Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Bảy, 8/11/2014 14:50'(GMT+7)

Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, sớm khắc phục sự lệch lạc

Xã hội hóa góp phần phát triển kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế. (Ảnh minh họa)

Xã hội hóa góp phần phát triển kỹ thuật cao trong lĩnh vực y tế. (Ảnh minh họa)

Xã hội hóa y tế cần sự tham gia tích cực của người dân

Tham gia thảo luận tại Tọa đàm khoa học “Thực trạng xã hội hóa y tế ở Việt từ 2010 đến nay, Giải pháp và chính sách giai đoạn 2015-2020” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức sáng 6/11, TS Nguyễn Văn Tiên cho rằng: Nội hàm xã hội hóa y tế được hiểu rằng Nhà nước phải quan tâm đầu tư công tác y tế, tạo điều kiện huy động nguồn lực ngoài Nhà nước cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh, đồng thời bản thân mỗi người dân nhận thức và thực hiện các biện pháp tự giữ gìn, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.

Đồng ý với quan điểm này, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, trước hết phải làm rõ khái niệm xã hội hóa. Dịch vụ công không phải chỉ là dịch vụ do Nhà nước làm mà công dân chính là người tham gia dịch vụ công. Nhà nước có vai trò là “bà đỡ”, là “người huýt còi” và thực hiện những việc công dân không làm được và không có khả năng làm.

TS. Đoàn Ngọc Xuân, Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương cũng đồng tình cho rằng: Dịch vụ y tế nếu chỉ được đảm bảo từ phía Nhà nước sẽ khó có thể có đủ nguồn lực cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, hàng năm,  Nhà nước tăng đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong 5 năm từ 2008-2012, đã dành hơn 22.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho nâng cấp, sửa chữa hơn 600 bệnh viện tuyến huyện, hàng chục bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương.

Xã hội hóa y tế bao gồm nhiều loại hình khác nhau trong việc đào tạo nhân lực, hoạt động từ thiện, nhân đạo, góp vốn, liên doanh liên kết đặt thiết bị, vay vốn ngân hàng… Trong đó, Bảo hiểm y tế là một loại hình quan trọng và chủ chốt. Luật Bảo hiểm y tế được ban hành (2009), đến nay trên 70% dân số có BHYT và nguồn BHYT đã chiếm 70-80% kinh phí của các bệnh viện, trong đó 58% là do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng góp.

Nhờ chính sách xã hội hóa, hệ thống y tế tư nhân phát triển, đến nay cả nước có hơn 100 bệnh viện tư nhân và trên 30.000 phòng khám chữa bệnh tư nhân cùng với hệ thống y tế công lập tham gia khám chữa bệnh (KCB). Tỷ lệ bệnh viên tư nhân chiếm khoảng 13% so với tổng số bệnh viện trên toàn quốc và chiếm khoảng 6% tỷ lệ số giường bệnh. Điều này góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân, giúp giảm tải bệnh viện công.

Xã hội hóa đào tạo nhân lực y tế cũng phát triển mạnh, hàng chục trường đào tạo điều dưỡng và kỹ thuật viên y tế, đại học y/khoa y dược được thành lập và cho ra trường hàng chục ngàn điều dưỡng cho ngành y.  Xã hội hóa đã đáp ứng yêu cầu chẩn đoán, điều trị; phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB. Nhiều kỹ thuật cao đã được thực hiện làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.

Công - tư lẫn lộn

Xã hội hóa nếu quản lý không tốt thì dẫn đến công - tư lẫn lộn, khuynh hướng ngụy biện để huy động lợi nhuận mà không thực sự vì lợi ích chăm sóc sức khỏe người dân. Gần đây, dư luận quan tâm đến các hình thức đầu tư, liên doanh liên kết, lắp đặt thiết bị kỹ thuật y tế, đấu thầu thuốc tại các bệnh viện công với nhiều biểu hiện tiêu cực cho thấy sự yếu kém và thiếu minh bạch trong quản lý, thanh tra kiểm tra. Việc liên doanh liên kết mua thiết bị y tế dẫn đến lạm dụng dịch vụ y tế để thu hồi vốn và kiếm lợi nhuận… làm tăng chi phí cho người bệnh và quỹ Bảo hiểm y tế.   

Tại một số bệnh viện công, do đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế, tổ chức lẫn lộn khu dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu ngay trong cùng một bệnh viện công tạo ra hình ảnh tương phản trong việc bố trí phòng bệnh cũng như quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh giữa 2 loại dịch vụ y tế thông thường với dịch vụ y tế theo yêu cầu. Một số nơi đã xảy ra tình trạng lạm dụng tài sản công, thời gian làm việc, thương hiệu bệnh viện, sai phạm quản lý tài sản, tài chính tại bệnh viện công. Nhiều tiêu cực trong việc liên kết, liên doanh trang thiết bị y tế, đấu thầu thuốc diễn ra cho thấy sự yếu kém và thiếu minh bạch trong quản lý, thanh tra, kiểm tra.

 Người dân cũng chưa hiểu hết về xã hội hóa y tế, chưa chủ động trong phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe.

Công tác truyền thông, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế.

Giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội

Trong khi ngân sách hạn hẹp, nếu không có xã hội hóa y tế qua nhiều hình thức thì trang bị kỹ thuật và trình độ chuyên môn của y tế Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân. Vì vậy, các đại biểu của cho rằng, cần phải tăng cường truyền thông, giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức của xã hội trong việc tham gia xã hội hóa y tế, chủ động trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Trong việc hoạch định chính sách cần phải có cái nhìn khách quan, khoa học, một mặt đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, mặt khác, sớm khắc phục sự lệch lạc trong việc triển khai thực hiện những chủ trương của Đảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Một số giải pháp được đưa ra bàn thảo là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển thị trường dịch vụ. Nghiên cứu cơ chế chuyển từ viện phí sang cơ chế giá gắn với chất lượng dịch vụ y tế, trên cơ sở nguyên tắc thu bảo đảm bù đắp chi phí phù hợp chất lượng, hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Xây dựng cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ y tế. Thay đổi cơ chế giao ngân sách cho cơ sở y tế theo hướng gắn với kết quả đầu ra.

Đồng thời, cần nghiên cứu chuyển đổi mô hình tổ chức, hoạt động các cơ sở y tế có nguồn thu từ xã hội hóa dịch vụ y tế như doanh nghiệp.

Hoàn thiện quản trị bảo hiểm y tế và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm y tế. Mở rộng diện bao phủ và nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với chất lượng dịch vụ y tế.

Ngoài ra, để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện và các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, cần tổ chức công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46/NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Kết luận số 43-KL/TW ngày 1/4/2009 của Bộ Chính trị về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 46. Trong đó, các nội dung liên quan đến đổi mới chính sách tài chính và xã hội hóa y tế là những nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá trong cải cách và phát triển hệ thống y tế Việt Nam./.

Sao Mai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất