Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 5/10/2014 9:26'(GMT+7)

Tại anh, tại ả...

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chuyện học sinh học kém mà vẫn lên lớp đều đều không còn là chuyện hiếm ở nước ta trong những năm qua, nhưng chuyện không biết đọc và khả năng viết hạn chế mà vẫn học đến lớp 5 thì quả là chuyện hiếm.

Để cháu bé ở địa phương nọ được học tới lớp 5, trong tình trạng “kém toàn diện” như thế, lỗi thuộc về ai?

Lỗi trước hết thuộc về nhà trường, mà lỗi lớn hơn cả, trách nhiệm lớn hơn cả thuộc về giáo viên chủ nhiệm của học sinh. Nhận định này chắc hẳn nhiều người sẽ “gật đầu” đồng ý.

Ngày ngày cháu học sinh vẫn cắp sách đến trường. Trong suốt 5 năm học, hẳn đã có vô vàn buổi kiểm tra miệng, kiểm tra viết, và các kỳ thi học kỳ, hết năm. Không lẽ với ngần ấy “cửa ải” mà cháu phải qua, giáo viên chủ nhiệm, rồi giáo viên các môn học không phát hiện ra sự “bất bình thường” của cháu.

Hãy cứ cho rằng năm lớp 1, năm lớp 2; hay một thầy, hai thầy không phát hiện ra điều “đặc biệt” từ cháu, nhưng những lớp sau đó, và nhiều thầy cô khác không thể cùng “đồng loạt” không phát hiện ra sự bất thường này.

Đây là lúc chúng ta lại phải nghĩ rằng, phải chăng cái bệnh thành tích, cái con số đẹp – 100% học sinh lên lớp, vẫn là điều mà các giáo viên chủ nhiệm theo đuổi, nên nhà trường mới có một sản phẩm như cháu học sinh nọ?

Nhưng nhìn nhận một cách công bằng, thì lỗi không chỉ thuộc về giáo viên và nhà trường nơi cháu đang theo học. Gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh cũng có trách nhiệm không nhỏ trong “sự cố” này.

Nếu gia đình học sinh thực sự quan tâm đến việc học tập và sự tiến bộ của con em mình; nếu bố mẹ, người thân tích cực kiểm tra, kèm cặp cháu học tập, hẳn không phải “chờ” tới lớp 5 mới phát hiện ra con mình không biết đọc, viết yếu. Nếu thực sự quan tâm đến việc học tập của con, thì cha mẹ học sinh sẽ không phải đưa ra cái lý do…cũ rích “do bận rộn làm ăn”, và phó mặc việc học của con cho cô giáo chủ nhiệm, cho nhà trường.

Ban đại diện cha mẹ học sinh đã được “sinh ra” và đi vào hoạt động. Vậy hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh ở những lớp mà cháu bé đó theo học đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đúng như Thông tư 55 của Ngành Giáo dục hay chưa? Mà một trong những nội dung được Thông tư này đề cập đến là ban đại diện cha mẹ học sinh có trách nhiệm “Tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh ở những lớp mà cháu học sinh “đặc biệt” nọ theo học làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình như Thông tư 55 quy định, hẳn cháu đã có thể có cơ hội được “bình thường” như bao học sinh khác.

Vụ việc của cháu học sinh ở địa phương nọ lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục đối với các nhà trường, dù đó chỉ là chuyện của một cá nhân đơn lẻ. Bởi nếu mở rộng tìm hiểu, chắc cháu học sinh nọ không phải là trường hợp “đặc biệt” duy nhất.

Đó cũng là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm của các bậc phụ huynh học sinh trong việc sâu sát quan tâm, chăm lo chuyện học hành của con em mình.

Và thêm nữa, đó cũng là hồi chuông cảnh báo đối với các ban đại diện cha mẹ học sinh, rằng đã được “sinh ra” thì cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chứ không chỉ tồn tại cho có hình thức; hãy vì quyền lợi và sự tiến bộ của học sinh, thay vì là “công cụ” cho một tổ chức nào đó./.

Gia Lương (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất