Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 24/9/2014 14:19'(GMT+7)

Khen, chê phải vì mục đích giúp tài năng trẻ phát triển

Gần đây, thông tin trên một facebook cá nhân về chuyện "Công Phượng tâm sự với bố: Bị áp lực khi được fan tung hô" khiến nhiều người bất ngờ. Vậy là sự ái mộ mà báo chí, cổ động viên dành cho cầu thủ của U19 Việt Nam lại trở thành áp lực, khiến đôi chân Công Phượng "như đeo chì". Không những thế, sự ưu ái của một số cổ động viên đối với Công Phượng còn khiến anh lo ngại về tinh thần đoàn kết của U19 Việt Nam có thể sứt mẻ. Chưa rõ độ xác thực của thông tin, nhưng có thể thấy những suy nghĩ như vậy rất thiện ý. Bởi, lời tung hô, khích lệ quá đà có thể là "con dao hai lưỡi", nhất là gần đây, nhất cử nhất động của các cầu thủ U19 đều bị theo dõi sát sao. Trên một số trang điện tử, tin bài liên quan chuyện ngoài sân cỏ của Công Phượng và một số cầu thủ U19 lại có tỷ lệ cao hơn bài bình luận, phân tích bóng đá. Phần lớn các bài này chỉ dựa trên tin đồn, là suy diễn của tác giả sau khi săm soi các bức ảnh trên facebook, website cá nhân của cầu thủ và người thân; nhiều bài hoàn toàn không liên quan bóng đá, như: Công Phượng trong vòng vây hot girl, Cô gái khổ sở vì dính tin đồn yêu Công Phượng, Thực hư câu chuyện có bạn gái hot girl, Lộ diện "bạn gái tin đồn" của Công Phượng tuyển U19,... Rồi tình cảm chân thành của nhiều cổ động viên sau khi chứng kiến U19 Việt Nam thua trận cũng bị báo giới đem ra bàn tán, mổ xẻ, gán ghép là "fan cuồng"!

Báo chí phương Tây sử dụng cụm từ "celebrity" (người nổi tiếng, người của lễ hội, công chúng) để gọi người hoạt động trong ngành giải trí, hoặc vận động viên là có lý do. Gọi là "celebrity" là đồng nghĩa với việc ca sĩ, diễn viên, vận động viên luôn bị báo chí theo sát, mọi tin tức về họ bị thổi phồng so với thực tế. Lối làm ăn chụp giật này chỉ có lợi cho các ông trùm truyền thông. Thậm chí, họ còn thuê người đóng vai fan hâm mộ, các cô gái đến quyến rũ cầu thủ trẻ nông nổi để kiếm chuyện viết bài. Ở Việt Nam, tình trạng này tuy chưa xảy ra nhưng cũng đã có vài người nhân cơ hội "len lỏi" vào sân bóng đá như tìm cách trở thành người nổi tiếng; có cô gái khóc lóc trước đám đông để xin bằng được chữ ký của cầu thủ, trong khi họ vô cùng mệt mỏi sau trận đấu... Trong cảnh bị bao vây bởi báo chí và người hâm mộ, các cầu thủ mới 18, 19 tuổi còn quá nhiều việc phải làm trong bóng đá, còn phải tiếp tục học hành mà lại không thấy mệt mỏi, không thấy bị áp lực mới là chuyện lạ.

Các huấn luyện viên Lê Thụy Hải, Triệu Quang Hà nhận xét, trình độ cầu thủ U19 Việt Nam hiện chưa thể sánh với cầu thủ chuyên nghiệp của V-League, chưa đủ sức đá SEA Games và "đừng đưa các em lên mây xanh như thế". Nhưng những lời ngợi ca dành cho cầu thủ trẻ của nhiều tờ báo, trang tin có khi lại vượt xa cả báo chí nước ngoài, như tung hô Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là Di Maria, Messi, Xavi! Trước so sánh và lời khen thái quá, nếu cầu thủ trẻ thiếu bản lĩnh, chưa tự ý thức về bản thân mình sẽ chịu tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của họ. Môi trường bóng đá trẻ và môi trường bóng đá chuyên nghiệp rất khác biệt, nhiều cầu thủ được xem là "ngôi sao" của các giải đấu U19, U20, U23, song rốt cuộc lại trở thành người thất bại trong giải đấu cao hơn. Trong năm giải bóng đá Olympic gần đây, có ba đội vô địch đến từ quốc gia nằm ngoài top 10 của bóng đá thế giới là Nigeria, Cameroon và Mexico, nhưng đến nay các quốc gia này chưa một lần nâng trên tay chiếc cúp vô địch bóng đá thế giới. Nhiều cầu thủ trẻ có mặt trong các đội vô địch Olympic đã không thể hiện được khả năng trong các giải đấu đỉnh cao của bóng đá toàn cầu. Điều này đúng ngay tại các quốc gia hàng đầu về bóng đá như Anh, Pháp, Đức hay Brasil... Mỗi năm lại có một số cầu thủ được ví sánh ngang từ Pele, Maradona đến Ronaldo, Messi; nhưng rồi, thi đấu kém cỏi trong một vài trận đấu là tài năng có thể xuống dốc. Đến mức ở phương Tây, người ta ví câu lạc bộ bóng đá không phải một gia đình mà là "lò xay tài năng trẻ", và báo chí lá cải cùng các nhà báo thì luôn tìm cách soi mói, bới móc, châm chọc đời tư cầu thủ. Vì thế, bi kịch tài năng của bóng đá nước ngoài là không hiếm. Gần nhất có thể kể tới trung vệ Borges Breno (sinh năm 1989) của CLB Bayer Munich. Được mua về từ CLB Sao Paulo năm 2007 khi 18 tuổi với giá 12 triệu euro, Breno trở thành một trong những cầu thủ trẻ có phí chuyển nhượng cao nhất ở thời điểm đó. Điều này tưởng chừng xứng đáng với những gì anh đã thể hiện ở CLB Sao Paulo cũng như ở Olympic Brasil. Nhưng trong một môi trường bóng đá khác, Breno mất phong độ và bị khủng hoảng tinh thần. Năm 2011, anh đi tù sau khi cố ý phóng hỏa ngôi nhà chính mình đang ở. Giờ đây bước sang tuổi 25, có lẽ Breno chỉ còn được biết đến như một người không bình thường, chứ không phải là một tài năng năm nào.

Trước những gì Công Phượng và U19 Việt Nam thể hiện, việc khen ngợi là cần thiết. Các cầu thủ này đã đem niềm vui, niềm hy vọng đến cho người yêu bóng đá Việt Nam. Nhưng phải nhìn lại thực tế là sự trưởng thành của các cầu thủ U19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tác động của báo chí và cổ động viên. Đừng quên trong quá khứ, từng có một số "thần đồng bóng đá" nhưng lại trở thành "thần đồng không bao giờ lớn", hoặc "cậu bé hư". Trường hợp Văn Quyến - người đồng hương có nhiều điểm tương đồng với Công Phượng, là minh chứng rất cụ thể. Văn Quyến được biết đến sớm hơn nhiều, anh nổi lên từ giải U16 châu Á và khi bằng tuổi của Công Phượng, Văn Quyến đã thi đấu chuyên nghiệp, đạt nhiều thành tích ở câu lạc bộ, được triệu tập vào U23, rồi Đội tuyển quốc gia. Trong thời gian đó, anh được báo chí ngợi ca hết lời. Năm 2005, ở tuổi 21, Văn Quyến và một số đồng đội khác câu kết bán độ, và sự nghiệp của anh coi như chấm dứt, dù sau khi hết án phạt, Văn Quyến vẫn tiếp tục thi đấu ở một vài câu lạc bộ. Văn Quyến đã giải nghệ ở tuổi 30 - độ tuổi vẫn có thể cống hiến cho bóng đá thêm một thời gian nữa. Chúng ta quá nuông chiều tài năng mà bỏ qua việc rèn luyện nhân cách đối với cầu thủ. Và, một số nhà báo thể thao không phải là vô can trong câu chuyện đau lòng này khi đưa ra quá nhiều lời ngợi ca một chiều.

Con đường trở thành ngôi sao sân cỏ không dễ dàng đối với bất cứ cầu thủ nào. Mọi danh thủ thi đấu tại các giải trong và ngoài nước đều phải trải qua sự thăng trầm. Mọi yếu tố trong, ngoài sân cỏ dù là nhỏ nhất có thể khiến họ vĩnh viễn mất đi cơ hội thi đấu và tỏa sáng. Ngoài các yếu tố về thể lực và sức khỏe để ra sân, thì trên sân đấu, là nỗi lo lắng thường trực về những pha vào bóng ác ý có thể gây chấn thương nguy hiểm. Ngoài sân cỏ, họ cũng tất bật với cuộc sống như mọi người bình thường. Cho nên, có cầu thủ đã rơi vào khủng hoảng tâm lý tình cảm cá nhân khi gặp bất ổn, trục trặc. Người hâm mộ bóng đá thế giới từng tiếc nuối khi Robert Enke, thủ môn Đội tuyển bóng đá Đức tự tử vì không qua được nỗi thương tiếc con gái qua đời vì bạo bệnh; hay cái chết bất ngờ của Gary Speed - huấn luyện viên đội tuyển xứ Wales. Năm trước một tài năng trẻ ở Hải Phòng cũng đã ra đi sau rắc rối trong tình yêu. Một số người hâm mộ muốn cầu thủ thi đấu như chiến binh cứng rắn, không cảm xúc, mà quên họ cũng là con người bình thường, và nguy cơ ngã lòng trước khó khăn, thất bại còn cao hơn người bình thường. Theo các thống kê không chính thức, tuổi thọ và sức khỏe của các vận động viên thường thấp hơn nhiều so với những người làm công việc khác.

Không chỉ bóng đá, một số tài năng trẻ trong lĩnh vực khác đã thất bại vì áp lực của báo chí, khán giả. Như lúc thóa mạ hành động nổi loạn, coi trời bằng vung của "ngôi sao" nọ, khán giả quên chính họ đã góp phần làm hại, khi trước đó tâng bốc quá đà. Các ca sĩ "nhí" như Phương Mỹ Chi, Quang Anh còn non nớt hơn nhiều, nhưng cũng bắt đầu phải chịu đựng lối khen, chê rất không thích hợp của người lớn. Hay Nhật Nam được quan tâm, rồi chê bai, khiển trách chỉ vì cậu say mê, ước muốn khác với các em cùng tuổi. Chính vì thế, công việc của nhà báo thể thao, người hâm mộ không phải tung hô như không có điểm dừng mỗi khi đội bóng thắng trận; lạnh lùng chê bai, trách móc không tiếc lời khi đội bóng thất bại; càng không như một số người đang soi mói, xâm phạm chuyện riêng tư của một số cầu thủ U19. Thay vào đó, nhà báo và cổ động viên nên xem cầu thủ trẻ như người thân để đưa ra lời khuyên bổ ích, phê bình hay khen ngợi đúng lúc và đúng chỗ, giúp họ thi đấu ngày càng tiến bộ. Không nên tạo sức ép cho các cầu thủ trẻ, tài năng trẻ khi trách nhiệm của các em đối với bóng đá, với khoa học, nghệ thuật nước nhà rất lớn.

Đưa ra lời bình phẩm khen hay chê dễ dãi, đều có thể dẫn tới sự tùy tiện, làm người tiếp nhận khen - chê thay vì suy nghĩ, hành động cải thiện bản thân xứng đáng với sự kỳ vọng, lại có thể suy nghĩ tiêu cực. Vì thế, nếu không cẩn trọng trong đối xử với tài năng trẻ, báo chí, người hâm mộ dễ làm thui chột họ, chứ không giúp họ trưởng thành.

VŨ HOÀI ẤN/ Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất