Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Chủ Nhật, 19/10/2014 9:20'(GMT+7)

Môn văn và y đức

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vậy là người đứng đầu ngành y đã nhận thấy rõ sự sa sút của y đức, nhân đức trong đội ngũ những người đồng nghiệp của mình và nỗ lực tìm các giải pháp. Y học là khoa học có đối tượng nghiên cứu là con người, những bệnh tật cùng cơ chế phát sinh, các hệ thống phương pháp trị bệnh cứu người. Nó gần gũi, gắn chặt với các môn khoa học như nhân học, các môn khoa học xã hội và nhân văn, văn học nghệ thuật nghiên cứu, sáng tác về con người trong đó có giá trị tinh thần, văn hóa và đạo đức - cái gốc của y đức, cái gốc của mọi sáng tạo của con người.

Từ bao giờ chúng ta đã để cho văn hóa ngành y, y đức sa sút? "Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa..." câu ngạn ngữ hiện đại ấy bắt đầu xuất hiện phổ biến ở nước ta từ những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước. Người ta tiếp nhận nó, dùng nó không theo hướng tích cực của sự cao quý nghề nghiệp mà ở suy nghĩ ăn trắng mặc trơn, sang trọng và lợi thế kiếm sống, giàu có. Người dân đất nước làm nông nghiệp chân lấm tay bùn, đời này đời khác nghèo khó mong ước sự giàu và sang như những lương y tài đức truyền thống hay các đốc-tờ phương Tây không có gì lạ. Tiếc thay mong ước ấy ngày càng bị biến dạng theo xu thế thực dụng, vị kỷ của xã hội, nhất là từ khi xã hội bước vào thị trường hóa sơ khai. Khi đồng tiền, vật chất được đề cao quá mức, giá trị kinh tế và tinh thần của nó trở thành một thứ quỷ ám tác yêu tác quái trong mọi ngóc ngách cuộc sống. Không lạ khi nó lây lan chi phối vào tâm tư, chí hướng học và hành của người thầy thuốc.

Môn văn hay mở rộng ra là các môn khoa học xã hội và nhân văn có tham gia tạo nên sức đề kháng và động lực đạo đức - tâm hồn - tinh thần để phòng ngừa, ngăn chặn xu hướng suy thoái y đức lơi lỏng trách nhiệm của những người hoạt động trong ngành y nói riêng và xã hội nói chung? Về bản chất, chức năng này đã được loài người thừa nhận nên mới sinh ra các môn học. Vấn đề là người ta dạy và học các môn này như thế nào, dùng nó như thế nào trong giai đoạn học phổ thông và trong suốt cuộc đời học tập, luyện rèn, sáng tạo.

Biết dùng môn văn để tạo nên cái gốc đạo đức, chuyện chẳng mới nhưng ngành y và cả xã hội ta sau chặng đường dài đã ý thức được nhu cầu bức thiết, căn cơ trở về cái gốc ấy. Việc chăm lo, vun đắp cái gốc này chắc chắn sẽ làm cây đời thêm xanh tươi, chắc chắn sẽ làm việc dạy văn, học văn, đọc văn, nghiên cứu văn học nghệ thuật cùng các môn khoa học xã hội, nhân văn trong trường, trong xã hội có thêm động lực để đổi mới, cải tiến. Vậy nên học văn, dùng điểm văn để xét tuyển, đánh giá con người không chỉ là của riêng ngành y mà là của toàn xã hội./.

Mạnh Hùng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất