Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 12/6/2009 10:0'(GMT+7)

Đổi mới sáng tác và phê bình văn chương

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)


Nhưng sáng tạo văn chương luôn gắn với tâm hồn nghệ sĩ. Những hình tượng nghệ thuật được phát ra từ sự hài hòa giữa trí tuệ và tâm hồn một cách tự nhiên, nhiều khi vượt ra ngoài sự mong muốn của nhà văn.

1. Đổi mới sáng tác văn chương

Những kiệt tác văn chương nhân loại thường ra đời một cách bất ngờ, mỗi tác phẩm một khác. Nó là sự hội tụ, sự dồn nén của rất nhiều yếu tố một cách đặc biệt tạo thành, nên không thể chuẩn bị, không thể tạo dựng một cách nhanh chóng mà có được. Nó là tinh hoa nền văn hóa, kết tinh tâm hồn và trí tuệ cuộc sống gửi qua nhà văn sinh thành tác phẩm... Vì vậy khi thấy một nhà phê bình nào đó nhận xét tác phẩm này, tác phẩm kia có sự "tìm tòi" để ghi công, thì tôi cho rằng đó là một cách hạ thấp tác giả và tác phẩm ấy.

Bởi vì "tìm tòi" phương pháp thể hiện tức là thuộc phương diện kỹ thuật, "tìm tòi" là không tự nhiên. Điều này được đánh giá rất thấp trong lĩnh vực sáng tạo gắn với tâm hồn. Phải "tìm tòi" trong sáng tác thì chỉ là những người thợ viết. Có những người viết rất hoạt, rất siêu, nhưng đó chỉ là thợ. Còn đã là nhà thơ, nhà văn thì phải nhìn vào hồn thơ hồn văn của họ.

Đã là nhà thơ nhà văn đích thực thì không cần "tìm tòi" cách viết, cách thể hiện. Có vấn đề cần nói thì tự nó sẽ trào ra với một hình thức phù hợp tương ứng. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du ra đời dưới hình thức một truyện thơ. Tiểu thuyết "Juyli" của Rútxô lại xây từ những bức thư...

Nhìn lại hơn hai chục năm đổi mới văn chương thì sự hô hào rất nhiều mà kết quả lại không tương xứng. Đó là lẽ đương nhiên, bởi lĩnh vực này không thể hô hào được. Lĩnh vực này không thể cứ xông lên là chiến thắng. Bao nhiêu sự "tìm tòi" những hình thức lạ đều đã chết yểu.

Một thời đại mới của văn chương ư? Nó không thể ra đời từ những người "thợ vẽ"! Mà nó chỉ có thể ra đời từ những "thợ trời" (chữ dùng của Kim Thánh Thán). Những "thợ trời" chỉ có thể ra đời từ sự chuẩn bị rất lâu dài một cách nghệ thuật. Những "thợ trời" càng không thể nhập khẩu, không thể vay mượn từ những nền văn hóa khác.

Có những thời đại thịnh trị rất đáng ngợi ca như thời đại Hồng Đức nhưng văn chương thì rất nhạt. Có những thời đại rất đáng lên án với bất công áp bức và chiến tranh phi nghĩa liên miên như xã hội cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX nhưng văn chương lại phục hưng với nhiều đỉnh cao chói lọi: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Chứ, Cao Bá Quát…

Không phải khi nào sự phát triển của văn chương cũng tỉ lệ thuận theo sự phát triển xã hội. Vì vậy muốn có được nền văn chương tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cũng đồng nghĩa với việc chuẩn bị cho sự xuất hiện của những thiên tài văn chương. Sự chuẩn bị này phải là sự chuẩn bị chiến lược chứ không thể chỉ là chiến thuật hay sự "ăn sổi ở thì".

Theo tôi, một thời đại mới của văn chương chỉ có thể ra đời trên cơ sở xã hội phải có được những yếu tố cơ bản sau: xã hội có một nền văn hóa cao; nhân dân có một tình yêu cao đẹp với văn chương; nhà văn được xã hội trân trọng như một trong những biểu tượng để noi theo; còn xã hội thì có vấn đề cần đến văn chương biểu đạt… Mọi sự chuẩn bị đều phải theo phương hướng này.

Những nền văn chương tự phát trước đây có thời kỳ rực rỡ là do sự gặp gỡ vô tình của những yếu tố đó. Bây giờ chúng ta muốn có được thì phải tìm ra quy luật của sự phát triển mà xây dựng mà tác động. Sự tác động và xây dựng đúng hướng nếu có kết quả cũng chỉ có thể có được mùa gặt sớm nhất là vài ba chục năm sau.

2. Nhà phê bình và thực tế cuộc sống

Hơn nửa thế kỷ qua, dòng văn chương của chúng ta rất đề cao việc đi thực tế của các nhà văn, nhưng chủ yếu là đối với những người sáng tác. Còn những người làm công tác phê bình, thì thường nghiêng về việc trang bị hệ thống lý luận. Tưởng rằng cứ có lý luận thì sẽ soi chiếu sáng tỏ mọi tác phẩm, mọi vấn đề của đời sống văn chương.

Thực ra một nhà phê bình văn chương cần phải có cả lý luận và vốn sống, như con chim phải có cả hai cánh thì mới bay được. Nếu chim chỉ có một cánh hoặc lệch cánh thì chỉ có thể nhảy lò cò trên mặt đất mà thôi. Nhà phê bình phải có vốn sống của một nhà văn.

Nói chính xác nhà phê bình phải có phẩm chất của một nhà văn thì mới có thể viết phê bình được. Không có phẩm chất của nhà văn thì người viết phê bình sẽ thiếu vốn sống thực tế, thiếu tư duy hình tượng, thiếu chất văn trong biểu đạt, chỉ có thể viết ra những điều kinh viện khô cứng. Hội Nhà văn bên cạnh các nhà sáng tác còn có các nhà phê bình, vì các nhà phê bình cũng là nhà văn.

Câu chuyện từ nghìn năm trước ở bên Trung Quốc đời nhà Tống, nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha chữa thơ của tể tướng Vương An Thạch cho ta thấy muốn phê bình một tác phẩm văn chương cần phải có một vốn sống thật phong phú. Vương An Thạch viết bài thơ trong đó có hai câu: "Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm".

Nhà thơ Tô Đông Pha hiểu rằng "Minh nguyệt" là trăng sáng và "hoàng khuyển" là chó vàng. Nếu triết tự thì đúng là như thế. Nên Tô Đông Pha băn khoăn: "Sao trăng sáng lại hót ở đầu núi, mà chó vàng lại nằm giữa bông hoa?", có điều gì không ổn ở đây? Ông bèn chữa lại, đại ý: “Trăng sáng chiếu trên đầu núi/ Chó vàng nằm dưới bóng hoa”.

Như thế nghe có vẻ hợp lý hơn. Vương An Thạch nghe được điều này, ông bèn thuyên chuyển Tô Đông Pha đến làm quan ở vùng mà mình đã sáng tác hai câu thơ trên. Một thời gian sau, có thực tế cuộc sống ở đây, Tô Đông Pha mới biết rằng ở vùng này có loài chim Minh Nguyệt và loài sâu Hoàng Khuyển.

Ông bèn đến tạ lỗi với Vương An Thạch. Thì ra hai câu thơ của Vương An Thạch có nghĩa là: “Chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi/ Sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa”. Nhà thơ lớn đến như Tô Đông Pha mà không có thực tế thì cũng phê bình sai lệch!

Ở nước ta, năm 1965 kỷ niệm 200 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du, các nhà thơ, nhà văn và các nhà phê bình đã nghiên cứu về Nguyễn Du, phân tích "Truyện Kiều" một cách đa dạng, sâu sắc, có nhiều phát hiện mới lạ.

Riêng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Từ Hải thì có những ý kiến khác nhau. Người thì cho rằng Từ Hải chết vì đã nghe lời Thúy Kiều. Có người lại nói Từ Hải chết vì sự bội ước của Hồ Tôn Hiến. Người khác thì bảo vì Từ Hải chủ quan mất cảnh giác vv và vv…

Ý kiến nào cũng có lý một phần nhưng chưa hoàn toàn đúng. Chỉ đến khi các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình cùng toàn dân tộc trải qua những thử thách khốc liệt của gần chục năm đương đầu với đế quốc Mỹ một mất một còn, từ thực tế sinh tử ấy các nhà phê bình mới có thể rút ra kết luận đúng đắn: Từ Hải chết vì đã đầu hàng.

Từ hai dẫn chứng trên cho thấy thực tế cuộc sống cần cho các nhà phê bình văn chương biết chừng nào! Nói vậy chứ chúng ta không thể đòi hỏi các nhà phê bình phải biết hết mọi thứ. Điều ấy những thiên tài cũng không chắc đã có được. Nhưng tôi hơi ngại khi thấy có những nhà phê bình điều gì cũng xông vào viết được, tức là có thể phê bình tác phẩm ở mọi thể loại, mọi đề tài. Điều này dễ dẫn đến chuyện không hiểu mà vẫn phán bừa, làm cho các nhà thơ, nhà văn không phục.

Cũng giống như những người sáng tác, nhà phê bình phải thật am hiểu và có sự thôi thúc thì hãy viết. Khi đó các yếu tố cần thiết cho một tác phẩm phê bình đã chín cả về lý luận và thực tiễn, cả về tư tưởng và cảm xúc, cả về cảm quan nghệ thuật… sẽ cho ra đời những nhận định, những đánh giá thực sự có giá trị. Lúc đó mới có thể tạo nên tác phẩm phê bình văn chương đích thực nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tế cuộc sống.

Hội Nhà văn Việt Nam cũng cần tổ chức cho các nhà phê bình đi thâm nhập thực tế hơn là mời họ đến các trại sáng tác ngồi đọc tác phẩm và viết./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất