Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 3/11/2014 16:59'(GMT+7)

Dọn "rác" trên facebook

Ở thời kỳ công nghệ số, mọi người đều có cơ hội như nhau trong việc giao lưu, học hỏi, tìm hiểu thông tin, bộc lộ khả năng của mình, cũng như có quyền sử dụng in-tơ-nét một cách hiệu quả nhất cho công việc. Với sự ra đời của in-tơ-nét, mọi khoảng cách về không gian và thời gian như đã được thu hẹp; nhiều ứng dụng của in-tơ-nét trong các lĩnh vực khoa học, y học, ngân hàng, truyền thông,... đã thật sự phát huy tính hữu dụng trên phạm vi thế giới. Cùng với sự phát triển của in-tơ-nét là sự xuất hiện các mạng xã hội như Yahoo, Twitter, Youtube, Google plus, Zingme, facebook,... và các địa chỉ này đã thu hút sự tham gia đông đảo của các "công dân mạng"; riêng ở Việt Nam, mạng xã hội được ưa chuộng nhất hiện nay là facebook. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Epinion (Ðan Mạch) công bố tháng 4 vừa qua, ở Việt Nam có tới 25 triệu người đang sử dụng facebook. Nếu biết khoảng 5 năm trước, người sử dụng in-tơ-nét còn khá dè dặt với facebook thì giờ đây, thay cho việc trao đổi số điện thoại, nhiều người trao đổi tên tài khoản facebook; với nhiều người Việt Nam, việc ai đó không có tài khoản trên facebook dễ bị coi là "lạc hậu, không theo kịp thời đại", thậm chí người ta ngạc nhiên khi hỏi mà nhận được câu trả lời không dùng facebook! Dù chỉ thịnh hành trong vài ba năm, song việc gia nhập một mạng xã hội có tính toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến lối sống, tư duy, thói quen,... của nhiều người. Thay vì cần thời gian để có thể kết nối, trao đổi với nhiều người, thì khi thông tin được một cá nhân nào đó đưa lên facebook lập tức sẽ nhanh chóng được chuyển tới mọi người trong nhóm. Mỗi tài khoản facebook có thể kết bạn với 5.000 người, có thể được hàng chục nghìn người khác theo dõi. Chính sức lan tỏa mạnh mẽ đó khiến mạng xã hội này trở thành một thứ "quyền lực vô hình" cho những ai biết tận dụng, hoặc lợi dụng nó.

Về mặt tích cực, có thể nói facebook giúp gắn kết cộng đồng, có vai trò to lớn trong việc chia sẻ thông tin, giao lưu, học hỏi, thảo luận về đề tài quan tâm,... Mạng xã hội này được nhiều tổ chức thiện nguyện sử dụng để kết nối các tấm lòng nhân ái, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Vừa qua, người xem truyền hình cả nước được chứng kiến hình ảnh một nhóm bạn trẻ làm công việc tình nguyện tại TP Hồ Chí Minh đã giúp nông dân trồng cà chua ở Lâm Ðồng tìm đầu ra cho sản phẩm trên thị trường, không để cà chua rơi vào thảm cảnh đổ đống trên đường, hoặc cho bò ăn. Khi phong trào được phát động trên facebook, lập tức nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của nhiều người. Chỉ trong một tuần, nhóm thanh niên tình nguyện đã bán được hai tấn cà chua với giá cao. Việc làm tích cực này tạo nên sức lan tỏa lành mạnh trên mạng xã hội nói riêng, trong đời sống xã hội nói chung. Bên cạnh đó, cũng nhờ facebook, nhiều người tìm lại được người thân, bạn bè sau nhiều năm thất lạc, nhiều người tận dụng sự hữu dụng của nó để phục vụ công việc...

Cùng với những mặt tích cực thì mặt trái của facebook cũng đang dấy lên mối lo ngại trong xã hội, vì càng ngày các trò khoe thân, khoe cảnh giường chiếu, khoe của, khoe giàu, khoe đồ "xịn", khoe chơi bời, nhậu nhẹt, cổ xúy lối sống thực dụng,... rất phản cảm càng tràn lan trên facebook. Một người được cho là có tiếng trong cái gọi là "giới showbiz" từng thản nhiên viết trên facebook: "Thế gian có ai hạnh phúc mà không có tiền?" kèm theo ảnh anh ta nằm trên đống tiền với thái độ khiêu khích! Gần đây, thảm họa khoe thân của Q.K khiến cư dân mạng phẫn nộ, báo chí lên tiếng gay gắt, nhưng nhân vật chính lại tỏ ra thờ ơ, thậm chí coi đó là cơ hội để nổi tiếng hơn. Người này không ngại khi kể trên facebook cá nhân: "K có nhiều đại gia theo lắm nhé! Một ngày cho K một tỷ xài, tiền đếm không hết các bạn ạ. Hôm trước K đi làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, tút từ trên xuống dưới, bảo đảm đẹp ngất ngây, ai muốn làm... hay làm quen thì inbox K"!

Bởi vậy, không khó để hồ nghi một số người trong "giới showbiz", người muốn chen vào giới này, người háo danh,... đã lợi dụng sự tham gia dễ dàng của mạng xã hội để "dẫu không nổi tiếng ngoài đời thì cũng nổi tiếng trên facebook". Và đáng buồn thay, việc "đốt đền" để nổi tiếng như Q.K nay không còn là chuyện hiếm. Các hiện tượng như vậy nhiều đến mức có thể nói đã hình thành những bãi "rác" làm ô nhiễm facebook! Mỗi khi vào facebook, người nghiêm túc sẽ bị choáng váng trước rất nhiều dòng trạng thái (status) thiếu văn hóa, hoặc xúc phạm, miệt thị, bịa đặt thông tin về người khác, thậm chí có người ngang nhiên đưa cả bố mẹ, ông bà của chính mình ra chửi bới,... Ðiều đáng kinh ngạc là các tin tức, chữ nghĩa như vậy lại được đăng tải công khai, nhiều khi còn được cổ xúy bởi một đám đông a dua. Sự thoải mái của facebook đã dẫn đến sự tùy tiện, vô văn hóa, thậm chí cả một số việc làm nguy hiểm, có tính xuyên tạc, chống phá các chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước. Không những thế, facebook còn là nơi để các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí lợi dụng, kích động, hô hào mọi người tham gia một số hoạt động phạm pháp. Theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ, các hành vi tuyên truyền phá hoại, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam trên mạng xã hội nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng. Nhưng có thể thấy, sự nguy hại của việc phát tán cái xấu trên mạng xã hội không thể đo đếm bằng tiền, và hậu quả là khôn lường.

Sự phát triển cũng như ảnh hưởng của facebook đến đời sống đã sinh ra một căn bệnh mới là "nghiện facebook". "Nghiện facebook" là khái niệm chỉ tình trạng một số người dành quá nhiều thời gian cho facebook, bị facebook chi phối tâm tư, tình cảm cũng như sinh hoạt hằng ngày. Họ bứt rứt, khó chịu khi một ngày không được vào facebook; làm việc gì, đi đâu, ăn ngủ ra sao, họ cũng phải có ngay một vài bức ảnh đưa lên facebook để giới thiệu (hoặc khoe); họ có thể ngồi hàng giờ chỉ để mong mỏi, chờ đợi một thông báo trên facebook, hoặc trả lời các ý kiến. Bất cứ lúc nào, ở đâu, người "nghiện facebook" cũng không thể rời các thiết bị điện tử kết nối mạng chỉ vì mục đích duy nhất là vào facebook! Một nghiên cứu mới đây của Ðại học Chicago (Mỹ) cho biết facebook đang có mức độ gây nghiện cao hơn cả thuốc lá. Ở mức độ thông thường, một người dùng facebook tiêu tốn khoảng 75 phút mỗi ngày (tương đương 450 giờ mỗi năm) cho các hoạt động trên thế giới ảo; còn với "con nghiện facebook", con số này thậm chí tới 24 giờ mỗi ngày. Ở nhiều đô thị tại Việt Nam, không khó bắt gặp cảnh tại các quán cà-phê, những nhóm người ngồi cạnh nhau, nhưng ai cũng lăm lăm chiếc điện thoại kết nối mạng và lướt facebook. Thậm chí, hai người ngồi cùng một bàn lại thay việc nói chuyện trực tiếp bằng "chát" trên mạng với nhau. Việc một người cứ 15, 20 phút lại cập nhật một trạng thái của bản thân trên mạng không phải là chuyện lạ. Có khi thông báo của họ đơn giản chỉ là "thèm bún đậu mắm tôm" hoặc "chán quá", vậy mà trạng thái ấy được hàng chục, thậm chí hàng trăm người vào like (thích), và bàn luận rôm rả. Theo dõi "đời sống" trên facebook có thể thấy cộng đồng mạng tại Việt Nam đang ngày càng dành quá nhiều thời gian cho thế giới ảo. Họ chìm đắm với những chia sẻ nhiều khi rất nhảm nhí. Họ "ăn facebook, ngủ facebook", hoàn toàn bị facebook chi phối, điều khiển. Từ đó đưa tới nhiều hậu quả đáng lo ngại, như các vụ bạo lực ngoài đời nảy sinh từ mâu thuẫn trên facebook. Mạng thì ảo nhưng tác hại đến đời sống lại là thật. Tại Ấn Ðộ, từng xảy ra việc bé gái A.Gúp-ta (Aditi Gupta) 13 tuổi tự tử vì bị mẹ bắt xóa tài khoản, thoát khỏi cuộc sống ảo trên facebook. Còn ở Việt Nam, dư luận chưa quên cái chết thương tâm của cô gái sinh năm 1995 ở Thạch Thất (Hà Nội). Một bạn nam lấy ảnh của em ghép vào hình một cô gái ăn mặc hở hang rồi đưa lên facebook làm trò đùa; vì trẻ tuổi, lại chưa có kỹ năng đối phó tình huống trớ trêu đó, em đã tự kết liễu đời mình, khi vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do hệ lụy từ mạng xã hội, gần đây một tòa án ở Tô-ki-ô (Nhật Bản) yêu cầu facebook cung cấp địa chỉ IP các tài khoản giả mạo đã phát tán hình ảnh "nóng" riêng tư để "trả thù tình". Luật sư I.Si-mi-du (Yohei Shimizu) cho biết "công ty mạng xã hội Mỹ đã cung cấp cho các cơ quan chức năng địa chỉ của hai tài khoản bị kẻ xấu sử dụng để đăng tải hình ảnh và thông tin cá nhân của nạn nhân".

Mọi người đều có quyền với tài khoản facebook cá nhân, tuy nhiên sự tự do, thoải mái của facebook đã và đang bị lợi dụng. Cộng đồng người sử dụng facebook cũng không làm ngơ trước biểu hiện tiêu cực của một số cá nhân, nhưng các nhóm phản đối dù tạo ảnh hưởng nhất định cũng chưa đủ sức làm điều họ mong muốn là dọn "rác" trên facebook. Trước tình trạng nhiễu nhương, không ít cạm bẫy của thế giới ảo, nhiều người đã chán ghét facebook vì nó đang sục sạo vào mọi ngóc ngách riêng tư, khiến cuộc sống chẳng còn thú vị. Nhưng xem ra số người "tỉnh ngộ" còn quá ít so với số "fan cuồng facebook" ngày một gia tăng, đó là điều cần cảnh tỉnh. Dù thế nào thì các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ luôn hướng tới mục tiêu giúp cuộc sống con người ngày một tốt đẹp hơn. In-tơ-nét là thành tựu vĩ đại, nhưng lại có thể sẽ gây thảm họa nếu không biết sử dụng, hoặc sử dụng không đúng cách. Và cũng như nhiều hoạt động khác trên in-tơ-nét, đã đến lúc mỗi người phải tự xem xét lại chính mình để xuất hiện trên facebook một cách có văn hóa.

THÀNH NAM/ Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất