Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 11/6/2009 10:31'(GMT+7)

"Ngoại giao văn hoá Việt Nam và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp"

Doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gắn với văn hoá dân tộc

Tiếp theo hai hội thảo văn hoá tiến hành từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, cuộc hội thảo "Ngoại giao văn hoá Việt Nam và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp" nhằm xác định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong ngoại giao văn hoá, cũng như lợi ích của họ khi tham gia vào ngoại giao văn hoá.

Ngoại giao văn hoá là một trong 3 trụ cột của ngoại giao hiện đại, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ và rộng rãi của giao lưu văn hoá, của công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua cũng như những tác động tích cực của nó đã thu hút sự quan tâm ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có những hoạt động tích cực nhằm quảng bá thương hiệu của mình và thương hiệu của văn hoá Việt Nam. Ông Lý Quý Trung- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Phở 24 cho biết, hiện nay sản phẩm đậm chất văn hoá Việt Nam này đã có mặt tại 6 quốc gia là: 6 nước, Inđônêxia, Hàn Quốc, Xinhgapo, Philipin, Ôxtrây lia và cuối năm nay sẽ mở ở Hồng Công, Ma Cao. Bí quyết thành công của công ty là giữ uy tín, chất lượng sản phẩm và bản sắc văn hoá Việt Nam trong sản phẩm. Ông Trung chia sẻ: “để xây dựng thương hiệu thì mô hình kinh doanh phải thành công, có hình ảnh đẹp trong lòng nguời tiêu dùng. Sản phẩm về ẩm thực phải ngon, dịch vụ tốt, có nét độc đáo và giữ được uy tín. Điều cơ bản là phải giữ được nét văn hoá Việt Nam, nếu không sẽ bị thất bại trên trường quốc tế ngay”.

Ông Phạm Đỗ Trí- Phó Tổng Giám đốc VINA Capital, một doanh nghiệp với quĩ đầu tư hơn 2 tỷ đô-la Mỹ rất chú trọng đến các yếu tố văn hoá trong kinh doanh: "Trong khi kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, thì chúng tôi rất nhấn mạnh đến yếu tố văn hoá của con người Việt Nam. Chúng tôi không chỉ giới thiệu các tiềm năng kinh tế mà nhấn mạnh với các nhà đầu tư về triển vọng hợp tác, nơi mà con người và xã hội Việt Nam có thể thu hút đầu tư quốc tế. Chúng tôi hy vọng có thể kêu gọi các nhà đầu tư với tư cách là một du khách đến Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam".

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội với kinh nghiệm của một người nhiều năm làm công tác ngoại giao văn hoá cho rằng: Ngoại giao văn hoá thúc đẩy sâu hơn quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Hội nhập quốc tế là giới thiệu Việt Nam với thể giới và đón những giá trị văn hoá của thế giới đến với Việt Nam. Trong ngoại giao hiện đại, ngoại giao văn hoá đi trước một bước, nhiều khi đạt hiệu quả rất lớn mà đôi khi ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế chưa làm được.

Doanh nghiệp phải tự nhận thức được tầm quan trọng của ngoại giao văn hoá

26 ý kiến tại hội thảo đã xác định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong ngoại giao văn hoá, cũng như lợi ích của họ khi tham gia vào ngoại giao văn hoá. Đặc biệt ý kiến của các vị đại sứ, tham tán văn hoá, các doanh nghiệp quốc tế rất hữu ích cho Việt Nam trong việc xác định đặc trưng văn hoá kinh doanh của mình, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập và phát triển.

Ông Michael Flesch, Tham tán Văn hoá của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nêu kinh nghiệm: "Không thể bắt buộc các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động ngoại giao văn hoá, cũng không thể coi ngoại giao văn hoá là quảng cáo, không thể coi là lợi ích của một ai. Không thể coi hoạt động văn hoá là tập hợp vốn mà phải hướng tới mục tiêu cao hơn. Để đảm bảo các hoạt động văn hoá phải giải quyết được nguồn tài trợ cho các hoạt động đó. Nhà nước phải là người điều tiết các đối tác tham gia, cần có sự thống nhất hành động. Các doanh nghiệp tham gia được quảng bá hình ảnh doanh nghiệp thông qua các hoạt động quảng bá hình ảnh và các hoạt động văn hoá phải tuân thủ theo qui định chung, rõ ràng".

Còn Đại sứ Hàn Quốc Im Hong Jae thì cho biết: "Chính phủ Hàn Quốc không bắt các doanh nghiệp tham gia ngoại giao văn hoá mà dành các lời khuyên cho doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ngoại giao văn hoá. Khi các doanh nghiệp làm kinh tế để lấy lợi nhuận nhưng giờ đây, họ cũng hiểu rằng lợi nhuận không phải là tất cả, mà hoàn thành trách nhiệm của mình với xã hội cũng là điều quan trọng. Điều này giúp cho hình ảnh doanh nghiệp được tăng cao và chính vì thế họ tự nhận thấy lợi ích khi làm ngoại giao văn hoá và họ tự động làm. Theo con số điều tra thì 78% người dân Hàn Quốc cho rằng nếu giá thành sản phẩm giống như nhau thì họ sẽ chọn sản phẩm của công ty nào có cống hiến xã hội nhiều hơn".

Cũng theo Đại sứ Hàn Quốc, Việt Nam đang trong quá trình phát triển với tốc độ cao và nhanh. Sức ảnh hưởng của VN trên trường quốc tế ngày càng cao,  vì thế giá trị , bản sắc và văn hoá của Việt Nam, vẻ đẹp của Việt Nam sẽ ngày càng thu hút nhiều người muốn đến đây tìm hiểu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị cho việc giới thiệu văn hoá Việt Nam ra nuớc ngoài, tạo ra các chương trình văn hoá của mình và tham gia vào các hoạt động văn hoá thế giới.

Các đại sứ Đan Mạch, Đại sứ Ma-rốc, Đại sứ An-giê-ri, Đại sứ- Trưởng phái đoàn Uỷ ban Châu Âu, Phó Đại sứ Italia cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm như: Chính phủ miễn thuế cho các doanh nghiệp tham gia các hoạt động ngoại giao văn hoá, vận động mỗi doanh nghiệp tài trợ cho một hoạt động văn hoá- thể thao, hoặc thành lập mạng lưới trung tâm văn hoá song phương.v.v...

Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào các hoạt động của chương trình ngoại giao văn hoá, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp như: Cần tuyên truyền để các doanh nghiệp ý thức được việc tham gia vào ngoại giao văn hoá. Có kế hoạch dài hơi, trọng tâm, trọng điểm trong việc tham gia ngoại giao văn hoá. Cần đa dạng hoá hình thức, cách làm, để có cách quảng bá thích hợp để các doanh nghiệp có cách lựa chọn phù hợp. Nhà nước cần có kế hoạch cụ thể, cần chương trình, sự kiện trọng điểm để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào ngoại giao văn hoá và có chế độ khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp làm tốt hoạt động này.

Thứ trưởng Bộ văn hoá- Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng cho rằng: Bên cạnh việc Chính phủ xem xét để có chính sách thuế phù hợp, thì chúng ta cần có một chiến lược tổng thể về văn hoá đối ngoại do Bộ Ngoại giao chủ trì, cần thành lập một số trung tâm/nhà văn hoá - du lịch Việt Nam ở nước ngoài; quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực về ngoại giao văn hoá...

Ông Giản Tư Trung- Hiệu trưởng trường đào tạo Doanh nhân PACE nêu quan điểm, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, cần có một thế hệ doanh nghiệp Việt Nam với khát vọng, năng lực và phẩm chất mới. Mỗi thương hiệu sản phẩm phải được xây dựng như là đại sứ cho đất nước Việt Nam. Điều quan trọng là có thể nâng cao hàm lượng văn hoá của sản phẩm Việt khi đi ra nước ngoài và có làm cho thế giới tin cậy và hiểu biết hơn về sản phẩm của Việt Nam, tăng cường uy tín của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đúng như câu châm ngôn: "Vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất"./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất