỹ năng cơ bản về truyền thông giáo dục sức khoẻ, thực hiện tư vấn truyền thông, giáo dục sức khoẻ lồng ghép tại cộng đồng và gia đình. Điều đặc biệt là đã huy động được cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương tích cực triển khai thực hiện các chương trình y tế. Trạm thường xuyên phối hợp với các ngành Giáo dục, Hội phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh tuyên truyền phòng chống bệnh sốt rét, cho uống thuốc dự phòng và tẩm màn cho toàn dân, tổ chức cho học sinh đổ nước diệt bọ gậy, làm vệ sinh môi trường, hàng tháng trung bình 2 đến 3 lần cán bộ y tế về họp tại thôn, bản để hướng dẫn bà con phòng bệnh. Hoạt động giám sát dân giao lưu qua biên giới, phun tẩm hoá chất sàn nhà và gầm nhà được thực hiện tốt. Mỗi năm tổ chức 2 đợt tuyền thông phòng chống HIV/AIDS qua hệ thống loa truyền thanh của xã, tuyên truyền trực tiếp, treo băng rôn, khẩu hiệu, áp pích và phát tờ rơi. Trạm tham mưu tích cực cho UBND phương án phòng chống lụt bão, chống dịch, đồng thời chuẩn bị hoá chất, thuốc men đầy đủ, phân công cán bộ phụ trách theo cụm, xử lý môi trường sau bão lụt, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Chính vì thế, thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh thực sự có hiệu quả, thường xuyên phát hiện sớm và và báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm gây dịch theo quy định của Bộ Y tế, xử lý ban đầu và phối hợp dập tắt kịp thời khi có dịch xảy ra. Điều cơ bản là cùng với sự nỗ lực của trạm, nhân dân đã từ bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn thức ăn sống và thức ăn ôi thiu, sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Việc xử lý phân rác, di dời chuồng trại gia súc, gia cầm cách xa nhà, không nuôi thả dưới gầm nhà có chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, các vụ ngộ độc thực phẩm, tai nạn thương tích đều nhanh chóng được khống chế. Xác định y tế học đường là quan trọng, hàng năm các cháu học sinh đều được trạm khám, phân loại sức khoẻ, điều trị các bệnh răng, miệng và các bệnh khác thuộc chương trình y tế học đường, tỷ lệ này thường xuyên đạt và vượt theo quy định của Bộ Y tế. Công tác CSSKND bằng y học cổ truyền cũng được chú ý, vườn thuốc nam với hơn 40 chủng loại đã thực sự là vườn thuốc mẫu giới thiệu cho bà con về tác dụng và cách chữa bệnh đối với từng loại cây, không chỉ vậy, tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đều đạt yêu cầu. Công tác chăm sóc sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi được thực hiện tốt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách đều được khám chữa bệnh miễn phí. Thời gian qua trạm đã quản lý tốt nguồn kinh phí do các chương trình mục tiêu cấp, bảo toàn và phát triển nguồn vốn thuốc của trạm. Bận bịu nhiều với chuyên môn và kỹ thuật, song không vì thế mà công tác quản lý chểnh mảng mà ngược lại, hệ thống sổ sách cập nhật, quản lý các hoạt động CSSKND được thiết lập, ghi chép rõ ràng theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Qua trao đổi với các cán bộ nghiệp vụ của Sở Y tế đi cùng, chúng tôi rất mừng khi biết tất cả các cán bộ của trạm đều nắm vững kiến thức, kỹ năng cần có của một cán bộ y tế theo quy định của từng chức danh.

Nhưng có lẽ quan trọng hơn là tuy mỗi người một hoàn cảnh, có người là dân tộc thiểu số, quê tại xã, có người dưới xuôi lên gia đình rất khó khăn lại chưa thông thạo về ngôn ngữ, phong tục, tập quán…, nhưng tất cả họ đều mang trong mình cái “Tâm” của người thầy thuốc.

Chia tay anh chị em, chúng tôi đặt niềm tin về CSSK nhân dân ở những Thần Y Hơ Jun và những Nàng Đê - Chang Cơm nơi biên cương lộng gió này./.

Nguyễn Vũ Quyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất