Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 22/2/2009 12:2'(GMT+7)

Phát huy hiệu quả các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam

Người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh hoạ

Người cao tuổi tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh minh hoạ

Sự quan tâm đó của Đảng, Nhà nước và toàn dân dành cho NCT đã được thể hiện trong Hiến pháp, Luật chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, các văn kiện, các Chỉ thị, Nghị quyết, Nghị định, Pháp lệnh của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về chăm sóc NCT.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 8 triệu NCT chiếm khoảng 9,6% dân số và đã tiến gần đến ngưỡng của già hoá dân số. Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, tạo điều kiện và mở ra nhiều mô hình quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho NCT hiệu quả, phù hợp với đối tượng và từng vùng miền. Để phát huy lâu dài, bền vững và hiệu quả các mô hình chăm sóc NCT, cần phải có sự quan tâm tham gia của tất cả các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể cộng đồng. Hiện nay, ở nước ta có rất nhiều mô hình khác nhau chăm sóc NCT. Một số mô hình được áp dụng phổ biến trong cộng đồng bao gồm:

Mô hình bác sĩ gia đình:

Đây là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Loại hình chăm sóc này ngày càng được áp dụng nhiều trong cuộc sống hàng ngày bởi tính thiết thực của nó. Bác sĩ gia đình là người chăm sóc sức khoẻ tin cậy nhất không chỉ phù hợp với NCT mà còn thích hợp với cả trẻ em, phụ nữ mang thai và đối tượng khác, hạn chế được quá trình tiến triển hoặc biến chứng của bệnh khi người bệnh di chuyển hoặc do bệnh tật và thời tiết mang lại. Mối quan hệ giữa bác sĩ và gia đình ở Việt Nam thường được duy trì bởi mối quan hệ tình cảm thân thiết hoặc bằng những hợp đồng chuyên môn.

Tính ưu việt của mô hình này còn thích hợp với NCT khi tránh hoặc rút ngắn thời gian nằm viện của họ. Đây là mô hình khám chữa bệnh và tư vấn hiệu quả cho NCT trong gia đình qua điện thoại hoặc trực tiếp. Song, mô hình này cũng có những hạn chế nhất định, như chỉ sử dụng và tiếp cận được đối với những gia đình có kinh tế khá giả. Cách tiếp cận này không phù hợp với NCT ở vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, đối tượng người nghèo.

Chăm sóc NCT tại nhà còn thu hút được sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ như Trung tâm nghiên cứu trợ giúp NCT (RECAS). Mặc dù, mô hình này mới chỉ được thí điểm nhưng đã được chính quyền, địa phương hưởng ứng và tạo điều kiện. Trung tâm đã cố gắng phát triển mạng lưới tình nguyện viên để chăm sóc NCT tại nhà. Hoạt động của Trung tâm đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của TW Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Đây là mô hình đang được thí điểm song đã đạt được những thành tích đáng kể, dự án đã thực hiện ở 12 phường của quận Đống Đa, Hà Nội và 3 xã của huyện Chí Linh – Hải Dương.

Mô hình tư vấn và chăm sóc sức khoẻ NCT là mô hình thông qua các Trung tâm tư vấn về sức khoẻ cho NCT để chẩn đoán và có hướng điều trị cụ thể, hiệu quả trước khi vào viện điều trị. Mô hình này đã được triển khai xây dựng ở nhiều địa phương như: ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng “Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe NCT”. Với không gian thoáng mát, đến Trung tâm NCT có thể nghỉ ngơi, tập luyện và áp dụng các phương pháp chăm sóc khoa học, rất phù hợp với độ tuổi và tâm lý của NCT.

Tư vấn và chăm sóc sức khoẻ cho NCT cũng cần được cá nhân, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan ban, ngành quan tâm đầu tư và xây dựng mô hình hiệu quả. Đồng thời, xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ NCT trong toàn xã hội để NCT ngày càng có điều kiện được khám chữa bệnh tốt nhất.

Mô hình y tế viễn thông trong chăm sóc sức khỏe NCT, là khả năng áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ thông tin trong y học. Sử dụng phương tiện đó để truyền tải những thông tin y học đến với từng đối tượng, từng vùng miền khác nhau nhưng hiệu quả thông tin là như nhau.

Việt Nam hiện nay có rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng dành những trang viết, khoảng thời gian quý báu trên truyền hình để đưa thông tin về y học như Truyền hình Hà Nội có mục Y học bốn phương, Sức khoẻ trong cuộc sống hôm nay. Mô hình sử dụng sự chỉ dẫn các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài từ xa để mổ những ca khó được truyền hình trực tiếp thông qua mạng điện tử.

Mô hình chăm sóc sức khoẻ cho NCT tại cộng đồng với quan điểm của Đảng và Nhà nước chăm sóc sức khoẻ là nhiệm vụ của toàn xã hội, nên đây là mô hình mang tính chất rộng và thiết thực. Bởi mô hình này phù hợp với tất cả các đối tượng từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi và miền ngược đều có thể áp dụng được.

Năm 1995, Hội NCT được thành lập và đến nay đã có ở hầu hết các xã, phường, thị trấn. Với mô hình này cán bộ chuyên môn sẽ làm tư vấn viên về sức khoẻ cho NCT, còn Hội NCT sẽ đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động về chăm sóc sức khoẻ của chính bản thân mình. Hàng năm, NCT được khám chữa bệnh định kỳ, được sự quan tâm của địa phương thành lập những CLB hay những lớp học dưỡng sinh để Hội NCT sinh hoạt và tập luyện.

Chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các thành viên trong gia đình về chăm sóc sức khoẻ cho NCT, phát tờ rơi, tài liệu liên quan đến kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ cho NCT. Cán bộ làm công tác tuyên truyền vận động về y tế tại các địa phương và cao hơn nữa cần được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để hiểu sâu sắc về vai trò và sức khoẻ của NCT.

Theo UBQG về NCT Việt Nam cho biết, trong hơn 8 triệu NCT cả nước có 8,3% NCT sống cơ đơn, 13,06% sống chỉ có hai vợ chồng già. Trước những khó khăn đó, mô hình chăm sóc NCT khó khăn dựa vào tình nguyện viên cộng đồng ra đời tại 5 xã của các tỉnh: Thái Bình, Bến Tre, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hoà Bình. Trong khi đó ở Đồng Nai - một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống cũng đã mạnh dạn triển khai mô hình thí điểm tổ Hưu trí NCT và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Mô hình chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho NCT tại bệnh viện. Đối với loại mô hình này ở Việt Nam đã hình thành và đi vào hoạt động. Đó chính là Viện Lão khoa - mô hình chăm sóc sức khoẻ miễn phí dành cho NCT. Đồng thời, thông qua thẻ BHYT dành cho NCT diện nghèo, cô đơn và những người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên được miễn phí khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Ngay từ năm 1970, ngành y tế đã có chương trình nghiên cứu y học tuổi già và là tiền thân của Viện Lão khoa ngày nay. Khoa Lão được thành lập ở hầu hết các bệnh viện tỉnh. Các đơn vị y tế trên đã khám chữa bệnh miễn phí cho người già có công, cô đơn không nơi nương tựa ở các vùng khó khăn.

Hàng năm, NCT còn được các bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn về tận khu vực cư trú của từng Hội NCT để khám bệnh, điều trị bệnh và phát thuốc định kỳ. Điều đó góp phần làm tăng thêm niềm tin cho NCT yên tâm điều trị bệnh tật và sống có ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, nhiều loại hình ở các bệnh viện ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT như dịch vụ điều dưỡng, chăm sóc NCT theo yêu cầu của Bệnh viện Điều dưỡng-phục hồi chức năng, điều trị bệnh nghề nghiệp TP. HCM. Dù với hình thức chăm sóc nào của Nhà nước và xã hội thì NCT luôn được chăm sóc tận tình khi đến cơ sở khám chữa bệnh. Ở môi trường đó NCT được phục vụ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện đều… để đạt được mục đích cuối cùng là NCT được sống khoẻ, sống vui vẻ và sống có ích.

Mô hình Trung tâm chăm sóc người cao tuổi là mô hình nhà dưỡng lão được xây dựng dành cho NCT không thể sống độc lập được mà cần có sự giúp đỡ của nhân viên y tế và các dịch vụ xã hội khác.

Một mô hình nổi bật và được coi là tiên phong đó chính là Trung tâm chăm sóc NCT tại huyện Từ Liêm – Hà Nội. Trung tâm được thành lập vào năm 2001. Đến nay được coi là một trong những cơ sở uy tín nhất ở khu vực phía Bắc. Hiện nay, ở nước ta cũng có rất nhiều mô hình nhà dưỡng lão với quy mô vừa và nhỏ ra đời phục vụ nhu cầu chăm sóc cơ bản và thiết yếu cho NCT trên địa bàn.

Bên cạnh những việc đã làm được dành cho NCT, công tác chăm sóc NCT vẫn còn những khó khăn và bất cập, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chăm sóc NCT ở Việt Nam trong thời gian qua. Chính sách ban hành còn thiếu văn bản hướng dẫn, triển khai cụ thể đến đối tượng và từng vùng miền. Cán bộ quản lý công tác chăm sóc NCT còn mang tính kiêm nhiệm, không dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và nâng cao kiến thức về công tác trên. Hoạt động kiểm tra công tác chăm sóc NCT còn chưa sâu, chưa sát với thực tế, chưa nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của NCT để điều chỉnh công tác chăm sóc NCT tốt hơn.

Để có sự phồn vinh của đất nước như ngày hôm nay, vai trò của Người cao tuổi Việt Nam là không nhỏ, đó là lớp người đã có những đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và cuộc sống của bản thân họ. Do vậy, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò của NCT là nghĩa vụ và trách nhiệm mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, chăm sóc NCT ở Việt Nam vẫn ở gia đình là chủ yếu. Để phát huy và ứng dụng có hiệu quả các mô hình quản lý và chăm sóc NCT ở Việt Nam trong thời kỳ mới là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cấp, các ngành và các đoàn thể xã hội cùng bắt tay vào để quan tâm chăm sóc NCT. Mục đích cuối cùng là NCT được sống khoẻ mạnh, sống vui vẻ, sống có ích trong cuộc sống./.

PGS, TS. Đào Văn Dũng - Phạm Thị Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất