Thứ Năm, 19/9/2024
Nghiên cứu - Trao đổi
Thứ Năm, 13/11/2014 20:48'(GMT+7)

Vai trò của các cấp uỷ, chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Quan điểm đó được Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và thể hiện xuyên suốt trong nhiều năm qua, phù hợp với đường lối đổi mới, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” đạo nghĩa của dân tộc ta.

Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân. Để thực hiện các mục tiêu về BHXH, BHYT đã được đề ra trong Nghị quyết 21-NQ/TW cần có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này và sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Như vậy, cần phải tìm ra được mắt xích tạo nên sự đột phá trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đến nhân dân.

Trước hết,
các cấp uỷ đảng cần tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu nêu trong Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là tiền đề quan trọng để các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thấy rõ vai trò, trách nhiệm đối với việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW nói riêng và các chủ trương, chính sách bảo hiểm nói chung. Nghị quyết 21-NQ/TW đã xác định tầm quan trọng của chính sách BHYT trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. BHXH, BHYT phải theo nguyên tắc có đóng, có hưởng, quyền lợi tương ứng với nghĩa vụ, có sự chia sẻ giữa các thành viên, bảo đảm công bằng và bền vững của hệ thống BHXH, BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; các cơ quan báo chí của địa phương, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội. Tổ chức các hoạt động hội nghị báo cáo viên, phóng viên, tuyên truyền viên cung cấp các thông tin, phổ biến pháp luật về chính sách BHXH, BHYT đến cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng và dư luận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động để tham mưu cho cấp ủy đảng của địa phương có những giải pháp tuyên truyền kịp thời, góp phần ổn định tư tưởng trong xã hội.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền mỗi cấp ủy, chính quyền cần làm cho nhân dân địa phương hiểu sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng, Nhà nước về việc mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT; hiểu được vị trí và ý nghĩa của BHXH, BHYT trong an sinh xã hội. Đồng thời làm cho nhân dân hiểu đúng lộ trình thực hiện BHYT toàn dân và BHXH cho người lao động phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, chủ trương phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; trên 80% dân số tham gia BHYT.

Thứ hai, các cấp uỷ đảng cần ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; HĐND, UBND các cấp cần có các văn bản, nghị quyết, quyết định, quy định... cụ thể về BHXH, BHYT, để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Từ đó, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thể hiện đầy đủ các nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết; cụ thể hoá lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2020, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính khả thi cao. Trên cơ sở thực trạng và đặc thù riêng của mỗi địa phương, đơn vị, trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp, đề ra kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu và có những giải pháp sát thực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thiết thực, có ý nghĩa lớn đối với mỗi người và toàn xã hội.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên thể hiện ở sự tiên phong về nhận thức đầy đủ, sâu sắc các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT; luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, thực hiện đúng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hành động tự giác tuân thủ, chấp hành thực hiện tốt các chính sách về BHXH, BHYT. Cán bộ, đảng viên phải là người “đi trước” để “làng nước theo sau”. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, quán triệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Thứ tư, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác BHXH, BHYT. Đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH, BHYT và đội ngũ làm các dịch vụ chăm sóc, đảm bảo quyền lợi cho người dân trước hết là người phải hiểu sâu sắc các vấn đề về bảo hiểm: từ quyền lợi, luật pháp... đến nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn "khách hàng". Xem "nhân dân - người tham gia bảo hiểm" là "khách hàng, là thượng đế" để phát triển "thị trường bảo hiểm" thực hiện an sinh xã hội. Bên cạnh việc làm cho nhân dân hiểu rõ trách nhiệm việc tham gia bảo hiểm bắt buộc thì phải gắn với sự tự giác tham gia bảo hiểm tự nguyện là lựa chọn thông minh, tối ưu góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống bền vững của bản thân mỗi cá nhân và gia đình trong xã hội.

Một thực tế hiện nay, nhận thức việc tham gia BHYT vẫn còn tình trạng "lựa chọn ngược" tức là chỉ có người ốm, người bị bệnh mới tham gia BHYT diễn ra khá phổ biến ở các địa phương. Năm 2012, cả nước có 4,5 triệu người thuộc nhóm đối tượng tự nguyện tham gia mua BHYT với số tiền 2.000 tỷ đồng, nhưng tổng số tiền chi phí khám, chữa bệnh cho nhóm đối tượng này lên đến 4.500 tỷ đồng. Vì vậy phải làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ và thực sự thoải mái, yên tâm, gửi gắm mọi vấn đề liên quan đến các chế độ, chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của nhân dân được tin tưởng tuyệt đối.

Mặt khác, để hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị phải nhận thức rõ và phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tại địa phương, đơn vị mình, xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Nâng cao thái độ phục vụ người bệnh, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong đón tiếp, khám - chữa bệnh và thanh toán viện phí với người bệnh BHYT, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trong bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh. Đầu tư vào nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ y, bác sĩ.

Thứ năm, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH, BHYT. Đặc biệt là trong việc xác định rõ những đối tượng cụ thể tham gia BHXH, BHYT để có những cách tiếp cận, kế hoạch, mục tiêu và có phương pháp, giải pháp phù hợp thực hiện có hiệu quả trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhất là việc trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi tiêu cực, gian lận để hưởng chế độ BHXH, BHYT.

Trong phát triển đối tượng, lưu ý nhóm học sinh - sinh viên, người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; phát hành thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; tăng cường thanh tra, kiểm tra, thống kê số doanh nghiệp đang hoạt động, lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHYT để tổ chức thu đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng; kiện toàn hệ thống đại lý thu ở địa phương. Bên cạnh quản lý an toàn tuyệt đối quỹ BHYT, tổ chức chi đúng, đủ; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua hệ thống bưu điện; nâng cao chất lượng công tác thẩm định giải quyết các chế độ.

Ngành BHXH cần phối hợp với ngành Y tế điều chỉnh nhóm đối tượng đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để giảm áp lực quá tải, đổi mới phương pháp giám định chi phí khám chữa bệnh; cải tiến quy trình, thủ tục thanh toán; xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng thẻ và quỹ BHYT. Cùng với việc nâng cao chất lượng bộ phận một cửa, cải cách hành chính... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, BHYT.

Hiện nay, thực trạng công tác BHXH, BHYT đang bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ dân số chưa tham gia BHYT vẫn còn trên 30%; số người lao động tham gia BHXH tự nguyện, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn rất thấp so với tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp. Hiện tượng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn nóng ở nhiều địa phương. Tình trạng doanh nghiệp nợ và không đóng BHXH, BHYT còn nhiều. Đặc biệt nhiều đối tượng thuộc diện cận nghèo, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí, thậm chí có địa phương hỗ trợ tới 100% kinh phí mua thẻ BHYT nhưng vẫn không tham gia BHYT... Để từng bước khắc phục những bất cập này, ngoài sự nỗ lực của ngành BHXH nói riêng, thì việc nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp là cực kỳ quan trọng.

Như vậy, việc xác định rõ vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể về BHXH, BHYT là mắt xích quan trọng để đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra và thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân./.

GS.TS. Đào Văn Dũng
ThS. Nguyễn Ngân Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất