Những thành quả đạt được sau giải phóng đến nay đã tạo đà cho sự phát triển của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn cách mạng mới.
Nhà truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Bình Thuận còn lưu giữ chứng tích về ngày giải phóng Phan Thiết – Bình Thuận. Những chứng tích đó đang nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau về một mốc son lịch sử của quê hương. Đó cũng là tiền đề quan trọng để Bình Thuận chuyển mình đi lên sau ngày giải phóng. Với những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Thuận thì cảm nhận về sự đổi thay càng sâu sắc.
Ở tuổi 81, ông Lê Hoàng Chung, tác giả bài hát “Tình ca Phan Thiết”, đã chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương ngày nào còn chìm trong khói lửa, đạn bom. Ông vui mừng và tự hào với diện mạo tươi mới của Bình Thuận hôm nay: “Phan Thiết cũng như Bình Thuận, lớn lên từng ngày. Cuộc sống người dân ổn định và phát triển mọi mặt, nhất là về du lịch”.
35 năm qua Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đưa địa phương thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với tỷ lệ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm xấp xỉ 80%. Tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý và cảnh quan được khai thác hiệu quả đã đưa du lịch trở thành một thế mạnh của Bình Thuận. Hàm Tiến – Mũi Né đang là một thương hiệu du lịch quen thuộc đối với bạn bè quốc tế. Các sản phẩm lợi thế của tỉnh đang trên đà phát triển. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2009 tăng 16 lần so năm 1990.
Ngay trong quí I/2010, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tổng nguồn vốn đầu tư phát triển vẫn đạt hơn 385 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước quý I đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong quí có thêm 18 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 926 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư. Chuyển đổi cơ cấu hợp lý, thủy lợi được quan tâm đầu tư đã góp phần làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh.
Tự hào vì quê hương đổi mới, ông Lê Hồng Dũng, một cựu chiến binh ở Phan Thiết vững niềm tin về sự phát triển của tỉnh Bình Thuận trong tương lai. Ông Dũng bày tỏ: “Đảng ta có đường lối đúng đắn, Chính phủ có chủ trương chính sách và chế độ phù hợp, luôn quan tâm chăm lo đến đời sống nhân dân. Tôi tin tưởng rằng, tỉnh Bình Thuận và Phan Thiết hôm nay và ngày mai sẽ ngày càng phát triển và đi lên”.
Là một tỉnh nằm ở miền Nam Trung bộ với đầy đủ các dạng địa hình, Bình Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, nhất là tiềm năng du lịch. Hiện tỉnh đang tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các khu du lịch, đầu tư, tôn tạo kết cấu hạ tầng, tôn tạo các khu di tích lịch sử văn hóa. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo vệ an sinh xã hội. Năm nay là năm có nhiều sự kiện trọng đại, kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Bình Thuận và là năm cuối thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2006-2010, chính vì thế Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bình Thuận quyết tâm xây dựng quê hương đi lên.
Đồng chí Huỳnh Văn Tí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Điều quan trọng nhất là phải đánh giá đúng tiềm năng, xác định đúng cơ cấu kinh tế, khẳng định đúng ngành kinh tế mũi nhọn và những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Từ đó mà bố trí cơ cấu đầu tư một cách hợp lý, đồng thời đề ra được một hệ thống các chính sách và giải pháp phù hợp và đồng bộ nhằm thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư khai thác và phát triển. Mặt khác, cần hết sức chú ý trong việc phát hiện và giải quyết có hiệu quả những vướng mắc nảy sinh”.
Trong chiến tranh giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đã làm nên truyền thống cách mạng anh hùng “Tự lực tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”. Sự phát triển toàn diện, vững chắc của tỉnh Bình Thuận vẫn cần những giá trị truyền thống ấy. Hy vọng những thành quả đạt được sau 35 năm sẽ tạo đà cho sự phát triển của tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn cách mạng mới./.
(Theo: VOV)