Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội (ASXH) quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK), góp phần đảm bảo ASXH cho mọi người dân. Công tác tuyên truyền về BHYT có một tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình thực hiện chính sách này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mục đích của tuyên truyền là làm cho “dân biết, dân hiểu, dân tin và dân làm theo”. Thực tế những năm qua trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, bên cạnh những thành tựu còn không ít những hạn chế và yếu kém. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế và yếu kém chính là chưa làm tốt công tác tuyên truyền về BHYT. Vậy trong công tác tuyên truyền BHYT, chúng ta cần làm tốt những vấn đề sau:
1. BHYT là gì và có những hình thức BHYT nào?
Trên thế giới có nhiều khái niệm khác nhau về BHYT, nhưng mục đích chung của BHYT đều giống nhau, đó là huy động nguồn tài chính để chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) cho người tham gia khi bị ốm đau, bệnh tật. Nước Đức có bộ Luật BHYT lâu đời nhất trên thế giới, trong đó khái niệm: “ BHYT trước hết là một tổ chức cộng đồng đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, có nhiệm vụ gìn giữ sức khỏe, khôi phục lại sức khỏe hoặc cải thiện tình trạng sức khỏe của người tham gia BHYT”.
Tại Việt Nam, chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992. Ngày 14-11-2008 Luật BHYT được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua. Khái niệm BHYT được hiểu là: “BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực CSSK, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm phải tham gia theo quy định của Luật BHYT”. Nói cụ thể hơn, đó là một cách dành dụm một khoản tiền trong số tiền thu nhập hàng tháng của mỗi cá nhân hay mỗi hộ gia đình để đóng vào Quỹ do Nhà nước đứng ra quản lý nhằm mục đích giúp mọi thành viên tham gia Quỹ có ngay một khoản tiền trả trước cho các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSK khi người tham gia không may ốm đau phải sử dụng các dịch vụ đó, mà không phải trực tiếp trả chi phí khám chữa bệnh (KCB), cơ quan BHXH thanh toán khoản chi phí này theo quy định của Luật BHYT.
Có những hình thức BHYT sau:
(1) BHYT bắt buộc: ở các quốc gia trên thế giới khi mới thực hiện BHYT đều có hình thức BHYT bắt buộc, trong đó đối tượng bắt buộc là những người có thu nhập ổn định tại khu vực lao động chính thức, có trách nhiệm phải tham gia BHYT theo Luật. Ở Việt Nam BHYT bắt buộc gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng có xác định thời hạn có từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (việc bắt buộc với mức đóng theo phần trăm của thu nhập, hoặc theo mức lương tối thiểu, do đó số tiền đóng của người có thu nhập cao sẽ nhiều hơn so với người thu nhập thấp, số đông sẽ bù được rủi ro của số ít).
(2) BHYT tự nguyện: ai thích tham gia thì tham gia, không bắt buộc. Mức đóng theo quy định của Quỹ BHYT. Ở Việt Nam, mức đóng là 1 tháng bằng 4,5% mức lương tối thiểu chung. Trường hợp tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng. Quyền lợi được hưởng như đối tượng tham gia BHYT bắt buộc khi thẻ BHYT đã được phát hành sau 30 ngày và được hưởng chi phí dịch vụ kỹ thuật cao sau khi có thời gian liên tục tham gia BHYT 180 ngày trở lên.
(3) BHYT bắt buộc toàn dân: là dạng BHYT bắt buộc (đóng theo thu nhập hoặc theo mức lương tối thiểu) và áp dụng với mọi người dân, ở Việt Nam đang từng bước thực hiện hình thức này.
2. Về nội dung tuyên truyền
Vì sao lại phải có chính sách BHYT
Thứ nhất, BHYT là một giải pháp tạo ra công bằng trong CSSK, góp phần giảm nghèo đói. Sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật tất yếu, không một ai thoát khỏi quy luật này. Ai cũng có một thời trai trẻ khỏe mạnh, nhưng rồi ai cũng phải già và chết và thường chết do bệnh tật. Bệnh tật là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến rủi ro trong cuộc sống; bệnh tật có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ nơi nào và khi nào, mang lại những hậu quả không dự đoán được về nhiều mặt (cả về sức khỏe cũng như về mặt kinh tế, xã hội, đặc biệt là nghèo đói). Lúc trẻ trai và khỏe mạnh thì có sức khỏe để tự mưu sinh, nhưng lúc mắc bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, hay lúc về già, khả năng lao động kém, dễ ốm đau thì thu nhập sẽ giảm sút. Vì vậy một câu hỏi đặt ra với mọi người là những lúc như vậy lấy nguồn tiền nào để khám chữa bệnh (KCB). Phần đông người bệnh đều có nỗi lo về tính mạng của mình trước bệnh tật, nhưng kèm theo một nỗi lo không kém nặng nề là lo tiền để chữa bệnh. Xét trên phương diện của từng cá nhân hay từng hộ gia đình, thì chi phí cho CSSK nói chung và KCB nói riêng sẽ là một khoản chi rất lớn so với thu nhập tính trên đầu người. Vì vậy ngoài việc làm mất sức lao động và gây ra nghèo đói, bệnh tật còn làm cho nghèo đói do chi phí cao cho KCB, mà mỗi một cá nhân hay mỗi hộ gia đình khó vượt qua nổi; nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo muốn KCB phải đi vay nợ và sau đó chỉ có nghèo hơn. Do đó trong những năm gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhấn mạnh đến hai chức năng của y tế: (1) bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, (2) đồng thời phải bảo vệ người bệnh không bị nghèo hóa.
Mặt khác, trên phạm vi toàn xã hội, một thực tế không thể phủ nhận, đó là tổng kinh phí hàng năm cần thiết cho việc CSSK nói chung và KCB nói riêng đã tăng lên đáng kể. Sỡ dĩ như vậy là vì: dân số tăng nhanh (mỗi năm dân số nước ta tăng gần bằng số dân của một tỉnh), bệnh tật mà hiện nay loài người đang phải đối phó ngày càng phức tạp (tỷ lệ mắc các bệnh ác tính tăng lên, nguy cơ bị các bệnh nguy hiểm ngày càng nhiều, những căn bệnh mới xuất hiện như HIV/AIDS, SARS, H5N1…), giá các dịch vụ y tế ngày càng cao (do áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại kết hợp với khuynh hướng thương mại hóa không tránh khỏi trong kinh tế thị trường)… Gần như không một quốc gia nào còn có thể dùng ngân sách nhà nước để bao cấp hoàn toàn cho CSSK. Vì vậy phải huy động sự đóng góp của người dân khi sử dụng các dịch vụ CSSK.
Người dân có hai cách đóng góp, chi trả các chi phí dịch vụ CSSK: (1) cách trả sau: tức là lấy tiền của mình hoặc gia đình mình thanh toán trực tiếp cho cơ sở dịch vụ sau khi sử dụng dịch vụ (dịch vụ hết bao nhiêu thì mình tự trả bấy nhiêu, người nào lo người ấy); (2) cách trả trước: tức là đóng góp hay để dành một khoản tiền trích từ nguồn thu nhập hàng tháng ngay từ lúc trẻ, khỏe vào Quỹ BHYT khi ốm đau hay về già thì Quỹ BHYT (tùy theo quy chế của Quỹ) sẽ thay người bệnh chi trả toàn bộ hay chi trả phần lớn khoản thanh toán cho cơ sở cung cấp dịch vụ. Cách trả trước mang tính ưu việt hơn cách trả sau ở chỗ: trả sau là do tự mình trả, nhưng nếu là một khoản tiền lớn thì không thể có ngay, vì vậy đối với người nghèo thì phải đi vay và càng rơi vào cảnh nghèo đói, người thuộc tầng lớp trung lưu cũng có thể rơi xuồng tầng lớp nghèo. Do đó người ta ví cách trả này là “cạm bẫy của sự đói nghèo”. Trong khi đó do cách tích góp, để dành từng tháng và đóng vào Quỹ BHYT, khi cần một khoản tiền lớn để sử dụng dịch vụ CSSK thì Quỹ sẽ cung cấp và người bệnh không phải bỏ tiền túi ra hay không phải đi vay nợ. Người bệnh nghèo sẽ không bị nghèo hơn và người thuộc tầng lớp trung lưu không bị rơi xuống tầng lớp nghèo. BHYT là giải pháp hữu hiệu tránh được nghèo đói do chi phí cao khi sử dụng các dịch vụ CSSK. Trả sau là do tự mình trả, nên người trả nhiều hay trả ít thì mỗi người phải tự lo. Nếu phải trả nhiều thì tự mình phải chịu và không có ai giúp đỡ. Trong khi đó với hình thức trả trước cho Quỹ BHYT thì Quỹ sẽ chi trả, người bệnh ít chịu gánh nặng tài chính khi phải chi trả nhiều (tất nhiên không phải là tất cả mà có mức độ nhất định, người ta gọi là “trần” thanh toán). Do đó Quỹ BHYT mang tính chia sẻ giữa người chưa bị bệnh và người đang bị bệnh, giữa người bệnh ít với người bệnh nhiều. Hơn thế, nếu thực hiện BHYT bắt buộc (tức là đóng phí BHYT theo thu nhập, người giàu đóng nhiều, người nghèo đóng ít) thì ngoài việc chia sẻ trên đây còn có sự chia sẻ giữa người giàu với người nghèo. Do đó BHYT (đặc biệt là BHYT bắt buộc) là một hoạt động mang tính nhân đạo cao nhất trong các hoạt động nhân đạo.
Thứ hai, BHYT là một nguồn quan trọng trong kinh phí dành cho CSSK của quốc gia.
Bất kỳ quốc gia nào cũng chỉ có hai nguồn kinh phí dành cho CSSK:
(1) Ngân sách Nhà nước (bao gồm thuế, các khoản viện trợ, vốn vay)
(2) Nguồn do dân đóng, được chia thành nguồn dân trả trước dưới dạng BHYT và nguồn dân trả sau còn gọi là nguồn do dân tự trả trực tiếp (hay nguồn từ túi của người bệnh).
Điều quan trọng trong nhận thức là mỗi nguồn có một ý nghĩa khác nhau và vai trò khác nhau đối với tính chất công bằng trong CSSK.
Ngân sách Nhà nước là nguồn quan trọng do nằm trong sự quản lý của Nhà nước nên Nhà nước có thể chủ động điều phối và phân bổ cho các vùng, các đối tượng cần ưu tiên trong CSSK. Tuy vậy, như trên đã trình bày, hiện nay không có một quốc gia nào có thể dành ngân sách Nhà nước để bao cấp toàn bộ cho CSSK.
BHYT là nguồn do dân đóng, nhưng mang tính chia sẻ cộng đồng rất cao (chia sẻ giữa người giàu với người nghèo, giữa người đang tuổi lao động với trẻ em và người già, với mỗi cá nhân thì đó là sự dành dụm và tích lũy lúc khỏe, lúc trẻ cho sự rủi ro vì bệnh tật và già nua).
Trái với BHYT, cách chi trả trực tiếp từ túi người bệnh là cách chi trả mang tính cá nhân và không thể hiện sự chia sẻ cộng đồng; hơn thế nó là “cạm bẫy của sự đói nghèo” làm cho người bệnh và gia đình họ bị nghèo đi. Chính vì ý nghĩa của mỗi nguồn kinh phí mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đánh giá một hệ thống y tế của một quốc gia có thể bảo vệ người dân khỏi nghèo đói và giữ vững công bằng hay không thông qua tỷ lệ giữa nguồn do người bệnh tự chi trả trực tiếp với tổng các nguồn kinh phí dành cho y tế. Nếu tỷ lệ ấy bằng hay trên 50% thì hệ thống y tế sẽ không có khả năng bảo vệ người dân khỏi đói nghèo và không thể giữ được công bằng.
Chính với lý do đó, BHYT là một nguồn tài chính rất quan trọng dành cho CSSK để làm cho hệ thống y tế theo đúng định hướng công bằng. Hiện nay trong tài chính y tế Việt Nam, số người tham gia BHYT mới là 64%. Còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHYT; tỷ lệ giữa nguồn do người bệnh tự chi trả trực tiếp trên tổng các nguồn kinh phí dành cho y tế là khoảng 49%, vì vậy nước ta chưa có một nền tài chính y tế đảm bảo cho người dân không bị nghèo hóa khi sử dụng các dịch vụ CSSK.
Những điểm mới trong Luật BHYT, Luật BHXH được Quốc hội thông qua ngày 24-11-2008 và bắt đầu có hiệu lực ngày 1-7-2009. Việc tuyên truyền Luật giúp cho người tham gia BHYT hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Cần nhấn mạnh những điểm sau:
Một là, quy định về đối tượng tham gia BHYT: Về lâu dài mọi người dân có nghĩa vụ tham gia BHYT (BHYT bắt buộc toàn dân), nhưng trước mắt phải có lộ trình thích hợp. Khi lộ trình thực hiện bắt buộc tham gia BHYT như sau: Học sinh, sinh viên bắt buộc tham gia từ 1-1-2010; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp bắt buộc tham gia từ 1-1-2012; thân nhân của người lao động và xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể và các đối tượng khác bắt buộc tham gia từ 1-1-2014.
Hai là, về mức đóng BHYT và trách nhiệm đóng.
Nếu trước đây quy định mức đóng cụ thể (người nghèo 194.000 đồng/người/năm; tự nguyện ở thành thị 320.000đ/người/năm và tự nguyện ở nông thôn 280.000đ/người/năm…) thì nay thay đổi là: (1) Các đối tượng đóng theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính; (2) giảm mức đóng trong trường hợp tham gia theo hộ gia đình, (3) xác định mức trần đóng phí BHYT là 6%, giao cho Chính phủ quy định cụ thể mức đóng và mức hỗ trợ với từng nhóm đối tượng. Ví dụ, hiện nay với đối tượng hưởng lương, tiền công, lương hưu, tiền trợ cấp phải đóng 4,5%; học sinh, sinh viên, thân nhân người lao động đóng 3% lương tối thiểu…). Nhìn chung, mức đóng này có tăng lên nhằm đảm bảo đủ chi cho các phí dịch vụ CSSK.
Ba là, phạm vi hưởng BHYT.
So với các quy định trước đây, thì các văn bản hiện hành đã quy định quyền lợi của người tham gia BHYT một cách toàn diện hơn, mở rộng hơn, vừa đảm bảo KCB với kỹ thuật cao, vừa đảm bảo quyền lợi về y tế dự phòng và phục hồi chức năng. Nhìn chung quyền lợi của người tham gia được mở rộng cả về thuốc, xét nghiệm, trong đó có cả thuốc đặc trị.
Bốn là, cùng chi trả chi phí KCB.
Thực hiện ba mức thanh toán (tùy theo nhóm đối tượng: 100%, 95%, 80%) nếu KCB đúng quy định của Luật. Nếu khám bệnh không đúng quy định của Luật, thanh toán 3 mức theo hạng bệnh viện không phân biệt nhóm đối tượng.
Trường hợp sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn thanh toán theo các mức trên, nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ.
Cần giải thích lý do cùng chi trả: để giảm bớt hiện tượng lạm dụng việc KCB thanh toán bằng BHYT, để giảm nguy cơ gây vỡ quỹ, và cũng để nâng cao ý thức của người tham gia BHYT trong việc giữ gìn sức khỏe.
Năm là, tổ chức KCB thanh toán bằng BHYT.
Bình đẳng giữa cơ sở y tế Nhà nước và tư nhân trong cung ứng dịch vụ KCB cho người bệnh có thẻ BHYT.
Việc đăng ký KCB ban đầu cũng được quy định thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT trong việc lựa chọn cơ sở KCB phù hợp với điều kiện lưu trú và làm việc. Quyền lựa chọn đăng ký KCB ban đầu ở tuyến xã, huyện cũng được quy định.
Sáu là, phương thức thanh toán.
Luật quy định 3 phương thức thanh toán chi phí KCB bằng BHYT: theo định xuất, theo giá dịch vụ, theo ca bệnh.
Bảy là, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT.
90% số thu BHYT dành cho KCB, 10% lập Quỹ dự phòng KCB BHYT và phục vụ việc quản lý. Điều quan trọng là các địa phương được sử dụng một phần kết dư để đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Quy định này đã hạn chế phần nào cái gọi là “bao cấp ngược” trong BHYT.
Tám là, trách nhiệm của các cấp trong quản lý BHYT.
Luật đã quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý trong thực hiện BHYT của các Bộ Y tế, Tài chính, tại địa phương là Sở Y tế.
Những biểu hiện sai trái cần khắc phục trong quá trình thực hiện BHYT:
Về phía người tham gia BHYT và cơ quan chủ quản của người lao động
Có một số người không thấy hết ý nghĩa của BHYT, nên không tham gia hoặc chỉ tham gia khi bắt đầu ốm đau; có một số khác sau khi tham gia BHYT thì luôn luôn đi khám bệnh để lấy thuốc, đòi các thuốc đắt tiền. Có những người dùng thẻ của mình đăng ký khám bệnh nhưng khi khám thì đưa người khác không tham gia BHYT vào thay thế. Tất cả các biểu hiện này đều là biểu hiện của sự trục lợi tiền bạc của cộng đồng mà không thấy hết trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Điều nghiêm trọng hơn là các cơ quan sử dụng người lao động thiếu trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của người lao động: không kê khai đủ số người lao động, không đóng BHYT đầy đủ cho họ theo quy định, tình trạng dây dưa và nợ đọng BHYT còn khá phổ biến.
Về phía các cơ sở KCB BHYT
Một số cơ sở KCB thanh toán bằng BHYT còn những biểu hiện: phân biệt giữa những người sử dụng BHYT với những người chi trả trực tiếp, thiếu nhiệt tình trong KCB với người tham gia BHYT, gây phiền hà trong thủ tục KCB làm cho bệnh nhân phải chờ đợi, khám qua loa, ứng xử không tốt. Những biểu hiện này làm giảm tính hấp dẫn của BHYT và giảm sút nhiệt tình tham gia của nhân dân với chính sách BHYT. Một số ít thầy thuốc móc nối với người tham gia BHYT và nhân viên Quỹ BHYT để kê khai khống KCB thanh toán bằng BHYT để tham ô từ Quỹ BHYT.
Với cơ quan quản lý Quỹ BHYT
Nhìn chung, các thủ tục hành chính còn phức tạp, đặc biệt là trong khâu đăng ký KCB và khâu thanh quyết toán BHYT. Một số cán bộ Quỹ còn có biểu hiện cửa quyền theo kiểu xin cho, ban ơn. Điều này cũng làm giảm tính hấp dẫn của BHYT đối với người tham gia. Việc quy định cụ thể một số điều của Luật mà Quốc hội đã giao cho Chính phủ và các cấp quản lý cần được tiến hành khẩn trương và cụ thể, đồng thời có những chế tài cụ thể để xử phạt với các trường hợp sai phạm.
Với các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền
Công tác lãnh đạo và chỉ đạo công tác BHYT còn coi nhẹ ở không ít địa phương. Có nơi chỉ chú ý đến khâu tổ chức, quản lý Quỹ mà chưa quan tâm đến khâu tuyên truyền vận động quần chúng tham gia BHYT hoặc khâu KCB bằng BHYT. Việc thí điểm xây dựng các mô hình làm tốt BHYT hay KCB thanh toán bằng BHYT chưa được quan tâm.
3. Đổi mới phương thức tuyên truyền
Đối tượng tuyên truyền
Tập trung vào một số đối tượng như các chủ doanh nghiệp, các hộ cận nghèo, nông dân, học sinh để các đối tượng này tham gia vào BHYT một cách tích cực nhằm bao phủ BHYT toàn dân vào năm 2020 (trước đây quy định là 2014)
Phương thức tuyên truyền
Bên cạnh việc phát huy mọi giải pháp tuyên truyền, cần đặc biệt phát huy thế mạnh của một số giải pháp:
Xây dựng đội ngũ báo cáo viên về BHYT
Đội ngũ báo cáo viên trước hết là thầy thuốc: mỗi thầy thuốc phải trở thành một tuyên truyền viên về BHYT, bởi vì người bệnh luôn luôn nghe theo lời khuyên của thầy thuốc, thầy thuốc là những người chẳng những cứu chữa người bệnh, mà còn là người nâng đỡ tinh thần ốm yếu của người bệnh.
Ngoài ra, cần đào tạo một đội ngũ tuyên truyền viên chuyên nghiệp về BHYT (tương tự như đội ngũ trình dược viên hiện nay đang tuyên truyền và quảng cáo cho các hãng dược) và có chính sách khen thưởng cho họ khi họ vận động được nhiều người tham gia BHYT, nhất là với những đối tượng khó vận động (đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, doanh nghiệp tư nhân…).
Đẩy mạnh việc tuyên truyền miệng về BHYT
Tuyên truyền miệng là loại tuyên truyền có thế mạnh vì nó lan truyền nhanh và thấm dần, ai cũng có thể tham gia. Tuy vậy muốn tuyên truyền miệng đạt kết quả thì cơ quan BHYT phải thường xuyên định hướng tuyên truyền và hướng dẫn cho các báo cáo viên nòng cốt. Bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ các đại lý chi trả tại các xa,ä phường thực sự trở thành các tuyên truyền viên chuyên nghiệp về BHYT, BHXH. Có chính sách đãi ngộ khen thưởng kịp thời.
Nâng cao chất lượng tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh tại các xã phường
Đây là hình thức tuyên truyền tưởng như đã lỗi thời, nhưng hiện nay tại các vùng nông thôn hình thức này vẫn đang phát huy rất hiệu quả và tiết kiệm được các nguồn lực nếu chúng ta biết vận dụng một cách sáng tạo. Vì người tuyên truyền viên là người của dân, biết dân cần gì, chúng ta chỉ cần cung cấp cho họ kiến thức về BHYT, giúp họ biết cách soạn lại theo “ngôn ngữ” bản địa, có như thế dân mới hiểu và mới làm theo một cách tự giác.
Tăng cường các giải pháp tuyên truyền các điển hình tốt, tiên tiến trong thực hiện chính sách BHYT và có hình thức khen thưởng thích đáng cho họ (cá nhân hay đơn vị)
Hiện nay giữa một doanh nghiệp (hay địa phương) thực hiện tốt về chính sách BHYT với một doanh nghiệp (hay địa phương) không thực hiện chính sách BHYT, chúng ta chưa có những chế tài và hình thức thích hợp (kể cả vật chất lẫn tinh thần) để khen thưởng hay kỷ luật thích đáng. Nên chăng có hình thức khen như khuyến khích việc khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm bệnh tật, du lịch, nghỉ dưỡng... cho đến tuyên dương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó cần có những hình thức kỷ luật thích hợp với các đơn vị vi phạm luật pháp về BHYT. Đôi lúc chúng ta nghĩ rằng tham gia BHYT là nghĩa vụ của mọi người nên không cần phải khuyến khích và động viên. Cần nhớ rằng ngay đến nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ đóng thuế... người ta vẫn rất coi trọng công tác động viên, khen thưởng.
Chuẩn bị các tài liệu tuyên truyền về BHYT với các loại hình đa dạng và hấp dẫn. Các phương tiện truyền thông và báo chí cần dành những thời lượng và bài viết về BHYT. Khuyến khích các hình thức thi hiểu biết về BHYT, sáng tác các tác phẩm nghệ thuật về BHYT.
Phát động một cuộc vận động toàn dân tham gia BHYT với tinh thần tham gia BHYT như là một hoạt động nhân đạo, là bổn phận của người dân yêu nước. Thành lập ban vận động ở các cấp và do những vị lãnh đạo đứng đầu mỗi cấp làm trưởng ban.
Tóm lại, BHYT là một chính sách quan trọng để bảo đảm an sinh xã hội, tham gia vào chống đói nghèo do bệnh tật gây ra. BHYT cũng là một nguồn tài chính rất quan trọng dành cho CSSK nhất là trong tình hình ngân sách của Nhà nước không đủ để bao cấp hoàn toàn cho CSSK. BHYT là sự chia sẻ, cưu mang hữu hiệu nhất giữa người giàu với người nghèo, giữa vùng giàu với vùng nghèo. BHYT là phương pháp dành dụm từ lúc trẻ khỏe, đang sung sức lao động, kiếm ra của cải để đến lúc về già, lúc ốm yếu có tiền mà vượt qua khó khăn….. BHYT là một giải pháp ưu việt trong một hệ thống CSSK công bằng.
Tuyên truyền cho chính sách BHYT là một công tác quan trọng, với mục đích giúp cho người dân hiểu vai trò và ý nghĩa của BHYT để họ tham gia (dù là bắt buộc hay tự nguyện), hiểu rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi mà họ được hưởng, hiểu rõ những việc nên làm và cả những việc nên tránh, để BHYT thực sự mang lại hữu hiệu cho CSSK của cộng đồng cũng như của chính bản thân mình.
Con người vừa là một thực thể tự nhiên, đồng thời cũng là thực thể xã hội. Chính mặt xã hội đã nâng con người lên khỏi tầm của con vật. Trong mặt xã hội đa dạng và phong phú ấy của con người, sự cưu mang và tương trợ lẫn nhau để cứu chữa bệnh tật, bảo toàn tính mạng trước bệnh tật, trong đó có việc chia sẻ với nhau về tài chính để KCB, tức là chính sách BHYT, là một hoạt động đặc trưng. Nhưng hoạt động nhân đạo của con người chỉ chuyển từ tự phát sang tự giác khi người ta được giác ngộ bằng tuyên truyền, giáo dục. Do vậy cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong thực hành chính sách BHYT, để tiến đến BHYT bắt buộc toàn dân./.
PGS.TSKH. Phạm Mạnh Hùng