Trong quá trình phát triển, loài người đã phải đương đầu với sự hủy diệt của nhiều vụ dịch bệnh truyền nhiễm. Các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm chính là “vấn đề sức khoẻ” nổi lên hàng đầu trong hàng nghìn năm qua và cả đến ngày nay ở mọi khu vực, nhất là các quốc gia nghèo đói. Vì thế, trong cả một thời gian dài, cho tới những năm đầu của thế kỷ XX, việc nghiên cứu quy luật phát sinh, phát triển của các dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm và từ đó đề xuất ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong quần thể người luôn được quan tâm đặc biệt. Tên tuổi của nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong các lĩnh vực vi sinh học, kí sinh trùng học, miễn dịch học, lâm sàng truyền nhiễm, côn trùng y học như: Pasteur, Koch, Jenner, Metchnikov, Lister, Laveran, Botkin, Đặng Văn Ngữ... đã thường xuyên được ngợi ca trong y văn của nhiều nước trên thế giới, bên cạnh tên tuổi của những nhà lý luận và thực hành phòng, chống dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm như Fracastoro, Gramasevski, Pavlovski, Taylor, Morris, Beliakov...
Cho tới nay, nhiều thành tựu kỳ diệu đã đạt được trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các bệnh truyền nhiễm như thanh toán bệnh đậu mùa trên phạm vi toàn cầu, khống chế có hiệu quả một số bệnh dịch từng là nỗi kinh hoàng của nhân loại trước đây như dịch tả, dịch hạch, sốt phát ban thành dịch, bại liệt..., góp phần thanh toán một số bệnh dịch thường xảy ra cho trẻ em ở nhiều quốc gia như sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm não...
Ngày nay, các bệnh truyền nhiễm tuy không còn giữ vai trò “độc tôn” và đang có xu hướng giảm trong cộng đồng, nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiều bệnh dịch nhiễm trùng truyền nhiễm đã được thanh toán trước đây tái xuất hiện và nhiều bệnh dịch mới nổi lên, đặc biệt là ở các khu vực có khí hậu nóng và đời sống kinh tế còn nghèo. Trong các thế kỷ XIX, XX và những năm đầu của thế kỷ XXI đã có hơn 30 bệnh mới nổi có số mắc bệnh và tử vong cao, trong đó, nhiều bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm đã gây đại dịch lớn, tác động đến toàn cầu với số tử vong từ hàng chục nghìn người đến hàng chục triệu người.
Việc tìm hiểu nguyên nhân dịch bệnh không chỉ còn là phát hiện căn nguyên vi sinh vật, mà mở rộng ra cho nhiều loại yếu tố tự nhiên, xã hội và sinh học có các mức độ liên quan với số mắc bệnh và số chết trong cộng đồng khác nhau. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu về các dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm và không truyền nhiễm để đáp ứng các yêu cầu của việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân một cách chủ động, tích cực, toàn diện. Đồng thời phải có sự phối hợp liên ngành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp với vai trò tham mưu nòng cốt của ngành chuyên môn.
Trong những năm gần đây, dịch cúm A (H1N1, H5N1, H7N9...) liên tục xẩy ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam với số mắc và tử vong cao đã gây ra nhiều khó khăn cho ngành Y tế, ngành Nông nghiệp, Công thương... gây hoang mang trong cộng đồng, tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và cản trở thông thương giữa các nước và khu vực trên thế giới.
Trước tình hình gia tăng các dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm ở nước ta và nguy cơ nhiều dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các ngành Y tế và Nông nghiệp, các ngành có liên quan tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. Để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống dịch bệnh cúm A, đặc biệt là cúm A (H5N1, H7N9...) cần chú ý tới một số điểm sau:
1. Ngành Tuyên giáo tham mưu cho cấp uỷ các cấp xây dựng văn bản chỉ đạo và chương trình hành động của địa phương về phòng, chống dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H7N9; hướng dẫn thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đã được ban hành.
Ngành Y tế tích cực, chủ động chỉ đạo và khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch một cách kịp thời và hiệu quả theo Kế hoạch hành động Phòng, chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-BYT ngày 5/4/2013.
2. Cần phải nắm chắc quá trình dịch của các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm và tiến hành điều tra dịch tễ học để từ đó đề xuất được các phương hướng, mục tiêu, các giải pháp thích hợp và hiệu quả. Bất cứ bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm nào cũng có chung cơ chế phát triển trải qua một quá trình gồm 3 khâu chủ yếu là: Nguồn truyền nhiễm, các yếu tố trung gian truyền nhiễm - đường lây truyền và cơ thể cảm thụ hoặc khối cảm thụ. Quá trình này được gọi là quá trình dịch các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm.
Quá trình dịch của một bệnh là sự thể hiện một cách tổng hợp các quá trình nhiễm trùng đang xảy ra ở các cá thể của một cộng đồng. Tất cả các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm của người và của động vật lây truyền sang người đều có quá trình dịch với các đặc thù riêng, phụ thuộc vào đặc điểm quá trình nhiễm trùng, đồng thời phụ thuộc vào các yếu tố môi trường tự nhiên và xã hội mà quá trình nhiễm trùng xảy ra.
Các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm có căn nguyên vi sinh, nguồn truyền nhiễm, các yếu tố trung gian truyền nhiễm vô cùng đa dạng, do vậy, có nắm vững quá trình dịch và điều tra dịch tễ học của các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm mới có thể đề xuất được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với tính chất đa dạng của quá trình nhiễm trùng.
3. Nắm chắc nguyên tắc và biện pháp chung phòng chống dịch bệnh để vận dụng vào việc chỉ đạo và xây dựng các giải pháp phòng, chống dịch một cách linh hoạt, sáng tạo và thích hợp với từng dịch bệnh cụ thể.
Các nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm bao gồm: Can thiệp đồng thời và toàn diện vào cả 3 mắt khâu của 1 quá trình dịch, song cần xác định một số trọng tâm ưu tiên can thiệp cho mỗi loại bệnh tật; áp dụng các biện pháp dự phòng ở cả 3 cấp độ (Dự phòng cấp 1: tiến hành trước khi xuất hiện bệnh nhằm giảm tỷ lệ mới mắc bằng các hành động cá nhân (tiêm chủng) hoặc tập thể (hành động loại trừ các yếu tố nguy cơ). Điều đó nhằm giúp cho nhân dân giữ được sức khoẻ tốt. Dự phòng cấp 2: nhằm hạn chế sự phát triển của bệnh bằng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đó là sự can thiệp vào bệnh ở giai đoạn tiền lâm sàng.â Dự phòng cấp 3: là các biện pháp nhằm hạn chế tái phát, biến chứng và các di chứng), trong đó, lấy dự phòng cấp 1 làm trọng tâm, dự phòng cấp 2 là rất quan trọng; kết hợp giữa giám sát chủ động với khống chế và chống dịch, dập dịch theo đặc điểm của từng loại bệnh dịch.
Các biện pháp chung phòng, chống dịch bệnh bao gồm: Những biện pháp phòng, chống đối với nguồn truyền nhiễm, đối với các yếu tố trung gian truyền nhiễm và đối với khối cảm thụ hoặc cơ thể cảm thụ.
Các biện pháp phòng, chống đối với nguồn truyền nhiễm bao gồm: 1. Phát hiện sớm và chính xác mọi nguồn truyền nhiễm, trước hết là những người bệnh có triệu chứng điển hình, chú ý đến các trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng; 2. Tổ chức cách ly một cách hợp lý và điều trị tiệt căn cho nguồn truyền nhiễm. Quản lý những trường hợp bệnh có thời gian thải mầm bệnh kéo dài, kể cả các trường hợp mang mầm bệnh không triệu chứng; 3. Hạn chế sự tiếp xúc của người với động vật ốm. Tiêu diệt động vật ốm khi điều kiện cho phép. Phối hợp với cơ quan thú y giải quyết phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm trên động vật có thể lây sang người.
Các biện pháp phòng, chống đối với yếu tố trung gian truyền nhiễm bao gồm: Khử trùng tẩy uế chất thải bệnh nhân, nước, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt và y tế, không khí ô nhiễm để tiêu diệt mầm bệnh được thải ra môi trường; xua diệt côn trùng có vai trò ổ chứa và vectơ truyền bệnh trong các giai đoạn sinh lý khác nhau của chúng; thực hiện tốt các khâu vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống.
Đối với khối cảm thụ hoặc cơ thể cảm thụ cần tập trung vào các biện pháp phòng, chống sau: Tiến hành mọi biện pháp nhằm nâng cao sức khoẻ chung của cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch không đặc hiệu; tiến hành công tác tiêm chủng vacxin để chủ động phòng, chống một số bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm và dùng thuốc dự phòng cho một số nhóm người có nguy cơ cao trong cộng đồng đối với một số bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên các chỉ định dùng thuốc dự phòng cho cộng đồng cần được cân nhắc kỹ càng, tránh hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra.
Để thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm A/H7N9, tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành kèm theo Quyết định số 1126/QĐ-BYT ngày 5/4/2013, theo đó cần tiến hành các biện pháp cụ thể sau:
Một là, về công tác chỉ đạo cần ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình dịch bệnh, đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình dịch; tham mưu cho Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch để có sự hỗ trợ kịp thời.
Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp. Chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, các bệnh viện và các đơn vị trực thuộc chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc trang thiết bị, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để sẵn sàng ứng phó. Kiểm tra, giám sát việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ở địa phương.
Hai là, xây dựng kế hoạch, đầu tư tài chính cho kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9, đồng thời, triển khai kinh phí giám sát phòng, chống dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm năm 2013.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trong tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp dịch bệnh A/H7N9 xâm nhập, kéo dài, Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu bổ sung từ các đơn vị thuộc Bộ, các tỉnh, thành phố trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ba là, về chuyên môn kỹ thuật cần tập trung vào các biện pháp nhằm, giảm số mắc bệnh trong cộng đồng, giảm số tử vong; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống dịch bệnh cúm A/H7N9 và các giải pháp về phối hợp liên ngành.
Để giảm số mắc bệnh cúm A/H7N9 cần tiến hành các biện pháp sau: Ban hành hướng dẫn giám sát, phòng, chống bệnh cúm A/H7N9; tập huấn cán bộ về tăng cường năng lực xét nghiệm xác định bệnh cúm A/H7N9; hoạt hóa đội cơ động chống dịch, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh trên người. Phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời, không để lây lan sang người. Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để giảm số tử vong do bệnh cúm A/H7N9 cần phải: Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; khu vực cách ly... mở rộng các cơ sở tiếp nhận điều trị theo từng tình huống dịch. Tăng cường năng lực, trang bị phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong. Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện trong công tác chuẩn bị phòng, chống dịch và phòng lây nhiễm chéo.
Trong công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cần chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí triển khai hoạt động truyền thông, truyền thông nguy cơ, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện, không hoang mang, đồng thời, tổ chức chiến dịch tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.
Để thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành, cần chú ý vào việc huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể (Phụ nữ, Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9, đồng thời phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Công thương, Công an, Hải quan tăng cường giám sát, kiểm tra nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; quản lý mua bán gia cầm; giám sát xử lý ổ dịch cúm A/H7N9 trên các đàn gia cầm, thủy cầm, chim trời.
Dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm khi xảy ra thường trên một phạm vi rộng, số mắc lớn và nguy cơ tử vong cao, do đó, công tác phòng, chống dịch có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Quá trình xảy ra dịch bệnh thường diễn biến bất ngờ và phức tạp, nên đòi hỏi người làm công tác phòng, chống dịch phải có kiến thức sâu, rộng về các bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm; về phòng, chống dịch để phát hiện sớm dịch và xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp trên cở sở phối hợp liên ngành, vừa đảm bảo phòng chống dịch có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn trong sản xuất của người dân.
Để phòng, chống dịch bệnh nhiễm trùng truyền nhiễm đạt hiệu quả cao, công tác thông tin, giáo dục truyền thông sức khỏe chuyển đổi hành vi và lối sống cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với vai trò chỉ đạo của ngành Tuyên giáo và tham mưu chuyên môn của ngành Y tế và các ngành có liên quan tới từng dịch bệnh cụ thể.
Biến đổi khí hậu toàn cầu gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, làm phát sinh, phát triển nhiều dịch bệnh nguy hiểm, tái xuất hiện những dịch bệnh đã được khống chế trước đây, gây cản trở phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch cần phải được đặc biệt quan tâm hơn nữa vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của đất nước./.
GS.TS. Đào Văn Dũng