Thứ Bảy, 28/9/2024
Chính sách
Thứ Năm, 26/2/2009 10:22'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm từ chương trình Tăng cường thày thuốc tuyến trên về tuyến dưới

Các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ được tiếp cận với các thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt và những kỹ thuật y tế cao

Các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ được tiếp cận với các thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt và những kỹ thuật y tế cao

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Y tế Việt Nam đã xác định phương hướng bất di bất dịch của mình theo hướng nền y tế của dân, do dân và vì dân. Định hướng đó được Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khoá IX ban hành ngày 23 tháng 2 năm 2005 xác định là: Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng hiệu quả và phát triển, nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao , phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để thực hiện phương hướng này, chúng ta đã có nhiều chính sách cụ thể để xây dựng mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở; đổi mới cơ chế tài chính y tế sao cho phù hợp với việc quản lý y tế trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; thực hiện xã hội hoá và đa dạng hoá y tế, trong đó coi trọng việc phát triển y tế tư nhân.

Để nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở, Bộ Y tế đã có chủ trương khôi phục và phát triển phong trào tăng cường đưa thầy thuốc tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Việc làm này mang tính chất tiếp nối hoạt động truyền thống của ngành y tế Việt Nam đã được xây dựng ngay từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc.

1. Ý nghĩa của việc tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới

Xét dưới góc độ thực hiện những chủ trương, chính sách về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân thì việc tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới sẽ giúp cho nhân dân các địa phương, đặc biệt là các địa phương còn khó khăn, vùng sâu xa có cơ hội được tiếp cận với các thầy thuốc có trình độ chuyên môn tốt và những kỹ thuật y tế cao do họ mang đến. Thông qua các hoạt động “cầm tay chỉ việc” hay chuyển giao công nghệ, hiệu quả khám chữa bệnh cũng sẽ được cải thiện. Điều này thực sự góp phần thể hiện định hướng công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Xét dưới góc độ phục vụ hệ thống y tế, việc tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới sẽ làm cho y tế cơ sở, vốn được xem như xương sống của nền y tế Việt Nam thêm vững mạnh; làm cho người nghèo ở mọi địa phương vốn ít có cơ hội khám chữa bệnh với kỹ thuật cao, được hưởng các dịch vụ này ngay tại nơi họ sinh sống. Xét dưới góc độ công tác tổ chức, việc tăng cường thày thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới là một hình thức luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ y tế tuyến trên nắm bắt những thực tế của bệnh tật ở tuyến dưới, qua đó tăng thêm bầu nhiệt huyết vì sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đây cũng là một hình thức bồi dưỡng và đào tạo những cán bộ có triển vọng trong quản lý của ngành. Thông qua kết quả chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới, giúp tuyến dưới đào tạo cán bộ nâng cao tay nghề, chúng ta có dịp đánh giá cán bộ bằng chính tri thức, tài năng thực thụ của họ. Xét dưới góc độ khoa học công nghệ và quản lý khoa học công nghệ, việc tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới là đưa khoa học công nghệ ra tuyến trước, tạo đất dụng võ cho những tri thức chân chính. Vì vậy, có thể khẳng định việc tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó cũng là một nét đẹp trong truyền thống của ngành y tế Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc: “hướng ra tuyến trước, bám sát thương bệnh binh”.

2. Những việc cần tránh và cần làm của cán bộ và đơn vị tăng cường

- Không “cưỡi ngựa xem hoa”. Đã tăng cường là phải có hiệu quả. Đây không phải và không thể như một cuộc dạo chơi, tham quan tuyến dưới. Phải giải đáp thỏa đáng các câu hỏi. Thời gian tăng cường bao nhiêu là vừa? Tăng cường tính theo thời gian hay tính theo kết quả chuyển giao một kỹ thuật hay một công nghệ? để có quyết sách đúng.

- Không thúc ép hay áp đặt tuyến dưới. Phải có giải pháp thuyết phục để tạo ra sự đồng thuận cao giữa người đi tăng cường và người được tăng cường.

- Không làm thay tuyến dưới. Phải có kế hoạch “cầm tay chỉ việc’ và từng bước để đồng nghiệp tuyến dưới nhận thức và chuyển đổi hành vi, tự thực hành được công nghệ chuyển giao.

- Không “chỉ tay năm ngón”. Không được cho mình giỏi hơn người, để rồi việc gì cũng sai khiến, hạch sách.

- Không làm mất uy tín đồng nghiệp ở tuyến dưới bằng cách chê bai đồng nghiệp trước mặt bệnh nhân. Đồng thời cũng không làm điều gì sai trái để mất uy tín của đơn vị đã cử mình về tuyến dưới. Việc cán bộ tăng cường luôn luôn đeo thẻ công chức của đơn vị đi tăng cường cũng là một biện pháp nhắc nhở cán bộ tăng cường luôn giữ uy tín cho đơn vị.

- Phải được huấn luyện trước khi đi. Nội dung huấn luyện có thể bao gồm về tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của các tuyến đến tăng cường, tình hình thực tế của tuyến dưới, các quy định về phân cấp và quy trình kỹ thuật của ngành, về cách ứng xử... Việc huấn luyện tốt sẽ giúp cho cán bộ tăng cường có thể bắt tay ngay vào việc và hoà mình nhanh chóng với địa phương.

- Phải chan hoà, chân tình và thiết thực. Cán bộ tăng cường thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của tuyến dưới nhưng lại biết truyền nhiệt tình vươn lên cho tuyến dưới. Trong giảng dạy và truyền đạt phải tìm những vấn đề cụ thể và sát thực với địa phương. Trong cuộc sống phải gần gũi và “ba cùng” với địa phương. Cần bố trí cho cán bộ tăng cường ăn ở ngay trong bệnh viện như một cán bộ nội trú để khi cần cấp cứu có thể mời ngay cán bộ tăng cường tham dự.

- Phải “gãi đúng chỗ ngứa” của tuyến dưới. Cần nhớ một câu châm ngôn: “Người yếu nhất là người không biết mình yếu ở chỗ nào”. Vì vậy phải chủ động tìm tòi, phát hiện và nhận xét qua thực tiễn để nêu ra cái yếu của tuyến dưới, chứ không vị nể hay buông trôi.

- Phải giúp đỡ toàn diện. Giúp kinh nghiệm về kỹ thuật, kinh nghiệm về đào tạo, kinh nghiệm về quản lý và tổ chức (bố trí bệnh phòng, phòng mổ, làm bệnh án, phân công kíp trực...) kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, tổ chức sinh hoạt khoa học...

- Phải mẫu mực thị phạm. Mẫu mực thị phạm từ cách ứng xử, cách triển khai kỹ thuật, đến lối sống. Cán bộ tăng cường cần đeo thẻ công chức của đơn vị tăng cường để mọi người biết đó là cán bộ tăng cường.

3. Những việc cần tránh và cần làm của tuyến tiếp nhận tăng cường

- Không ỷ lại. Khi có cán bộ về tăng cường, tuyến sở tại không được cho rằng mình có dịp nghỉ ngơi, thư giãn. Tuyến tiếp nhận tăng cường không được giao phó theo kiểu trút bỏ mọi việc cho cán bộ tăng cường để rút cán bộ của mình đi làm việc khác. Việc cử cán bộ của tuyến mình đi học dài hạn cũng cần được cân nhắc cẩn thận.

- Không dấu dốt. Không vội vã cho rằng cán bộ tăng cường không hơn gì mình và không cần bám sát để học tập; không được tự ái khi cán bộ tăng cường chỉ ra những điểm yếu của bản thân hay của đơn vị.

- Không đùn đẩy và “thử tài tuyến trên”. Đứng trước những trường hợp bệnh tật khó hay hiểm nghèo, phải có tinh thần cùng hợp lực giải quyết, không dùng những truờng hợp như vậy để thử tài cán bộ tăng cường rồi sau đó lợi dụng cơ hội để chê bai.

- Không gây bè phái. Không tranh thủ hay lợi dụng cán bộ tăng cường để khơi sâu tình trạng mất đoàn kết nội bộ nếu có; không nói xấu đồng nghiệp với cán bộ tăng cường.

- Không chê bai bừa bãi. Nếu phát hiện thấy cán bộ tăng cường có sai sót thì cần phê bình trong tổ chức, không làm mất thể diện của cán bộ tăng cường trước bệnh nhân.

- Phải đề xuất nhu cầu. Tự tìm ra điểm yếu của mình cần được đơn vị tăng cường giúp đỡ và chuyển giao công nghệ.

- Phải luôn bám sát cán bộ tăng cường. Phải mời cán bộ tăng cường giao ban cùng với đơn vị, chỉ ra những kinh nghiệm cho từng trường hợp. Việc bố trí cán bộ tăng cường ăn, ở ngay trong bệnh viện cũng tạo điều kiện dễ bám sát để tranh thủ học hỏi ở cán bộ tăng cường.

- Phải chăm sóc chu đáo đối với cán bộ tăng cường. Quan tâm từ việc bố trí nơi ăn ở, làm việc đến sức khoẻ hay diễn biến tư tưởng của cán bộ tăng cường để kịp thời trao đổi, động viên. Đối với những cán bộ tăng cường dài hạn cần có chế độ về phép thăm gia đình.

- Phải báo cáo thường xuyên. Tổ chức giao ban định kỳ và đều đặn giữa đoàn công tác tăng cường với ban giám đốc nơi được tăng cường. Thường xuyên báo cáo kết quả tăng cường với lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền địa phương để kịp thời động viên.

- Phải có kế hoạch duy trì để tự tiến lên. Khi đã học được một kỹ thuật mới, cần nhanh chóng bổ sung trang thiết bị cần thiết để sau khi cán bộ tăng cường rút về, cán bộ cơ sở tự duy trì các kết quả đã chuyển giao.

Trên đây là một số kinh nghiệm mà chúng tôi đã rút ra khi trực tiếp chỉ đạo các đợt tăng cường thầy thuốc tuyến trên về tuyến dưới vào cuối thập kỷ trước. Tất nhiên, không phải mọi kinh nghiệm này đều hoàn toàn phù hợp với thực tế của những đợt tăng cuờng hiện nay. Chúng tôi mạnh dạn nêu ra hy vọng các đơn vị và những cán bộ trong ngành y tế nghiên cứu có thể áp dụng. Biết kết hợp tốt công tác chính trị với việc tổ chức một cách khoa học và sát thực tế thì chương trình tăng cường thầy thuốc từ tuyến trên về tuyến dưới sẽ thể hiện đầy đủ tính nhân văn của nó và thu được nhiều thắng lợi, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân./.

GS, TSKH. Phạm Mạnh Hùng

Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất