Hiện nay, có tới 90% người sử dụng ma túy muốn được tiếp cận chương
trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.
Tuy nhiên, trên thực tế, công cuộc điều trị của những đối tượng trên còn
vướng mắc rất nhiều rào cản trong tiếp cận chương trình. Họ mong muốn
thủ tục hành chính cần đơn giản hơn, bởi hiện nay những người điều trị
nghiện muốn tham gia chương trình phải xin xác nhận ở 5-6 nơi và chờ đợi
đến vài tháng vẫn chưa được uống thuốc Methadone.
Thông tin trên đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại hội thảo"Cộng đồng
với việc thực hiện chương trình Methadone" do Dự án thành phần Liên hiệp
các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Dự án Quỹ toàn cầu
phòng, chống HIV/AIDS vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Mất nhiều thời gian chờ đợi để tiếp cận với thuốc
Phát biểu tại hội thảo anh Trần Thanh Thắng - một tình nguyện viên thuộc
Mạng lưới người sử dụng ma túy tại Việt Nam (Vnplud) chia sẻ, trong
nhóm có người nộp đơn tham gia điều trị của chương trình tới 4 tháng sau
mới được uống thuốc Methadone.
Theo anh Thắng: “Khi người bệnh thắc mắc thì nhận được câu trả lời từ
phía cơ sở điều trị là hiện nay số người tham gia chương trình đã ổn
định, vì số người vào sau lẻ tẻ và rải rác. Chính vì vậy có cơ sở điều
trị buộc bệnh nhân phải chờ đủ từ 7-15 người rồi mới xét duyệt một thể.”
Anh Thắng phân tích, với những người sử dụng ma túy việc bắt họ chờ đợi
lâu tới 4 tháng có thể làm sức khỏe của họ giảm sút rất nhiều, có người
nhiều khi đã ra đi trong khi chờ đợi được tham gia vào chương trình.
Cùng quan điểm trên, một người sử dụng ma túy tại quận Hai Bà Trưng ở Hà
Nội cũng bày tỏ sự bức xúc khi hơn một tháng sau khi anh tham gia viết
đơn để được tiếp cận điều trị nghiện bằng Methadone qua rất nhiều khâu
thủ tục hành chính giữa công an phường và ủy ban, qua nhiều lần xét
nghiệm ở các bệnh viện anh vẫn chưa được tiếp cận với thuốc.
Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu đào tạo HIV/AIDS (Trường Đại học Y
Hà Nội), Methadone là phương pháp điều trị “tiêu chuẩn vàng” đối với
những người nghiện các chất dạng ma túy trên thế giới. Những nghiên cứu
đã cho thấy, việc sử dụng thuốc Methadone đã làm giảm đáng kể việc sử
dụng ma túy. Tỷ lệ tiêm chích ở những người nghiện (trong 3 tháng trước
phỏng vấn) đã giảm từ 87% trước điều trị xuống còn gần 53% sau 1 năm và
còn 42% sau 2 năm điều trị.
Đánh giá về chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng
thuốc Methadone, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn
Hoàng Long cho biết, đến ngày 15/11, cả nước đã có 38 tỉnh, thành phố đã
triển khai chương trình với 122 cơ sở điều trị và hơn 22.000 bệnh nhân
tham gia điều trị, đạt 71% mục tiêu chỉ tiêu của năm 2014 và đạt 27% so
với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015.
Như vậy, hiện nay mới chỉ có 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản
lý. Có 17/61 tỉnh chưa phê duyệt được kế hoạch cung cấp dịch vụ điều trị
Methadone.
Theo ông Long, nguyên nhân của việc chậm triển khai điều trị thay thế
chủ yếu là do cấp uỷ, chính quyền ở nhiều địa phương còn thiếu sự quan
tâm, đầu tư, huy động nguồn lực; còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ
từ Trung ương...
Đánh giá của Ban quản lý Dự án thành phần Liên hiệp các Hội Khoa học và
Kỹ thuật Việt Nam cho thấy, kết quả công tác cai nghiện chưa cao. Hoạt
động điều trị nghiện bằng Methadone vẫn gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ
bệnh nhân dùng ma túy tổng hợp ngày càng tăng và chưa có biện pháp can
thiệp; nhiều bệnh nhân đi làm ăn xa, công tác ở những địa phương không
có chương trình Methadone (trong khi đó qui định không được mang thuốc
theo...
Đề cập đến khía cạnh giảm bớt “rào cản” đối với công tác xã hội hóa
trong lĩnh vực này, bà Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ
sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) bày tỏ quan điểm cho rằng việc mở
điểm điều trị Methadone ngoài công lập hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Chính vì vậy, đã làm không có nhiều cơ sở điều trị Methadone ngoài công
lập được cấp phép. Chính điều này gây khó khăn cho người nghiện ma túy
càng không có cơ hội được tiếp cận với uống thuốc Methadone.
Bớt “rào cản” với cơ sở xã hội hóa
Thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tại Hải Phòng cho thấy, tại
địa phương, chương trình Methadone giúp giảm 70% hành vi vi phạm pháp
luật liên quan đến ma túy; mâu thuẫn gia đình, xã hội giảm; đặc biệt là
giảm đáng kể chi phí đối với gia đình có người nghiện. Việc điều trị
Methadone giúp người nghiện không còn bị ám ảnh bởi việc tìm kiếm ma túy
và yên tâm làm việc phụ giúp gia đình...
Theo báo cáo của Vnplud, 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ
mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị bằng Methadone bởi
Methadone sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, có sức khỏe
để sống và làm việc, giảm nguy cơ bị bắt vào trung tâm cai nghiện bắt
buộc.
Tại hội thảo, anh Thắng và rất nhiều người sử dụng ma túy mong mỏi các
cấp chính quyền có thể tạo điều kiện cho người sử dụng ma túy được xét
duyệt nhanh hơn các thủ tục để có thể sao 10-15 ngày xét duyệt một lần
để người điều trị bớt phải chờ đợi lâu. Bởi mỗi một ngày người sử dụng
ma túy nếu như không được uống thuốc Methadone điều trị thay thế thì họ
sẽ bớt phải sử dụng ma túy.
Bàn về những giải pháp, ông Nguyễn Hoàng Long cũng đề xuất thời gian
tới, Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông về chương trình, huy
động sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội và mạng lưới đồng đẳng;
từng bước xã hội hóa để có nguồn kinh phí chi trả cho cán bộ hợp đồng;
rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính từ việc đưa người
vào điều trị đến quy trình quản lý, uống thuốc sao cho thuận tiện...
Theo bà Khuất Thị Hải Oanh, quy định yêu cầu đối với điểm điều trị
Methadone ngoài công lập cần có tới 10 nhân viên, trong đó có 8 nhân
viên y tế và 2 bảo vệ. Bà Oanh phân tích, thực tế số lượng nhân viên
không cần đến nhiều như vậy, yêu cầu như vậy sẽ gây khó khăn cho việc
khuyến khích các cá nhân, tổ chức ngoài công lập thành lập cơ sở điều
trị Methadone. Vì vậy, đây sẽ là rào cản lớn cho những đơn vị muốn tham
gia vào cung cấp dịch vụ này.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận sôi nổi những vấn đề
như tháo gỡ rào cản trong việc tiếp cận điều trị Methadone, đơn giản hóa
thủ tục hành chính cho người đăng ký điều trị Methadone kể cả cho những
người nghiện không có nơi cư trú ổn định; điều trị nghiện các chất dạng
thuốc phiện bằng Methadone xã hội hóa... và đưa ra các khuyến nghị nhằm
tháo gỡ những khó khăn của chương trình Methadone hiện nay./.
Methadone là một loại thuốc tổng hợp, đồng vận với chất dạng thuốc
phiện. Thuốc có tác dụng tương tự như các chất dạng thuốc phiện như
morphin, heroin nhưng có thời gian tác dụng kép dài hơn.
|
Thùy Giang (Vietnam+)