Thứ Sáu, 20/9/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Sáu, 2/12/2016 17:12'(GMT+7)

Đồng Tháp: bồi dưỡng kiến thức về Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho lãnh đạo các cấp

Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam báo cáo chuyên đề

Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam báo cáo chuyên đề


Nhằm thực hiện tốt quy định của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, sáng ngày 02/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tổ chức Hội nghị chuyên đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một số đặc trưng, tác động và hàm ý chính sách đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong thời gian tới”. Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam báo cáo chuyên đề này qua hình thức hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến đại biểu toàn tỉnh.
 
Đây là một vấn đề có tính thời sự và đang được sự quan tâm nghiên cứu của đông đảo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Trung ương và địa phương. Việc tổ chức cập nhật và nghiên cứu sớm nội dung này giúp cho đội ngũ cán bộ Đồng Tháp có thêm những thông tin mới và quan trọng để nâng cao nhận thức, mở rộng tầm nhìn, từ đó có được những quyết định đúng đắn khi xử lý những vấn đề lâu dài và trước mắt của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

Tại hội nghị, đại biểu được thông tin tóm tắt về những đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN4), một số tác động của cuộc CMCN4 đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và những kiến nghị chính sách để nước ta bắt kịp với xu thế thời đại.

Dẫn nguồn tài liệu từ nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam, tiến sĩ  Nguyễn Thắng cho biết: cuộc CMCN4  đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học, là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS). So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng thì tốc độ phát triển của CMCN4 là theo cấp số nhân, không có trong tiền lệ lịch sử.

Cuộc CMCN4 có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp, bao gồm toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Đáng kể, CMCN4 đang được hình thành trên nền tảng của công nghệ số với kết quả là một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, thay đổi cách thức tương tác, giao tiếp, phương thức sản xuất... Chính những đột phá về công nghệ trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu, internet vạn vật, người máy, điện thoại di động và ứng dụng công nghệ in 3D đã giúp giảm mạnh áp lực chi phí đẩy đến lạm phát toàn cầu nhờ chuyển đổi sang một thế giới hiệu quả, thông minh và sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn.

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn hạn đến trung hạn, có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể, góp phần tạo ra những công nghệ mới và thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ. Chính vì vậy mà cuộc CMCN4 đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, với sự giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thắng cũng đề cập đến một loạt cơ hội và thách thức, nhất là trong trung hạn và dài hạn mà cuộc CMCN4 tác động đến Việt Nam, tập trung và những tác động tích cực đến tiêu dùng, giá cả và môi trường. Tuy vậy, khác với các nước tư bản phát triển, nhất là các nước có trình độ công nghệ cao, quá trình điều chỉnh ở Việt Nam sẽ phải chịu nhiều thách thức hơn do phát sinh ra những vấn đề mới liên quan đến tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất. Tác động này có sự khác biệt giữa các ngành theo phân loại truyền thống, trong đó nhóm ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam sẽ phải chịu tác động mạnh nhất vì những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D, đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam do làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn đã trình bày, tiến sĩ Nguyễn Thắng kết luận, những diễn biến trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cho thấy chúng ta đang tiến tới một cuộc cách mạng công nghiêp làm thay đổi cơ bản lối sống, phong cách làm việc và cách thức giao tiếp... Với tốc độ nhanh theo cấp số nhân, đây sẽ là “cơn bão táp công nghệ”  làm thay đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam mà nếu vận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, ta sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Phát biểu kết thúc buổi cập nhật kiến thức, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan khẳng định, vai trò của tri thức đối với cuộc CMCN4 là rất lớn, thế giới đang“tưới chất xám lên những cánh đồng”, xu hướng chia tay dầu hỏa để đón chào công nghệ là hiện hữu. Từ đó, yêu cầu tất cả cán bộ hãy luôn suy nghĩ và vận động theo cái mới và không ngừng học hỏi, sáng tạo với cả động lực lẫn“tham vọng”, phải nhanh hơn, linh động hơn trước cơn vũ bão của cuộc CMCN hiện đại đang chờ phía trước. Bí thư Tỉnh ủy cũng thông tin, trong kế hoạch từ nay đến năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ của tỉnh, trước hết sẽ tổ chức định kỳ hàng quý trong năm 2017, theo đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cơ quan chủ trì phối hợp các ngành giúp Tỉnh ủy duy trì thực hiện.

Buổi chiều cùng ngày, đại biểu tiếp tục dự hội nghị với việc học tập, quán triệt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII và các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Tỉnh uỷ do các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ triển khai. Hội nghị sẽ kết thúc vào sáng ngày 03/12.

Phạm Ngọc Hân

Ban Tuyên  giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất